Mấy suy nghĩ về vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân

(Mặt trận) - Lợi ích cơ bản của nhân dân ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lợi ích đó thể hiện hàng ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay không thể chung chung, mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó của nhân dân thông qua những chính sách cụ thể, hợp lòng dân.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (gồm 54 dân tộc) vì thế, vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có ý nghĩa quan trọng và to lớn trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân, trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Không nên nghĩ rằng, “dân tộc là vấn đề cũ, đã giải quyết xong” mà phải thấy “vấn đề cũ” trong tình huống mới. Vấn đề dân tộc có tính đặc thù quan trọng, liên quan đến quốc gia - quốc tế, có tính thời sự cấp bách và rất nhạy cảm. Đây là vấn đề vừa chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng nước ta. Khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ thông tin... đồng bào các dân tộc có điều kiện so sánh cảnh ngộ dân tộc mình với các dân tộc khác, với đồng tộc và thân tộc ở trong và ngoài nước, thì càng cần phát triển bền vững vùng miền núi - dân tộc thành động lực của đất nước.

Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề dân tộc đang nổi cộm, có nhiều cuộc chiến tranh vừa và nhỏ đều bắt đầu từ vấn đề dân tộc, chưa thành công trong việc hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách đối với các dân tộc thiểu số...

Ở nước ta, tuy vấn đề dân tộc chưa đến mức độ bùng nổ như một số nước trên thế giới; nhưng hiện nay ở một số vùng và một số dân tộc đã và đang có vấn đề phát sinh, có bất cập… Nếu ta chậm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các vùng và các dân tộc, nhất là đời sống và cán bộ dân tộc, văn hóa dân tộc thì sẽ làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước; để khoảng cách giàu - nghèo quá lớn, không có cách giải quyết tốt sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội, gây bùng nổ dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

 Những năm qua, Đảng và Nhà nước, đồng bào cả nước vẫn luôn quan tâm, đầu tư đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng này đã và đang có nhiều đổi mới và tiến bộ. Thế nhưng, kết quả đã làm chưa được như mong muốn; báo cáo của Ủy ban Dân tộc trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV cho thấy, đây là vùng khó khăn nhất nước, còn nhiều điểm thấp nhất so với cả nước, khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các vùng và các dân tộc vẫn chưa được thu hẹp... Mong Đảng và Nhà nước tìm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm để khắc phục. Hướng đến năm 2045, kỷ niệm Đảng ta 115 năm, Nhà nước ta 100 năm, đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ có chỗ đứng, làm cho miền núi phát triển tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc ít người được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa.

Đã có cán bộ người dân tộc nói rằng, thời gian qua chúng ta nặng về kinh tế, ít quan tâm đến chính trị của vấn đề dân tộc. Do nặng về kinh tế, nên đã làm cho các dân tộc thiểu số nước ta trở thành "nàng công chúa ỷ lại Đảng và Nhà nước cứu tế, đầu tư"... Chính sách kinh tế của ta trong các dân tộc thiểu số như là “đổ dầu vào đèn, cháy hết rồi lại đổ cho đèn khỏi tắt”; hiệu quả kinh tế ít thành công, chưa phát huy được sức mạnh của các dân tộc làm kinh tế...

Các cấp và các ngành không thể nghĩ và làm như lâu nay, chủ yếu là đang hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề xã hội theo yêu cầu chính trị, chính sách của một xã hội nhân đạo; khai thác miền núi là để phục vụ chiến lược phát triển chung của đất nước; còn có cán bộ vẫn nghĩ như suất đầu tư vào vùng miền núi - dân tộc quá cao, hiệu quả kinh tế thấp, vùng này là một gánh nặng, như một toa tàu ì ạch, đoàn tàu đất nước đang phải kéo theo...

Cần có một chủ trương, một Nghị quyết hay một Chương trình nào đó (như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 mới được kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV phê chuẩn) đầu tư ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số phải bảo đảm quyền phát triển bình đẳng giữa các dân tộc; xây dựng và phát triển bền vững vùng miền núi - dân tộc thành động lực của đất nước. Được như vậy, mới đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào các dân tộc; vì sự phát triển của từng dân tộc luôn gắn với sự phát triển chung của đất nước. Trong thời gian tới, cần chú trọng các tư tưởng về yêu nước, thương dân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về xóa đói giảm nghèo và lạc hậu, phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân; về quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ biên giới lãnh thổ; về xây dựng Đảng và Nhà nước, đoàn thể nhân dân, chăm lo đạo đức và lối sống, đội ngũ cán bộ các dân tộc trong sạch và vững mạnh cho thời kỳ mới của cách mạng.

Đặc biệt phải quan tâm thường xuyên chống lại tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ty, mặc cảm dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách đúng đắn về dân tộc, khắc phục tư tưởng sai trái không thôi vẫn chưa đủ mà còn đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng vươn lên của chính bà con người dân tộc.

Điều cơ bản, lâu dài vẫn là tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mọi mặt ở những vùng có đồng bào dân tộc sinh sống; giữa miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các khu đô thị, vùng đồng bằng. Cần sớm có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào tiêu thụ nông sản, tạo cuộc sống ổn định và phát triển, ấm no và hạnh phúc.              

Chúng ta phải thấy thực tế về đất rừng của nước ta thế nào? Diện tích nước ta có hơn 33 triệu ha; trong đó đã quy hoạch đất nông nghiệp 10 triệu ha, đất lâm nghiệp 16 triệu ha... Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lâm nghiệp năm 2017, nhưng việc thực thi Luật này chưa được như mong muốn, còn nhiều bất cập như: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý rừng, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đất là có chồng chéo nhau, dịch vụ chi trả bảo vệ rừng thấp...

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi khoảng 12/15 triệu người, là dân sinh ra từ rừng, cũng là “dân ăn rừng”, họ nói “rừng là cha, đất là mẹ, đất và rừng nuôi người, sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, nhưng hiện nay họ không sống được bằng nghề rừng... Không sớm khắc phục “mất rừng là một nguy cơ lớn” thì sẽ còn liên tiếp xảy ra “thiên tai, nhân họa”, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Do đó, cần tiến công mạnh hơn nữa về bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc... Đó là việc làm có ý nghĩa chiến lược, là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tăng độ che phủ rừng lên 45 - 50%, đến năm 2045 có thể đạt 70 - 80%. Ngày nay, bảo vệ và trồng rừng cũng là bảo vệ Tổ quốc. Hãy yêu rừng, bảo vệ rừng thì rừng sẽ che chở, bảo vệ người; ngược lại thì hậu quả thật khôn lường. Xin đừng làm thiên nhiên nổi giận, mất rừng sẽ dẫn đến mất dân.

Muốn vậy, phải bằng các giải pháp phi thường. Mọi người phải có ý thức và hành động đúng, “không có rừng, có cây người ta không thể sống được”. Giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc làm nghề rừng, giúp đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang bảo vệ rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc để trồng rừng. Lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi người; dùng cả Luật tục dân tộc bảo vệ rừng. Sức lực của các dân tộc, sức lực của cả nước ta hãy mau chóng làm cho rừng giàu đẹp, lòng dân yên.

Việc làm có ý nghĩa quyết định ở đây là các cấp và các ngành, đồng bào các dân tộc phải tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị và cán bộ các dân tộc vững mạnh, kết hợp hài hòa sự phát triển từng dân tộc với sự phát triển chung của quốc gia đa dân tộc, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc, giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc...

Nhằm giải quyết được bản chất, cốt lõi của vấn đề dân tộc là lợi ích, trong khả năng cho phép, chúng ta phải giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của các dân tộc, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích từng dân tộc và lợi ích quốc gia. Đó cũng chính là tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Bác Hồ, với Nhà nước và chế độ ta, là thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc. Niềm tin bắt nguồn từ lợi ích, chỉ có giải quyết tốt lợi ích thì mới có niềm tin, khi có niềm tin là có tất cả.

Lù Văn Que

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều