Lão nông đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại ở Tuyên Quang

Ông Vũ Văn Lung (sinh năm 1951, ở thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một người thành công trong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Nhờ kết hợp trồng rừng, cây ăn quả, nuôi cá và trồng phong lan, hàng năm, gia đình ông thu nhập trên 800 triệu đồng.
 

 Ông Lung luôn tìm tòi phát triển các giống cây trồng mới.

Ông Lung chia sẻ, gia đình ông gốc Nam Định, đi sơ tán lên Tuyên Quang, rồi đi vào thôn Bình Ca 1 để khai hoang, phát triển kinh tế. Từ nhỏ, cuộc sống của ông đã gắn bó với rừng. Năm 1979, ông tình nguyện đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường biên giới ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Khi bắt tay vào phát triển kinh tế, ông luôn tìm tòi, học hỏi từ thành công của các mô hình trang trại trên cả nước thông qua truyền hình, sách báo, hoặc trực tiếp tìm đến để tham quan. Từng trồng qua nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, nhưng hiệu quả không cao, ông Lung cũng thử chuyển sang nuôi bò, lợn nhưng cũng nhiều lần từ bỏ.

Quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững cùng với sự nhanh nhạy trong tư duy, kiên trì trong cách làm kinh tế nông nghiệp đã không phụ công ông… Năm 2011, gia đình ông đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.

Hiện nay, vợ chồng ông Lung đang trồng trên 4 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 2.000 gốc bưởi các giống như: bưởi Diễn, bưởi Soi hà, bưởi đường lá nhăn, 700 gốc cam Vinh và cam ruột đỏ, 19,6 ha rừng trồng keo, nuôi hơn 200 đàn ong mật.

Luôn tìm tòi, đổi mới trong phát triển giống cây trồng, ông Lung thường học tập cách làm hay, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Việc mở rộng quy mô cây trồng không những giúp trang trại gia đình ông Lung có thêm thu nhập mà còn tạo nhiều việc làm không thường xuyên cho lao động tại địa phương.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, qua cách làm “chậm mà chắc” của ông Lung, nhiều hộ dân trong thôn Bình Ca 1 nhờ học theo mà đã dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập một cách đáng kể.

Chị Đinh Thị Nụ, thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trước kia cuộc sống gia đình chị còn nhiều khó khăn, nhờ học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả của ông Lung, gia đình chị bắt tay vào trồng trên 400 gốc bưởi đặc sản và cam. Có được thu nhập khá ổn định từ vườn cây ăn quả, chị Nụ đang tiếp tục đầu tư nuôi trên 200 đàn ong mật, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Không chỉ thành công với kinh tế từ rừng và cây ăn quả, ông Lung còn đào trên 6.000 mét vuông ao thả cá, nuôi các giống cá có hiệu quả kinh tế như trắm, trôi, chép, tận dụng diện tích đất vườn để trồng trên 200 giò phong lan. Tổng thu nhập từ trang trại và rừng của gia đình ông đạt trên 800 triệu đồng/năm.

Thành công trong phát triển kinh tế trang trại của gia đình ông Lung được bà con trong thôn xóm cũng như nhiều nơi khác tìm đến học tập. Theo ông Lung, làm nông nghiệp cái khó nhất là không kiên trì, mình có đất, có sức người mà không làm giàu được trên chính đất của mình sẽ chẳng có gì để than trách.

 

 Gia đình ông Lung có trên 6.000 m2 ao thả cá. 

Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khẳng định, ông Vũ Văn Lung nhiều năm liền giữ vai trò là một điển hình nông dân giỏi tiêu biểu của xã Tứ Quận nói riêng và huyện Yên Sơn nói chung. Đảng bộ xã Tứ Quận cũng đã thống nhất đưa mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Lung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới nhằm triển khai sâu rộng đến các chi bộ trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn đã thẩm tra và xác nhận điển hình kinh tế trang trại của hộ ông Lung để triển khai nhân rộng, xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trên địa bàn huyện, nhằm đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Để có được thành công trong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, ông Lung đã luôn chủ động, nhạy bén trong tư duy chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất. Thế nhưng, ông Lung chưa bao giờ tự hài lòng với những gì mình đã đạt được, với ông, làm nông không có thời gian nghỉ. Hết việc nhà, ông lại tiếp tục tìm đến giúp đỡ bà con trong thôn xóm. Với mong muốn đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm với bà con thôn xóm để cùng nhau tiến bộ, làm giàu bền vững, góp một phần sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Theo Nam Sương (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều