Tăng cường đào tạo nghề giúp người dân thoát nghèo

(Mặt trận) - Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là một trong 7 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dự án với tổng kinh phí được phê duyệt là 15.300 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân vùng nghèo, vùng khó khăn nâng cao nhân lực, tìm kiếm việc làm, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát triển nghề nghiệp giúp người dân thoát nghèo

Mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp cho vùng nghèo, vùng khó khăn được xác định cả về quy mô và chất lượng đào tạo, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các địa phương, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, dự án còn hướng tới đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Nhằm giúp người dân vùng nghèo, vùng khó khăn tìm kiếm việc làm, dự án cần cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên các địa bàn.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp, người lao động sinh sống trên địa bàn các địa phương; đồng thời tăng cường sự phối hợp tham gia giám sát việc triển khai thực hiện dự án này đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả.

 

Các địa phương tập trung đầu tư công tác đào tạo nghề cho người nghèo

Xác định con người là yếu tố trung tâm, những năm qua tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan hữu quan tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, kĩ năng, qua đó giúp người dân có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 8.000 người, bao gồm: cao đẳng 150 người, trung cấp 750 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 7.100 người. Nguồn kinh phí được huy động từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới; ngân sách địa phương; nguồn xã hội hóa và các nguồn khác.

Hiện nay, Hà Giang có 1 Trường cao đẳng, 2 Trường trung cấp và 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên triển khai đào tạo nghề cho người lao động trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương có thể đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo nguyện vọng của người lao động. Tất cả lĩnh vực đào tạo đều có kết nối với doanh nghiệp, học viên được định hướng nghề nghiệp. Với các ngành nghề như may, chăn nuôi thú y, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô… khi học xong doanh nghiệp đã chủ động tuyển dụng, giúp tư vấn định hướng. Sau khi tốt nghiệp, học viên có việc làm đúng ngành nghề chiếm khoảng trên 70%, đặc biệt, có những ngành nghề như công nghệ ô tô, nghề may, hầu như học xong học viên đều đi làm đúng chuyên ngành.

Ngoài ra, đối với thị trường ngoài nước, các trường và trung tâm đào tạo của tỉnh Hà Giang đã tiếp cận một số doanh nghiệp để đưa học viên theo diện lao động xuất khẩu, du học, kỹ sư sang các nước.

Đào tạo nghề cần đúng hướng, sát thực tế

Việc đào tạo nghề một cách đúng hướng, sát thực tế và triển khai theo định hướng bền vững, lâu dài giúp người học an tâm, được học nghề một cách bài bản. Qua đó giúp người học có nghề nghiệp, nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác giáo dục nghề nghiệp cho vùng nghèo, vùng khó khăn được xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên thực hiện hàng đầu theo tinh thần Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 1.850 người (trong đó có 420 người dân tộc thiểu số), tạo việc làm tăng thêm ước cả năm 2022 đạt 13.200 lao động, bằng 100% kế hoạch năm, đảm bảo cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đề ra một số giải pháp, như: Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp; thí điểm xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo hoặc đào tạo lại cho người lao động; điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo yêu cầu về kỹ năng nghề trong tương lai; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập... nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo trên cả nước.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều