Luôn kề vai sát cánh cùng Việt Nam anh em

Trao đổi với PV, GS,TS Vla-đi-mia Bu-y-a-nốp (Vladimir Buyanov), Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Nga - Việt nhận định: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sức lan tỏa tích cực tới phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới. Với thành quả từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự lãnh đạo tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vị thế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế.
 

Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt - Nga và Hội Hữu nghị Nga - Việt cùng các em thiếu nhi giành giải thưởng trong Cuộc thi vẽ tranh quốc tế "Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga" .

Theo Giáo sư Vladimir Buyanov, Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong thế kỷ 20. Bởi, đây là một trong những cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống ách đô hộ thực dân, kết thúc bằng thắng lợi của dân tộc bị áp bức. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng là lúc sự cai trị của triều đại phong kiến nhà Nguyễn kết thúc. Ðiều đặc biệt nữa, so với khu vực, những người cộng sản Việt Nam giành được chính quyền sớm hơn, chẳng hạn tại Triều Tiên năm 1948, tại Trung Quốc năm 1949.

Giáo sư Vladimir Buyanov đánh giá: "Cách mạng Tháng Tám đã chỉ ra sự yếu kém của chế độ đế quốc thực dân và cho thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Tám phù hợp với tiến trình tiến bộ tất yếu của lịch sử thế giới, khi sức mạnh của liên minh quốc tế các cường quốc dân chủ thế giới đã giáng một đòn mạnh vào chủ nghĩa phát-xít. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, những người cộng sản Việt Nam đã góp sức vào cuộc chiến đấu chung chống phát-xít.

Giáo sư Vladimir Buyanov cho rằng, các sự kiện cách mạng tại Việt Nam đều để lại những dấu ấn và sức lan tỏa nhất định. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tác động trực tiếp tới phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân hai quốc gia láng giềng của Việt Nam là Lào và Cam-pu-chia (Cambodia). Năm 1949, những người Lào yêu nước chân chính đã tuyên bố lật đổ chế độ quân chủ và lập nên Chính phủ Lào độc lập do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Souphanouvong) đứng đầu. Dư âm của sự kiện cách mạng ở Việt Nam có thể thấy rõ ở các vùng thuộc địa khác của Pháp, như tại Tân Ca-lê-đô-ni-a (New Caledonia) đã diễn ra các cuộc biểu tình đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này. Tiếng vang của Cách mạng Tháng Tám vào mùa thu năm 1945 sẽ còn được lan xa hơn nữa, nếu thời đó có các phương tiện truyền thông phát triển như ngày nay.

Đánh giá về nhân tố chính làm nên thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Vladimir Buyanov khẳng định, đó chính là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo: "Những người cộng sản có khả năng huy động được đông đảo quần chúng nhân dân, tập hợp họ lại trong Mặt trận Việt Minh, đoàn kết đấu tranh chống thực dân, phong kiến và giai cấp tư sản. Nhà lãnh đạo tài tình Hồ Chí Minh đã chọn đúng thời cơ để giành chính quyền một cách nhanh chóng và gần như không đổ máu. Tuy nhiên, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, những người cộng sản Việt Nam đã phải trải qua nhiều hy sinh và họ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách này".

Nhìn lại cả một chặng đường dài, Giáo sư bày tỏ: "Ba phần tư thế kỷ trôi qua kể từ khi tuyên bố giành được độc lập, Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu, thuần nông và độc canh, đã trở thành một nước có trình độ phát triển kinh tế trung bình. Ngày nay, Việt Nam nắm giữ vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới về sản xuất không chỉ gạo, cà-phê, chè và nhiều loại nông sản, mà còn cả hàng điện tử, giày dép, dệt may và nhiều mặt hàng khác. Thành tựu về khoa học công nghệ của Việt Nam được chứng minh qua việc phóng thành công một số vệ tinh nhân tạo. Người dân Nga vẫn luôn nhớ về chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Việt Nam đầu tiên Phạm Tuân trên tàu vũ trụ của Liên Xô (trước đây). Mới đây nhất, trình độ phát triển cao của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam được thể hiện ấn tượng qua cách Việt Nam ứng phó đại dịch Covid-19, khi tình hình dịch tại Việt Nam được kiểm soát tốt hơn rất nhiều so với hầu hết các nước trên thế giới.

Vào năm 1945, trên thực tế, nhà nước mới thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dường như chưa được nhiều nước công nhận về mặt ngoại giao. Ngày nay, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam duy trì quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021. Tất cả những điều này nói lên uy tín quốc tế cao của Việt Nam. Chắc chắn rằng, nhờ những hoạt động ngoại giao tích cực trong bối cảnh hình thành thế giới đa cực, vị thế của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế".

Trong tư cách Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Nga - Việt, Giáo sư Vladimir Buyanov khẳng định: "Hơn 60 năm hoạt động, Hội luôn nỗ lực để phổ biến thông tin cho người dân Nga về những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam. Cũng như trong những năm kháng chiến của dân tộc Việt Nam, Hội luôn kề vai sát cánh cùng dân tộc Việt Nam anh em". Giáo sư bày tỏ biết ơn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động và trao những phần thưởng cao quý cho Hội và những cá nhân tích cực của Hội. Giáo sư Vladimir Buyanov cũng tin tưởng: Sự tích cực của các hội hữu nghị, cũng như các tổ chức nhân dân sẽ cùng thúc đẩy hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Theo Đinh Trường/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều