Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc được ký kết ngày 11/10/2021, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn. Công tác phối hợp góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, giúp cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

  Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2021 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Kỳ Anh

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sứ mệnh cao cả là tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc (Cơ cấu của Ủy ban gồm có: 374 Ủy viên Ủy ban, 64 Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực có 6 đồng chí, có 48 tổ chức thành viên). Ủy ban Dân tộc có vai trò, vị trí quan trọng là tham mưu cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trọng tâm là chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách đối với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc rất ít người. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm các tầng lớp Nhân dân, các giai tầng xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh) ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Ban Dân tộc tham mưu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để kiến nghị với Đảng, Nhà nước và thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện. Trong các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 1 bản báo cáo trước Quốc hội, kèm theo các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được truyền hình trực tiếp đến đồng bào cử tri cả nước. Đây cũng là một dịp rất tốt để bày tỏ những vấn đề mà hai cơ quan cùng quan tâm.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc tuy là hai cơ quan độc lập nhưng có những nhiệm vụ khá tương đồng, do vậy nên cần phối hợp chặt chẽ với nhau, bổ sung hỗ trợ cho nhau về kinh nghiệm, cách làm và nguồn lực. Cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ của mình sẽ hỗ trợ tích cực cho cơ quan kia và ngược lại. Với mục tiêu cao nhất là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, Ban cán sự Đảng lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã có nhiều hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tham mưu cho Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Kết luận quan trọng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, mang dấu ấn lịch sử như: Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội và nhiều Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 trong bối cảnh đất nước và thế giới đang chống dịch Covid-19, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tuyên truyền để phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, chăm lo sản xuất, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chỉ đạo kịp thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Chương trình phối hợp công tác, đánh giá kết quả, xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phối hợp năm 2021 gắn với tình hình thực tế của từng địa phương.

Với sự quyết liệt, chủ động, phương pháp phù hợp, Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua đã đạt được những kết quả to lớn, các chương trình chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản triển khai và tổ chức thực hiện đảm bảo, đóng góp thiết thực vào sự khởi sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là tiền đề mở ra giai đoạn tiếp theo, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia - chương trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, quốc phòng, an ninh, tạo động lực trong thực hiện chính sách dân tộc.

Trong bối cảnh, tình hình mới, Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan tập trung thực hiện tốt mục tiêu: phấn đấu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ nhất, khi đề cập đến các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc, cần phải nghiền ngẫm, soi rọi vào Văn kiện của các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là Đại hội XIII. Triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị phải nắm vững nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, đây là một Nghị quyết chuyên đề còn nguyên giá trị.

Thứ hai, khi đề cập đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã phải nghiên cứu kỹ, triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, trong đó xác định rất rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 chỉ là một trong 8 giải pháp, nếu như chỉ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia mà không triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội là chưa đầy đủ.

Bản chất của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số là tích hợp tất cả các chính sách dân tộc (118 chính sách) do vậy tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được xác định ngay từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, định mức có tính đặc thù, rất ít định mức theo quy định của Nhà nước, do vậy, phải áp dụng khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, khi làm việc với các bộ, ngành phải nói rõ điều này, nếu “máy móc” thì không thể thực hiện được chính sách dân tộc. Do vậy, nếu chậm trễ trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thì thực chất là chính sách dân tộc không thực hiện được.

Thứ ba, xây dựng, trình Quốc hội phê duyệt đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia là một sự cố gắng lớn, công sức của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Dân tộc với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có tác động của Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2017 - 2021. Kết quả đó đáng được ghi nhận, trân trọng, nhưng đưa được những chính sách đó vào thực tế cuộc sống để đồng bào được cậy nhờ là một việc làm không dễ so với khi xây dựng Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều khó nhất đó là, công chức, viên chức thì ít, năng lực còn khiêm tốn mà vừa phải làm chủ chương trình, vừa phải làm chủ đầu tư một số tiểu dự án, dự án quả là một thách thức. Cần có kế hoạch tập huấn, nâng cao năng lực, xây dựng các quy chế, quy định để điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng ngừa tiêu cực.

Thứ tư, Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2017 - 2021, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan; trong đó, xác định rõ mục tiêu tuyên truyền, vận động đồng bào là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình phối hợp công tác được ký kết là một việc làm cụ thể, có ý nghĩa là một sự cam kết của lãnh đạo hai cơ quan để làm sao thực hiện được phương châm: "Nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở thì mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đỗ Văn Chiến

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều