Dạy học thời dịch ở vùng cao Yên Bái

Thời gian qua, việc học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng lớn do đại dịch Covd-19 gây ra. Để duy trì kiến thức cho học sinh, ngoài việc tiếp sóng các chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức biên tập 33 bài giảng, chuyên đề ôn tập dành cho học sinh lớp 12, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin điện tử và Fanpage của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phụ huynh học sinh xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên nhận bài tập trong ống nhựa do giáo viên Trường tiểu học và THCS Hồng Ca 2 chuyển đến.

Với cách triển khai dạy học qua ba hình thức: dạy học trực tuyến, hướng dẫn học trên truyền hình và giao bài tập cho học sinh,toàn tỉnh có 75% học sinh tiểu học, 75,2% học sinh THCS, 98% học sinh THPT và 75,2% học viên GDTX được tham gia các hình thức học tập. Đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương, hỗ trợ ngành thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ phòng, chống dịch và ôn luyện kiến thức cho học sinh.

Kể từ khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, học sinh Trường tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên vẫn đều đặn nhận bài tập qua chiếc ống nhựa treo trước cửa nhà vào sáng thứ hai hằng tuần. Dù mỗi tuần chỉ một buổi, nhưng các em đều hào hứng và làm bài tập rất đầy đủ. Hoạt động giao bài tập vào ống nhựa treo trước cửa nhà các em học sinh được triển khai điểm từ đầu tháng 3- 2020, tại các tuyến đường thuận tiện gần trường học. Sau khi thấy hoạt động này hiệu quả, nhà trường đã nhân rộng ra cả bốn thôn, gồm: Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ, Hồng Lâu. Đến nay, 100% học sinh nhà trường đều nhận bài tập vào mỗi sáng thứ hai, một tuần sau đó số lượng bài tập ôn luyện được các thầy cô thu lại để chấm, chữa và hướng dẫn tiếp cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca cho biết, đặc thù của xã vùng ĐBKK là sóng điện thoại phập phù, nhiều gia đình người H’Mông không có mạng viễn thông, nên việc dạy học qua truyền hình hoặc internet là không tưởng. Sau khi họp nhà trường, các giáo viên đã hiến kế dùng ống nhựa đựng bài tập, giáo viên trực tiếp đưa đến treo ngoài cổng từng nhà, sau đó lại thu lại để kiểm tra kiến thức học sinh. Việc làm này được đồng bào phấn khởi ủng hộ, bởi con em phải nghỉ học cách ly xã hội, nhưng không gián đoạn kiến thức. Nhờ vậy, hơn 400 học sinh của cả hai khối lớp đều được tiếp nhận kiến thức đều đặn, không bị đứt đoạn, giúp các em không đi chơi tụ tập rất dễ mất an toàn trong thời kỳ dịch bệnh, vừa thực hiện đúng theo quy định giãn cách xã hội. Với tâm huyết và trách nhiệm, những giáo viên bám bản luôn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày nhằm hoàn thành tốt công việc, đem ánh sáng tri thức tới bản làng xa xôi.

Ở nơi không thể áp dụng những phương pháp dạy học trực tuyến, các thầy cô giáo vùng cao huyện Văn Yên, vẫn đau đáu nỗi lòng khi học sinh có nguy cơ bị rỗng kiến thức trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19. Với tình yêu trẻ, yêu nghề, vượt lên những khó khăn, vất vả, ngày qua ngày, các thầy các cô băng rừng, lội suối, không quản ngại nắng mưa đưa con chữ đến với học sinh ở bản làng xa xôi, heo hút trên núi cao.

Cách trung tâm thị trấn huyện hơn 30km đường núi, hơn hai tháng nay, cô giáo Lương Thị Tuyết, Trường tiểu học và THCS Nà Hẩu, thay vì hằng ngày đứng trên bục giảng, lại cùng các giáo viên của trường cứ mỗi tuần hai buổi, vượt qua những chặng đường trơn trượt, lần qua từng con suối nhỏ xuống tận thôn bản, đến nhà từng em học sinh. Bên bếp lửa hồng, cùng học sinh ngồi truy bài, những gì chưa hiểu được, cô Tuyết hướng dẫn tận tình, nhờ đó học sinh vững kiến thức, người dân có thông tin, kỹ năng phòng, chống dịch, là niềm động viên lớn để cô Tuyết cùng đồng nghiệp tiếp tục sự nghiệp trồng người ở vùng cao này.

Huyện Văn Yên hiện có hơn 20 trường thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn, với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao, gần 1.000 thầy cô giáo công tác tại địa bàn vùng cao ngày ngày vẫn miệt mài “gánh chữ” xuyên rừng gieo kiến thức đến từng học sinh. Trong thời gian giảng dạy, giao bài tại nhà cho học sinh, các giáo viên còn chú trọng hướng dẫn người dân trong bản các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó, hơn 20 nghìn học sinh Văn Yên không bị gián đoạn việc học, tuy nội dung từng cấp học có khác nhau, nhưng tinh thần học là giống nhau, nhất là các học sinh cuối cấp thì sự vượt khó càng cao.

Qua thực tế cho thấy, bên cạnh sự cố gắng vẫn còn một số địa phương chưa quyết liệt trong việc triển khai dạy học qua mạng internet, truyền hình. Các huyện có tỷ lệ học sinh cấp THCS tham gia học trực tuyến thấp, như: Mù Cang Chải đạt 1,8%; huyện Trạm Tấu, 5,2%; huyện Văn Chấn, 8,5%. Nhận thức và sự phối hợp của một số cha mẹ học sinh trong quản lý, hỗ trợ giáo viên, tạo điều kiện cho con em học tập ở nhà trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid- 19 còn hạn chế.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Đào Anh Tuấn đánh giá, nguyên nhân là hình thức dạy học qua intenet còn khá mới với số đông giáo viên, học sinh, nên việc tiếp cận với các phần mềm dạy học trong thời gian ngắn có sự lúng túng. Các nhà trường đang sử dụng phần mềm, ứng dụng miễn phí trên internet, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Là tỉnh miền núi, điều kiện về hạ tầng công nghệ, kết nối mạng internet không ổn định, tốc độ chậm, bị gián đoạn, đường truyền internet còn gặp tình trạng quá tải vào giờ cao điểm… ảnh hưởng quá trình tổ chức dạy học. Tại một số thôn bản vùng cao không có điện lưới, chưa được phủ sóng, mạng internet, nên việc triển khai dạy học trực tuyến qua internet, qua truyền hình còn gặp khó khăn do học sinh không có đủ thiết bị để học tập, cần có những giải pháp phù hợp thực tế vùng bào dân tộc thiểu số như Yên Bái đang triển khai thời gian qua.

Theo Thanh Sơn/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều