Các giá trị tín ngưỡng truyền thống phong phú, đa dạng của từng dân tộc, từng nhóm dân tộc trải qua các thời kỳ lịch sử vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong tiến trình phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, có nhiều tập tục của nhiều dân tộc đã không còn phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay cần phải loại bỏ vì các hủ tục này cản trở sự phát triển trong từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Để thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27 - CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 về triển khai nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước…
Thực hiện các chủ trương của Đảng, hệ thống chính trị các cấp ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện công tác xây dựng hương ước, quy ước ở gần 50 nghìn khu dân có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhằm bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, phiền nhiễu.
Chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi; xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh - gia đình văn hóa. Lôi cuốn mọi người, mọi lực lượng tham gia bảo tồn phát huy các giá trị tín ngưỡng truyền thống, tạo dư luận xã hội phê phán xóa bỏ những biểu hiện cổ hủ, xa hoa lãng phí, hiếu danh, vụ lợi trong cưới xin, ma chay, tế lễ không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống văn minh. Vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái thông qua công tác xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng ở các khu dân cư nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng.
Ở các khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với Trưởng thôn và các chi hội đoàn thể và người có uy tín đã xây dựng và được cấp thẩm quyền phê duyệt các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em.
Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng; đã khơi dậy, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của làng, xóm, dòng họ; bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đa số hương ước, quy ước khi xây dựng đã đảm bảo phát huy dân chủ, có sự bàn bạc, thống nhất ý kiến của Nhân dân tại cơ sở trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc soạn thảo hương ước, quy ước được các thôn, làng chủ trì thực hiện thông qua Nhóm soạn thảo là những người có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hoá, hiểu biết về pháp luật và phong tục, tập quán ở địa phương. Dự thảo hương ước, quy ước sau khi xây dựng được gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan; được Nhân dân thảo luận và thống nhất thông qua.
Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa và Thông tin ở nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt đã được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức khác nhau như: photocopy các bản hương ước, quy ước phát đến từng hộ gia đình; phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng; đặc biệt là thông qua các cuộc họp thôn, làng và người có uy tín để phổ biến tới từng hộ gia đình triển khai thực hiện và nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo như một số khu dân cư ở tỉnh Quảng Nam đã chuyển tải nội dung hương ước, quy ước sang hình thức thơ, vè để mọi người dễ nhớ.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 11/2024. ẢNH: QUANG VINH |
Trong công tác phát huy các giá trị tín ngưỡng liên quan đến vòng đời, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với chính quyền các cấp chú trọng xây dựng các hương ước, quy ước về cưới xin, ma chay, lễ hội nhằm loại bỏ các tập tục lạc hậu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới.
Các đám cưới được điều chỉnh bằng hương ước, quy ước được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật, trang phục cô dâu, chú rể theo nghi lễ truyền thống dân tộc. Việc đăng ký và trao Giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã nên tình trạng tảo hôn giảm mạnh.
Về tổ chức đám tang cũng có nhiều chuyển biến tích cực, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đồng bào đã có ý thức chấp hành những quy định tổ chức đám tang theo quy ước, hương ước. Các hộ gia đình có đám tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức lễ tang, cúng, viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp truyền thống đạo lý của từng dân tộc. Việc bảo quản thi hài đảm bảo vệ sinh môi trường, không để thi hài người chết ở nhà quá 48 giờ. Sử dụng nhạc tang phù hợp với truyền thống của địa phương, tôn giáo, âm thanh sử dụng với công suất vừa đủ. Nghi thức tang lễ được thực hiện trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; hạn chế việc sử dụng vòng hoa, lẵng hoa, bức trướng. Các nghi lễ: 3 ngày, tuần 49 và 100 ngày và các tuần giỗ tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, trong nội bộ gia đình.
Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn đường, bắt tà, trừ ma, khóc mướn hầu như đã được xóa bỏ, các tập tục mới như các hình thức trợ tang, đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có việc tang được thực hiện khá phổ biến. Mặt trận các cấp ở các tỉnh đã tích cực vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, bỏ các hủ tục lạc hậu thông qua việc thực hiện các nội dung quy ước của cộng đồng nên tỷ lệ khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa được công nhận ngày càng cao.
Trong xây dựng các quy ước bảo vệ rừng, nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số đã xây dựng được quy ước quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm và tính tự giác của từng người dân thấy rõ lợi ích của rừng và tác hại của việc mất rừng. Tiêu biểu như: tỉnh Sơn La đã xây dựng được trên 3.000 hương ước, bản quy ước tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được 1.500 bản quy ước ở thôn, buôn quy định về phát triển và bảo vệ rừng. Tỉnh Lâm Đồng đã có 225 thôn, buôn triển khai quy ước bảo vệ phát triển rừng với sự tham gia của người dân…
Điển hình trong phát huy các giá trị tín ngưỡng truyền thống bảo vệ rừng của cộng đồng người Dao Tuyển ở xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai) hằng năm đều tổ chức lễ cúng rừng vào đầu năm để quy định cộng đồng phải tuân theo những nội dung: Không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận động bà con trong thôn cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh "Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng" không một ai được xâm phạm đến khu rừng cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt (bồi thường) theo quy ước đã đề ra. Tương tự, cộng đồng người Pú Péo ở Hà Giang cũng luôn duy trì tục cúng rừng vào ngày 6/6 hằng năm để cộng đồng bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước thông qua các tín ngưỡng cúng rừng truyền thống của cộng đồng dân tộc Pú Péo.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên cơ sở lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động do chính quyền và các tổ chức đoàn thể phát động, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã chú trọng phối hợp với chính quyền chú trọng xây dựng các hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật hiện hành đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chính vì thế, việc tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò, vị trí của hương ước, quy ước và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cộng đồng dân cư có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư và tôn trọng đúng mức ý kiến của những người có uy tín ở địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước với bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở các khu dân cư nhân Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở các khu dân cư ngày 18/11 hàng năm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện chế độ tự quản thông qua hương ước, quy ước như: không ít địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong tự quản cộng đồng thôn, làng. Một số nơi tuy đã xây dựng, phê duyệt hương ước, quy ước nhưng do làm chưa tốt công tác này nên việc thực hiện hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả và tác dụng thực tế của thiết chế này đối với quản lý cộng đồng.
Việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa đầy đủ, nghiêm túc. Công tác phối hợp, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa kịp thời nắm bắt tình hình thực tế và đề ra giải pháp khắc phục các tồn tại, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; chưa chú trọng kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Một số địa phương còn chạy theo thành tích hoặc hành chính hóa việc xây dựng hương ước, quy ước; coi đây là nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch, công chức văn hóa - xã hội, của cán bộ thôn, bản mà chưa huy động vai trò tích cực của Nhân dân tham gia xây dựng, góp ý kiến trong quá trình soạn thảo dẫn đến hương ước, quy ước chưa thể hiện rõ những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong, mỹ tục của mỗi cộng đồng dân cư; chưa sát thực với đời sống của người dân nên ít nhiều làm giảm tính khả thi của hương ước, quy ước. Công tác bảo vệ rừng kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh còn nhiều yếu kém, vi phạm lâm luật còn khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, thậm chí có nơi diễn ra đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng...
Để bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở đưa các giá trị truyền thống của các dân tộc trong việc thực hiện các luật tục, quy ước, hương ước trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, thiết nghĩ hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
1. Nhận thức đầy đủ những nội dung của Chỉ thị số 27 - CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận cơ sở coi trọng việc xây dựng hương ước, quy ước, quan tâm tới việc phát huy dân chủ ở cơ sở, khuyến khích hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, cùng với tinh thần trách nhiệm của công chức Tư pháp, công chức Văn hóa và cán bộ thôn, làng thì ở nơi đó, vai trò của hương ước, quy ước được phát huy và đem lại hiệu quả tích cực.
2. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; phát huy vai trò của trưởng bản, người cao tuổi, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện hương ước, quy ước. Xây dựng nội dung hương ước, quy ước phải ngắn gọn, dễ nhớ, thiết thực, phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, từng dân tộc, từng tôn giáo… phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chung của cộng đồng dân cư, tránh tình trạng xây dựng hương ước, quy ước theo phong trào, chạy theo thành tích.
3. Chú trọng công tác đánh giá thực tiễn triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung; thường xuyên quan tâm đến việc rà soát, phát hiện, sửa đổi hương ước, quy ước khi xảy ra tình trạng vi phạm, không còn phù hợp hoặc bổ sung những vấn đề, nội dung mới để đảm bảo yêu cầu thực tiễn. Kết hợp hài hòa giữa luật pháp và luật tục, vận dụng linh hoạt các quy định luật tục của các dân tộc để xây dựng các quy ước, hương ước về bảo vệ tài nguyên môi trường, phát huy tính dân chủ của cộng đồng trong tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương.
4. Mặt trận các cấp trong vùng cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, về khu dân cư; hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư tăng cường công tác nắm bắt tình hình, gặp gỡ, tiếp xúc với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các dân tộc.
Tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân trong thôn, bản, làng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua lực lượng người có uy tín để phản ảnh với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan có liên quan; phối hợp thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín, quan tâm giới thiệu để các vị là người có uy tín tham gia Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể quần chúng; tham gia lãnh đạo các khu dân cư như Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận.
5. Tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở đủ năng lực quản lý điều hành mọi hoạt động tự quản ở các khu dân cư trên cơ sở đa dạng hóa các mô hình tự quản theo từng lĩnh vực, từng nhóm lĩnh vực cụ thể nhằm thu hút đông đảo Nhân dân tích cực tham gia với tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chủ. Thường xuyên bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ trưởng thôn, bản, các già làng, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nhằm đáp ứng được các yêu cầu quản lý ở cộng đồng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp.
Phát huy vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng bảo tồn, phát huy các giá trị tín ngưỡng truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không phù hợp trên cơ sở sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng của người có uy tín. Tùy theo từng công việc và khả năng đáp ứng của người có uy tín để lựa chọn người và nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao.
6. Nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa gắn với việc bình xét đánh giá các hoạt động tự quản, đánh giá hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư vào ngày 18/11 hằng năm, nhằm góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội ở khu dân cư. Định kỳ sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điểm, biểu dương khen thưởng các khu dân cư và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu trong thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động.
TRIỆU TÀI VINH - Tiến sĩ, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương