“10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”

(Mặt trận) - Sáng ngày 6/9, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Lễ trao 10.000 suất cơm cho khoảng 3.000 người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; nhà báo Lê Anh Đạt, Bí thư Chi bộ, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết; đại diện một số nhà tài trợ, tổ đội tình nguyện tham gia hỗ trợ chương trình.

Quang cảnh buổi lễ 

Tại buổi lễ, Báo Đại Đoàn Kết phát động chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, với mong muốn đóng góp, chung tay cùng các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ kinh phí, vật chất để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong đại dịch, cùng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đảm bảo an sinh cho người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khó khăn mà không được trợ giúp.

Hoạt động này của Báo Đại Đoàn Kết cũng chính là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19.

Phát động chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, Việt Nam đang đối mặt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 chưa có tiền lệ trong lịch sử. Làn sóng đại dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nghèo, đặc biệt người nghèo thành thị, người vô gia cư, người mắc bệnh nan y, lao động tự do…

“Các thành phố lớn đóng cửa, cửa hàng cơm cũng dừng hoạt động. Bữa cơm lót dạ qua ngày đang trở thành nỗi quan tâm đặc biệt của những người lao động cứ “hết mồ hôi là hết tiền”. Để có cơm ăn hằng ngày đối với người yếu thế trong xã hội, vốn có cuộc sống bấp bênh, ngày bình thường đã chẳng dễ gì nên trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành lại trở nên cấp bách hơn”, nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài trao bảng tượng trưng 10.000 suất cơm cho người nghèo đến Bếp ăn 0 đồng của chị Nguyễn Hoài Sương. Ảnh: Quang Vinh. 
Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng với việc kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch đã huy động được nguồn lực lớn từ trong và ngoài nước để tiếp sức, hỗ trợ kịp thời người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như góp sức cùng Chính phủ mua vaccine tiêm kịp thời cho nhân dân.

Nay, dịch diễn biến phức tạp kéo dài, khó lường, nhiều thành phố phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, nhiều người không kiếm được tiền, lại ở trong tình cảnh “ai ở đâu ở đấy”, có người mang trọng bệnh, có người không nhà cửa sống lay lắt qua ngày bên lề đường, gầm cầu…, trong khi cuộc chiến chống dịch kéo dài khiến nhiều người thấm mệt, kiệt quệ, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

“Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã cùng với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến hầu hết các điểm nóng chống dịch Covid-19 từ khi dịch bùng phát đến nay nên thấu hiểu khó khăn của người dân. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến giao Báo Đại Đoàn Kết huy động nguồn lực, triển khai chương trình tiếp sức người yếu thế đang vật lộn trong trong khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Báo Đại Đoàn Kết phát động Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” và bắt đầu bằng việc trao 10.000 suất cơm đến 3.000 người đang khó khăn ở địa bàn TP Hà Nội, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 5/9/2021”, nhà báo Lê Anh Đạt thông tin.

Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cho biết thêm, chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” được Báo Đại Đoàn Kết chính thức phát động ngày 6/9/2021 sẽ phối hợp các chính quyền địa phương; các tổ, nhóm tình nguyện thực hiện cho đến khi nước ta khống chế được dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.

Báo sẽ liên tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cùng các chính quyền địa phương; các tổ, nhóm tình nguyện chăm lo cho người nghèo trên cả nước.

"Chỉ trong 3 ngày phát động, lại đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhưng Ban Tổ chức chương trình đã nhận được sự ủng hộ về tiền, hiện vật, thực phẩm, ước khoảng 50.000 suất cơm trị giá gần 1 tỷ đồng, vượt xa con số dự tính ban đầu là 10.000 suất. Hiện chương trình đang lan tỏa mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đăng ký đồng hành và con số ủng hộ sẽ còn tăng trong thời gian tới", nhà báo Lê Anh Đạt cho biết.

Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt khẳng định, ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn qua chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa những giá trị của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

 Chi đoàn Báo Đại Đoàn Kết tham gia hỗ trợ suất cơm cho người nghèo. Ảnh: Phạm Quang Vinh. 
Chương trình Cơm cho người nghèo trong đại dịch là cách làm thiết thực hưởng ứng Chương trình lớn “Triệu suất quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” mà MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên, Hội Chữ thập đỏ đang triển khai, cũng là để thực hiện Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chung tay với cả nước chiến thắng đại dịch.

"Trong chương trình hôm nay, hy vọng sẽ nối dài thêm vòng tay nhân ái, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp yêu thương, đùm bọc để cùng vượt qua dịch bệnh", nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ.

Cùng với nhiều hành động trước đó, từ ngày 25/8, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”. Báo Đại Đoàn Kết đã ngay lập tức hưởng ứng, và hành trình "10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” - hoạt động đầu tiên của chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” là hành động rất cụ thể.

Để chuẩn bị cho hoạt động ý nghĩa này, ngay từ đầu tháng 9, báo Đại Đoàn Kết đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ chương trình và đã nhận được nhiều nghĩa cử nhân ái, hỗ trợ kịp thời, đó là cơ sở quan trọng để báo thực hiện ngay việc tiếp sức và đồng hành với các tổ thiện nguyện, chuyển 1.000 suất ăn đầu tiên cho người nghèo khó trong hai ngày 4, 5/ 9 vừa qua.

Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao hoạt động thật sự ý nghĩa này của bao Đại Đoàn Kết. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những người yếu thế trong xã hội vốn đã có cuộc sống bấp bênh sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.

“Mong rằng qua chương trình ý nghĩa này của Báo Đại Đoàn Kết sẽ khơi dậy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tình nghĩa đồng bào để mọi người cùng gắn bó, sẻ chia lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ và cam kết dù công việc kinh doanh cũng đang chiu ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng với trách nhiệm xã hội, đơn vị sẽ luôn sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé, cùng các tổ chức để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, cùng đóng góp để đảm bảo xã hội không có người thiếu ăn thiếu mặc. Doanh nghiệp cũng mong muốn, chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế để cùng nhau vượt qua những hoàn cảnh khó khăn này.

 Chị Nguyễn Hoài Sương, đại diện bếp ăn 0 đồng chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh. 
Chị Nguyễn Hoài Sương, đại diện bếp ăn 0 đồng - nhóm thiện nguyện cùng phối hợp với báo Đại Đoàn Kết thực hiện chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, chia sẻ, ý tưởng bếp ăn 0 đồng của chị Sương là từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách, chị cùng những người bạn nghĩ rằng thời điểm này những người vô gia cư là những người cần đồ ăn mỗi ngày nhất. Bởi họ bị ảnh hưởng công việc mưu sinh, họ không còn những cửa hàng ăn để có thể xin cơm. Và bếp 0 đồng ra đời từ đó. Những ngày đầu tiên bếp chỉ nấu được 50-70 suất nhưng với những sự giúp đỡ, kết nối từ nhiều các tình nguyện viên, số lượng các suất ăn cũng tăng dần.

Chị Sương chia sẻ, để thực hiện bếp ăn 0 đồng này, chị cùng các tình nguyện viên cũng đã gặp khá nhiều khó khăn như việc bảo đảm 5K trong suốt quá trình nấu ăn, đi phát cơm, lượng tình nguyện viên ở ngoài khu vực nơi bếp ăn cũng không thể di chuyển vào trong khu do sự kiểm soát của Ban quản lý tào nhà,… Và vượt qua mọi sự khó khăn, bếp 0 đồng vẫn cố gắng duy trì mỗi ngày, chưa từng nghỉ một ngày trong suốt 45 ngày Hà nội thực hiện giãn cách.

Nhưng chỉ trong 2 ngày đầu tiên kết hợp với báo Đại Đoàn Kết thực hiện chương trình “10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, bếp của chị đã làm được 500 suất ăn mỗi ngày - con số gấp đôi ngày thường. Đặc biệt, những suất ăn vẫn phải đảm bảo chất lượng, bởi đây là sự sẻ chia với những người vô gia cư, sẻ chia sự khó khăn trong đại dịch.

“Hy vọng, bếp sẽ được đồng hành cùng với báo Đại Đoàn Kết trong suốt chương trình “10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào những hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa.” Chị Sương mong muốn.

Lan Anh - Vũ Mạnh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều