Một số suy nghĩ về công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer sinh sống ở vùng Tây Nam bộ

(Mặt trận) - Đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông sinh sống quần tụ xung quanh không gian 453 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Ngôi chùa Phật giáo Khmer Nam tông được đồng bào Khmer đóng góp xây dựng trong các phum, sóc nơi đồng bào sinh sống; ngôi chùa có vai trò vô cùng quan trọng, mỗi ngôi chùa đã đảm nhận hai chức năng chính: Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo và cũng là nơi sinh hoạt của cộng đồng trong phum, sóc; nơi lưu giữ những giá trị tinh thần, gìn giữ bản sắc văn hóa thiêng liêng của đồng bào và là nơi cố kết, tập hợp cộng đồng.
Người Khmer Nam bộ thường cư ngụ chung quanh ngôi chùa, lấy chùa làm trung tâm văn hoá của cả khu vực dân cư. Với dân tộc Khmer, chùa là thư viện tàng trữ các thư tịch cổ; là nơi bảo tồn, lưu giữ di sản văn hoá của cộng đồng phum, sóc qua các thời kỳ lịch sử; là nơi truyền đạt đạo lý Phật giáo và dạy chữ nghĩa cho con em họ... Thiêng liêng hơn, chùa là nơi lưu giữ tro cốt của người quá cố, góp phần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa phật tử với ngôi chùa.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao biểu tượng Bác Hồ cho đại biểu là sư sãi Khmer tiêu biểu tại Tọa đàm Phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam bộ tháng 9/2016. Ảnh: Hoàng Anh

Tất cả mọi hoạt động trong đời sống của đồng bào Khmer luôn gắn liền với ngôi chùa từ lúc họ sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Đối với cộng đồng người Khmer, giáo lý Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người trong cộng đồng. Đồng bào Khmer quan niệm rằng: “Nếu cúng chùa dâng sãi một thì thu phước mười”. Bởi vậy, mọi hoạt động tuyên truyền, vận động của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, nếu vận dụng khéo léo thông qua sự đồng tình ủng hộ của các vị sư sãi và đồng bào Khmer trên cơ sở lồng ghép, thông qua các điểm chùa, mời các vị sư sãi làm tuyên truyền viên thì các nội dung tuyên truyền, vận động, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ được “thẩm thấu” trong đồng bào Khmer một cách sâu rộng thông qua uy tín của các vị sư sãi. Công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị nếu vận dụng khai thác phù hợp với đặc điểm, tâm lý của đồng bào Khmer qua giá trị văn hoá của các điểm chùa để tuyên truyền, vận động sẽ hoàn thiện cả hai phương diện “Tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam bộ.

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nếu khéo vận dụng đặc điểm tâm lý của đồng bào Khmer lấy chùa làm điểm sinh hoạt của cộng đồng là việc làm có ý nghĩa rất lớn trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thông qua ngôi chùa, chính quyền và Mặt trận các cấp sẽ tập hợp, vận động đồng bào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống văn hóa của người dân theo phương châm “lấy dân làm gốc”, góp phần tạo điều kiện cho đồng bào Khmer tự do phát huy năng lực sáng tạo của mình một cách có định hướng mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Khmer gắn bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng Khmer vùng Tây Nam bộ. Mặt khác, Nhà nước cũng tiết kiệm được một phần lớn khoản chi ngân sách cho việc xây dựng thiết chế văn hoá ở vùng đồng bào Khmer Nam bộ trong việc xây dựng nhà văn hóa ở các khu dân cư.

Tuy nhiên, chủ trương đưa các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thông qua các ngôi chùa ở các phum, sóc vùng Tây Nam bộ cũng là một vấn đề rất nhạy cảm về mặt tôn giáo và chính trị. Trước khi tiến hành, nếu chúng ta không thận trọng dễ dẫn đến những cách hiểu sai lệch và kéo theo những hậu quả nặng nề, khó lường. Chẳng hạn, một số phần tử xấu cấu kết với các thế lực thù địch xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng của người Khmer, đồng hóa người Khmer... Nếu chúng ta không được sự đồng tình ủng hộ của các vị sư sãi và tín đồ, nhận thức và trình độ học vấn của sư sãi và đồng bào Khmer còn nhiều hạn chế và bị kích động thì hậu quả sẽ nghiêm trọng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phải được sự đồng tình, thống nhất cao của sư sãi và người dân, mọi hoạt động trong nhà chùa phải được các tầng lớp sư sãi trong chùa ủng hộ, mời các vị sư sãi làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động; phải tuyên truyền, vận động để các vị sư sãi và đồng bào thấy được lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng là giống nhau, cùng mong muốn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng cao. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu trên, mọi hoạt động trong chùa phải được cụ thể hoá từ nội dung đến hình thức. Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo nên cần phải chắt lọc đưa những hoạt động tuyên truyền, vận động phù hợp để sư sãi và đồng bào đồng tình đón nhận, tránh những sự hiểu lầm đáng tiếc làm rạn nứt khối đoàn kết giữa các dân tộc.

 Đồng chí Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng sư sãi Khmer Nam tông nhân tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Mạnh Quang

Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi đề xuất một số nội dung và phương thức hoạt động phát huy các điểm chùa và các vị sư sãi Phật giáo Khmer Nam tông trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như sau:

1. Đưa các nội dung tuyên truyền, vận động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ, loại bỏ các luồng văn hoá độc hại phản động biệt dị với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần mở các lớp chuyên đề tại các điểm chùa cho các vị sư sãi và tín đồ hiểu biết sâu sắc về lịch sử truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lồng ghép công tác tuyên truyền gắn với sinh hoạt các loại hình văn hoá, nghệ thuật truyền thống như: Sân khấu, âm nhạc, hội hoạ... để làm nòng cốt cho công tác vận động thu hút đồng bào Khmer vào các cuộc vận động.

2. Tiếp tục đầu tư việc xây dựng tủ sách, phòng đọc tiến lên xây dựng thư viện trong nhà chùa, đẩy mạnh tuyên truyền mở mang dân trí bằng sách báo, tranh, ảnh, các loại hình văn hoá phẩm bằng song ngữ Việt - Khmer. Ưu tiên các loại hình sách báo phục vụ thiết thực đời sống của đồng bào như: sách hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sách văn nghệ Khmer; sách dùng cho thiếu nhi và học sinh... Sách báo phải được bổ sung thường xuyên và có sự luân chuyển mới thu hút được người đọc. Thường xuyên vận động bà con đến phòng đọc vào lúc nông nhàn hay các dịp sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa, bản thân người phụ trách phòng đọc trong chùa phải được hướng dẫn nghiệp vụ, hàng năm chọn ra một số đầu sách hay để giới thiệu, tạo phong trào đọc sách báo trong dân.

3. Tận dụng tính năng và hiệu lực của đài phát thanh, truyền hình để đưa thông tin khoa học - kỹ thuật đến với đồng bào. Mỗi chùa nên lập một trạm truyền thanh để hàng ngày tiếp âm của đài Trung ương và đài tỉnh, huyện, kịp thời phổ biến tin tức thời sự, chủ trương chính sách, thông tin mùa màng, các hoạt động của phum, sóc, biểu dương người tốt việc tốt, lên án cái xấu, đặc biệt là đưa kiến thức khoa học - kỹ thuật phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Nội dung phát thanh phải đưa các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Khmer để chương trình sinh động hấp dẫn. Mỗi chùa phải được trang bị ti vi để phục vụ đồng bào theo dõi tin tức thời sự. Về phía đài phát thanh - truyền hình của khu vực và các tỉnh, thành cũng cần phải đổi mới, cải tiến nội dung, tăng thời lượng chương trình tiếng Khmer, chuyển tải những vấn đề thiết thực đến với đồng bào song cũng phải nghiên cứu kỹ thời gian phát sóng để phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của bà con. Trong khi hướng dẫn phải chú ý sử dụng tiếng Khmer là chính.

4. Ngành văn hoá các địa phương vùng Tây Nam bộ nên kết hợp vói phum, sóc thành lập đội văn nghệ thông tin trong nhà chùa nhằm bảo tồn khai thác, phát huy di sản văn hoá Khmer và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trang bị dàn nhạc ngũ âm cho các chùa. Hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài chức năng tổ chức các cuộc sinh hoạt văn nghệ phục vụ đồng bào tại chỗ, đồng thời có điều kiện tiếp cận gần gũi quần chúng, sử dụng biện pháp tuyên truyền miệng bằng chính tiếng dân tộc nên có tác dụng rất tốt. Họ đi vào các phum, sóc vận động từng người dân xoá đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường...

ThS. Nguyễn Mạnh Quang

Phó Trưởng ban Dân tộc, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều