Chủ trương, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc

(Mặt trận) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Vận dụng, sáng tạo chủ trương, quan điểm của Đảng ta và Bác về công tác dân tộc vào thực tiễn, trở thành một đòi hỏi mang tính khách quan đối với tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Ảnh: TL

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Người coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Tư tưởng bao trùm, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam là: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”1. Người định hướng về công tác dân tộc là “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên Chủ nghĩa xã hội”2. Quan điểm, mục tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc là phải chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng dân tộc để “miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Kế thừa và phát huy chủ trương, quan điểm của Bác, Đảng ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác dân tộc. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đặt ra nhiều vấn đề đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc và đề ra một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi (Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989). Đại hội lần thứ VIII của Đảng khẳng định: "Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược". Vấn đề này tiếp tục được khẳng định và phát triển tại Đại hội lần thứ IX của Đảng: "Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng”. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX), Đảng ta đã ban hành nghị quyết riêng (Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003) về Công tác dân tộc. Sau khi đánh giá tình hình các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trong thời gian qua, Nghị quyết đã chỉ rõ: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng thêm một lần nữa khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”3. Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã kế thừa các quan điểm, đường lối của các Đại hội trước đó, tiếp tục thể hiện tư tưởng kiên trì, nhất quán: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc"4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương đường lối về dân tộc và chính sách dân tộc: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung"5.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”6.

Đặc biệt, tiếp tục lãnh đạo công tác dân tộc, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc. Sau khi nghe Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã kết luận: Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới.

Hiến pháp năm 2013 (Điều 5) đã chỉ rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Từ nội dung của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành các luật khung và luật chuyên ngành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền cũng như chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 89,44% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719 về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719 bao gồm 10 dự án thành phần; trong đó Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt thực hiện trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu này. Theo báo cáo từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã xây dựng, ban hành 118 văn bản chính sách; 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có nhóm chính sách về giảm nghèo bền vững; nhóm chính sách giáo dục, đào tạo; nhóm chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhóm chính sách về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm chính sách, cơ chế đặc thù về truyền thông và tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật…

Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương về công tác dân tộc. Đặc biệt là Kết luận số 01 ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc. Quan điểm nhất quán của Đoàn Chủ tịch về công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: “Đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quán triệt và thực hiện nguyên tắc: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” trong chính sách dân tộc của Đảng, các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc, Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 8/12/2009 về việc “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, phát huy hiệu quả, sự phối hợp của cơ quan chuyên trách tham mưu về công tác dân tộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên với các cơ quan chức năng về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc.

Thực hiện phương châm: Toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn hệ thống chính trị làm công tác dân tộc. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, trên cơ sở nắm dân, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng từ đó tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện. Hướng đến mục tiêu: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập hợp, vận động, đoàn kết các dân tộc; tăng cường tiếp xúc, trao đổi, phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Lắng nghe nguyện vọng, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội các chủ trương chính sách về dân tộc và công tác dân tộc, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thực hiện giảm nghèo bền vững. Tôn trọng, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ, tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hệ thống tổ chức Mặt trận các cấp tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; tổ chức thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực tham gia thực hiện công tác đối ngoại nhân dân; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu và nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, công tác dân tộc đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến cơ bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những tiến bộ; chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao. Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Hệ thống trường phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được học tập, ăn ở tại trường. Triển khai Đề án củng cố phát triển các trường phổ thông Dân tộc nội trú, đã có nhiều lớp học, phòng phục vụ học tập được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Hiện nay toàn quốc có 316 trường phổ thông Dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với 109.245 học sinh, trong đó, có khoảng 40% số trường phổ thông Dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông Dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên qua từng năm học. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và 185.671 học sinh. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%; cấp trung học cơ sở đạt 92%. Có 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, giai đoạn 2016 - 2018 đạt bình quân 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung cả nước: Tăng 6,67% năm 2016; 6,89% năm 2017; 7,56% năm 2018, trong đó có 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt trên 8%. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm: Bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên. Giai đoạn 2015 - 2019, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135. Từ năm 2013-2020, bộ mặt nông thôn cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng được đổi thay rõ rệt; thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao.

Đồng thời, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết và có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung xây dựng hàng vạn công trình hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu là đường giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, cầu dân sinh, cầu treo (đã xây 2.330 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố), các công trình nước sạch, trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, mạng lưới chợ... Hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã hầu hết được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho đi lại và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc. Nhiều trường, lớp học, trạm y tế xã được xây dựng mới, kiên cố hóa, mua sắm thêm trang thiết bị thiết yếu phục vụ dạy và học, khám chữa bệnh. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã và 97,2% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế7; 65,8% số xã và 76,7% số thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

Thực hiện chủ trương, tư tưởng của Đảng và Bác về công tác dân tộc, Chính phủ đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp đầu tư phát triển toàn diện, làm thay đổi cơ bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược công tác dân tộc của nước ta. Quan tâm giải quyết tốt công tác dân tộc không chỉ liên quan đến vận mệnh của một quốc gia mà còn trở thành vấn đề của thời đại, liên quan trực tiếp đến tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Vận dụng, sáng tạo chủ trương, quan điểm của Đảng và Bác về công tác dân tộc vào thực tiễn trở thành một đòi hỏi mang tính khách quan đối với tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức Mặt trận các cấp.

Chú thích:

1. Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19/4/1946.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000, trang 587.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.121.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.244.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.123.

6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội-2021, tr.170.

7.  Báo cáo số 1300-BC/ĐĐQH14 ngày 3/6/25019 của Đảng đoàn Quốc hội.

Vũ Đăng Minh

Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều