Lễ cầu mưa - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Jrai

Người Jrai gọi mưa là “Hơ Jan” và rất coi trọng vì “Hơ Jan” giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức, rát bỏng, làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt. Bởi vậy, trong chuỗi nghi lễ dân gian của đồng bào Jrai, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng. Lễ này thường được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 hằng năm với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghi lễ khẩn cầu thần linh tại lễ cầu mưa năm 2022 được tổ chức dưới chân núi thiêng Chư Tao Yang (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Khu vực phía đông nam tỉnh vốn được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất Gia Lai, đây cũng là vùng đất gắn liền với các truyền thuyết về Vua Lửa, Vua Nước. Vì vậy, lễ cầu mưa ở vùng này là một trong những nghi thức quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh và văn hóa đặc trưng của người Jrai. Với những giá trị đặc sắc, lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015.

Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành ba nghi lễ nhỏ bao gồm: cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông A Yun (Phú Thiện, Gia Lai); cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già, trẻ, gái trai trong làng mặc trang phục truyền thống, tụ hội tại nhà của thầy cúng - nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa.

Phụ nữ được tập hợp, chia tổ chuẩn bị cho công tác nấu nướng; thanh niên có nhiệm vụ đi chặt tre nứa, lồ ô, đi suối mò ốc, bắt cá, phụ giúp già làng những công việc nặng cho lễ cúng của làng; được tham gia trong lễ cúng của làng cho nên mọi người đều rất hồ hởi, hăng hái. Sau khi hoàn chỉnh việc bày biện các vật phẩm, lễ chính thức sẽ do Hội đồng tiến hành.

Hội đồng làm lễ cúng cầu mưa là những người được chọn, phải gương mẫu, không phạm vào điều cấm kị trong làng, có ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng. Trong ngày làng cúng cầu mưa, người dân cũng phải kiêng cữ, không đi làm, không được cầm cuốc, cầm rựa.

Vật phẩm cúng tế trong buổi lễ chính là một con heo đực đen không có đốm trắng, nặng khoảng 20kg; 3 ché rượu Jơbô. Những vật dụng được dùng trong lễ cúng gồm có tô đồng, 5 tô sứ trắng, 5 cần rượu bằng tre. Theo truyền thống, đây là những vật dụng chỉ được dùng cho việc cúng tế, ngày thường không được lấy ra sử dụng.

Đúng 9 giờ, lễ cúng cầu mưa bắt đầu, chủ lễ chậm rãi bước đến ngồi trước ba ghè rượu. Đặt tay lên ghè rượu đầu tiên, chủ lễ đọc bài khấn bằng tiếng Jrai, bày tỏ nguyện vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, khỏe mạnh, ấm no. Bài tế diễn ra trong khoảng 10 phút, sau đó, chủ lễ múc nước đựng từ chiếc thau đồng đổ đầy vào từng ghè rượu, rồi vít cần uống một ngụm rượu. Sau nghi thức đó, dân làng sẽ được lần lượt cùng nhau thưởng thức rượu cần.

Lễ hội cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng hết sức độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của người Jrai ở Gia Lai, được bảo tồn, phát huy nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đến với không gian lễ hội, du khách được tìm hiểu các nghi lễ truyền thống, tham quan, mua sắm các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng từ thổ cẩm, nhạc cụ, trang sức; thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào; cùng tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc; xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca và trải nghiệm, đắm chìm vào những điệu múa xoang uyển chuyển trong các lễ cúng nhà rông, cúng bến nước…

"Đây là dịp để khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, đồng thời bà con được quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với mọi người", ông Lại Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết.

Bài và ảnh: PHAN HÒA/Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều