Đồng hành cùng sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong bối cảnh hiện nay

(Mặt trận) - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ thống chính sách ban hành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khá đầy đủ và toàn diện, bao quát mọi mặt lĩnh vực đời sống, xã hội. Trong đó có rất nhiều chính sách được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo những xã đặc biệt khó khăn, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện.

Nước ta là một quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số và 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở miền núi trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích của cả nước, bao gồm 19 tỉnh miền núi vùng cao, 23 tỉnh có miền núi, 10 tỉnh đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều dân tộc cư trú dọc biên giới quốc gia giữa nước ta với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Một số dân tộc thiểu số có quan hệ đồng tộc với dân tộc ở các nước láng giềng bên kia biên giới. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều cửa ngõ thông thương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Miền núi nước ta chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, rất cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Miền núi còn là đầu nguồn các con sông lớn dự trữ nguồn thủy năng to lớn, thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia. Nhiều khu vực miền núi đất đai phì nhiêu có thể phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su,... Các đồng cỏ rộng lớn trên cao nguyên thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc. Rừng ở miền núi nước ta rất đa dạng và phong phú, là tài nguyên quý giá cho phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường sinh thái của cả nước.

Các dân tộc ở nước ta có chung vận mệnh lịch sử, gắn bó với sự ra đời và phát triển của Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc đã gắn bó, đoàn kết xây dựng thành một cộng đồng dân tộc thống nhất. Đoàn kết, thống nhất là truyền thống lâu đời và là đặc điểm nổi bật xuyên suốt quá trình phát triển của các dân tộc. Đoàn kết, gắn bó đã bảo đảm cho sự tồn tại, sống còn của từng dân tộc cũng như của cả cộng đồng các dân tộc trong quá trình phát triển. Sự gắn kết các dân tộc với ý thức tự giác cùng chung sống ngay từ buổi ban đầu dựng nước đã tạo nên một quốc gia dân tộc Việt Nam bền vững. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn là địa bàn chiến lược xung yếu, là phên dậu giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã là những khu căn cứ địa vững chắc của cách mạng, cung cấp sức người, sức của đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay) được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, với nội dung cơ bản thống nhất. Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định chính sách dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng; được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một hệ thống chính sách khá đồng bộ, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ tính riêng giai đoạn năm 2016 - 2020, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành nhằm thực hiện đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội đã ban hành những quyết sách có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Bộ Chính trị xác định các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong tình hình mới nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018. Nhiệm vụ trọng tâm là Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở Đề án do Chính phủ trình, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với giải pháp trọng tâm là xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình mục tiêu này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Có thể thấy, dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc, khẳng định vai trò của Ủy ban Dân tộc của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua là việc tham mưu, đề xuất, xây dựng Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Đề án đã được Quốc hội thông qua.

Có thể nói, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng “lõi nghèo” của cả nước. Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Cơ chế thúc đẩy tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”. Đây là một bước đổi mới tư duy xác định rõ định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể nói, hiện nay, hệ thống chính sách ban hành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá đầy đủ và toàn diện, bao quát mọi mặt lĩnh vực đời sống, xã hội.

Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư được thực hiện thông qua các chính sách, chương trình, dự án đã góp phần thay đổi căn bản bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giáo dục đào tạo được cải thiện và nâng cao; trình độ năng lực cán bộ xã, thôn bản từng bước được nâng lên, năng lực sản xuất của đồng bào đã từng bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Các chi phí thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và hạ tầng cơ sở như giáo dục, y tế, điện, đường, trường, nước sạch và vệ sinh môi trường… cũng khẳng định xu hướng cải thiện đáng kể.

Có thể nói, từ khi đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho đến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các chính sách hỗ trợ đặc thù về giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo cán bộ cơ sở... đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã từng bước được cải thiện, cơ bản hạn chế được tình trạng đói, tỷ lệ giảm nghèo ở khu vực này cao hơn tỷ lệ giảm nghèo của cả nước, hàng trăm ngàn hộ đồng bào được hỗ trợ xóa nhà tạm. Con em đồng bào ngày càng có điều kiện được học tập, điều kiện chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn. Các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy.

Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ chế chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang có sự thay đổi căn bản, ngày càng sát thực tế hơn; từ chỗ chính sách cho vùng dân tộc và miền núi chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chuyển sang chính sách vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách cũng có thay đổi quan trọng; từ chỗ “dễ làm trước, khó làm sau”, chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất (xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn).

Từ những chủ trương của Đảng về công tác dân tộc nêu trên, trong những năm qua, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân. Tính đến nay, hệ thống chính sách dân tộc đã bao phủ cơ bản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 42 luật và 118 văn bản, chính sách liên quan. Đặc biệt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là khung pháp lý quan trọng, bao gồm 12 nhóm chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và nhiều Chỉ thị của Thủ tướng đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc đến năm 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn tới.

Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó tập trung xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào được đặc biệt quan tâm; cơ bản giải quyết được những vấn đề bức thiết về di cư tự phát, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.

Thực hiện chính sách dân tộc góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Thứ nhất, các dân tộc thiểu số sống xen kẽ nhau, xu hướng này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đây là điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan hệ, trao đổi giao lưu kinh tế, văn hóa, cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và đoàn kết chặt chẽ bên nhau xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt và kịp thời mối quan hệ giữa các dân tộc sẽ dễ xảy ra va chạm về lợi ích, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch phá hoại an ninh, chính trị vùng dân tộc thiểu số.

Thứ hai, các dân tộc phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội. Đây là đặc điểm cực kỳ quan trọng và nổi bật của các dân tộc nước ta. Do quy luật phát triển không đồng đều của lịch sử, đặc biệt là do hậu quả nặng nề của chính sách dân tộc thời phong kiến, thực dân, mặt khác do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai trên địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã tạo nên sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc.

Muốn thực hiện được bình đẳng dân tộc phải từng bước giảm, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa các dân tộc về kinh tế - xã hội. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn dần khoảng cách giữa các vùng và giữa các dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Thứ ba, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc. Ở nước ta dù dân tộc có quy mô dân số lớn hay nhỏ, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hay thấp nhưng mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, phong tục tập quán, trang phục, lối sống riêng tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Sự thống nhất trong đa dạng là đặc điểm nổi bật của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, các dân tộc ở nước ta có chung vận mệnh lịch sử, gắn bó với sự ra đời và phát triển của Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc đã gắn bó, đoàn kết xây dựng thành một cộng đồng dân tộc thống nhất. Đoàn kết, thống nhất là truyền thống lâu đời và là đặc điểm nổi bật xuyên suốt quá trình phát triển của các dân tộc. Đoàn kết, gắn bó đã bảo đảm cho sự tồn tại, sống còn của từng dân tộc cũng như của cả cộng đồng các dân tộc trong quá trình phát triển. Sự gắn kết các dân tộc với ý thức tự giác cùng chung sống ngay từ buổi ban đầu dựng nước đã tạo nên một quốc gia dân tộc Việt Nam bền vững. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Kinh nghiệm thực tiễn công tác dân tộc và triển khai thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa Nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Hai là, thường xuyên quan tâm nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào chấp hành tốt đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc của người dân, nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tạo niềm tin, sự đồng thuận của đồng bào.

Ba là, nâng cao vai trò tham mưu của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số như già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ.

Bốn là, tập trung nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề bức xúc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa bàn khó khăn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đây là những vấn đề ưu tiên trong xác định chính sách và thể hiện quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số.

Năm là, chính sách, dự án nào có tham gia của chính quyền địa phương, của người dân nhiều hơn thì chính sách đó có hiệu quả tốt hơn. Nơi nào người dân hiểu rõ chính sách, được tham gia tổ chức thực hiện chính sách thì nơi đó tổ chức thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả hơn.

Sáu là, để giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững. Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Nguyễn Duy Dũng

ThS, Nhà báo, Tạp chí Dân tộc

Hà Trọng Nghĩa

Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Ủy ban Dân tộc

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều