Những biểu tượng trong văn hóa dân gian người Lô Lô

(Mặt trận) - Dân tộc Lô Lô nước ta hiện có khoảng 5.000 người, chủ yếu sống ở các vùng sâu, vùng xa heo hút của miền biên viễn của cao nguyên đá các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Với cuộc sống trong cảnh quan núi rừng kỳ vĩ, khắc nghiệt và nên thơ, người Lô Lô đã tạo cho tộc người mình một cuộc sống văn hóa đặc thù, phong phú và đa dạng.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô đen Lũng Cú năm 2022.
ẢNH: PV
Góc nhìn tổng quan về văn hóa Lô Lô

Dân tộc Lô Lô đã tạo cho tộc người mình một cuộc sống văn hóa đặc thù, phong phú và đa dạng, trong đó không thể thiếu được là những biểu tượng thú vị trong lời ca, tiếng hát trong cuộc sống sinh hoạt qua các bài dân ca của dân tộc. Bởi trong chu kỳ của đời người buồn họ cũng hát và vui cũng hát. Dân ca Lô Lô hầu hết là các bài ca ứng với một cốt truyện nhất định, thường kèm theo lời tự thuật của người dẫn chuyện. Tất cả những bài ca là những câu chuyện dài, ngắn khác nhau nhưng thấm đượm chất huyền thoại, hấp dẫn và lôi cuốn, tác động sâu sắc đến người nghe. Có thể thấy, yếu tố tự sự và trữ tình với các biểu tượng được đan xen kết hợp một cách hài hòa kể cả trong các nghi lễ. Tuy nhiên yếu tố trữ tình trong các nghi lễ có phần thấp thoáng nhưng nó lại làm nổi bật lên nội dung biểu đạt của nghi lễ. Yếu tố trữ tình bộc lộ qua cách miêu tả cảnh vật, qua cảm xúc được thể hiện trong đó và không thể không nói tới chất thơ trong ngôn từ của mỗi bài.

Trong dân ca nghi lễ Lô Lô, yếu tố trữ tình thông qua các biểu tượng được bộc lộ qua cách miêu tả cảnh vật trong bài ca thường là khung cảnh của miền cao nguyên đá như: Dốc núi, dòng sông, con suối, hồ nước, gốc đa, con đường dựng trên triền núi, hốc đá... Những cảnh vật này xuất hiện không trơ trọi mà rất thơ mộng đầy sức quyến rũ. Từ con dốc đến bụi cây đều mang dáng vẻ riêng:

Anh ở nơi cùng trời

Em ở nơi cuối đất

Nghe tiếng người đã lâu

Bây giờ mới gặp mặt

Đặc điểm địa lý với lối sinh hoạt được mô tả sinh động, ví von hình ảnh:

Leo dốc hồng ta leo

Cỏ cây mọc lấp lối

Chuối rừng đua hoa nở

Báo hiệu một mùa thu

Người lần theo dốc đá

Má hồng em ngoảnh lại

Chim nhảy cành rung lá

Cá bơi nơi nước đọng

Khung cảnh thiên nhiên không đơn điệu, hiện lên vừa thực vừa trữ tình, mang yếu tố huyền thoại. Con dốc với hình ảnh “đất hồng” khiến cho nó đẹp hơn, sống động hơn. Bụi chuối bên đường không tàn lụi mà đang “bừng hoa đỏ”. Màu sắc tươi tắn, hình ảnh rõ nét khiến người nghe cảm nhận được chất thơ trong đó, hoang sơ nhưng đầy cảm xúc:

Đường này vượt đỉnh núi

Đường kia qua thung lũng,

Như xuống lòng chảo rộng,

Đường qua bãi đất bằng.

Vùng đất có núi, có thung lũng địa hình lòng chảo... đây là những nơi quen thuộc với người Lô Lô, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người trên cao nguyên đá. Nên người nghe không thấy nguy hiểm hay heo hút mà ngược lại hình ảnh ấy hiện lên mang lại một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sống động và nên thơ.

Biểu tượng trong văn hóa dân gian Lô Lô

Biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hoá, được sáng tạo nhờ vào năng lực “tượng trưng hoá” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để bày tỏ ý nghĩa kia nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị trừu tượng nào đó. Biểu tượng được xem là “tế bào” của văn hóa và là hạt nhân “di truyền xã hội” đầu tiên của nhân loại. Nó quy định mọi hành vi ứng xử và giao tiếp của con người đồng thời liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt.

Biểu tượng là hình thức nghệ thuật mang tính đặc trưng thể loại nổi bật và được sử dụng một cách ưu việt trong thơ ca dân gian. Chính vì vậy mà biểu tượng thơ ca dân gian Lô Lô đã lôi cuốn sự chú ý của các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian. Các công trình nghiên cứu cũng đã hướng đến việc nghiên cứu biểu tượng thơ ca trên nhiều lĩnh vực: khái niệm, phân loại, đặc trưng thể loại, quá trình hình thành và phát triển…

Biểu tượng trống đồng trong văn hóa Lô Lô

Trống đồng là một hiện tượng được cộng đồng dân tộc Lô Lô thần thánh hóa. Nó chính là linh vật đưa tiễn hồn người về với tổ tiên bởi vậy hình ảnh trống đồng được sử dụng nhiều trong dân ca nghi lễ. Trống đồng có lúc được hình tượng hoá như con người. Có vai trò quan trọng như vậy nên họ đã trân trọng gọi trống đồng là ông, là bà.

Trống đồng không chỉ là một nhạc cụ mà còn là một di sản mang tính linh thiêng của người Lô Lô. Vậy vì sao trống đồng lại quan trọng với người Lô Lô đến thế, có lẽ việc này bắt nguồn từ một sự tích “Xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời có hai chị em nhờ trời cứu (trời để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng bé). Trống nổi trên mặt nước hai chị em sống thoát.

Người Lô Lô thường thích hình tượng, mượn các hình tượng để nói lên sức mạnh của mình, đồng cảm với vạn vật, đồng thời là niềm tin sắt đá của tất cả mọi người trong cộng đồng. Trống đồng còn là biểu tượng cho sự vĩnh hằng. Chính trống đồng đã cứu thoát loài người và tái sinh loài người điều đó chứng tỏ không có gì có thể tiêu diệt sự sống của con người trên trái đất.

Người ta còn nhận ra sự vĩnh hằng trong quan niệm trời đất sinh ra muôn vật của người Lô Lô thể hiện trên hoa văn hình mặt trời ở tâm trống. Người Lô Lô cho rằng những tia mặt trời giữa mặt trống là những con mắt trời lần đầu tiên mở ra mười hai tia nhìn xuống trần gian:

Những người trên mặt trống,

Là con của Bố Trời

Những người trên mặt trống,

Là con của Mẹ Đất.

Tất cả những biểu tượng hoa văn trên trống đồng cũng mang một ý nghĩa khá sâu sắc về quan niệm, tư tưởng của tộc người.

Như vậy, có thể khẳng định trống đồng là một linh vật quý báu của người Lô Lô. Nó là biểu tượng cho sự linh thiêng và vĩnh hằng trong suy nghĩ của họ. Trống đồng có giá trị văn hoá đặc biệt và là niềm tự hào của người Lô Lô.

Biểu tượng Bạc - Vàng; Vải lụa

Bạc, vàng được thể hiện nhiều trong cả dân ca nghi lễ và dân ca giao duyên Lô Lô. Sở dĩ như vậy vì nó biểu hiện cho sự quý giá, đẹp đẽ và khó có được. Chẳng hạn ca ngợi đến đối phương chàng trai bày tỏ:

Từ lúc ta trông thấy

Cho đến khi gặp mặt

Sao mà đẹp đến thế

Thật đáng vàng đáng bạc,

Cách nói của người Lô Lô là vậy, chân thành và thẳng thắn, đã khen là khen hết lời. Cô gái Lô Lô trong con mắt người yêu cô hẳn sẽ đẹp và hoàn mĩ từ ngoại hình đến giọng nói:

Đã không nói thì thôi,

Nói ra lời vàng ngọc.

Hay:

Mở miệng là đáng bạc.

Bước chân là đáng vàng.

Có thể nói, bạc vàng là biểu tượng cho sự ngợi ca của trai gái Lô Lô khi yêu nhau. Có lẽ chỉ với cách nói này, chàng trai, cô gái Lô Lô mới cảm thấy nói được đầy đủ tình cảm của mình cho bạn mình hiểu, từ đó mới cảm nhận và chấp nhận tình cảm của nhau.

Cũng mang ý nghĩa ngợi ca nhưng vải, lụa được người Lô Lô sử dụng nhiều để diễn tả sự mềm mại, ngọt ngào, đẹp đẽ và chăm chỉ khéo léo của các cô gái Lô Lô. Các cô gái Lô Lô được học dệt vải, may vá từ nhỏ vì thế cô nào cũng giỏi đường kim mũi chỉ. Ngày nay bộ trang phục cổ truyền của người Lô Lô vẫn được làm bằng nguyên chất vải dệt tay như xưa. Nhưng nét hoa văn trang trí thì vẫn được đồng bào gìn giữ. Tuy nhiên đi vào dân ca, vải lụa vẫn là biểu tượng cho sự khéo léo của cô gái Lô Lô. Bởi vậy trong dân ca khi ca ngợi họ sử dụng hình ảnh lụa rất phổ biến:

Tay đưa như tấm lụa,

Giọng ca mềm như sóng.

Nhiều khi, tấm vải lại được mượn để so sánh cho một cái cụ thể chứ không trừu tượng như cách nói ở trên. Chàng trai bản xa đến chơi bản của cô gái đã không ngớt lời ca ngợi:

Nhìn nương ra đám nương,

Nương đẹp như tấm vải

Mảnh nào ra mảnh đó.

Với người dân miền núi để có một mảnh nương vuông vức, sạch đẹp, họ phải tốn nhiều công sức vào đó: Từ vỡ đất, đắp bờ, dọn cỏ, trồng trọt... Nói “nương đẹp như tấm vải” là chàng trai muốn khen bản làng của cô gái, là bản làng toàn những người chăm chỉ. Đúng là “Một vùng đất đẹp”. Cô gái là người con của bản làng tất nhiên cô cũng là một người đẹp, giỏi giang, chăm chỉ. Đấy là điều chàng trai muốn thổ lộ.

Người yên tâm ra đi,

Vải trắng, vải đen có

Chỉ đỏ chỉ hồng nhiều.

Biểu tượng chim

Chim là con vật biểu tượng được in khắc trên trống đồng và xuất hiện trên hoa văn áo của phụ nữ Lô Lô. Tiếng Lô Lô gọi chim là “Ngó bá”. Trong cuốn “Hoa văn trên trống đồng” của TS. Lò Giàng Páo đã sưu tầm và dịch khá đầy đủ:

Thân em như thân chim

Múa tựa như chim bay

Lời ca như chim gọi

Mọi người ngước nhìn theo

Chim trong dân ca giao duyên Lô Lô là biểu tượng cho tình yêu thủy chung. Trong dân ca nghi lễ vì chim hiện thân trên mặt trống đồng nên đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tộc người. Có lẽ vì vậy mà biểu tượng chim xuất hiện nhiều trong cả dân ca nghi lễ và dân ca giao duyên Lô Lô. Đây cũng hình ảnh rất riêng mang bản sắc tộc người của dân ca Lô Lô so với dân ca của một số dân tộc khác.

Biểu tượng chim xuất hiện nhiều trong dân ca giao duyên Lô Lô, với những ý nghĩa khác nhau: Có lúc chim được nhắc đến với ý nghĩa trượng trưng cho cái đẹp, cái uyển chuyển đi vào lòng người. Một người hát hay, múa giỏi, được ca ngợi trong dân ca Lô Lô:

Giọng người ta như chim,

Tiếng vang như chim hót.

Hay:

Chân đi như ngó múa (Ngó = chim)

Thật đáng vàng, đáng bạc.

Dân tộc Lô Lô rất thích ca múa, ở đâu và vào bất cứ dịp lễ tết nào chúng ta cũng bắt gặp họ ca múa. Có thể nói dân tộc này rất chuộng lời ca tiếng hát. Vì thế một chàng trai hát hay múa giỏi luôn là niềm tự hào của xóm bản và là mơ ước của bao chàng trai, cô gái khác.

Biểu tượng chim xuất hiện trên mặt trống đồng được người dân kể thông qua câu chuyện cổ tích đậm màu sắc dân gian. Nhưng người ta vẫn mường tượng về một quá khứ xa xôi để giáo dục ý thức tôn thờ những con chim. Câu chuyện đã mang ý thức giáo dục và hằn sâu trong trí nhớ của đồng tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Con số biểu tượng

Ca dao, dân ca là một là những thể loại sử dụng số từ với tầng số nhiều. Khi nghiên cứu về các con số biểu tượng trong dân ca, chúng tôi muốn đề cập những con số có mặt nhiều trong dân ca nghi lễ và dân ca mang tính chất cộng đồng của người Lô Lô mà trong dân ca đồng bào hay nhắc đến là số 9; số 10 và số 12.

Trong văn học dân gian, việc sử dụng số từ là một hiện tượng rất phổ biến. Vậy những con số này mang ý nghĩa gì trong đời sống tinh thần của người Lô Lô? Tại sao nó lại được sử dụng nhiều trong dân ca Lô Lô đến vậy? Đây là một vấn đề không dễ gì tìm ra lời giải thích trọn vẹn, song trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu dân ca Lô Lô, chúng tôi cũng xin đưa ra lời giải thích cho một vài con số.

Biểu tượng số 12

Theo quan niệm của người phương Đông thì con số 12 được dùng làm biểu tượng rất nhiều trong đời sống. Biểu tượng một năm có 12 tháng, có 12 con giáp ứng với mỗi năm. Vì thế con số 12 là con số may mắn và tròn trịa. Cách suy nghĩ này có lẽ một phần do ảnh hưởng từ tổ tiên của người Lô Lô. Người Lô Lô xưa tính đơn vị là tá bằng 12. Chính vì vậy nên con số 12 được đồng bào sử dụng rất nhiều trong dân ca. Khi nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ người Lô Lô có câu:

Một năm mười hai tháng

Một tháng ba mươi ngày

Nuôi con không kể ngày,

Trồng cây không kể tháng.

Biểu tượng số 9, số 10

Con số 10 là con số đầu tiên có hai chữ số, là số tròn chục biểu hiện sự đầy đặn, trọn vẹn nhất. Con số 10 là con số hoàn chỉnh đến mức không thể thêm gì vào đó được nữa, là con số hoàn thiện khó đạt tới. Nếu số 9 kết thúc một chu kì thì số 10 lại bắt đầu một chu kì, biểu hiện một vòng tuần hoàn bất tận. Đó là lý do hai số 9 và 10 luôn đi cùng nhau và có ý nghĩa biểu hiện giống nhau trong thi ca.

Dân ca Lô Lô sử dụng số 9 và 10 cũng với ý nghĩa tròn vẹn, tròn trịa và đầy đặn. Số 9 và 10 được dùng nhiều trong cả dân ca nghi lễ và dân ca giao duyên nhằm mục đích ngợi ca, tôn vinh khi cô gái Lô Lô đón khách làng xa đến chơi, cô đã không ngớt lời ca ngợi:

Chàng ở phương trời nào?

Chín lần mười lần đẹp.

Có khi người Lô Lô dùng số 9, số 10 để chỉ sự xa xôi, cách trở, khó khăn khi hai người đến với nhau. Sự khó khăn ấy là rất lớn, rất đáng nói, nhưng không ngăn cách được tấm lòng của hai người yêu nghĩ về nhau:

Đường cách trở xa xôi,

Cách con sông, con suối.

Cách chín đồi, mười núi

Không cách được lòng nhau.

Tâm hồn và tính cách người Lô Lô là như vậy, khi họ muốn bày tỏ một tâm trạng, một cảm xúc, một sự việc... dường như họ thường sử dụng lối nói so sánh ẩn dụ để tăng thêm sự vật được so sánh. Trong trường hợp trên con số 9, 10 chính là biểu tượng để họ nhấn mạnh sự chung thuỷ của đôi trai gái yêu nhau. Dù khó khăn đến mấy, dù gian truân thế nào, họ vẫn luôn bên nhau.

Cũng có lúc số 9, số 10 lại được sử dụng chỉ sự lâu dài, mãi mãi, trường tồn. Muốn nhắc nhở con cháu ghi nhớ cái hiện tại, người Lô Lô nói như sau:

Câu chuyện vẫn còn đây,

Chín đời, mười đời nhớ.

Hay:

Một đời làm việc tốt,

Mười đời phải học theo.

Chín đời, mười đời không chỉ giới hạn ở những con số cụ thể ấy, mà người Lô Lô muốn nói mãi mãi đời sau con cháu ghi nhớ những gì đã diễn ra ngày hôm nay để noi gương. Vì thế số 9, số 10 ở đây là biểu tượng cho số nhiều.

Những biểu tượng nói trên thể hiện ý thức, độc đáo, sự tinh tế trong cảm hứng nghệ thuật của người Lô Lô. Nó tạo cho văn hóa tộc người này một sắc thái riêng: Chân thành, ngay thẳng. Điều quan trọng không chỉ ở bản thân biểu tượng mà còn các mối quan hệ ở trạng thái tình cảm mà nhân vật trữ tình gửi gắm qua hình tượng. Có thể nói hệ thống biểu tượng trong văn hóa người Lô Lô rất phong phú và đa dạng, thể hiện được bản sắc riêng, suy nghĩ riêng của tộc người nơi rừng sâu, núi thẳm miền biên viễn trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Lò Giàng Páo

- Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều