Một số vấn đề đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc ở nước ta được làm chủ vận mệnh của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, giải quyết vấn đề dân tộc là xác định đường lối, hoạch định chính sách để đưa các dân tộc thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh.

Quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc

Công tác dân tộc là việc xây dựng các chủ trương, chính sách về dân tộc, tuyên truyền, vận động, tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, vấn đề dân tộc luôn được Đảng quan tâm và thể hiện trong từng văn kiện của Đảng. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa IX) ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc đã khẳng định: "Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta”. Giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta là giải phóng con người thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Sự phát triển không đồng đều của các vùng, nhóm dân tộc làm cho đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc chênh lệch nhau, gây nên sự mặc cảm, tự ti, làm giảm yếu tố động lực phát triển ở các dân tộc. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, mục tiêu lớn đặt ra cho công tác dân tộc là thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khoá IX) về công tác dân tộc đã chỉ rõ:“Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệpphát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự tương trợ, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước”.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong  tổ chức thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, Đảng đã đề ra chủ trương, xây dựng đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc của Đảng luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã đề ra một loạt các chương trình, mục tiêu đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các ban của Đảng, Ban cán sự đảng của các bộ, ngành liên quan và cấp ủy các địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và đã ra nhiều kết luận quan trọng liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Một số kết quả trong thực thi chính sách dân tộc và những vấn đề đặt ra

Những năm qua, Chính phủ đã triển khai và ban hành hàng loạt các chương trình dự án quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện vùng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các chương trình phát triển, như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo,… cũng như hàng loạt các chính sách, biện pháp về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc đã góp phần tạo nên sự phát triển mọi mặt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ðể hoạch định chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù của mỗi vùng, miền từng đối tượng cụ thể và để chính sách được ban hành phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, Nhà nước đã tiến hành phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu sốtheo điều kiện địa lý tự nhiên; theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội; phân chia vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành 3 khu vực theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội (theo 5 tiêu chí: đời sống; cơ sở hạ tầng; các yếu tố xã hội; điều kiện sản xuất và điều kiện tự nhiên của địa bàn cư trú). Từ việc phân định này đã hình thành và triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 giai đoạn I, II, III từ năm 1998 đến nay). Việc lựa chọn các xã đặc biệt khó khăn, vùng nghèo nhất để tập trung đầu tư là sự đổi mới về nhận thức và phương pháp xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác dân tộc. Nếu như trước đây, chủ yếu thực hiện chính sách dân tộc theo lộ trình "dễ làm trước, khó làm sau", thì nay chọn nơi khó nhất, nghèo nhất để tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Ðổi mới cách làm như vậy đã góp phần tác động rất lớn trong việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch, phân cực giàu nghèo trong xã hội hiện nay, mà cực nghèo phần lớn "rơi vào" vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng,... Ðây là vấn đề cơ bản đòi hỏi phải đổi mới nội dung và phương thức tổ chức thực hiện công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở nước ta là đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, từ đó xây dựng các chính sách dân tộc phù hợp và đưa các chính sách đó vào thực tế, nhằm khai thác mọi tiềm năng đất nước để phục vụ nhân dân. Việc định hướng hoạch định chính sách dân tộc tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ theo vùng, nhất là về kết cấu hạ tầng giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách trong vùng của chương trình đó. Để khắc phục và hạn chế việc thiếu bình đẳng trong hưởng thụ các chính sách, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, giải thích rõ để đồng bào hiểu đúng,tránh đểkẻ xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc gây ảnh hưởng đến khối đoàn kết giữa các dân tộc. Đối với chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, phải tính tới đơn vị thôn, bản, tới từng hộ gia đình, tránh làm hạn chế hiệu quả của chính sách hỗ trợ.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, bằng nhiều hình thức giám sát (Theo dõi - phát hiện - kiến nghị), Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, tham gia các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đồng bào thiểu số; đã phối hợp tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, giám sát các chương trình, dự án, các chính sách lớn được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số, như: Chính sách cử tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long,… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường thực hiện các cuộc khảo sát nắm tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương, tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, nắm tình hình triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: khảo sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân tộc ở các tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khảo sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình 135,  Chương trình 30a tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ; khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín. Đồng thời, để phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn về Dân tộc, tư vấn giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2017, Hội đồng tư vấn về Dân tộc đã tổ chức khảo sát tại một số địa phương để đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 20/CP của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù; khảo sát việc thực hiện Nghị định 82/CP của Chính phủ về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trung tâm giáo dục thường xuyên; khảo sát việc thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… trước, trong và sau các cuộc giám sát, Mặt trận đã thống nhất ý kiến với các đoàn giám sát để cùng có ý kiến, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm có những điều chỉnh, giải quyết những vấn đề vướng mắc thực tiễn triển khai ở địa phương.

Về chính sách cụ thể đối với một số dân tộc thiểu sốít người, đặc biệt khó khăn, cần có trợ giúp trực tiếp của Nhà nước, như các dự án đối với những dân tộc mà số dân chỉ có vài trăm người: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Ơ Ðu là rất cần thiết, bởi bản sắc văn hóa của các dân tộc này bị mai một nghiêm trọng, nếu không bảo tồn sẽ dẫn đến mất dân tộc, vì không đủ theo 3 tiêu chí xác định thành phần dân tộc; tự mỗi dân tộc khó có thể giữ được phong tục, tập quán truyền thống, ngôn ngữ dân tộc, ý thức tự giác tộc người,... theo các tiêu chí của một thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc nước ta. Đối với một số dân tộc, Đảng đã có Chỉ thị riêng về công tác dân tộc mang tính đặc thù, như: đối với vùng đồng bào Khmer, đồng bào Chăm, đồng bào Hoa, đồng bào Mông,... là rất cần thiết. Tuy vậy, trên thực tế không thể và không bao giờ đặt ra "54 chính sách riêng biệt cho 54 dân tộc".  Xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải thống nhất trong nhận thức, đảm bảo nguyên tắcbình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhaugiữa các dân tộc trên cơ sở nhất quán các nội dung sau:

Một là, bình đẳng dân tộc chỉ có thể được thực hiện khi dân tộc ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, đất nước ta được thống nhất. Bình đẳng dân tộc luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp giải phóng và giữ vững nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Hai là, đoàn kết các dân tộc phải trên cơ sở bình đẳng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng con người để mọi người đều được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Bình đẳng và đoàn kết dân tộc gắn liền với tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.

Ba là, giải quyếtvấn đề dân tộc cầnphải có thời gian, lộ trình qua nhiều giai đoạn với những bước đi thích hợp để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc.

Thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.Hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống phảixác định 3 mục tiêu chủ yếucơ bản sau:1) Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số. 2) Xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 3) Xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đoàn kết các dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn để giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, đoàn kết các dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là cơ sở để chúng ta thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.

Bùi Thị Thanh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia, HN.2001.

2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

4. Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa X: Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về dân tộc, Nxb.Chính trị quốc gia, HN.2005.

5. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nxb.Chính trị quốc gia, HN.2015.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều