Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer của MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh trong tình hình mới

(Mặt trận) - Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Trà Vinh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến nay, đời sống các hộ dân trong tỉnh được nâng lên, hộ nghèo giảm, giữ vững an ninh trật tự trong khóm, ấp, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bài viết đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương.

Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, có 65 km bờ biển, diện tích tự nhiên 2.341 km2, dân số trên 1,1 triệu người với 3 dân tộc chính là: Kinh, Khmer, Hoa, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Đây cũng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, nhiều tôn giáo khác nhau, tỉnh có gần 328.000 người là dân tộc Khmer (chiếm 31,5% dân số trong tỉnh). Toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với hơn 3.000 vị chư tăng. Trà Vinh có 24 xã đặc biệt khó khăn và 52 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 21 xã khu vực II nằm trong diện đầu tư của Chương trình 135.

Năm 2018, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng 76 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135; hỗ trợ gần 800 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng đang giải ngân nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland xây dựng 10 công trình hạ tầng, dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng; Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn tranh thủ các nguồn lực từ những dự án triển khai trên địa bàn để hỗ trợ đồng bào Khmer cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn hơn 16.000 hộ nghèo (giảm 2,46% so với cuối năm 2017); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,4%/năm (vượt 1,4% so với chỉ tiêu đề ra). Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh sống tập trung, ổn định, xây dựng chùa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để người dân thực hiện nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, tham gia các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các chế độ đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững và các phong trào thi đua do địa phương phát động. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, các vị chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc Khmer. Ở các huyện, xã tổ chức tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền công tác bầu cử; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật An toàn giao thông, các chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số… Tuyên truyền đa dạng thông qua các loại hình: hệ thống báo chí; trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, hội thi, đối thoại, tiếp xúc của cán bộ; đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu, các vị chức sắc tôn giáo, sư sãi, Achar; qua “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” dịp 18/11 hàng năm; qua các lễ hội của đồng bào Khmer.

Nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôn Ta của đồng bào dân tộc Khmer, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn đến thăm và chúc mừng các vị chức sắc trụ trì chùa Nam tông Khmer, người có uy tín, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận tỉnh là người dân tộc Khmer, qua đó tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc và động viên, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tăng cường sự đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống Khmer; liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống; triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật. Các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như: bóng chuyền, bóng đá mini, đẩy gậy, kéo co… với sự tham gia đông đảo người dân cùng du khách thập phương. Việc tổ chức thường xuyên Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer và góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer, động viên đồng bào đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tỉnh đã luôn quan tâm chăm lo tốt an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Khmer nói riêng. Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường mẫu giáo, đạt tỷ lệ 96,8% số trẻ em đến trường, 56 trong số 59 xã trong tỉnh đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 95,86% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Ngoài việc hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế, Trà Vinh còn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer ở các cấp. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer chiếm 18,52%, trong đó, tỷ lệ ở cấp xã chiếm 14,26% và cấp huyện, tỉnh chiếm 18,79%.

Bên cạnh những thuận lợi, việc tiếp thu khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất của bà con Khmer còn hạn chế, hiệu quả mang lại chưa cao; đời sống một bộ phận bà con đồng bào Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu và chưa được tập huấn chuyên sâu, còn hạn chế về tiếng nói và chữ viết. Công tác tuyên truyền của Mặt trận cấp tỉnh chỉ làm điểm, còn lại các huyện, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trong dân, nhưng địa phương hiện nay thiếu kinh phí nên công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh cần thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền tới đồng bào bằng nhiều kênh khác nhau. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Trà Vinh, mỗi tháng nên có 2 đến 4 kỳ về nội dung chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp với các báo trong tỉnh thường xuyên đưa tin, viết bài về các mô hình, cách làm hay để nhân rộng. Tăng cường tuyên truyền thông qua các hình thức: trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động; các hội thi, đối thoại, tiếp xúc cán bộ, các hoạt động văn hóa, thể thao. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân vận, Ban Dân tộc tỉnh biên soạn các tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Khmer). Phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở, địa phương, với các vị chức sắc, trụ trì các chùa Nam tông Khmer tuyên truyền những nội dung như: nâng cao hiểu biết về tệ nạn xã hội; ý thức bảo vệ môi trường; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; hiểu biết về an toàn thực phẩm và phòng, chống buôn lậu, an toàn giao thông…

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua người có uy tín, tiêu biểu, các vị chức sắc tôn giáo, sư sãi, Achar trong tỉnh. Việc thăm hỏi các cá nhân uy tín, tiêu biểu, nòng cốt trong đồng bào dân tộc khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Đôn Ta của đồng bào Khmer… nhằm gắn chặt mối quan hệ giữa Đảng, Mặt trận, đoàn thể với đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, góp phần mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động đồng bào tham gia tích cực phát triển sản xuất, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, cùng nhau tham gia đóng góp vào công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng tăng cường phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các đoàn thăm quan, học hỏi kinh nghiệm, mô hình điểm ở các địa phương, các di tích lịch sử cách mạng các tỉnh phía Bắc cho các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc, các vị sư sãi, Achar, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; tìm hiểu các di tích lịch sử nâng cao tinh thần yêu nước, đồng thời góp phần tuyên truyền về truyền thống cách mạng của nhân dân ta.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền về “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” dịp 18/11 hàng năm; các lễ, hội của đồng bào Khmer: hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn Mặt trận huyện, thị xã, thành phố tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại khu dân cư với nhiều hình thức hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới; động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó đánh giá kết quả triển khai, thực hiện của Ban Công tác Mặt trận cơ sở, nhất là việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khóm, ấp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu có nhiều thành tích, đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm tới công tác dân tộc, tôn giáo. Cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử; quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có công với cách mạng.

Cao Thị Ngọc Thủy

Ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều