Hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Tại Việt Nam, bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề đáng quan ngại đặc biệt ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra định hướng nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Cần thúc đẩy bình đẳng giới ở đồng bào DTTS và miền núi 

Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, địa phương có liên quan để tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đặc biệt đối với đồng bào DTTS và miền núi.

Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân những nội dung quy định của Luật Bình đẳng giới. Qua đó giúp nhân dân đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới… Bên cạnh đó, Mặt trận đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; động viên phụ nữ phát huy nội lực, ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên thực tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản cố hữu. Bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới, được coi là người chủ trong gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng… Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tảo hôn vùng DTTS vẫn còn chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Trong nhóm tảo hôn, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai.

Mặc dù, người DTTS tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ cả nam và nữ nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo đều ở mức thấp, 89,7% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nữ DTTS biết chữ và tiếng phổ thông ít hơn đáng kể so với nam DTTS (76% ở nữ và 87% ở nam). Một số DTTS biết chữ và tiếng phổ thông thấp dưới 50% như La Hủ, Lự, Mảng.

Về y tế, tỷ lệ phụ nữ DTTS khám thai và sinh con tại cơ sở y tế vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Chênh lệch giữa các vùng kinh tế-xã hội cũng khá lớn. Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 đến 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới 14,2% so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%. Có thể thấy, mặc dù vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng đối với phụ nữ DTTS đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với phụ nữ dân tộc Kinh.

Đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ vùng cao 

Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.

Đặc biệt Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em  với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng được kì vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới của vùng.

Cần hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế 

Theo đó, Dự án sẽ triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…

Việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong mọi mặt đời sống xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ người DTTS từ cấp Trung ương đến địa phương liên tục tăng qua các khóa gần đây. Tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Những giải pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới ở đồng bào DTTS bao gồm việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của đồng bào các DTTS, đặc biệt là các DTTS rất ít người; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các nhóm nữ DTTS yếu thế về bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập. Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.

Hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế của mình. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ DTTS.

Bên cạnh đó cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người DTTS sinh sống.

Hơn nữa cần hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.

Hồng Nhung - Hữu Phương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều