Không thế lực nào có thể chia cắt nghĩa đồng bào - mọi mưu đồ chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhất định thất bại

Đoàn kết dân tộc là quy luật muôn đời để dựng nước và giữ nước, là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Một trong những trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động tập trung mũi nhọn chống phá sự nghiệp đổi mới là chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi. Cần phải bóc trần những âm mưu, thủ đoạn này để từng cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao cảnh giác và đấu tranh kiên quyết.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói mộc mạc và súc tích ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết và khái quát ở tầm cao của trí tuệ, nêu lên một quy luật và khẳng định truyền thống văn hóa hàng ngàn năm lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nhờ có đoàn kết đồng lòng mà 54 tộc người cùng chung sống trên mảnh đất không rộng lắm, người không đông lắm, trình độ phát triển về kinh tế còn khó khăn, nhưng đã vượt qua bao gian lao, thử thách, chống chọi được với thiên tai, địch họa, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, thống nhất non sông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và đang chung sức, chung lòng xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam (tranh lụa của họa sĩ Trần Minh Thái) _Ảnh: Tư liệu

Dân tộc nào cũng có truyền thống đoàn kết để sinh tồn và phát triển, song truyền thống đoàn kết của dân tộc ta có những nét đặc thù. Đó là cuộc sống xen kẽ giao hòa của dân cư một đất nước đa tộc người, đa tôn giáo, luôn phải biết chia sẻ giá trị, tôn trọng lẫn nhau những khác biệt. Đó là những cuộc vật lộn liên miên để chống chọi với thiên tai vô cùng khắc nghiệt và chiến đấu oanh liệt chống đủ loại chiến tranh xâm lược hòng thôn tính lãnh thổ và nô dịch dân tộc ta. Đó còn là quá trình tự ý thức về giá trị văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc Việt Nam, một dân tộc ngay từ khi hình thành đã mang tính cố kết cộng đồng cao.

Nghiên cứu chiều sâu của đoàn kết dân tộc mới thấy rõ ý nghĩa trọng đại, có tầm lý luận cao và ý nghĩa thực tiễn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã tổng kết thành bài học thứ ba trong năm bài học lớn của cách mạng nước ta và của cả quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, đó là: Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Cương lĩnh của Đảng đã chỉ rõ các cấp độ đoàn kết có quan hệ biện chứng với nhau, kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo thành một tổng hợp lực để sản sinh ra sức mạnh vô địch không thế lực nào phá vỡ nổi. Nhờ sức mạnh đó mà sự nghiệp chính nghĩa ắt giành được thành công từ nhỏ đến lớn, đi tới thắng lợi cuối cùng, cho dù phải trải qua sóng gió, thử thách, thậm chí vấp phải khó khăn, thất bại tạm thời. Bài học lịch sử đó bác bỏ một cách đanh thép mọi luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, bôi nhọ đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định chắc chắn rằng, đoàn kết là một truyền thống rất quý báu và vững chắc, một giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng quý báu, là đường lối chiến lược mang tính lâu dài, là quy luật sinh tồn và phát triển của toàn dân tộc.

Sự tổng kết trong Cương lĩnh hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta, chứ không phải mang tính chủ quan duy ý chí. Để đi đến thắng lợi to lớn ngày nay, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã phải trải qua những khó khăn, thử thách, nhiều lúc vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo trên sợi tóc”, những khúc quanh với những ấu trĩ, sai lầm, khuyết điểm. Có những nơi, những lúc, những người vì lợi ích cá nhân hẹp hòi đã tạo ra những hố ngăn cách không đáng có trong cộng đồng dân tộc. Bước vào kinh tế thị trường, những hậu quả do mặt trái của nó mang lại, mà nổi lên là sự phân hóa giàu nghèo, là chủ nghĩa thực dụng về vật chất, đã gây nên những thách thức phức tạp làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà việc khắc phục và vượt qua những thách thức này không phải nhanh chóng, dễ dàng.

Hơn ai hết, dân tộc ta hiểu rõ giá trị của sự đoàn kết và quyết tâm làm tất cả những gì có thể làm được để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại hoặc làm xói mòn, làm suy yếu khối đại đoàn kết này, vì lịch sử đã cho chúng ta bài học quý giá: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Ngày nay, một môi trường quốc nội đoàn kết và ổn định là tiền đề cần thiết thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thế đứng cho đất nước trong công cuộc hội nhập quốc tế, con đường tất yếu để nước ta tồn tại và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay. Mọi thế lực thù địch muốn phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta luôn luôn nhằm vào tiêu điểm là phủ nhận, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta, vì đây chính là cội nguồn, là bảo đảm cơ bản nhất cho thắng lợi của cách mạng nước ta, là một động lực chủ yếu cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau. Hơn bao giờ hết, bất cứ lúc nào, hễ nội bộ chia rẽ thì đất nước suy vong, kẻ thù nhòm ngó, xã hội rối ren và tụt hậu. Tụt hậu về mọi mặt, trước hết là về kinh tế, có nghĩa là tự đánh mất những thành quả cách mạng của nhân dân ta, dẫn đến mất độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Vì lẽ đó, đấu tranh để bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tức là đấu tranh làm thất bại về căn bản âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, là vấn đề tồn vong của dân tộc, của chế độ. Đó là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi người cách mạng chân chính.

Truyền thống đoàn kết của dân tộc ta từ lịch sử được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta ngót một thế kỷ qua đã chứng minh một cách đanh thép sức sống mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng qua mọi thời kỳ, từ khi thành lập Đảng cho đến ngày nay.

Trải qua gần 35 năm đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đảng đã không ngừng đi vào cuộc sống và khẳng định những nội dung đúng đắn của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc đến mức cao nhất, đặt lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, coi đó là điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với đồng bào trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk _Nguồn: vietnamplus.vn

Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17-11-1993, của Bộ Chính trị khóa VII, “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”, đề ra những quan điểm phản ánh tập trung nhất tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, khẳng định nội dung cơ bản của đường lối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới là “đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài”(1), lấy mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu đưa nước ta sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, coi đó là điểm tương đồng, “đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau...”(2). Đây là bước phát triển mới có ý nghĩa rất quan trọng về đường lối đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bác bỏ những luận điệu sai trái cho rằng, Đảng và Nhà nước ta thành kiến, hẹp hòi và phân biệt đối xử với những người trước kia từng làm việc trong chế độ cũ.

Chúng ta đều biết rằng, sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, nhiều người trong chế độ cũ đã trở lại trong lòng dân tộc. Họ được sử dụng theo khả năng và sở trường, không ít người đã được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, công tác trong các cơ quan nhà nước, thành viên của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Nguyễn Hữu Có, nguyên Trung tướng trong quân đội Sài Gòn, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn, sau nhiều năm phấn đấu hòa nhập với nhân dân đã trở thành Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chia sẻ: “Từ sau ngày đất nước thật sự độc lập và thống nhất đã có rất nhiều chuyển biến, không phải chỉ là một mặt mà ở nhiều mặt, không phải chỉ ở một phía, mà nhiều phía. Tôi ra đường, ra phố bây giờ ai cũng gọi tôi là anh, là bác. Đó là kết quả của những chuyển biến tích cực của xóm, phường, của chế độ và của chính tôi... Tôi đã chọn ở lại với quê hương, với dân tộc và tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc...”(3).  

Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn khi về thăm quê hương năm 2004, trong buổi tiếp xúc với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ: “Tôi cảm nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội phát triển, ổn định, tốt đẹp, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân vui vẻ, bình yên đón Tết cổ truyền của dân tộc trong khối đại đoàn kết thống nhất vui vẻ. Trước đây, do sự áp đặt của ngoại bang, Tổ quốc ta như một cơ thể bị chia cắt ra từng khúc, nay quý vị đã làm được sự thống nhất trở lại. Tôi thấy từ trong đường gân thớ thịt mạch máu lưu thông, sức sống của một cơ thể thống nhất đang phát triển từng ngày không gì cản trở được. Chúng tôi, những người ở vào tuổi thất thập cũng nhắc nhở mình phải góp phần nhỏ bé cho đất nước. Nhưng tương lai huy hoàng của đất nước này thuộc về lớp trẻ hiện nay có sự lãnh đạo tập trung của Nhà nước Việt Nam và với chính sách đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, chúng ta sẽ phát triển phù hợp với trào lưu chung của thế giới”(4).

Những lời phát biểu trên đây của những người đã từng giữ những chức vụ rất cao trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 đã góp phần phê phán mạnh mẽ và bác bỏ luận điệu xuyên tạc đường lối đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta. Không ai có thể tuyên truyền, cưỡng ép họ phải nghĩ tốt về chế độ. Chỉ một cảm nhận nhỏ khi đi ra đường được mọi người gọi là bác, là anh, đã làm cho họ thấy cuộc sống hạnh phúc, vì đồng bào dang tay đón họ, những người mà nếu ở nơi khác có thể bị trả thù và bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Sức mạnh của đường lối đại đoàn kết đúng đắn của Đảng và Nhà nước chẳng những tập hợp được đông đảo nhân dân, cao hơn thế, nó còn khoan dung, cảm hóa được cả những người tưởng chừng như khó có thể trở về trong lòng dân tộc.

Những năm qua, sự xuyên tạc đường lối đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước còn nhằm vào chia rẽ và phá hoại quan hệ gắn bó máu thịt giữa 54 dân tộc anh em, chia rẽ dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau, phủ nhận chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tuy thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thay đổi lớn lao trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp các vùng, miền của đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của các chính sách thể hiện sự “bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển” đối với các dân tộc thiểu số. Quan điểm đó của Đảng và Nhà nước ta là nguyên tắc cơ bản của các chủ trương, chính sách đoàn kết các dân tộc thiểu số, xuất phát từ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19-4-1946, đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta”(5). Tư tưởng đó là linh hồn của các chính sách dân tộc của Nhà nước ta. Các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thể hiện tinh thần đó và đã mang lại sự thay đổi rõ rệt.

Ya Đuk, người dân tộc Cơ Ho, tỉnh Lâm Đồng, nguyên là thủ lĩnh của lực lượng FULRO trước đây, sau nhiều năm sống trong rừng sâu chống lại chính quyền nhưng do nhận thức rõ chính sách đúng đắn của Nhà nước ta, đã quay về với nhân dân, tích cực tham gia xây dựng quê hương, tham gia Mặt trận Tổ quốc, rồi trưởng thành, là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội. Nhân dịp nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành khóa IX(6), Ya Đuk viết: “Xin cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, cảm ơn Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đem lại cho bà con dân tộc thiểu số quyền được làm một công dân của một đất nước độc lập, dân chủ, có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc và tiến bộ. Những thay đổi to lớn đó là ước mơ của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên từ bao đời nay”; “Đến nay, vẫn còn một số ít bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chia rẽ, xúi giục, mua chuộc, đã tụ tập đông người có hành động gây rối. Đây chính là hành động mang màu sắc chính trị xấu xa, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước”(7).

Những chia sẻ đó là tiếng nói của người trong cuộc, của những nhân chứng sống về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, bác bỏ đanh thép mọi sự vu cáo xấu xa về chính sách dân tộc đúng đắn được đồng bào dân tộc thiểu số hoan nghênh và tích cực ủng hộ bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Trong hoạt động chống phá đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch còn ráo riết chống phá chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta. Lợi dụng tính phức tạp của vấn đề tôn giáo và thổi phồng một số sai lầm, khuyết điểm trong nhận thức và việc làm của một số cán bộ, các thế lực thù địch không ngừng vu cáo Đảng và Nhà nước ta kỳ thị người theo đạo, bóp nghẹt tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm nhân quyền... Thực tế tự do tôn giáo ở nước ta đã hoàn toàn bác bỏ những luận điệu sai trái đó. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Ngay từ khi mới ra đời nước Việt Nam mới, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố long trọng chính sách của Chính phủ là tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Chính sách đó đi vào cuộc sống đã tập hợp đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân ta.

Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, chính sách tôn giáo đã không ngừng hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tế khách quan. Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào theo các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đạo đức tôn giáo có những điểm phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội mới. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, đồng thời nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số _Nguồn: qdng.vn

Trong xã hội ta, mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, được mở cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, xuất bản các ấn phẩm về tôn giáo, được xây dựng, sửa chữa, giữ gìn cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật. Những công trình thờ tự cũ được tôn tạo khang trang, những công trình lớn mang tầm cỡ khu vực được đầu tư xây mới, nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về tôn giáo đã được tổ chức thành công tại Việt Nam.

Hiến pháp và pháp luật bảo hộ các tôn giáo, các tôn giáo hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật là nhằm giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho hoạt động tôn giáo diễn ra lành mạnh. Cần khẳng định rằng, không một quốc gia nào trên thế giới không có yêu cầu về giữ vững môi trường ổn định để bảo đảm cuộc sống yên lành của nhân dân, trong đó có những người theo tôn giáo. Ngay từ thời trung cổ, các nhà nước vùng Trung Cận Đông và châu Âu cũng đã ra những đạo luật buộc những người theo tôn giáo phải chấp hành nghiêm chỉnh. Do vậy, nghiêm trị những kẻ gây rối, dù họ là người theo tôn giáo, tuy là một việc không muốn có, cũng là yêu cầu bắt buộc của việc quản lý đất nước. Không thể coi việc xử lý những cá nhân tín đồ có những hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm trật tự xã hội, cuộc sống yên lành của nhân dân, là “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”. Thử hỏi, nếu cứ để cho những phần tử xấu, mượn cớ đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hành động quá khích, gây rối làm tổn hại đến cuộc sống của cộng đồng dân cư, trong đó có cả những người theo đạo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Khi đó, chẳng những lợi ích dân tộc bị đe dọa, mà lợi ích thiết thân của những người theo đạo - một bộ phận gắn bó của dân tộc, cũng sẽ không được bảo đảm.

Mùa thu năm 1843, trong tác phẩm Về vấn đề Do Thái, C. Mác đã viết: “Ngay trong một nước mà giải phóng chính trị đã hoàn thành, tôn giáo không những vẫn tồn tại mà còn biểu hiện sức sống và sức mạnh, thì điều đó chứng tỏ rằng tồn tại của tôn giáo không mâu thuẫn với tính chất hoàn thiện của Nhà nước”(8). V.I. Lê-nin cũng từng phê phán sự phân biệt đối xử giữa những người có đạo và không có đạo. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với những người theo tôn giáo, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không mâu thuẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu gương sáng trong việc đoàn kết đồng bào theo đạo với tất cả tấm lòng chân thành và tình cảm thiết tha.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa tạo ra những điều kiện cơ bản bảo đảm cho sự thành công của chính sách tôn giáo. Xét về bản chất, chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng một xã hội, trong đó không còn chế độ bóc lột, đàn áp, bất công; mọi người sống tự do, bình đẳng, nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Điều đó trùng hợp với những ý tưởng tốt đẹp của những nhà sáng lập các tôn giáo. Không nghi ngờ gì nữa, những luận điệu sai trái đặt chủ nghĩa xã hội đối lập với tôn giáo, vu khống Nhà nước ta đàn áp tôn giáo là hoàn toàn xa lạ với quan điểm, chính sách về tôn giáo ở nước ta.

Trong các cuộc làm việc, trao đổi với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiều vị chức sắc tôn giáo đã bày tỏ sự trân trọng, tin tưởng, đồng thuận với chính sách tôn giáo của Việt Nam. Chẳng hạn như, mục sư đạo Tin Lành Vũ Hùng Cường bày tỏ: Nhờ có chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, mọi người được tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng và bình đẳng trước pháp luật. Tôi thấy chính sách ấy vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế của mỗi một xã hội tươi đẹp văn minh. Nguyễn Cao Kỳ cũng phát biểu: “Tôi về kỳ này được yên ổn tham quan, vui chơi, không gặp một trường hợp trắc trở nào. Mọi người đều được yên ổn làm ăn, sinh sống, kể cả những người có đạo mà tôi được gặp ở các chùa, nhà thờ cũng được yên vui hành đạo”(9).

Linh mục Phê-rô Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam sinh thời luôn khẳng định: Các tôn giáo tại Việt Nam nói chung - nói riêng là Công giáo - đều dành cho chủ nghĩa xã hội những tình cảm trân trọng, tin cậy và sẵn sàng cộng tác với Nhà nước trong những chương trình xã hội, ích quốc, lợi dân theo đúng phương châm mà Giáo hội Công giáo đề ra: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào.

Các thế lực thù địch không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đồng bào theo đạo. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau cũng như tôn chỉ, mục đích hành đạo của từng tôn giáo, như “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin Lành, “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài, “Chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Phật giáo Hòa hảo,... là xu hướng chủ lưu hành đạo của truyền thống tôn giáo yêu nước trong cộng đồng các tôn giáo của nước ta.

Trong cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, còn phải phê phán những luận điệu sai trái xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào đang định cư, sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước ta luôn coi đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn nhất quán chủ trương chăm lo cung cấp thông tin về tình hình đất nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của đồng bào, nâng cao lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần tự tôn và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhà nước ta đã không ngừng đổi mới chính sách, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để những người con xa xứ về thăm quê hương và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước. Nhờ chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc đúng đắn mà kiều bào ta ngày càng xóa bỏ mặc cảm, gắn bó với quê hương. Đại bộ phận kiều bào đều hướng về Tổ quốc, nhiều người đã về thăm và tham gia đầu tư xây dựng đất nước. Số đồng bào về thăm quê hương ngày càng tăng, kể cả những người đã giữ những chức vụ cao trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Thực tế đó bác bỏ luận điệu cho rằng, Nhà nước ta phân biệt đối xử với kiều bào.

Trong những thành tựu của đất nước gần 35 năm đổi mới có sự đóng góp không nhỏ của kiều bào, thông qua hoạt động sôi động của kiều hối với hàng chục tỷ USD hằng năm, các dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ... của các nhà doanh nghiệp, trí thức kiều bào với nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực. Tổ quốc và quê hương với truyền thống lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng luôn dang rộng vòng tay đón chào những người con xa quê trở về. Tuy còn bộ phận nhỏ cố chấp, có biểu hiện chống lại xu thế hòa giải, hòa hợp dân tộc nhưng với đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, có thể tin tưởng rằng, trong tương lai không xa những rạn nứt và ngăn cách đó sẽ được khỏa lấp.

------------------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 53, tr. 74 - 75
(3) Tạp chí Mặt trận, số 2 (tháng 11-2001), tr. 19
(4) Hội đồng Lý luận Trung ương: Lẽ phải của chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 147
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249
(6) Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc; Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo
(7) Hội đồng Lý luận Trung ương: Lẽ phải của chúng ta, Sđd, tr. 149
(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 524
(9) Hội đồng Lý luận Trung ương: Lẽ phải của chúng ta, Sđd, tr. 154.

Theo PGS, TS. TRẦN HẬU/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều