Đồng chí Võ Văn Kiệt với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

(Mặt trận) - Đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo cách mạng kiên trung trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc trong thế kỷ XX. Những tư duy chiến lược về đại đoàn kết dân tộc của đồng chí xuyên suốt trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng và Nhà nước ta trong giai đoạn quan trọng của thời kỳ Ðổi mới.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh, Gia Lai năm 1996.
ẢNH: TL 
Theo đề nghị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đầu năm 1982, Ban Bí thư giao cho Đảng đoàn Mặt trận phối hợp với Ban Dân vận Trung ương giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đầu tháng 3/1982, Tổ nghiên cứu được thành lập gồm: đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Trung ương Đảng làm Tổ trưởng, các tổ viên gồm các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Tiến và một số vụ trưởng, chuyên viên giúp việc. Nơi đầu tiên mà Tổ nghiên cứu đến là Thành phố Hồ Chí Minh, vì đó là “Việt Nam thu nhỏ” có đủ mọi giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo và đặc biệt có nhiều người đã từng ở “phía bên kia”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy tiếp và làm việc với Đoàn. Theo đồng chí, xuất phát từ đặc điểm của Thành phố, từ sự đánh giá đúng đắn về quần chúng, kiên trì quan điểm tin vào quần chúng, dựa vào quần chúng của Đảng và Bác Hồ, Thành ủy đã lãnh đạo Đảng đoàn Mặt trận vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo nội dung nhân nghĩa trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện hòa hợp dân tộc, mở rộng vòng tay, chân thành đoàn kết, tập hợp quần chúng vào các tổ chức thích hợp nhằm phát huy những yếu tố tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, trong mỗi con người. Mặt khác, đề cao tinh thần cảnh giác trước mọi hành động chống phá cách mạng của bọn phản động ngụy trang dưới mọi hình thức.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đề nghị Đảng đoàn Mặt trận xem xét lại một điều ghi trong Điều lệ của Đại hội I Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: “Tính chất của Mặt trận trong thời kỳ mới là “Mặt trận của những người yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, của những lực lượng đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, bởi vì nước ta là nước đa dân tộc, đa tôn giáo, nhiều người đã từng làm việc cho chế độ cũ. Có thể khẳng định: hầu hết nhân dân ta là những người yêu nước, song những người có đạo, họ “kính Chúa, yêu nước”, nhiều người tin vào Thánh, Thần; những người đã từng làm việc dưới chế độ cũ, các nhà tư sản,... Chính cách khẳng định trên đã hạn chế việc mở rộng tổ chức Mặt trận.

Theo đồng chí Võ Văn Kiệt, với tư tưởng bao dung, nhân nghĩa, xóa mặc cảm, khép lại quá khứ, hòa hợp dân tộc, 7 năm qua, Mặt trận thành phố đã không ngừng động viên Nhân dân phát huy truyền thống cách mạng gắn với việc giáo dục tư tưởng, phát huy quyền làm chủ xã hội chủ nghĩa bằng các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và hết sức chăm lo lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, vừa kiến nghị, đề xuất các chế độ, các quy định cụ thể phù hợp với tình hình thành phố nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân, các giới từng bước cảm thông đoàn kết với nhau và cùng chung lo cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nhờ sự chuyển biến mới trong nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước, về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội, về Đảng đã giúp cho số đông nhân sĩ, trí thức thành phố mạnh dạn đi vào cuộc sống, chịu đựng thử thách và sát cánh cùng công - nông, đóng góp trí tuệ và tài năng của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước bằng những công trình nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Đối với tín đồ trong các tôn giáo, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Mặt trận thành phố vừa quan tâm giáo dục, động viên tín đồ trong các tôn giáo thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”, “đoàn kết lương - giáo”, đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo hoạt động, thực hiện đúng đắn chính sách tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước.

Phải nói rằng, tư duy về đại đoàn kết dân tộc của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với Mặt trận Tổ quốc thành phố là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Nhiều kinh nghiệm và kiến nghị của Đảng bộ thành phố được đưa vào Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Song, do chủ quan duy ý chí như Đại hội VI của Đảng đã thừa nhận nên kiến nghị “hòa hợp dân tộc”, “khép lại quá khứ”, “mở ra tương lai” đã không được chấp nhận trong Chỉ thị này.

Cũng trong những buổi làm việc với Đoàn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Chiến thắng 30 tháng 4 của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình, người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành, thay vì tiếp tục làm cho nó rỉ máu. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm, khoan dung và hòa hợp”1.

Là người chịu nhiều mất mát, đau khổ trong chiến tranh, thấm thía cái giá mà dân tộc ta đã phải trả để có hòa bình, thống nhất, đồng chí Sáu Dân cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh là những người đi tiên phong trong việc kêu gọi “hòa hợp dân tộc”, kêu gọi “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” và luôn luôn phấn đấu theo hướng đó.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội đổi mới đất nước. Đối với đại đoàn kết dân tộc, kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đại hội nêu ra các quan điểm: “Dân là gốc” đã khai mở cho đổi mới tư duy lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh của Nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới; Tôn trọng quy luật khách quan, phát triển kinh tế nhiều thành phần đã khơi dậy lợi ích chính đáng của Nhân dân, quan điểm này đã giải quyết trúng vấn đề cốt lõi nhất của Nhân dân, tạo cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết; Coi trọng xử lý hài hòa lợi ích giữa các giai tầng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đối tượng đoàn kết, tập hợp bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.

Trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” muốn đổi mới công tác Mặt trận, trước hết phải đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng đối với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Vì đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới tổ chức, chính sách Mặt trận cũng như phương thức hoạt động của tổ chức này. Vì tính chất quan trọng của vấn đề, Đảng đoàn Mặt trận đã có tờ trình Bộ Chính trị cho phép Đảng đoàn cùng Ban Dân vận Trung ương soạn thảo Nghị quyết về vấn đề trên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo Kế hoạch, song song với việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, Tổ biên soạn đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến của các đồng chí phụ trách Đảng đoàn các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư các khóa, các đồng chí lão thành trong công tác Dân vận, Mặt trận qua các thời kỳ, các đồng chí cán bộ Mặt trận có lý luận, có khả năng tổng kết nay đã nghỉ hưu, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đọc lại cuốn sổ tay ghi chép sự đóng góp của từng người mới thấy vấn đề đặt ra được mọi người rất quan tâm và đóng góp một cách rất chân thành. Trong số 70 đồng chí mà chúng tôi đã đến gặp và xin ý kiến có các đồng chí và các vị: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Tố Hữu, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Tâm, Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Trần Bạch Đằng (tức Hai Văn), Nguyễn Xuân Oánh (nguyên Phó Thủ tướng thời Nguyễn Văn Thiệu), cụ Nguyễn Văn Huyền, bà Phước Đại (nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thượng viện Sài gòn)...

Đồng chí Võ Văn Kiệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, người “đau đáu” với “hòa hợp dân tộc”, với “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” đã dành cả một buổi tối để tiếp đoàn. Đồng chí mở đầu bằng bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, trong đó có đoạn: “5 ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Ngắn, dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người Việt Nam cũng có người thế này, người thế khác. Dù thế này hay thế khác đều là con Lạc cháu Hồng. Vì vậy, chúng ta phải lấy tình thương mà cảm hóa họ. Có như vậy mới là đoàn kết. Có đoàn kết tương lai ắt sẽ vẻ vang”.

Đồng chí giải thích tình hình các giới đồng bào miền Nam hiện nay gần giống như Bác Hồ chỉ ra. Đảng phải bao dung, phải nhân nghĩa, để chiến thắng 30 tháng 4 là đại thắng của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam. Theo đồng chí, để tập hợp, đoàn kết dân tộc, phải tìm điểm tương đồng, lấy hòa bình độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu làm mẫu số chung, phải coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể chia cắt của dân tộc Việt Nam. Đồng chí cũng đề nghị: Do sự khác biệt về giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, cần được tôn trọng, miễn là những ý kiến đó không ảnh hưởng đến lợi ích chung. Đối với các doanh nhân, cần tạo những chính sách thuận lợi để họ phát triển song song với việc giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân vốn có của các nhà tư sản dân tộc trong cách mạng dân tộc, dân chủ. Nhiều ý kiến đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết.

Ngày 17/11/1993, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” được ban hành tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nghị quyết đã góp phần quan trọng để kết dính mọi người mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng” thành một khối thống nhất, tạo ra động lực mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích:

1. Những chuyện kể về anh Sáu Dân, Nxb. Thông tấn xã, Hà Nội. 2008, tr. 75.

Nguyễn Túc

 Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều