Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, cơ sở đảm bảo an ninh vùng Tây Nam Bộ

(Mặt trận) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer thực hiện nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng, từng địa phương và đã để lại nhiều kinh nghiệm về công tác này.
Đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nam Bộ. Theo số liệu tổng điều tra chính sách tổng thể vùng dân tộc của Ủy ban Dân tộc năm 2017, dân tộc Khmer có 1.249,199 người, với khoảng 330 nghìn hộ gia đình, sinh sống tập trung chủ yếu ở 488/691 xã, phường, thị trấn vùng Tây Nam Bộ (trong đó có 207 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135). Đồng bào Khmer sinh sống đông ở các tỉnh: Sóc Trăng có hơn 404 nghìn người, với khoảng hơn 100 nghìn hộ; Trà Vinh có 328 nghìn người, với khoảng trên 88 nghìn hộ; Kiên Giang có 238 nghìn người, với khoảng hơn 56 nghìn hộ; An Giang có khoảng hơn 93 nghìn người, với khoảng 37 nghìn hộ; Bạc Liêu có khoảng hơn 68 nghìn người, với khoảng hơn 15 nghìn hộ; Cà Mau có khoảng 42 nghìn người, với khoảng 10 nghìn hộ; Vĩnh Long có khoảng 26 nghìn người, với gần 7 nghìn hộ; Cần Thơ có 22.705 người, với gần 6 nghìn hộ...

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, như: Chỉ thị 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”. Nghị quyết số 21/NQ- TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010” và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là đối với đồng bào Khmer giai đoạn 2014 - 2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới... Việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer thực hiện nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng và từng địa phương. Chính phủ ban hành 100 văn bản thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng đang triển khai thực hiện trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 58 chính sách chung có liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và 42 chính sách riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chủ yếu là các quyết định phê duyệt các chính sách, dự án quan trọng, toàn diện đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đối với đồng bào Khmer nói riêng.

Triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện như: tỉnh Trà Vinh đã ban hành 8 văn bản; tỉnh Kiên Giang xây dựng và ban hành 6 văn bản; các tỉnh An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cần Thơ ban hành từ 1 đến 2 văn bản riêng về đồng bào dân tộc Khmer. Thông qua việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã có bước phát triển.

Về kinh tế, đời sống: Vùng dân tộc Khmer được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để triển khai các hạng mục, công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ và cộng đồng; đã xây dựng 90 nghìn nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 30.025 hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho 18.609 lao động và 5.139 hộ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khoảng 25%, mỗi năm giảm 3%. Trong đó, nhiều địa phương có số hộ nghèo giảm mạnh như: tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm từ 3-4%/năm. Trong toàn vùng, đã có nhiều trang trại, doanh nghiệp do chính đồng bào Khmer làm chủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân ở các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer sinh sống từ năm 2007 - 2019 đã tăng từ 9% đến 11,7%/năm. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có sự phát triển, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Về giáo dục, đào tạo: Công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, duy trì và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên dân tộc Khmer như: cử tuyển, dự bị đại học, học bổng, hỗ trợ tiền, gạo, miễn giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác trong vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đồng bào được thực hiện có hiệu quả. Hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho con em đồng bào Khmer đã phát triển đến 100% các huyện có đông đồng bào Khmer; tỷ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%. Tính đến cuối năm 2018, toàn vùng đã có 30 trường phổ thông nội trú ở cấp huyện và tỉnh, được xây dựng với tổng số vốn đầu tư hăng trăm tỷ đồng. Bình quân hằng năm có trên 500 em người dân tộc Khmer được tuyển sinh theo hình thức cử tuyển. Việc dạy song ngữ ở các trường tiểu học, trung học cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được mở rộng (Theo số liệu thống kê, các tỉnh có đông đồng bào Khmer hiện đã có hàng trăm trường dạy song ngữ, riêng tỉnh Sóc Trăng có 158 trường, với 1.672 lớp và 42.988 học sinh). Đa số địa phương đã quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên và các vị sư tham gia giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa, trường học trong dịp hè. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở hầu hết các trường có đông đồng bào Khmer sinh sống được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên là người Khmer được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng; số giáo viên đạt chuẩn tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều cán bộ quản lý và giảng dạy người dân tộc Khmer đạt được những thành tích xuất sắc, được phong tặng danh hiệu cao quý trong những năm đổi mới.

Về công tác y tế: Công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền, chú trọng. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%. Mỗi năm, đã có trên 70 nghìn lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.

Công tác văn hóa, thông tin: Việc bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer những năm qua được triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả. Đài phát thanh của các địa phương đã tăng thời lượng phát sóng các chương trình bằng tiếng Khmer. Các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer phát hành báo chữ Khmer, báo ảnh Thông tấn xã Việt Nam đã phát hành song ngữ Việt - Khmer; mở trang web phục vụ nhu cầu và nâng cao nhận thức của người dân. Một số tỉnh đã xây dựng nhà truyền thống dân tộc Khmer; Tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng xây dựng được nhà bảo tàng dân tộc Khmer, đồng thời sưu tầm được nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Một số nơi đã xây dựng trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer. Các di tích lịch sử văn hóa của đồng bào Khmer cơ bản được đầu tư tu bổ với hàng trăm tỷ đồng từ Trung ương và địa phương. Các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức tốt. Các đội văn nghệ chuyên nghiệp, quần chúng được khuyến khích đầu tư phát triển. Việc giao lưu văn hóa, họp mặt hữu nghị với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta. Mạng lưới truyền thanh đến nay đã tới 100% thôn, ấp; Internet đã được phát triển ở nhiều nơi, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận với nhiều thông tin của cả nước và thế giới. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98% như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, nhiều địa phương đạt 100%, như Kiên Giang, Cần Thơ.

Về công tác tôn giáo: Cấp ủy đảng các cấp ở các địa phương trong vùng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tôn giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, qua đó, đã giúp cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ổn định, đúng hướng tạo niềm tin của sư sãi và tín đồ đối với Đảng, Nhà nước. Theo báo cáo từ các địa phương, Phật giáo Nam tông Khmer hiện có khoảng 10 nghìn sư sãi, chiếm ¼ số tăng, ni phật giáo ở Việt Nam. Vùng đồng bào dân tộc Khmer có 453 chùa, trong đó 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh; ghi công, khen thưởng 150 chùa có công với cách mạng trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội đoàn kết sư sãi yêu nước được xây dựng ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động của các cấp hội cơ bản ổn định, đi vào nền nếp và hiệu quả. Năm 2006, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập tại thành phố Cần Thơ. Trong những năm qua, Học viện đã trực tiếp đào tạo hàng nghìn chức sắc, đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống chùa chiền tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer. Ngoài ra, các trường Trung cấp Phật giáo cũng được thành lập ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer như ở Sóc Trăng, Nhà nước đầu tư xây dựng trường Bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ có quy mô lớn, đã đào tạo được 17 khóa, với trên 1.500 tăng sinh. Do thực hiện tốt chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều vị tiêu biểu trong đồng bào Khmer đại diện tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Hiện nay có 2 vị là Phó Pháp chủ, 2 vị là Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, 48 vị tham gia các Ban, Viện trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Công tác tu sửa, xây dựng, trùng tu chùa và di tích lịch sử văn hóa của đồng bào Khmer được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đã có trên 200 ngôi chùa được tu bổ khang trang, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Vào năm 2010, Nhà nước cũng đã xây dựng quần thể chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ với quy mô lớn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội, là cơ hội để Nhân dân cả nước và người nước ngoài hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

Những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực nêu trên có ý nghĩa quan trọng không chỉ là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer, mà còn có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ tích cực đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng dân tộc Khmer và tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc, tôn giáo, vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh vùng dân tộc Khmer, hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp ở các tỉnh vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhận thức nghiêm túc, sâu sắc những quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới; kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ thành chính sách, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đồng bào Khmer sinh sống. Trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Hai là, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào, đồng thời thực hiện tốt phong cách công tác dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; kiên trì thực hiện quan điểm “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”; nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm của đồng bào, phát huy và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết kịp thời, đúng đắn những bức xúc chính đáng của đồng bào, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề đất đai, tôn giáo. Tập trung mọi nguồn lực chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào, yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Ba là, coi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo cho đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí cán bộ một cách hợp lý để từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Nguyễn Mạnh Quang

ThS, Phó Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều