Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang

(Mặt trận) - Hà Giang là một tỉnh vùng núi cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc,   dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%... Trong đó có 6 dân tộc rất ít người (gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao, Phù Lá). Bên cạnh những thuận lợi, đời sống của người dân Hà Giang còn nhiều khó khăn, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bị mai một, đòi hỏi phải có giải pháp để gìn giữ và phát huy trong tình hình mới.
Giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn và phát huy 
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm rút ngắn khoảng cách về đời sống và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hà Giang đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh phối hợp với các cấp, các địa phương trong tỉnh khai thác thế mạnh của các thiết chế văn hóa cơ sở để bảo tồn, phát huy hiệu quả việc sưu tầm chọn lọc bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…

Cùng với đó là sự đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng nhiều tiếng dân tộc; tập trung tuyên truyền cổ động trực quan (pa nô, áp phích, khẩu hiệu), tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư; nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố…

Công tác sưu tầm, bảo tồn các lễ hội truyền thống được đặc biệt chú trọng: Lễ hội Cầu mùa; Lễ hội “Gầu tào” của người Mông; Lễ “Lẩu then” của người Tày; Lễ hội “Khu cù tê” của người La Chí; Lễ hội “Hoàng Vần Thùng” (cúng thần rừng) của người Mông, La Chí, Dao; hát dân ca dân tộc Nùng...

Tiếp tục củng cố tổ chức các đội văn nghệ quần chúng, như tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn ca, múa, nhạc truyền thống nhằm tạo cơ hội để Đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân của các huyện, thị gặp gỡ, giao lưu trao đổi về công tác bảo tồn và phát huy các gia trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Hoạt động này cũng góp phần đánh giá về tổ chức cũng như chất lượng nghệ thuật của các Đoàn, từ đó xác định hướng phát triển đúng đắn trong những năm tiếp theo. Tỉnh cũng xuất bản các ấn phẩm văn hóa có giá trị bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, cũng nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của từng dân tộc, cụ thể: sách song ngữ Mông- Việt; Những bài khèn của người Mông ở Hà Giang... tỉnh cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô (Mèo Vạc), dân tộc Dao (Bắc Quang), dân tộc Tày (Quang Bình); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông (Bắc Mê); xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng Nông thôn mới; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương tham gia giáo dục văn hóa truyền thống, lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học với nhiều hình thức phong phú…

Các cá nhân điển hình tiêu biểu là các cụ già làng, trưởng thôn, bản trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi họ là người trực tiếp giáo dục, khuyên dạy cho thế hệ trẻ con cháu biết cách giữ gìn, phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc như: sử dụng và kế thừa tính giáo dục chuyển tiếp truyền thống trong các gia đình có nhiều thế hệ tham gia công tác xã hội, nắm giữ và hiểu biết về các phong tục tập quán của dân tộc

Bên cạnh đó, công tác triển khai xây dựng và hoàn thiện các quy ước thôn, bản từ đó tuyên truyền sâu rộng cho người dân để thực hiện có hiệu quả. Việc bầu, chọn già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng họ, các thành viên là người có trình độ, uy tín trong gia đình, thôn, xóm tham gia vào xây dựng nếp sống mới trong phong tục tập quán (việc cưới, việc tang, lễ hội...). Để họ trực tiếp chỉ bảo, răn dạy con cháu, nhân dân trong thôn, bản. Đồng thời cũng là người tham gia chỉ đạo, tổ chức các phong trào sinh hoạt phong tục tập quán trong gia đình, thôn, bản và trên địa bàn. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng cán bộ thôn, xóm là những tri thức trẻ đã được đào tạo qua các trường lớp tham gia thực hiện nếp sống văn hóa trong phong tục tập quán, lựa chọn bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong các vùng, miền.

Hà Giang vốn là mảnh đất có nhiều tiềm năng về các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh..., các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển du lịch. Tỉnh đã tổ chức nhiều Lễ hội truyền thống trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh, như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thanh Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông...; cùng với đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông...

Việc kết hợp phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống, vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong tỉnh. Vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những giải pháp rất quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, cần tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa truyền thống của từng dân tộc cần được quan tâm hơn. Đây chính là hoạt động thiết thực nhất nhằm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của từng dân tộc; cần quan tâm, đầu tư phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội, phát huy vai trò của những người có uy tín, những nghệ nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở; làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; cần có kế hoạch tổng thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Đặc biệt trong kế hoạch cần có sự ưu tiên, lựa chọn cho các dân tộc ít người, các dân tộc vùng sâu, vùng xa về loại hình, biện pháp và chính sách về văn hóa.

Cao Thủy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều