Bảo tồn và phát huy các giá trị kinh tế - văn hóa làng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam

(Mặt trận) - Những năm qua, nhiều lĩnh vực ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đồng bộ, bền vững kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái vùng miền núi của tỉnh. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Điệu múa Tung Tung Ya Yá của đồng bào Cơtu (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN

Vùng miền núi Quảng Nam chiếm hơn 80% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, đây là vùng căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có vị trí chiến lược quan trọng về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh biên giới, môi trường sinh thái của cả tỉnh và khu vực, đồng thời là địa bàn cư trú từ lâu đời của các dân tộc thiểu số. Là vùng đất có hơn 25 tộc người định cư sinh sống, theo số liệu điều tra 1/4/2019 thì tổng dân số: 1.495.812 người; trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số là 1.355.222 người (chiếm 90,6%), các dân tộc thiểu số khác có 140.590 người (chiếm 9,4%). Trong số các dân tộc thiểu số, 4 dân tộc định cư lâu đời có tổng số dân lên đến 132.060 người, chiếm 93,9% tổng số người dân tộc thiểu số toàn tỉnh, gồm: dân tộc Cơ Tu (55.091 người), Xơ Đăng (47.268 người), Gié - Triêng (23.222 người) và dân tộc Co (6.479 người). Phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống ở 9 huyện vùng trung du và miền núi phía Tây với hơn 136 nghìn người, chiếm 80,78% tổng số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, ở nhiều huyện tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 70% dân số, như: Tây Giang (91,4%), Nam Trà My (91,1%), Đông Giang (80,2%), Phước Sơn (72,1%).

Làng bản tộc người

Cũng như các tộc người thiểu số cư trú dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các tộc người thiểu số ở Quảng Nam có tổ chức xã hội cổ truyền duy nhất, cao nhất là làng - bản, tùy theo ngôn ngữ các tộc người có tên gọi khác nhau: Người Cơ Tu gọi là vêêl, bươl, krnon; người Xơ Đăng, Co gọi play… Nếu như trong ý thức của người Việt trước đây “nhà - làng - nước” là thiết chế xã hội mà họ gắn bó, đấu tranh để bảo vệ và hình thành nên những giá trị sản xuất, văn hóa, đạo đức, nhân văn… thì các tộc người thiểu số Quảng Nam chỉ có “nhà - làng” và ở đấy con người gắn kết cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày, tâm linh, quan hệ gia đình, xã hội cộng đồng tộc người. Họ có ý thức rất cao về: Dòng tộc làng gốc, tinh thần tập thể, không gian sinh tồn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với làng mình; ý thức của từng cá nhân, từng gia đình hoàn toàn chịu và bị lệ thuộc vào ý chí chung của làng, mà đại diện là người chủ làng và những già làng.

Mỗi làng có một ranh giới được phân định bằng con suối, cánh rừng, tảng đá, đỉnh núi… Làng có một nguồn nước chung, khu rừng nghĩa địa, vùng núi săn bắn, những vùng đất canh tác của các thành viên trong làng, ngôi nhà sinh hoạt chung của cả làng, nơi hội họp, tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng, vui chơi giải trí… (Người Cơ Tu gọi là nhà gươl, người Xơ Đăng gọi là nhà rông, người Gié - Triêng gọi là nhà ưng). Mỗi làng có một chủ làng, có một tập thể người già (Hội đồng già làng) là những người chủ của gia đình, chủ nóc (ở vùng người Xơ Đăng - Trà My) giúp việc cho chủ làng.

Về lưu vực cư trú

Trước đây, quy mô của làng khá lớn, có từ 300 - 500 người với từ 40 - 70 gia đình (nóc nhà, bếp), họ cư trú theo hình thức đại gia đình truyền thống từ 3 đến 4 thế hệ. Người Cơ Tu thích lập làng ở đầu nguồn con suối (con nước); người Gié - Triêng cả làng sinh sống trong một ngôi nhà dài phân chia thành nhiều phần mà cho từng gia đình theo kiểu đoàn tàu lửa, người Xơ Đăng trong mỗi làng lại chia thành nhiều nóc… Tuy có khác nhau về hình thức cư trú, nhưng điểm chung nhất là các gia đình thành viên (các nóc, các bếp) đều ở kề cận nhau để “tối lửa, tắt đèn có nhau”, “có miếng thịt thú rừng gọi nhau uống rượu”, “để có con thú dữ vào làng gọi nhau, đánh nhau”… có thể nói đặc điểm cư trú gần nhau là tập quán dựng nhà, lập làng của đồng bào, nó có tính thích nghi với đặc thù tự nhiên, nhất là đất có độ dốc lớn, dạng đất bằng ít, phân tán. Bên cạnh đó, đặc điểm cư trú của từng dân tộc đã tạo nên những sắc thái, giá trị văn hóa truyền thống khác nhau như mô típ lập làng theo vòng tròn hoặc vòng cung của người Cơ Tu, mỗi làng có một ngôi nhà sinh hoạt, bếp nước, tượng cồng làng của người Xơ Đăng… Nó hình thành nên nét riêng như “cây đa - bến nước - sân đình” của người Việt.

Cùng với những lợi thế trên, tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh hiện đang sở hữu nhiều ưu thế rất đặc biệt bởi những giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa độc đáo đa dạng của 4 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu, gồm: Cơ Tu, Cor, Giẻ Triêng và Xơ Đăng với nhiều nét đặc trưng văn hóa về đời sống, phong tục tập quán, ẩm thực rất đặc sắc. Đây cũng là địa bàn có nhiều cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, sự đa dạng về hệ thực vật, thảo dược quý nổi bật là cây Sâm Ngọc Linh quý giá thuộc huyện Nam Trà My, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), rừng cây Di sản Pơmu, rừng Đỗ Quyên và Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (Tây Giang)… Với những lợi thế được thiên nhiên và lịch sử ban tặng cho Quảng Nam, như vậy có thể nói tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Nam rất đa dạng và cũng rất đặc sắc.

Bên cạnh đó, thời gian qua ở vùng đồng bào thiểu số Quảng Nam đã có phong trào khôi phục nhà làng truyền thống, nhất là vùng người Cơ Tu, tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các làng dựng lại nhà làng. Sự hiện diện của nhà làng chính là sự hiện diện một cách sinh động những nét văn hóa cộng đồng làng: Người dân trở lại với những tập quán chung vai, chung sức lo việc làng, nhiều loại hình văn hóa văn nghệ dân gian, nghệ thuật kiến trúc truyền thống được khôi phục, người nghệ nhân được tôn vinh, ngăn chặn được cái xấu từ bên ngoài vào cộng đồng làng, làng có được một thiết chế văn hóa vừa cổ truyền vừa hiện đại.

Về trưởng làng, bản (già làng)

Trong xã hội truyền thống của người đồng bào thiểu số Quảng Nam, người chủ làng là người đứng đầu bộ máy tự quản của làng, là người có quyền cao nhất trong việc đưa ra những phán quyết mọi công việc của làng, từ các hoạt động sản xuất; quan hệ cộng đồng; giải quyết quan hệ với cộng đồng bên ngoài; quyết định xử lý theo luật tục đối với thành viên của làng mình và những hành vi xâm hại của người cộng đồng khác xảy ra trên phạm vi đất đai của làng; Về tín ngưỡng… Chủ làng là người cao tuổi, có kinh nghiệm trong sản xuất, thiên văn, am hiểu phong tục tập quán, là người giỏi giang trong hầu hết các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn, chủ làng là người có uy tín, có đạo đức, mẫu mực, được mọi thành viên trong làng nể phục, tôn trọng và nghe theo. Người chủ làng có quyền lợi, nghĩa vụ như dân làng.

Người chủ làng thực hiện vai trò, nhiệm vụ, chức năng của mình gắn liền với tổ chức hoạt động của một tập thể những người già (Hội đồng già làng). Hội đồng già làng tập hợp những người già cao tuổi của các gia đình thành viên trong làng (được xem như những người đại diện cho các gia đình). Hội đồng già làng hoạt động theo phương pháp bàn bạc, quyết định tập thể, giúp cho chủ làng đưa ra những phán quyết trên tinh thần tập thể (số đông) của Hội đồng già làng. Hội đồng già làng không phải là một tổ chức trong xã hội truyền thống của những định chế cụ thể, mà đây chỉ là một kiểu tổ chức tư vấn “tập tục tập thể” của cộng đồng hình thành trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày của một bản, làng. Điều đáng chú ý ở đây là vai trò, chức năng, hoạt động của Hội đồng già làng được xem như là ý kiến của toàn dân làng và chủ làng, dân làng phải tôn trọng làm theo, kể cả quyết định bãi miễn, cắt chức chủ làng khi Hội đồng già làng xét thấy chủ làng không còn đủ tư cách, uy tín, khả năng đảm đương công việc.

Thực tế hiện nay, bề ngoài các hoạt động họp thôn, làng để phổ biến, triển khai, bàn bạc công việc của Đảng, Nhà nước, thì vẫn tồn tại một hình thức sinh hoạt mạn đàm, trao đổi ý kiến của những người già, cao tuổi trong làng và những quyết định của họ luôn chi phối đến hoạt động của cả làng. Đặc tính coi trọng kinh nghiệm (như là nếp nghĩ hành động theo chủ nghĩa kinh nghiệm); tôn trọng người già, cao tuổi là một trong những tư chất của người dân tộc thiểu số, cho nên trong nếp nghĩ và hoạt động sống “ẩn náu, âm thầm” của đồng bào trong từng bản làng vẫn còn tồn tại ở mức độ không nhỏ. Vai trò, chức năng của người chủ làng và những người già làng. Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn và cả cán bộ lãnh đạo của xã nhưng phải gắn mình trong cộng đồng làng; ở trong ấy lại là cha, chú, bác của mình và họ cũng nằm trong dòng chảy chịu sự chi phối của hoạt động cộng đồng.

Mặc dù có những biến đổi về cơ cấu tổ chức xã hội ở một số địa bàn như: Vùng thị trấn, nơi có giao thông thuận lợi, nơi có đồng bào Việt cận cư nhưng về cơ bản vùng đồng bào thiểu số Quảng Nam vẫn còn bảo lưu cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống của họ, đó là tổ chức xã hội làng với những định chế lãnh đạo, điều hành và tuân thủ sự điều hành theo những thông lệ mà người ta gọi là luật tục. Mô hình và thiết chế điều hành, quản lý xã hội cổ truyền của đồng bào các tộc người từ sau ngày giải phóng đến nay vẫn còn được duy trì bên dưới bộ máy hành chính của Đảng và Nhà nước đang áp dụng và thực thi. Đây là một vấn đề cần phải được nghiên cứu và suy nghĩ để tính toán một phương pháp tổ chức, quản lý, điều hành về mặt hành chính, kinh tế, xã hội và nhất là chính trị đối với vùng dân tộc thiểu số có điểm xuất phát từ một xã hội sơ khai chưa có áp bức, bóc lột, chưa có giai cấp để xây dựng xã hội mới. Có thể phát huy những yếu tố cổ truyền và thiết chế xã hội truyền thống, trong đó có nhiều yếu tố: tính cộng đồng, tập thể dân chủ (dù rằng là sơ khai) để xây dựng một thiết chế xã hội mới tiên tiến. Cần nghĩ, nhìn nhận, đánh giá về con người, xã hội, các quan hệ xã hội của đồng bào các tộc người thiểu số Quảng Nam theo quan điểm kế thừa truyền thống phát huy tập quán tốt đẹp, tích cực để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào và tổ chức thực hiện phù hợp tính đặc thù mang lại hiệu quả cao. Ở đây chúng ta thực hiện sự phối hợp giữa tính truyền thống với tính hiện đại, giữa tồn tại cổ truyền với yêu cầu đương đại. Nên chăng xem xét và khẳng định những yếu tố, những biểu hiện tích cực về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người chủ làng và Hội đồng già làng cổ truyền để định ra một hình thức tổ chức có thể như là tập thể già làng, người uy tín trong cộng đồng có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không dừng lại ở công tác vận động. Dựa vào những quy định của tập quán để tổ chức của người già làng tham gia vào công việc của làng, thôn khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điều cần thiết là có những chế định cụ thể về phương thức tổ chức (dân chủ bầu cử, chọn người đứng đầu), hình thức hoạt động; những nội dung công việc (quyền hạn được làm, không được làm, tham gia những vấn đề gì…), xem đây là một tổ chức tư vấn, quản lý, đại diện ý chí cộng đồng đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Ban cán sự thôn và được cấp ủy, chính quyền tôn trọng khi giải quyết công việc của thôn, làng. Đối với tổ chức này, đề cao ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm của tầng lớp người già có uy tín.

Đất đai cổ truyền

Hoạt động kinh tế chủ đạo của đồng bào các tộc người thiểu số Quảng Nam là hoạt động kinh tế nương rẫy. Tư liệu sản xuất chủ yếu quan trọng nhất của đồng bào là đất đai canh tác, nương rẫy. Theo luật tục của đồng bào quy định thì đất đai nằm trong phạm vi của làng là của làng, thuộc về sở hữu tập thể, không ai có quyền phân chia. Một người dân được phân bổ diện tích đất đai cụ thể ở một nơi nào đó đều do dân làng bàn bạc cụ thể và thông qua Hội đồng già làng lấy ý kiến để chủ làng tuyên bố quyền sử dụng khai thác làm nương rẫy của người đó. Việc chuyển nhượng và thừa kế đất đai phải được làng đồng ý; người thiếu đất sản xuất được làng xem xét trích một phần đất của làng làm rẫy. Trong trường hợp chuyển cư đi sinh sống nơi khác thì đất đai của người đó được trả về cho làng để phân chia cho người khác hoặc làm đất dự trữ; nếu quay lại sẽ được trả lại đất. Quy mô đất đai của từng hộ gia đình nhiều hay ít đều phụ thuộc vào khả năng lao động của gia đình đó. Như vậy, về cơ bản người dân chỉ có quyền sử dụng, chiếm hữu đất đai chứ không có quyền sở hữu.

Có thể thấy rằng, chế độ sở hữu đất đai của đồng bào có những yếu tố hợp lý, tích cực; thiết chế điều hành cộng đồng trong một không gian “đất rộng, người thưa” để giải quyết quyền sở hữu, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng phần nào có hiệu quả. Bên cạnh đó, bản chất người dân ở đây coi trọng chữ tín, sống tuân thủ theo những lề thói của cộng đồng, sinh ra và lớn lên gắn bó với rừng, đất rừng nên trong tâm linh của đồng bào, rừng có ẩn chứa sự thiêng liêng và đồng bào ứng xử với rừng như một loại đạo đức, rừng là sự sống còn của họ. Có thể nói rằng, với đồng bào thì rừng và đất rừng đã trở thành một nền văn minh rừng và đồng hành, hòa quyện với điều này thì làng, cộng đồng làng chính là văn hóa làng, văn hóa làng rừng.

Với cách nghĩ thừa kế và phát huy những giá trị truyền thống trong văn hóa làng, và thực tế những năm qua, việc giao đất giao rừng cho các lâm trường với diện tích lâm phần quá lớn nhưng hoạt động hiệu quả không cao, quá nặng về khai thác gỗ. Từ đó, trong những năm qua, Quảng Nam đang thực hiện thí điểm chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng (được xem như là giao đến nhóm hộ), làng giao cho người dân theo “tập quán của dân tộc” để người dân quản lý, bảo vệ. Có thể hiểu như là Nhà nước giao đất và rừng cho đồng bào, để đồng bào ứng xử bằng tập quán pháp của cộng đồng, kết hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời sử dụng vai trò của người già làng, những người già có uy tín điều hành. Chủ trương này cho thấy đồng bào đồng tình, thể hiện rất rõ trách nhiệm của mình đối với rừng, một thứ tài sản quý giá của Nhà nước giao, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong những năm tới

Có thể thấy trong những năm qua, nhiều lĩnh vực ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém, khó khăn, đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đồng bộ, bền vững kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái vùng miền núi của tỉnh như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là địa hình hiểm trở, độ dốc lớn khó tổ chức sản xuất theo hướng tập trung để chuyển dịch cơ cấu theo hướng kinh tế hàng hoá và gây khó khăn trong đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi tuyến cơ sở xã, thôn; đặc biệt là đối với địa bàn các xã vùng cao, biên giới. Ở vùng cao phương thức sản xuất vẫn còn lạc hậu, chất lượng lao động thấp, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy và trình độ dân trí thấp, khó chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, ngành nghề thấp, bấp bênh.

Điểm xuất phát của thang bậc lịch sử xã hội còn thấp, người dân và cộng đồng vẫn còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, kìm hãm sản xuất và có tác động tiêu cực đến đời sống, sức khoẻ của đồng bào. Năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tri thức của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn chưa ngang tầm đòi hỏi của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp như lâm tặc, đào đãi vàng… Một số chính sách đầu tư của Nhà nước đối với vùng miền núi nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng hiệu quả chưa cao, cần điều chỉnh và tạo những động lực mới phù hợp với yêu cầu mới.

Từ những vấn đề tồn tại trên, để bảo tồn và phát huy các giá trị kinh tế - xã hội làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam cần thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

Một là, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống, năng lực sản xuất của người dân và hệ thống chính trị ở cơ sở cần tiến hành các biện pháp, giải pháp đồng bộ và cụ thể, mà mục tiêu quan trọng nhất là hướng vào con người, chủ nhân của núi rừng một cách toàn diện. Phải hỗ trợ, giúp dân loại bỏ càng nhanh càng tốt tập quán canh tác lạc hậu, chuyển dịch cho được với tốc độ nhanh, có chất lượng để hình thành nền sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện cho từng hộ dân và cộng đồng tại chỗ gắn bó với rừng, giữ được rừng, sống được bằng nghề rừng và giảm nghèo từ việc khai thác các thế mạnh đa dạng của rừng, đất rừng, các đặc thù khác về tự nhiên và văn hoá tộc người; có thể xem đây là cái nền của công nghiệp hoá ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Hai là, chuyển từ kinh tế nương rẫy, thuần nông, trồng cây lúa cạn sang trồng cây hàng hoá có giá trị, phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi: Trâu, bò, dê trở thành hàng hoá, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình theo mô hình V.A.C.R (vườn, ao, chuồng, rừng), tham gia quản lý, bảo vệ rừng để hưởng lợi, có sản phẩm bán ra ngoại vùng, có nguồn thu ngắn ngày, dài ngày để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày là hướng đi đúng. Phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò, dê ở hộ gia đình, trồng cây sắn, cây mây, cây nguyên liệu sẽ đảm bảo khả năng giải quyết nhu cầu lương thực và phát triển các ngành, nghề truyền thống, nghề mới có sản phẩm hàng hoá, phát triển các dịch vụ du lịch văn hoá, sinh thái… để đồng bào có nguồn thu bền vững, nâng cao mức sống của mình, không chỉ để thoát nghèo mà còn có khả năng tích luỹ làm giàu. Phát triển kinh tế hộ gia đình theo các hướng này sẽ tạo sự chuyển dịch kinh tế ở toàn vùng dân tộc góp phần hình thành cơ cấu kinh tế mới của tỉnh.

Ba là, tiếp tục đầu tư để kiên cố hoá và có thiết bị y tế cần thiết cho 100% trạm y tế xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế xã để hầu hết các xã có bác sỹ; tiếp tục có chính sách để phát động, động viên và thực hiện phong trào y, bác sỹ trẻ tình nguyện lên công tác ở vùng dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện chính sách cấp phát thuốc chữa bệnh không thu tiền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực III. Nghiên cứu và xây dựng các vườn thuốc Nam và sưu tầm, phổ biến các kinh nghiệm, bài thuốc, cây thuốc chữa bệnh dân gian của các dân tộc để chữa bệnh đồng thời lưu giữ, phát huy tri thức bản địa của đồng bào.

Bốn là, có các hình thức phù hợp để phát động phong trào xây dựng hộ dân, cộng đồng làng, gia đình điển hình về sản xuất giỏi, có văn hoá, đoàn kết tốt… để nhân rộng, làm trỗi dậy ý thức tự giác phấn đấu, tự hào của người dân, tự ái với nghèo đói, chống cái xấu, có hại từ bên ngoài vào.

Năm là, cần tiếp tục hỗ trợ, vận động đồng bào đẩy mạnh hơn phong trào khôi phục, dựng nhà sinh hoạt chung của cộng đồng làng, thôn. Xây dựng các làng nghề truyền thống, làng du lịch văn hoá - sinh thái ở dọc các tuyến đường liên vùng và đường Hồ Chí Minh, phát huy vốn văn hoá truyền thống các dân tộc ngay chính tại cộng đồng, tôn vinh những người có uy tín trong cộng đồng và các nghệ nhân.

Sáu là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ đạo sản xuất, tổ chức đời sống cho cán bộ xã, nhất là đối với cán bộ thôn bản. Xem thôn làng là một đơn vị cơ bản về tổ chức sản xuất và là đơn vị xã hội để hỗ trợ, đầu tư, chỉ đạo và xây dựng các mô hình, đồng thời chăm lo mọi mặt cho con người ở trong cộng đồng.

Võ Trung Tịnh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều