Chung sức, đồng lòng thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền. Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Nâng cao ý chí tự vươn lên thoát nghèo, phát huy vai trò, nội lực của người nghèo và cộng đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Chương trình 135 có mục tiêu tổng quát: “Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng”. Theo Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn, giao cho Bộ Quốc phòng tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các vùng (khu) kinh tế mới, giúp dân xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở những vùng đất còn hoang hoá, các xã đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ngày 19/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 22/2021/NĐ-CP về khu kinh tế - quốc phòng, trong đó quy định Quân đội tiếp tục xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo. Mục tiêu là tiếp tục giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược để hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Theo đó, các đơn vị Quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để Nhân dân ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức, bố trí sắp xếp các điểm dân cư, định canh, định cư trên địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, các đảo, quần đảo xa bờ bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững và ổn định quốc phòng, an ninh. Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và hỗ trợ phát triển sản xuất tạo yếu tố ban đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ; tổ chức dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm (dịch vụ hai đầu); chuyển giao công nghệ sản xuất cho Nhân dân; tổ chức sản xuất khai thác hiệu quả đất đai đối với những địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ sở kinh tế ở những vùng biển, đảo khó khăn làm cầu nối giữa đất liền và đảo, quần đảo; tổ chức các hoạt động dịch vụ trên biển hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất để tăng cường hoạt động dân sự trên các vùng biển, đảo khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển.

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trước hết, phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo với nội dung là sự tiếp tục và mở rộng các chương trình xóa đói, giảm nghèo, kể cả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện, xã, thôn bản nghèo. Cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và chính quyền các cấp, các ngành phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình một cách tích cực, khoa học, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.

Thực trạng và kết quả xóa đói, giảm nghèo bền vững

Đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
ẢNH: KỲ ANH 
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, triển khai trên địa bàn 2.139 xã và 3.973 thôn, bản khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (trong đó có dự án thành phần Chương trình 135), đã có gần 20.000 tỷ đồng được phân bổ cho các địa phương được thụ hưởng triển khai phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5%. Có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Hơn 20 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu, tập trung một số nội dung như: Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đầu tư với hàng ngàn công trình (đường giao thông liên thôn, xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng); nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vươn lên thoát nghèo...

Có thể nói, Chương trình 135 cũng như các chính sách dân tộc đã tạo ra bước phát triển vượt bậc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, “tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2016 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo”. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Mặc dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng công cuộc giảm nghèo bền vững ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”1. Do đó, cần phải đánh giá những điểm chưa được trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp, nhằm đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2026, “tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm”2 như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, việc tổ chức thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho đồng bào nghèo vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đảng ta chỉ rõ: “Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai”3. Công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự chặt chẽ, thiếu quyết liệt; việc xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện chưa sát với tình hình thực tiễn, nhất là ở cấp cơ sở; chất lượng hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững hiệu quả còn thấp; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Định hướng, giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững

Một là, thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở định hướng đó, nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hai là, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ nhà ở nhằm bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, vùng thường xuyên hạn hán và lũ lụt, khó khăn về nguồn nước.

Ba là, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư cho phát triển đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Bốn là, tăng cường vai trò của Mặt trận, truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung một số nội dung: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc; Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số; Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích:

1,2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.71, 96.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 211, 212.

BẾ XUÂN TRƯỜNG

Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều