Kiểm tra việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

(Mặt trận) - Chiều ngày 4/5, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm Trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca cùng đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 09 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết vùng đồng bào DTTS và MN tỉnh Quảng Nam có địa bàn rộng, địa hình phức tạp với tổng diện tích tự nhiên 7.760,7 km 2 (chiếm 73,4% diện tích tự nhiên cả tỉnh); dân số 09 huyện miền núi khoảng 330.404 người (chiếm 22% dân số cả tỉnh), riêng đồng bào các DTTS có 139.060 người (9,3%) gồm 04 thành phần dân tộc bản địa: Cơ Tu, Cor, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 58 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 09 xã khu vực I; có 230 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trong đó 211 thôn ở xã khu vực III, 11 thôn ở xã khu vực II, 06 thôn ở xã khu vực I và 02 thôn ở xã thuộc vùng đồng bào DTTS và MN.

Những năm qua, được sự tập trung đầu tư của Nhà nước, tình hình đời sống, sản xuất vùng đồng bào DTTS và MN tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chương trình, dự án được Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư ở vùng đồng bào DTTS và MN mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các chương trình trọng điểm đầu tư phát triển miền núi theo Nghị quyết số 05- NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Thông qua việc ưu tiên, tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí dân cư, ổn định và phát triển sản xuất đã góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng KT - XH, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Trong năm 2022, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và MN được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phát huy vai trò nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, ý thức tự giác vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; về sản xuất, đã hình thành một số sản phẩm OCOP đặc trưng của miền núi về các loại dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Ba kích, Đẳng sâm tại các huyện; đặc biệt phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS để vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đến nay, có 4 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Múa tâng tung da dá, Nghề dệt thổ cẩm, Nói hát lý của dân tộc Cơ – Tu,trang trí cây nêu và bộ Gu của dân tộc Cor; chủ động lựa chọn nội dung phù hợp với thực tế của địa phương, triển khai chặt chẽ công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn do đây là Chương trình mới, nội dung rộng, tích hợp nhiều chính sách, lĩnh vực. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình, một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là hướng dẫn về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí; nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh dù được phân bổ nhưng chưa có cơ sở để triển khai. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư của Chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt thấp (đến 30/1/2023, vốn đầu tư mới giải ngân 18,9%; vốn sự nghiệp giải ngân mới 4,5%). Một số nội dung thuộc các dự án như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi số... còn nhiều bất cập, khó khăn. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam trong công tác phối hợp triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhất là kinh nghiệm, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án liên quan đến vùng DTTS và miền núi; đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời gian tới để Chương trình ngày càng đi vào cuộc sống, giúp đồng bào hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc, nêu cao cảnh giác, đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; bên cạnh đó phát huy hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức, qua nhiều kênh tuyên truyền như cổng thông tin điện tử của Mặt trận tỉnh, cổ động trực quan, các tờ rơi, tờ gấp, vai trò của người có uy tín…

Tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và đoàn công tác sẽ nghiên cứu, tổng hợp, sớm có văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết; đồng thời yêu cầu Ủy ban MTTQ tỉnh cần phối hợp các tổ chức thành viên thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của Nhân dân để kịp thời kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ, góp phần ổn định dư luận xã hội; đặc biệt, mỗi xã trong vùng đồng bào DTTSphải tổ chức ít nhất một cuộc giám sát/năm và giám sát có trọng tâm, thực chất, đồng thời phát huy hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát của Nhân dân để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình.

Bảo Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều