Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài: Những dấu ấn trên chặng đường 60 năm hình thành và phát triển

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống công tác dân vận, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, chính sách trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam đối với đồng bào ta đã và đang sinh sống ở bên ngoài Tổ quốc là “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Bà con kiều bào Việt Nam ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đến thăm và chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 29-1-1960_Ảnh: Tư liệu

Năm 2019 chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn của đất nước ta. Trong những thành tựu đó, không thể không nhắc đến vai trò và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2019 cũng là năm đánh dấu 60 năm xây dựng và trưởng thành của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong 6 thập niên qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp chung xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một hệ thống khung pháp luật, chính sách đã được hình thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn những lợi ích thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với đất nước, qua đó, vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài được khẳng định trên mọi mặt của cuộc sống như ngày hôm nay.

Những dấu ấn trên chặng đường sáu mươi năm

Trong lịch sử, người Việt Nam di cư ra nước ngoài từ rất sớm, trong đó, mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu sự có mặt của người Việt Nam ở nước ngoài còn được lưu lại trong các tư liệu lịch sử là sự kiện Hoàng tử Lý Long Tường đưa một số tôn thất nhà Lý sang Cao Ly đầu thế kỷ XIII, hình thành nên dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc ngày nay. Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian đánh dấu những lần di cư lớn đầu tiên của người Việt Nam ra nước ngoài, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài và số lượng địa bàn có người Việt Nam cư trú tăng lên nhanh chóng. Trong quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động của lịch sử, được hợp thành bởi nhiều thành phần, sống ở nhiều nước, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội rất khác nhau. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa của Việt Nam với các nước, trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển động và bước phát triển mới, với việc gia tăng số lượng người Việt Nam xuất cảnh theo các hình thức định cư, đoàn tụ gia đình, đi học, đi làm ăn, kinh doanh, lao động xuất khẩu theo hợp đồng, kết hôn...; đồng thời, xuất hiện xu hướng thế hệ trẻ trở về quê hương lập nghiệp, đầu tư, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao trong nước.

Cộng đồng người Việt Nam đã tồn tại từ lâu tại một số nước có quan hệ lịch sử với Việt Nam, như Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc, Pháp, Tân Đảo (nay là Va-nu-a-tu)... Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến công tác vận động kiều bào. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều kiều bào ta mong muốn trở về Tổ quốc sinh sống và xây dựng đất nước. Đáp ứng nguyện vọng của kiều bào, ngày 23-11-1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương - tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, một tổ chức chuyên trách được thành lập để giúp Chính phủ theo dõi và chỉ đạo công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa kiều bào với quê hương, đất nước.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Việt kiều Trung ương đã khẩn trương xây dựng bộ máy tổ chức để chuẩn bị đón các đoàn kiều bào hồi hương. Ngày 10-1-1960, khi chuyến tàu đầu tiên chở theo hơn 900 kiều bào Thái Lan cập cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp xuống bến Sáu Kho (Hải Phòng) để đón kiều bào, thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với bà con kiều bào. Từ năm 1960 đến năm 1964, Ban Việt kiều Trung ương đã đón tiếp chu đáo hơn 4 vạn kiều bào ta ở Thái Lan và Tân Đảo hồi hương, giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống cho kiều bào.

Ban Việt kiều Trung ương tập trung vào việc xây dựng phong trào Việt kiều yêu nước, làm cơ sở hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thành tích nổi bật của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời kỳ này là động viên kiều bào đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, tích cực giúp đỡ và phối hợp với các cơ quan đại diện của ta vận động nhân dân và chính giới các nước, kể cả nhân dân Mỹ, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần, kiều bào còn trực tiếp đóng góp về vật chất cho cách mạng. Nhiều phong trào yêu nước đã được hình thành, trong đó có những phong trào rất đặc thù của kiều bào ở Thái Lan nhằm quyên góp tiền gửi về nước hỗ trợ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn 1976 - 1985, nước ta gặp rất nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận và cả sai lầm trong điều hành, quản lý kinh tế, đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài. Trong giai đoạn đầy khó khăn này, số người Việt Nam di tản, vượt biên ra nước ngoài sinh sống đã tăng đáng kể, do vậy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về thành phần và phức tạp về quan điểm chính trị. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động cao nhất sự tham gia của kiều bào vào công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, tăng cường đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước, tham gia vận động dư luận quốc tế chống bao vây, cấm vận.

Từ năm 1986, sau khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại và hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ với các đối tác, các tổ chức quốc tế quan trọng, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều bước đột phá, gắn liền với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Những năm kiên trì sự nghiệp đổi mới, những biến đổi tích cực của đất nước ta, cùng với việc tạo thuận lợi cho kiều bào về nước thăm thân, gửi tiền về nước..., đã tác động tích cực tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật gần 100 kiều bào tiêu biểu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về dự Chương trình “Xuân Quê hương 2018 - Việt Nam rạng ngời tương lai”_Ảnh: qdnd.vn

Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước đổi mới về tư duy trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp theo là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993, về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Lần đầu tiên, quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” được khẳng định trong văn kiện của Đảng. Văn kiện này là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 74-CP, ngày 30-7-1994, về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thay thế Ban Việt kiều Trung ương và Nghị định 77/CP, ngày 6-11-1995, của Chính phủ, về đặt Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Kể từ đó, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một trong bốn trụ cột của ngoại giao Việt Nam.

Nhờ gắn kết ngày càng chặt chẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài với công tác đối ngoại chung của đất nước, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến quan trọng, kể cả tại các địa bàn phức tạp, có nhiều lực lượng chống đối. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; trực tiếp góp phần hình thành nhiều văn bản pháp lý tạo thuận lợi cho kiều bào trên hàng loạt vấn đề về cơ chế sử dụng chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tư vấn cho Chính phủ trong một số lĩnh vực, các quy định về hồi hương, xuất, nhập cảnh, lưu trú, áp dụng chế độ một mức giá, chuyển tiền về nước, mua nhà, khen thưởng, đầu tư, kinh doanh... Việc triển khai những chủ trương, chính sách trên đã phát huy hiệu quả to lớn, đem lại những lợi ích thiết thực cho kiều bào, qua đó ngày càng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo được nhận thức đúng đắn, tình cảm gắn bó và sự đóng góp tích cực của bà con đối với công cuộc xây dựng đất nước. Nỗ lực vận động của ta cũng đã góp phần xóa bỏ mặc cảm của một bộ phận cộng đồng gắn bó với chế độ cũ, hạn chế những hành động chống phá.

Năm 2004 là mốc thời gian ghi đậm những chuyển biến cơ bản và tạo động lực mới trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động đề xuất, tham mưu và xây dựng Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác này, được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, với kiều bào và tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Thực tiễn sinh động “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành nhận thức chung của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và của toàn dân. Quan điểm chỉ đạo đó của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013(1). Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, kế thừa những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 36, đồng thời nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới, đặc biệt tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang bước vào giai đoạn mới, được triển khai mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt. Nhiều chính sách thông thoáng bảo đảm lợi ích thiết thực của người Việt Nam ở nước ngoài như những sửa đổi có tính đột phá trong quy định về các vấn đề quốc tịch, miễn thị thực, cư trú, mua và sở hữu nhà ở trong nước... đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng ở tất cả các địa bàn và tăng thêm gắn bó của kiều bào với đất nước.

Sự gắn kết của kiều bào với quê hương

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Giáo sư Trần Thanh Vân cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới_Ảnh: icisequynhon.com

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không ngừng phát triển cả về lượng và chất, với khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên, nhiều người là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính và một số đã tham gia hệ thống chính trị của các nước. Hằng năm, có khoảng 400 - 500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Sự tham gia của 4 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tạo đà cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tiếp bước các tên tuổi lớn do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng trực tiếp vận động về nước tham gia kháng chiến như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh là những gương mặt mới về nước đóng góp cho công cuộc phát triển, như Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học và 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá cao tại Mỹ về nước và đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI, Giáo sư toán học Vũ Hà Văn làm Giám đốc công nghệ của Vintech của Vingroup và ông Philipp Roesler - Cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt - với vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures tại Việt Nam.

Các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm ăn, tham gia tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước như Techcombank, Vpbank, Vingroup, Eurowindow, Masan, Công ty hóa phẩm Mỹ Lan, Sun Group..., góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Với nhận thức sâu sắc về việc mỗi người Việt Nam là một “đại sứ văn hóa”, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc văn hóa, tiếng Việt trong lòng xã hội sở tại. Nhiều lớp học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba đã được cộng đồng tổ chức, hoạt động hiệu quả, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Đặc biệt, tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Séc, Đài Loan (Trung Quốc)... tiếng Việt được công nhận và giảng dạy như ngôn ngữ thứ hai ở các trường phổ thông, nơi có đông người Việt.

Nhìn chung, mặc dù cư trú ở những khu vực địa lý khác nhau với hoàn cảnh khác nhau, nhưng đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài có tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, là bộ phận “máu thịt” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều cá nhân, tổ chức kiều bào có quan điểm cực đoan, đối lập đã có sự chuyển biến về nhận thức, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, các kênh thông tin của kiều bào đã trực tiếp về nước tác nghiệp, đưa những thông tin khách quan, xác thực về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước đến bà con, tạo dư luận tích cực trong cộng đồng.

Các cơ quan, bộ, ban, ngành của ta cũng rất quan tâm tập hợp, thu hút nguồn lực và trí tuệ của giới trẻ kiều bào. Cuối tháng 11-2019, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với sự tham gia của hơn 100 trí thức trẻ người Việt từ khắp năm châu. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động quy tụ trí thức trẻ. Đất nước giang tay chào đón thế hệ trẻ trở về với quê hương và kết nối sự phát triển của Việt Nam với thế giới. Trong năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, khoa học - công nghệ, mà đã bắt đầu có nhiều đóng góp hơn trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Một ví dụ minh chứng là vừa qua, đội bóng rổ nam 3x3 Việt Nam với phần lớn thành viên là kiều bào ta ở nước ngoài đã đoạt vé vào bán kết Sea Games 30 với chiến thắng ở vòng loại trước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, góp phần vào thành tích lịch sử của đoàn thể thao Việt Nam. Chìa khóa mang về thành tích trên chính là vì các cầu thủ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng trở về Việt Nam với khao khát lớn nhất và được trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp trên mảnh đất quê hương mình.

Lớp dạy chữ cho bà con Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An (Đồng Nai)_Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò ngày càng tăng và địa vị ngày càng ổn định, thực sự là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần được phát huy một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn tồn tại một bộ phận cực đoan, mang nặng thành kiến với đất nước. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để đạt được ý nguyện của Bác Hồ về đại đoàn kết toàn dân qua lời kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.

Bước vào năm 2020 với những sự kiện trọng đại của dân tộc, đó là kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập nước, 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng những trọng trách lớn ở khu vực và thế giới, nước ta đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới, đột phá trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.

-------------
(1) Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Theo ĐẶNG MINH KHÔI/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều