Biến đổi của lễ hội Đền Hùng trong diễn trình lịch sử

Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc, là biểu tượng cao đẹp về giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện đầy đủ trí tuệ, đạo lý, cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn cao đẹp của nhân dân, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng hướng về nguồn cội, tổ tiên. Trong quá trình hình thành và phát triển, lễ hội Đền Hùng đã có những biến đổi sâu sắc phù hợp từng thời điểm lịch sử. Mặc dù có những biến đổi cùng với sự phát triển, trưởng thành của đất nước gắn liền với sự trường tồn của dân tộc qua mọi thời đại, nhưng lễ hội Đền Hùng mãi mãi là một biểu tượng văn hóa có giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại_Ảnh: TTXVN

Quá trình biến đổi của lễ hội Đền Hùng được thể hiện qua thời gian, không gian, nghi thức nghi lễ, trò chơi, trò diễn và vai trò của cộng đồng

Lễ hội Đền Hùng khởi nguồn từ lễ hội của các làng Vi, làng Trẹo, làng Cổ Tích (tỉnh Phú Thọ) đi cùng với hành trình lịch sử của dân tộc, lễ hội Đền Hùng đã được nâng lên thành quốc lễ để tưởng nhớ các Vua Hùng, người có công dựng nước và giữ nước. Nghiên cứu về lễ hội Đền Hùng trong diễn trình lịch sử, chúng ta dễ nhận thấy quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của lễ hội qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Từ việc xem xét lễ hội của các làng cổ đến việc tìm hiểu về việc thờ cúng các Vua Hùng và cùng với nó là việc tổ chức lễ giỗ, sự đóng góp của các sắc thái văn hóa truyền thống cổ xưa đã nâng tầm vóc lễ giỗ Tổ thành lễ hội Đền Hùng mang biểu tượng của dân tộc cùng với sự lan tỏa và ảnh hưởng của việc thờ cúng Quốc Tổ trong phạm vi toàn quốc. 

Về thời gian diễn ra lễ hội, thông qua thời gian diễn ra lễ hội tại Đền Hùng trong tiến trình lịch sử cho thấy, lễ hội Đền Hùng đã có sự thay đổi về thời gian tổ chức. Lễ hội Đền Hùng từ khi xuất hiện cho đến trước năm 1917 diễn ra vào tháng 8 âm lịch (mùa thu). Thời điểm này, thời gian diễn ra lễ hội Đền Hùng cũng trùng với thời gian diễn ra hội của hai làng Vi và Trẹo (tách ra từ làng He cổ thời vua Lê Thánh Tông). Từ năm 1917 đến nay, lễ hội Đền Hùng đã chuyền từ tháng 8 sang tháng 3 âm lịch (mùa xuân) hằng năm. Tại thời điểm này, lễ hội Đền Hùng lại diễn ra cùng với ngày chính hội của làng Cổ Tích xưa (từ ngày mồng 8 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch). Từ đó có thể nhận thấy, lễ hội Đền Hùng (trước đây chỉ là giỗ Tổ) đã có sự thay đổi về mặt thời gian, song việc thay đổi đó vẫn nằm trong thời gian diễn ra hội của ba làng cổ. Ở đây, lễ giỗ Tổ (hội nước) đã có sự kết hợp và đan xen với ngày hội của ba làng Cổ Tích, Vi, Trẹo (hội làng); nếu như giỗ tổ Vua Hùng nghiêng về các nghi thức nghi lễ, thì hội của các làng phong phú về các diễn xướng, trò chơi dân gian. Lễ giỗ là phần “Đạo”, còn hội các làng là phần “Đời”, một bên huyền bí thâm nghiêm, một bên là dân dã đời thường... Ngoài ra, hai thời điểm diễn ra lễ hội Đền Hùng đều nằm trong khung thời gian diễn ra các lễ hội ở miền Bắc nước ta. Điều đó đã được các triều đại phong kiến quy định rõ trong điển chế tế tự với hai kỳ cuộc xuân - thu. Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào tháng 8 âm lịch, đó là thời điểm cộng đồng cư dân chuẩn bị đón vụ mùa, họ tổ chức lễ hội ngoài ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh các Vua Hùng, còn mang hàm ý “cầu mùa”, cầu mong cho mùa màng năm đó được bội thu, tránh được tai ương, dịch bệnh. Khi chuyển thời gian tổ chức lễ hội vào tháng 3 âm lịch, đó là thời điểm cuối mùa xuân, ngoài việc thực hành các nghi thức, nghi lễ... giỗ Quốc Tổ, cộng đồng còn cầu mong cho một năm mới với mọi điều tốt lành, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi... để cư dân an cư lập nghiệp.

Về không gian diễn ra lễ hội, cũng giống như việc thay đổi thời gian tổ chức, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng hiện nay đã có sự thay đổi lớn và sự thay đổi này diễn ra theo tiến trình lịch sử của dân tộc. Trước thời Lê, không gian tổ chức lễ giỗ Tổ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã có sự hòa nhập với không gian tổ chức hội ở các làng cổ cạnh chân núi Hùng. Thời điểm này, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng mang tính làng xã khép kín - một không gian thiêng. Từ thời Lê Thánh Tông cho đến thời Hậu Lê, không gian diễn ra lễ hội Đền Hùng đã mở rộng không chỉ về không gian thiêng mà còn hàm chứa cả không gian địa lý. Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc các triều đại phong kiến đã định ra các điển chế tế tự, cử quan lại về tế lễ, đồng thời giao cho địa phương xây dựng và thờ cúng các Vua Hùng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Bên cạnh đó, không gian phụng thờ đã bắt đầu có sự lan tỏa, điều này được ghi nhận bằng việc 40 làng đã xây dựng điện thờ và thực hành các nghi thức, nghi lễ tưởng niệm và tôn vinh các Vua Hùng. Thời kỳ này, không gian lễ hội Đền Hùng đã hiện diện khắp vùng đất Phú Thọ, là đặc trưng cốt lõi để hình thành “không gian văn hóa vùng Đất Tổ”.

Sang đến thời Nguyễn, không gian phụng thờ và tổ chức lễ giỗ Vua Hùng lại được mở rộng và lan tỏa từ phạm vi “vùng đất” hướng tới phạm vi “miền đất” (từ miền Bắc đã hướng tới miền Nam). Điều đó được ghi nhận bằng việc triều đình phong kiến đã tưởng nhớ đến tổ tiên và đã rước bài vị các Vua Hùng vào thờ ở Miếu Lịch đại đế vương tại kinh thành Huế. Giai đoạn này, không gian lễ hội tại Đền Hùng tiếp tục được mở rộng ở miền Bắc và xuất hiện không gian thờ tự, thực hành nghi thức tế lễ tại kinh thành Huế - trung tâm thờ tự các Vua Hùng tại miền Trung nước ta. Từ sau năm 1945 đến trước đổi mới, đây là thời điểm cả nước đang dồn sức vào công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước, do vậy mà việc tổ chức lễ hội và không gian diễn ra cũng có sự thay đổi, lễ giỗ Tổ ít được quan tâm, chủ yếu là do dân ba làng tự tổ chức, còn không gian hội ở các làng bị thu hẹp, các trò chơi, trò diễn hầu như không được tổ chức.

Bước sang giai đoạn đổi mới (từ 1986 đến nay), không gian thờ cúng và không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng lại tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ. Nếu trước đây chỉ dừng lại ở không gian “vùng” tiến đến không gian “miền”, thì giai đoạn này đã mở rộng đến phạm vi không gian “quốc gia”. Nếu lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ Hùng Vương khởi nguồn từ Đền Hùng (Phú Thọ), nơi các Vua Hùng định đô dựng nước, theo dòng chảy thời gian các hoạt động lễ hội và tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã lan tỏa và ảnh hưởng rộng lớn đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội...) và ảnh hưởng vào miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai...) rồi tiến sâu vào dải đất phương Nam (Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang...). Tín ngưỡng thờ Hùng Vương không chỉ ở vùng nông thôn mà còn có ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Cần Thơ và ảnh hưởng mạnh mẽ tới thành phố lớn phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ năm 2010, Nhà nước đã quyết định chọn ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) là ngày “Quốc lễ” cho cả dân tộc. Có thể nói, ở thời điểm này, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng đã được lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, từ Bắc tới Nam, từ miền ngược xuống miền xuôi, từ trung du đến đồng bằng. Đồng thời, không gian tưởng niệm vua Hùng còn được mở rộng và lan tỏa sang đến các cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

 

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại lễ hội Đền Hùng_Ảnh: zingnews.vn

Về lễ vật dâng cúng, lễ vật dâng cúng trong lễ hội Đền Hùng đã có sự biến đổi. Lễ hội Đền Hùng được khởi nguồn từ lễ hội gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực được thể hiện thông qua vật dâng cúng. Lễ vật dâng cúng trước đây là những sản vật nông nghiệp do chính cộng đồng cư dân Phú Thọ khu vực cận Đền Hùng, tiêu biểu là làng Vi, làng Trẹo, làm ra. Điểm đặc biệt, vật dâng cúng trước đây trong lễ hạ điền (Hội làng He) ngoài lễ vật, trên mâm cúng thường có “3 đon mạ xanh” để con người tưởng nhớ đến Vua Hùng, người có công dựng nước, nhưng thành quả lớn nhất là Vua Hùng đã đặt nền móng khởi thuỷ nghề canh nông, trồng lúa nước “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”, tạo ra vật chất để duy trì sự sống con người. Từ nghề canh nông trồng lúa nước bao đời nay, đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc trở thành một trong những nước có sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Lễ vật dâng cúng Vua Hùng ngày nay vẫn là sản vật nông nghiệp và sản vật được chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp: Bánh chưng, bánh giầy là thành quả lao động của cha ông ta, phản ánh tư duy và trình độ phát triển của con người từ khi biết gieo trồng sau đó biết chế biến thành sản vật. Điều quan trọng là cả dân tộc biết tri ân, bày tỏ thể hiện lòng biết ơn tổ tiên thông qua lễ vật dâng cúng, biết ơn Vua Hùng có công dựng nước và khai sáng dân tộc.

Đến nay, lễ vật dâng cúng không phải chỉ là sản vật của cư dân Phú Thọ, mà là sản vật hoa thơm, trái ngọt gửi gắm trong đó là tấm lòng biết ơn tổ tiên của các cộng đồng dân tộc Việt. Bánh chưng, bánh giầy vẫn là lễ vật không thể thiếu gắn với tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước. Việt Nam có cơ cấu dân số 75% số dân nông thôn gắn với nông nghiệp, trong đó có nghề trồng lúa nước giữ vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp nước nhà. Do đó, lễ vật dâng cúng cần được bảo tồn, tránh sự biến dạng pha tạp làm mất đi nét văn hoá mộc mạc, chất phác thuần hậu của người Việt đã có từ xa xưa.

Về việc thực hành các nghi thức, nghi lễ, khi đề cập đến việc thực hành các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội Đền Hùng từ xưa đến nay, căn cứ vào các nguồn tư liệu biên chép để lại cho thấy, trước thời Lê (thời Lê Thánh Tông), lễ hội Đền Hùng chỉ thuần túy là lễ giỗ các Vua Hùng với tư cách là tổ tiên của người Việt, lúc này, cộng đồng cư dân địa phương chỉ cúng giỗ mà không tổ chức tế lễ. Từ thời Lê (thời Lê Thánh Tông) đến trước năm 1945, các triều đại phong kiến đã đặt ra điển chế tế tự cho việc giỗ tổ Vua Hùng. Đến đây, nghi thức nghi lễ chính thức hình thành và phát triển ở đỉnh cao, được thể hiện thông qua quy mô, đội hình, nội dung, cách thức, thời gian tế tự... mang tầm quốc lễ. Từ sau năm 1945 đến nay, nghi thức tế lễ các Vua Hùng đã được thay thế bằng nghi thức dâng hương mang tính giản đơn song vẫn giữ được sự trang trọng trong ngày hội. Như vậy, nghi thức nghi lễ diễn ra trong lễ hội Đền Hùng đã có sự thay đổi và quay về lại với thời kỳ ban đầu nhưng trên cơ sở kế thừa, đổi mới và nâng tầm ở giai đoạn hiện nay.

Về việc tổ chức các trò chơi, trò diễn hội Đền Hùng, căn cứ vào nội dung diễn trình lễ hội Đền Hùng năm 2010 cho thấy, việc tổ chức lễ hội hiện nay mang tầm quy mô quốc lễ, ngoài nghi thức tưởng niệm, các trò chơi, các sinh hoạt văn hóa khá đa dạng, được thể hiện bằng việc đưa thêm một số các trò diễn như: xây dựng kịch bản và sân khấu hóa về lễ hội Đền Hùng, nghi thức đánh trống đồng..., những trò chơi, trò diễn cổ xưa gắn với làng xã bị mai một dần. Hiện nay chỉ giữ lại được một số trò diễn nhưng đã được sân khấu hóa trong không gian lễ hội Đền Hùng như: tùng dí, bách nghệ khôi hài, hát xoan, gói bánh chưng, bánh giầy. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay, ngoài việc đa dạng hóa các trò chơi, trò diễn mang hơi thở của thời đại, hội đền Hùng cần phải có định hướng phục hồi các trò chơi, trò diễn cổ xưa, từ đó bảo tồn và phát huy chúng trong không gian của hội đền Hùng hiện nay.

Về vai trò của cộng đồng trong lễ hội, lễ hội Đền Hùng ngày nay là một trong các lễ hội được bồi đắp các lớp văn hóa theo tiến trình lịch sử dân tộc, sự bồi đắp đó được thể hiện trong đời sống văn hóa cộng đồng và luôn được cộng đồng cư dân làm bệ đỡ nền tảng vững chắc. Chính vì vậy, ưu thế vượt trội của lễ hội Đền Hùng từ xưa đến nay đều mang ý nghĩa cộng đồng cao. Lễ hội Đền Hùng xưa có sự tham gia của cộng đồng, nhưng trong phạm vi cộng đồng của các làng cổ quanh chân núi Hùng; lúc này, cộng đồng mang tính khép kín và bó hẹp ở không gian nhỏ. Từ thời Lê Sơ trở đi, lễ hội Đền Hùng phát triển mạnh, cộng đồng ở đây chính là cư dân các làng xã xung quanh khu vực Đền Hùng, chủ yếu là nhân dân các xã thuộc huyện Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì). Tư liệu dân gian cho biết, xung quanh Núi Hùng vào dịp tổ chức lễ hội đã có 40 làng rước kiệu về chầu Tổ. Đến năm 1917, lễ hội Đền Hùng được các vương triều chính thức hóa thành ngày quốc lễ của toàn dân tộc và được duy trì đến ngày nay.

Do sự phát triển mạnh mẽ của việc phụng thờ và tôn vinh các Vua Hùng ở các địa phương, nên lễ hội Đền Hùng ngày nay có sự tham gia của chính quyền và cộng đồng cư dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cộng đồng lúc này đã vượt ra khỏi phạm vi làng xã, vùng, miền và hướng đến cộng đồng quốc gia/dân tộc trong và ngoài phạm vi địa lý cương vực. Lễ hội Đền Hùng xứng đáng là một lễ hội đặc biệt của dân tộc Việt Nam, người Việt ở muôn phương trở về giỗ Tổ Hùng Vương để tỏ lòng tôn kính, tri ân báo hiếu tổ tiên, cũng từ đó càng nhân thêm tình yêu thương của con người, củng cố thêm niềm tin vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tác động và nguyên nhân biến đổi của lễ hội Đền Hùng

Những biến đổi của lễ hội Đền Hùng dẫn đến một số tác động tích cực:

Về phương diện chính trị: Xu hướng biến đổi từ hội làng (hội làng He) lên quốc lễ (hội Đền Hùng) và ngày nay là lễ hội cấp quốc gia (giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng) đã góp phần quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công khai chủ quyền của Nhà nước ta qua các thời kỳ từ xã hội phong kiến đến ngày nay, có giá trị vĩnh hằng, là nền tảng xác định chủ quyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam: có nguồn cội, có lãnh thổ, có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý từ thời xa xưa đến nay với chế độ và các điển chế riêng, nhằm chống lại âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, đồng hoá dân tộc, đồng hoá văn hoá của các thế lực kẻ thù.

Về phương diện văn hóa: Xu hướng biến đổi của lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa cộng đồng đã tạo cho vùng văn hóa Đông Bắc và vùng văn hóa Phú Thọ một không gian văn hóa rộng lớn (không gian hội giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng ngày nay) của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của cả nước, tạo điều kiện cho văn hóa Đất Tổ, văn hóa vùng Đông Bắc tiếp thu, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của chính địa phương mình.

Về phương diện kinh tế: Xu hướng biến đổi của lễ hội Đền Hùng đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn nhất cho tỉnh Phú Thọ thông qua nguồn thu từ du lịch, đồng thời góp phần quảng bá tín ngưỡng thờ Hùng Vương, tín ngưỡng đặc thù hình thành từ tín ngưỡng nông nghiệp (khởi thủy nghề canh nông trồng lúa nước) mà trong đời sống hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, có tác dụng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, trong đó có nghề trồng lúa xuất khẩu gạo.

Về phương diện xã hội: Xu hướng biến đổi của lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn, tham gia các họat động văn hóa, tỏ lòng biết ơn, báo hiếu, tri ân tổ tiên, hiểu thêm về công lao của các Vua Hùng, ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, những biến đổi của lễ hội Đền Hùng cũng gây nên một số tác động tiêu cực:

Xu hướng biến đổi của lễ hội Đền Hùng không tránh khỏi xu hướng hành chính hóa làm biến dạng các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các cộng đồng với vai trò là chủ thể văn hóa đã không có cơ hội để thực hành các nghi lễ cổ truyền (trước đây cộng đồng các địa phương khu vực Đền Hùng làm lễ cúng Vua Hùng, ngày nay lễ dâng hương nghi lễ cấp quốc gia do chính quyền tổ chức, vai trò cộng đồng mờ đi vì lễ thức có phần đã hành chính hóa).

Xu hướng biến đổi mở rộng không gian hội, văn hóa cộng đồng các dân tộc có cơ hội quảng bá, song các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ sẽ bị lấn át, pha trộn và biến dạng và có nguy cơ mai một. Các trò chơi, diễn xướng dân gian, đặc biệt là các nghi lễ, tục hèm, tín ngưỡng nông nghiệp có nguy cơ biến dạng. Bởi vậy, vấn đề bảo tồn không gian hội “Không gian văn hóa Đất Tổ” phải được đặc biệt chú trọng.

Xu hướng xây dựng các Đền thờ Vua Hùng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước có nơi đã mô phỏng kiến trúc Đền Hùng về lâu dài không loại trừ khả năng có sự tranh chấp về nguồn cội của các Vua Hùng. Vấn đề xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng (cả không gian lễ và không gian hội) phải chú ý đặc thù khác biệt mà chỉ ở Phú Thọ mới có không gian thờ cúng vị Thủy Tổ Hùng Vương, không nơi nào có được Đền Hùng như Phú Thọ.

Sức sống, giá trị tín ngưỡng - lễ hội Đền Hùng

 

Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương bày tỏ tình đoàn kết chung một nguồn cội và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường_Ảnh: bienphong.com.vn

Từ việc nghiên cứu, nhận diện sự biến đổi của lễ hội Đền Hùng và xác định tín ngưỡng thờ Hùng Vương có ảnh hưởng rộng lớn, trước đây thuộc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngày nay đã vượt danh giới khu di tích Đền Hùng và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước. Sự biến đổi của lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa cộng đồng xuất phát từ những nguyên nhân:

Thứ nhất, người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Chính Vua Hùng là biểu tượng cao đẹp nhất có công dựng nước và giữ nước, được cộng đồng tôn vinh, trân trọng và phụng thờ. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được hình thành trong không gian văn hóa tâm linh linh thiêng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - và chính từ không gian văn hóa rộng lớn này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng vĩ nhân và ước nguyện cộng đồng trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm luôn luôn hòa quyện, phối nhập một cách hồn nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc mà Quốc Tổ Hùng Vương là đỉnh cao. “Nhu cầu về một ông Vua Tổ của đất nước thúc đẩy tín ngưỡng lan rộng ra”, vì vậy, bất chấp mọi thăng trầm của lịch sử và thời gian xô đẩy, theo suốt chiều dài lịch sử, đối với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã hóa thân vào đời sống cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc để tạo đà làm nên các giá trị văn hóa, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc ta được đời đời vinh danh. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng có sức sống và thu hút cộng đồng: từ cộng đồng làng, ngày nay, lễ hội Đền Hùng là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc, đa thành phần, du khách từ mọi miền của đất nước, thu hút và có sức sống mãnh liệt bền vững trong đời sống tâm linh của nhân dân, kết tinh thành cội nguồn văn hóa mang đặc trưng văn hóa tâm linh Việt Nam.

Thứ hai, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh từ thời dựng nước đến giữ nước ngày nay, mọi thời đại đều cần thiết có sức mạnh nội sinh để quy tụ sự đoàn kết, cố kết cộng đồng. Chính vì vậy, từ triều đại phong kiến đến nay, lễ hội Đền Hùng là lễ hội duy nhất được chính thức hóa bằng nghi lễ nhà nước (quốc lễ). Điều đó thể hiện sự can thiệp sâu sắc của nhà nước phong kiến, đặc biệt là thời Lê (Lê Thánh Tông). Đây cũng là điều kiện để tạo đà sáng tạo và duy trì một giá trị văn hóa độc đáo. Giá trị văn hóa đó đã trường tồn qua mọi biến cố lịch sử và tồn tại lâu dài cho tới ngày nay.

Thứ ba, khi điều kiện kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, con người hướng đến và tìm về niềm tin tín ngưỡng và lựa chọn cho mình một hình thái tín ngưỡng trong đó đạo hiếu là hạt nhân của tín ngường thờ Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, lễ hội Đền Hùng có điểm xuất phát từ tinh thần cộng đồng, đặc điểm văn hóa truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội Đền Hùng là hàm chứa những khát vọng linh thiêng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua thời gian, lễ hội Đền Hùng, một biểu tượng văn hóa có giá trị đã tồn tại, đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến nay, tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng không chỉ trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thứ tư, thời đại các Vua Hùng không chỉ tỏa hào quang về truyền thống dựng nước và giữ nước mà còn là sự tỏa sáng của nền văn minh sông Hồng - văn hóa Đông Sơn, nền tảng tinh thần - bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt, trong đó lễ hội Đền Hùng là một trong những hạt nhân cốt lõi của đạo hiếu.

Theo TS. TRẦN THỊ TUYẾT MAI/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều