Bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa

(Mặt trận) - Phát triển du lịch văn hóa và bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số có tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau. Du lịch sẽ khó phát huy hiệu quả kinh tế nếu tách rời với bảo tồn và khai thác có hiệu quả tài nguyên, di sản văn hóa truyền thống. Ngược lại, di sản văn hóa truyền thống các dân tộc khó được bảo tồn và phát huy nếu thiếu sự đầu tư, góp công sức của cộng đồng trong gìn giữ. Bài viết đề xuất một số giải pháp bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa.

Bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch: Một số thành tựu đạt được

Văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc Việt Nam là sự thống nhất những giá trị chung của cộng đồng 54 dân tộc, đồng thời mang đậm nét bản sắc sự đa dạng, khác biệt văn hóa mỗi tộc người, được thể hiện ở phong tục tập quán, các nghi lễ, hội, trang phục đặc trưng, kho tàng văn học nghệ thuật, tục ngữ, ca dao, hội họa, kiến trúc... Nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia cũng như di sản văn hóa thế giới, tiêu biểu như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan Phú Thọ...

Hàng năm, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó nhiều lễ hội dân gian, mang tính cộng đồng, là chất liệu giá trị để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch văn hóa. Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa thông qua việc gắn văn hóa với thúc đẩy du lịch phát triển.

Luật Du Lịch năm 2017 tại Điều 4 về nguyên tắc phát triển du lịch, khẳng định: 1. Phát triển du lịch bền vững theo kế hoạch, chiến lược, quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; 2. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.

Luật Di sản văn hóa đã khẳng định: Di sản văn hóa bao gồm di sản vật thể và phi vật thể là sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều 12 Luật Di sản nêu rõ: Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích: Phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục đích toàn xã hội; Phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Luật Di sản cũng đã nêu việc bảo vệ các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Du lịch văn hóa tiếp tục được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755 ngày 8/9/2016, trong đó khẳng định: Công nghiệp văn hóa sẽ trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, gắn với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, có đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân...

Thành quả hơn 35 năm đổi mới đất nước, cùng với sự tăng trưởng kinh tế đều đặn, nghèo đói đã giảm, Việt Nam đang là quốc gia có thu nhập trung bình, cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần trước đổi mới, đạt 3512 USD/người/năm, là cơ sở để khẳng định du lịch đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu của một bộ phận đông đảo Nhân dân. Đây vừa điểm tựa để du lịch với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp, vừa nhằm tiếp tục khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra hàng triệu việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Luật Du lịch năm 2017 tại Điều 4 về nguyên tắc phát triển du lịch, khẳng định phát triển du lịch văn hóa bền vững trên cơ sở xác định rõ 3 nội dung: Môi trường bền vững, xã hội bền vững, kinh tế bền vững. Không để xảy ra tình trạng hủy hoại, hy sinh môi trường tự nhiên để phát triển kinh tế. Không thể vì nhu cầu thái quá, bất bình thường của một số ít du khách mà làm phai mờ bản sắc, phá vỡ văn hóa truyền thống, hy sinh lợi ích chung của cộng đồng.

Phát triển du lịch văn hóa bền vững đã được ngành du lịch và văn hóa tại nhiều địa phương ý thức rõ, đó là không khai thác cạn kiệt các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh lợi ích kinh tế lâu dài. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội, chợ phiên, như: Thổi khèn, hát giao duyên lồng ghép với các hoạt động bán hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, chế biến và thưởng thức ẩm thực từng địa phương đã được phục dựng, duy trì... tạo nhiều việc làm, vừa là bảo tồn tài nguyên văn hóa vừa là thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước tiến của phát triển.

Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô, tháng 12/2022. Ảnh: Quang Vinh.

Du lịch văn hóa lịch sử gắn với việc chiêm ngưỡng, khám phá không gian văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần Đắk Lắk - di sản văn hóa phi vật thể, di sản nghệ thuật xòe Thái (người Thái ở vùng Tây Bắc)... Du lịch lễ hội gắn với các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc, cũng như trải nghiệm văn hóa phi vật thể, chiêm ngưỡng, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa, điệu xòe đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như lễ hội Gầu Tào (Hà Giang, Lào Cai)... Mo Mường (Hòa Bình), nghệ thuật Khèn của người Mông (Mộc Châu, Sơn La), Lễ hội Kate của đồng bào Chăm (Ninh Thuận), Nhã nhạc Cung đình Huế... vừa phong phú, vừa độc đáo phản ánh sắc thái văn hóa vùng miền, từng dân tộc. Thông qua lễ hội, con người được trao truyền, lưu giữ những giá trị đạo đức, sống thiện lương cũng như luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những bậc anh hùng dân tộc, chống thiên tai địch họa, dẹp nạn, cứu dân lành...

Trên cơ sở phân loại danh mục các loại hình, thể loại di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng như sắp xếp dựa trên các tiêu chí đạt cấp quốc tế, quốc gia, địa phương, đã bước đầu đầu tư kinh phí thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn. Bảo tồn, gìn giữ văn hóa phi vật thể tuy khó khăn bởi chủ yếu lưu giữ bằng trí nhớ, lưu truyền bằng con đường truyền miệng, nhưng đến nay nhiều di sản văn hóa đã được sưu tầm, được lưu giữ, nhiều lớp học đã được mở ra thu hút nhiều người dân đến học tập, truyền dạy, đặc biệt là các bài ca trù, hát chèo, hát xẩm, chuyện kể dân gian, nghi thức lễ hội, những trò chơi dân gian... tại nhiều địa phương, góp phần sớm được đưa vào khai thác, sử dụng.

Một số giải pháp bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch văn hóa

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự lớn mạnh của quốc gia dân tộc. Văn hóa cần được nhận thức và thẩm thấu trong hành động không chỉ ở các cấp cán bộ lãnh đạo quản lý, mà còn ở mỗi người dân Việt Nam, bởi đó là cốt lõi các hoạt động vật chất và tinh thần của con người, là các giá trị mà con người đã tạo ra trong quá trình sống, chinh phục tự nhiên và xã hội. Văn hóa là động lực của đời sống xã hội, do đó văn hóa không thể bị xem nhẹ, không thể đứng ngoài kinh tế và chính trị, cũng như kinh tế không thể tách rời chính trị, tách rời văn hóa.

Hai là, định vị, xây dựng các sản phẩm, thương hiệu du lịch văn hóa đặc sắc trong tâm trí du khách trên cơ sở bảo tồn, khôi phục các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo từng vùng miền đi đôi với kích cầu du lịch. Điều này đồng nghĩa với phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch, kế hoạch của mỗi điểm đến du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và sự hấp dẫn của tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể của từng vùng đồng bào dân tộc, được kích hoạt bởi các doanh nghiệp hoạt động du lịch chuyên nghiệp sẽ quyết định hiệu quả hoạt động du lịch, cũng như việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Ba là, kết hợp, lồng ghép các phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch có uy tín với du lịch cộng đồng là người dân tộc tại địa phương theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kết hợp du lịch thăm quan, lưu trú với thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng gia tăng sức khỏe du khách cũng là nhằm khai thác có hiệu quả các tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú cho du khách. Khắc phục điểm nghẽn trong phát triển du lịch văn hóa chỉ trở thành hiện thực khi đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, như ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng; giảm 50% tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các khu nghỉ dưỡng, homestay cũng như thực hiện ưu đãi các nhà đầu tư có tâm huyết với sự nghiệp du lịch và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Năm là, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp cần được bắt đầu từ chuẩn hóa giáo viên đến chương trình đào tạo, kết hợp liên kết đào tạo với nước ngoài, nâng cao các kỹ năng mềm cho học viên cũng như cán bộ ngành văn hóa có chuyên môn cao, tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Sáu là, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh kết hợp chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin nhằm quảng bá sản phẩm văn hóa nghệ thuật, ẩm thực độc đáo, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nguyễn Trần Thành - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguyễn Lê Hà An - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều