Đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước

(Mặt trận) - Từ khi có chính sách đổi mới về công tác tôn giáo (năm 1990), việc triển khai đường hướng mục vụ đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được chú trọng hơn với những nội dung cụ thể, thiết thực. Xác định rõ đường hướng Công giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thúc đẩy các phong trào, hoạt động hướng đích xã hội của người Công giáo trên các lĩnh vực của đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trò chuyện với đại biểu tham dự Hội nghị thi đua toàn quốc Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ 5, giai đoạn 2015 - 2020, tháng 9/2020.

Ở Việt Nam, người Công giáo chiếm 7% dân số cả nước1. Thư chung năm 1980 đã khẳng định: “Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người”. Từ đây, người Công giáo đã vui cùng với niềm vui chung của toàn dân tộc, mở lòng đón nhận ánh sáng phúc âm trong bầu không khí toàn dân chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thư chung năm 1980 cùng các thư chung tiếp theo của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định đường hướng dấn thân đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách cụ thể, thiết thực từ đó tạo nên phong trào hoạt động hướng đích xã hội thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Trên mọi miền đất nước, đồng bào công giáo luôn tích cực hưởng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; học tập các chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo Việt Nam”; “Bác Hồ với người Công giáo Thủ đô”... Tạo lập sự gắn bó tình cảm của mỗi người Công giáo với quê hương, đất nước. Góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Củng cố niềm tin, sự đồng thuận, cổ vũ người Công giáo cùng đồng bào cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, chủ động đấu tranh làm thất bại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc đường lối tôn giáo của Đảng, những việc làm vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Là giáo dân, đồng thời là công dân, người Công giáo Việt Nam luôn ý thức hoàn thành tốt bổn phận “đạo - đời”. Từ năm 2009 đến nay, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đồng bào Công giáo đã thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay, những phong trào cụ thể, thiết thực, như: “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, sống tốt đời, đẹp đạo” ở Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình; “Xây dựng xứ, họ đạo gương mẫu” ở Thái Bình; “Tiếng kẻng học bài” cho học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Nam Định, Thanh Hóa; “ Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” ở Hà Nội2...

Các phong trào trên đã tập hợp đông đảo người Công giáo cả nước (27 giáo phận), hướng họ tới những việc làm cụ thể và thiết thực. Kết quả thực hiện phong trào thi đua đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của đồng bào Công giáo ngày càng phát triển so với những năm trước đây, bộ mặt của các xứ đạo ngày càng khởi sắc. Thông qua các phong trào khuyến nông, khuyến ngư, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết giúp nhau về vốn, ngày công, cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập góp phần thực hiện có kết quả chủ trương xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hộ đói nghèo trong các xứ đạo từng bước xóa dần.

Đồng bào Công giáo luôn tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm. Ngoài việc thi đua chấp hành tốt pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, người Công giáo đã xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy ước, hương ước phù hợp với chuẩn mực văn hóa dân tộc và những điều răn cấm của Giáo hội. Nhiều mô hình bảo đảm an ninh của người Công giáo như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Khu dân cư, giáo họ không có tội phạm” ở Bình Phước; “Ba an toàn: tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Xứ đạo không ma túy, không tội phạm”; “Xứ đạo bình yên”, “Bình yên làng nghề”, “Gia đình hòa thuận” ở Nam Định, Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Tháp; “Xứ họ đạo bình yên" ở Cần Thơ, Đà Nẵng; “Làng Công giáo tự quản”; “Vùng giáo ba không” (Không có tội phạm, không có người nghiện ma túy, không có con em vi phạm pháp luật); “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”... xuất hiện ngày càng nhiều.

Tại Bình Phước, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hải Phòng... Linh mục và Hội đồng mục vụ ở nhiều giáo xứ trực tiếp tổ chức tuyên truyền cho bà con giáo dân chấp hành nghiêm pháp luật. Vận động thanh niên Công giáo chấp hành nghĩa vụ quân sự. Tạo lập các môi trường lành mạnh, bổ ích như: thư viện, thể dục, thể thao, ca nhạc, câu lạc bộ... nhằm hướng thanh niên tránh xa các tệ nạn xã hội. Một số Linh mục đến tận gia đình có người thân vướng vào tệ nạn xã hội để chia sẻ, động viên bà con giáo dân ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn xã hội.

Tại Hải Phòng, 124/137 xứ, họ đạo không có tệ nạn xã hội (2013)3. Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002 có 1.780 người Công giáo được tuyên dương người tốt việc tốt, năm 2007 tăng lên 3.472 người; năm 2015 có 5 tập thể và 10 cá nhân được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng bằng khen. Tỉnh Nam Định, có 345 xứ, họ tiến tiến, 64.450 gia đình Công giáo gương mẫu, 98 làng văn hóa cấp tỉnh, thành phố; thành phố Cần Thơ có 92% gia đình Công giáo đạt chuẩn gia đình văn hóa, 30/39 khu dân cư Công giáo đạt chuẩn khu dân cư văn hóa; tỉnh Bến Tre có 90% gia đình Công giáo đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Xuất phát từ tư tưởng bác ái, giới răn yêu thương người khác, người Công giáo đã và đang tích cực tham gia vào công tác từ thiện nhân đạo, an sinh, bảo trợ xã hội. Hoạt động cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, lũ lụt và người nghèo được Giáo hội đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm (2006-2007), Ủy ban Bác ái xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh với kinh phí lên tới 11 tỷ đồng. Trong đó, cứu trợ nạn nhân các cơn bão Xangsene, Durian và bão số 5 (năm 2007), tại các giáo phận có bão đi qua, như: Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, Mỹ Tho, Long Xuyên, Vĩnh Long,… mỗi nơi 500 triệu đồng. Trong 5 năm (1999 - 2004), đồng bào Công giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ủng hộ 2,7 tỷ đồng để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, mở 96 lớp học tình thương cho gần 3.200 trẻ em nghèo, cấp học bổng cho gần 4.000 học sinh, sinh viên. Cũng trong giai đoạn này, đồng bào Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Thành phố, kêu gọi được gần 4.000 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện nhân đạo; ủng hộ tiền cho các hoạt động bác ái trên 30 tỷ đồng; chăm sóc giáo dục, lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật khoảng 23 tỷ đồng4.

Hiện nay, cả nước có 635 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội do Công giáo đảm nhận5. Các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục của Công giáo. Trong năm 2018, Ủy ban Bác ái xã hội các giáo phận đã hỗ trợ gạo và các phần ăn cho hơn 10.400 người nghèo, người dân tộc thiểu số; tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo nhân dịp lễ, tết. Dự án hỗ trợ người khuyết tật, người phong dựa vào cộng đồng, năm 2018 Ủy ban Bác ái xã hội các giáo phận đã tổ chức truyền thông về chương trình hỗ trợ người khuyết tật đến giáo dân và hội viên để họ có thêm kiến thức, biết được các chương trình hỗ trợ người khuyết tật, giúp người khuyết tật tiếp cận, hưởng thụ chương trình. Tham vấn người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ gia đình người khuyết tật chăm sóc người khuyết tật; dạy nghề và phổ cập giáo dục cho các em khuyết tật như trẻ em khiếm thính học chữ, học nghề. Tặng xe lăn cho người khuyết tật: Giáo phận Long Xuyên tặng 50 xe; Tổng giáo phận Hà Nội 113 xe; Giáo phận Huế tặng 40 xe lăn, 10 xe lắc, 20 gậy chống và 6 khung tập; Giáo phận Đà Lạt tặng 40 xe lăn, 17 cặp nạng và gậy; Giáo phận Hải Phòng tặng 20 xe; Giáo phận Thái Bình tặng 140 xe; Giáo phận Thanh Hóa trao 20 xe đạp cho học sinh nghèo6.

Những năm qua, đồng bào Công giáo luôn thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước. Không chỉ tham gia hưởng ứng các phong trào, số đảng viên là người Công giáo ở nhiều nơi đã phát huy vai trò, sống "tốt đời, đẹp đạo", được nhân dân và đồng bào Công giáo tín nhiệm. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, người Công giáo Việt Nam nhận thức rõ hơn con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước. Công giáo có sự phát triển mạnh ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước; nhiều giáo xứ, giáo họ mới được thành lập; nhiều chức sắc được cử đi đào tạo ở các đại chủng viện trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều chức sắc, người tu hành và giáo dân đã tích cực tham gia vào các tổ chức như Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Hội đồng nhân dân... Đồng bào Công giáo ngày càng yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào công cuộc đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phùng Duy Hiển

Nghiên cứu sinh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2016), Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. tr.482.

2. Xem, Báo Người Công giáo Việt Nam (11/2018), Mô hình hay trong phong trào “Kính Chúa, yêu nước” của người Công giáo Việt Nam.

3. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (2013), Văn kiện Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI, Hà Nội, tr.31.

4. Nguyễn Công Huyên: Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động từ thiện xã hội, Công tác Tôn giáo, số 10/2009, tr.13.

5. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam-Niên giám 2016, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr.487, 490, 493.

6. Đào Thị Đượm: Vài nét về hiện trạng, nguồn lực của Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội, Tạp chí công tác tôn giáo, số 8/2019, tr.27.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều