MTTQ tỉnh Quảng Bình tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

(Mặt trận) - Việc xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững và ổn định lâu dài biên giới quốc gia. Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân hưởng ứng, tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giữ gìn an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị. Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Quảng Bình ký kết các chương trình phối hợp với các đoàn thể, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh việc tuyên truyền để Nhân dân hiểu sâu sắc về sự hợp tác hữu nghị đặc biệt có từ lâu đời của Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Bài viết đề xuất một số giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phối hợp về xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh.

Quảng Bình có đường biên giới phía Tây dài 222,118 km giáp với 2 tỉnh Khăm Muộn và Sạ-vẳn-na-khệt, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thuộc 9 xã miền núi, vùng cao của 5/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; có Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (quốc lộ 12A), Cửa khẩu Cà Roòng (đường 652) nối Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn;

Là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc: Bru - Vân Kiều, Chứt, Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô, Cơ tu... ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với khoảng hơn 30 nghìn khẩu.

Từ năm 2015 đến nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tuyến biên giới tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên cơ sở lồng ghép thực hiện nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, gắn với nhiệm vụ xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị.

Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng biên giới Việt Nam - Lào

Trong công tác phối hợp tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, bản, làng nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mặt trận các cấp đã chủ trì 160 cuộc với 10.830 lượt người tham gia và phối hợp với các chính quyền cơ sở và các đồn biên phòng tổ chức 253 cuộc, thu hút 21.592 lượt người các xã biên giới tham gia để tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia; Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; các nội dung xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân theo Quyết định số 16/HĐBT (nay là Chính phủ) và Nghị định 140/2004/NĐ-CP, các vấn đề về chủ quyền, chủ quyền biển đảo, công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới bộ; Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng, chống ma túy… đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu biết pháp luật về biên giới quốc gia; củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền thực hiện phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" nên việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” góp phần nâng cao nhận thức Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tặng quà cho bà con người Lào. (Ảnh minh họa -Nguồn báo Nhân dân)

Mặt trận tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan tuyên truyền, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới" phát sóng hàng tháng trên sóng truyền hình tỉnh; Báo Quảng Bình xây dựng các chuyên mục, chuyên trang "Biên phòng toàn dân" phản ánh hoạt động của quân, dân nơi biên giới, tuyên truyền những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" và các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các dân tộc.

Các đồn biên phòng và các xã, phường khu vực biên giới cũng thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ tuyên truyền pháp luật, phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho tổ tuyên truyền pháp luật ở 28 xã, phường biên giới có 254 tổ hòa giải với 1.568 hòa giải viên, 12 tổ tuyên truyền pháp luật ở các đồn biên phòng và 28 tổ tư vấn pháp luật/132 thành viên ở địa phương; thành lập đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp...

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, lực lượng Bộ đội Biên phòng và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch; đấu tranh, tố giác người xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào nội địa, giúp cho các tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh…

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả thiết thực trong việc chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn toàn tuyến biên giới.

Trong công tác phối hợp vận động đồng bào các dân tộc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công tác đối ngoại nhân dân giữa chính quyền các địa phương tuyến biên giới Việt - Lào, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng mô hình điểm vận động đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới thực hiện nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” lồng ghép với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt được kết quả thiết thực.

Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Mặt trận các cấp đã phối hợp với Công an, Bộ đội biên phòng và các cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức xây dựng 37 mô hình điểm "Tổ tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới", "Tổ tự quản đường biên, cột mốc quốc giới", "Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản", "Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu ở địa bàn khu dân cư, như: mô hình “Ánh sáng vùng biên”, mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, mô hình “Công trình vệ sinh vì cộng đồng”, mô hình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”…

Thông qua công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia; đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, vi phạm quy chế biên giới, vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới.

Trong công tác đối ngoại nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng qui chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Khăm Muộn và Mặt trận tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt nhiều nội dung phối hợp giữa hai bên, luân phiên hai năm một lần sang thăm và trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa hai tỉnh.

Năm 2022, Mặt trận hai tỉnh đã phối hợp triển khai tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào (18/7/1977 - 18/7/2022); đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về truyền thống hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Bình - Khăm Muộn nói riêng.

Trong hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh thực hiện đã chứng minh sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp phối hợp tổ chức thực hiện các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh trong tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia các phong trào các cuộc vận động nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cơ sở quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tuyến biên giới Việt - Lào; vun đắp tình hữu nghị giữa Nhân dân nơi có đường biên giới giữa hai nước ngày càng gắn bó, thủy chung, kết nghĩa “bản - bản” ở các khu dân cư khu vực biên giới giữa hai nước.

Giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phối hợp về xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh

Một là, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực như hội nghị, lớp bồi dưỡng, tổ chức cuộc thi tìm hiểu, viết về chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, phát tờ rơi, tài liệu, phóng sự, bản tin trên phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh xã, phường, sinh hoạt thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia; tuyên truyền về truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Hai là, tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc thực hiện hiệu quả các tiêu chí của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; nâng cao chất lượng bình xét hộ "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa" tại các vùng biên giới trên cơ sở bổ sung thêm nội dung xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị là một trong những tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hàng năm; tổ chức tốt "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư tại các vùng biên giới; tiếp tục chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành, nhân rộng mô hình “Ánh sáng vùng biên” ở địa bàn các thôn, bản khó khăn ở nhiều xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tổ chức kết nghĩa giữa các xã biên giới, thường xuyên giao ban cụm xã, tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiêm giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận hai nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội vận động quần chúng; bám địa bàn, bám cơ sở, thực hiện “4 cùng” với đồng bào để tiến hành công tác dân vận, tuyên truyền để đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe theo kẻ xấu, nhất là địa bàn phức tạp về tôn giáo.

Tăng cường giúp đỡ các hộ nghèo khu vực biên giới làm nhà, hỗ trợ cây, con giống, học sinh nghèo, người nghèo khám chữa bệnh từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp… giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Ba là, thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là Quy chế phối hợp giữa lực lượng quân sự, công an, biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên cơ sở cao hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục... giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn biên giới, như: Mô hình giúp dân trồng lúa nước, công trình nước sinh hoạt; chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới, vùng biên”, “Quân dân y kết hợp”… nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa độ ngũ cán bộ Mặt trận, Công an, Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Tăng cường đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tăng cường đi cơ sở thực hiện “bám trụ, bám dân, bám địa bàn” và thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; tổ chức vận động các tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình “Tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”... huy động lực lượng toàn dân vừa tích cực lao động sản xuất, vừa tự giác tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới.

Bốn là, tiếp tục phối hợp với Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt và Khăm Muộn triển khai hiệu quả giao ước thi đua đã ký kết, trong đó cần bám sát nội dung: tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam; xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng các khu dân cư, thôn, bản ổn định về chính trị, đảm bảo an ninh trật tự; phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc; chọn các nội dung thiết thực, phù hợp với địa phương để Mặt trận các huyện, xã và các bản giáp biên ký kết thi đua, góp phần xây dựng khu dân cư, xã, bản, huyện khu vực biên giới đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Đặng Thanh Phương- Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Kiều bào,

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều