Gần 40 năm miệt mài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao

“Người Dao ở Trung Minh rất vui và tự hào vì được ông Ngân truyền dạy lại cho bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhờ có sự tâm huyết của ông, phong trào bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở Trung Minh phát triển mạnh lắm…”. Đây là chia sẻ của bà con người Dao xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khi nhắc đến ông Chu Tuần Ngân, thôn Bản Pình, xã Trung Minh.  

Ông Chu Tuần Ngân nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Với mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao tránh nguy cơ bị mai một, gần 40 năm qua, ông Chu Tuần Ngân, người dân tộc Dao đã dày công nghiên cứu và truyền dạy lại những giá trị văn hóa đặc sắc của người Dao cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần lưu giữ, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. 

Ông Ngân chia sẻ: Ông may mắn có ông nội và bố đều làm thầy cúng, biết chữ Nôm - Dao và am hiểu về văn hóa của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, ông đã được bố và ông nội truyền dạy cho chữ Nôm - Dao và những nét văn hóa đặc sắc của người Dao như hát Páo dung, cách thực hiện các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa… Tuy nhiên, thế trẻ người Dao ở Trung Minh hiện chỉ học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ giỏi mà không nhớ nổi mặt chữ của tổ tiên cũng như nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Những người biết chữ Nôm -Dao như ông còn lại rất ít, đa phần là những người đã lớn tuổi. Vì vậy, ông quyết định phải tìm cách để truyền dạy lại văn hóa của người Dao cho thế hệ trẻ, tránh nguy cơ bị mai một.

Thực hiện mong muốn của mình, năm 2013, ông Ngân mở lớp dạy chữ Nôm - Dao miễn phí cho người dân tại ngay nhà mình. Ông đã bàn bạc cùng với vợ, con đóng thêm bàn, ghế, mua thêm giấy bút để phục vụ việc dạy chữ. Lớp học của ông thu hút hơn 30 người theo học. Ban đầu, học sinh trong lớp học của ông chủ yếu là con em người Dao trên địa bàn xã. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các huyện trong tỉnh như Chiêm Hóa, Hàm Yên, có người ở tận tỉnh Bắc Kạn đã tìm về nhà ông để học chữ. Sách học được ông Ngân dịch ra từ những cuốn sách cổ mà ông, cha để lại.

Tham gia học chữ ở nhà ông Ngân, anh Bàn Văn Huỳnh, dân tộc Dao, thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh cho biết: Khi biết thầy Ngân mở lớp dạy chữ Nôm - Dao, anh đã sắp xếp thời gian, công việc đến nhà thầy theo học. Học được chữ, anh sẽ đọc được nhiều tài liệu quý trong sách cổ như: các đạo lý làm người mà tổ tiên để lại, các phong tục, tập quán, những lời hát Páo dung… từ đó, sẽ hiểu thêm về văn hóa dân tộc. Nếu học giỏi, sau này, anh có thể truyền dạy lại cho người khác, giống như thầy Ngân đang làm để góp phần bảo tồn văn hóa của người Dao. Đến với lớp học của thầy Ngân, anh không chỉ học được chữ mà còn học được ở thầy những đức tính tốt đẹp…

Bên cạnh ngôn ngữ đặc trưng, người Dao còn có một “báu vật” khác, đó là hát Páo dung. Theo chia sẻ của ông Chu Tuần Ngân, "Páo dung" trong tiếng Dao có nghĩa là "ca hát", hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Giá trị văn hóa lớn nhất của hát Páo dung chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình... 

Để gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc Dao, năm 2014, ông Ngân đã thành lập Câu lạc bộ hát Páo dung đầu tiên ở xã Trung Minh, với 40 thành viên. Năm 2015, ông tiếp tục thành lập thêm hai Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa người Dao với tổng số 80 thành viên. Qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, ông Ngân hướng dẫn cho các thành viên cách hát Páo dung, cách múa các điệu múa truyền thống của người Dao… góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Dao tại địa phương.

Là thành viên trong Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao, thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh, chị Đặng Thị Thoa cho biết: Trước đây, chị không biết hát Páo dung như thế nào. Sau khi tham gia Câu lạc bộ, được bác Ngân chỉ dạy, chị đã biết hát Páo dung. Ngoài dạy hát, bác Ngân còn dạy các điệu múa truyền thống của dân tộc nữa. Từ ngày có các Câu lạc bộ hát Páo dung, Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ trong xã phát triển mạnh. Người Dao ở Trung Minh đã ý thức hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ông Chu Tuần Ngân nghiên cứu, dạy lại chữ Nôm - Dao cho học trò và các cháu trong gia đình. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Ngân đã có gần 40 năm học tập, nghiên cứu và truyền dạy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ. Với sự am hiểu và những đóng góp cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, năm 2019, ông Ngân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Đối với người Dao ở Trung Minh, ông Ngân không chỉ là nghệ nhân văn hóa dân tộc mà còn là người uy tín trong cộng đồng. Song song với việc truyền dạy các giá trị văn hóa, ông còn vận động bà con bỏ các hủ tục lạc hậu, sống tuân thủ pháp luật, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương…

Chia sẻ với về những dự định trong thời gian tới, ông Ngân cho biết: Mong muốn lớn nhất của mình là có thể vận động được cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh cùng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo được phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi, lành mạnh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín; đoàn kết, nỗ lực trong phát triển kinh tế từng bước nâng cao đời sống...

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ông Chu Tuần Ngân là một trong 8 người của tỉnh Tuyên Quang đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ông là người có uy tín của đồng bào dân tộc Dao và có đóng góp rất quan trọng trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao. Đóng góp nổi bật của ông là bảo tồn, phát huy được chữ viết, dạy lại chữ viết cho con em đồng bào Dao tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn rất tích cực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa liên quan đến dân ca, dân vũ của dân tộc. Ông là người đi đầu trong thành lập các Câu lạc bộ để vận động bà con người Dao bảo tồn di sản văn hóa, qua đó, góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc cho “bức tranh” văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo Vũ Quang (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều