Những giải pháp ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn. Trong nhiều năm qua, vấn đề di cư tự do của người dân tộc thiểu số, nhất là ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã kéo dài trong nhiều năm, đến nay chưa chấm dứt Trước thực tế đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đặt ra trọng tâm sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng DTTS và miền núi. 
Cần tăng cường sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng DTTS 

Hiện nay, phong trào hay chủ trương di cư theo kế hoạch “đi kinh tế mới” như những năm 60,70,80 của thế kỷ trước không còn, mà phần lớn đồng bào DTTS di cư trong nội tỉnh, nội huyện bởi một số nguyên nhân sau: Di cư để chuẩn bị giải phóng mặt bằng cho các dự án như các công trình thủy điện, khu công nghiệp…; Di cư ra khỏi vùng rừng đặc dụng, di cư do thiên tai, môi trường; Di cư tự do; Di cư lao động (di cư tạm thời để tham gia lao động tại một số địa bàn khác hoặc chỉ di cư theo thời vụ, nhà cửa, cơ sở vật chất ở quê vẫn giữ để quay về sinh sống lâu dài).

Ngoài ra, còn có một số nguyên do khiến đồng bào DTTS di cư, gây khó khăn cho công tác quản lý và anh sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong vùng DTTS. Điển hình như, đồng bào bị các đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo xuất cảnh trái phép nhằm gây bất ổn về an ninh chính trị trên địa bàn.

Việc các hộ di cư từ nơi khác đến, không có đất ở, nhà ở, đất sản xuất dẫn tới tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để làm nhà, làm nương rẫy, săn bắn thú rừng để lấy thịt; những hoạt động này đã vi phạm luật bảo vệ rừng, luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ động vật hoang dã, tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, vi phạm pháp luật; một số trường hợp di cư do vì không có đất sản xuất nên đã xảy ra việc tranh chấp đất đai với các hộ dân sở tại gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Để giải quyết tình trạng này, việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cần đảm bảo các nguyên tắc: Bố trí, sắp xếp dân cư phải phù hợp với quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan; Các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư phải đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn; ưu tiên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ cao xảy ra thiên tai; Ưu tiên thực hiện bố trí dân cư theo hình thức xen ghép, kết hợp với hình thức tái định cư tập trung và ổn định tại chỗ; Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư là mục tiêu, đồng thời là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái; Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư phải tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài; Bố trí ổn định dân cư phải hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của từng dân tộc.

Những năm qua Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp họ ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho những người uy tín trong vùng đồng bào DTTS dưới nhiều hình thức cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương; về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng. Từ đó, những người uy tín, già làng, trưởng bản hiểu và tự giác tuyên truyền, giải thích cho đồng bào giúp đồng bào DTTS nhận thức được những khó khăn, thiếu thốn nảy sinh khi di cư, cũng như những hoạt động có thể vi phạm pháp luật.

Ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS 

Theo Kế hoạch số 297/KH-UBND, ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp 1.674 hộ dân cư ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, sẽ sắp xếp tập trung 737 hộ, xen ghép 488 hộ, ổn định tại chỗ 449 hộ. Mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sắp xếp dân cư tập trung và xen ghép thực hiện theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư các điểm sắp xếp dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hỗ trợ di chuyển 80 triệu đồng/hộ đối với sắp xếp xen ghép và hỗ trợ di chuyển 15 triệu đồng/hộ đối với sắp xếp tập trung. Thực hiện hỗ trợ ổn định tại chỗ 20 triệu đồng/hộ bằng ngân sách tỉnh.

Các hộ dân sau khi được sắp xếp đến nơi ở mới phải bảo đảm tốt hơn nơi ở cũ, đủ điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài và phát triển kinh tế bền vững. Trong quá trình triển khai, các hộ dân được hỗ trợ di chuyển sắp xếp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị mặt bằng chuyển đến, nguyên vật liệu bổ sung thay thế những vật liệu đã hỏng... di chuyển đến nơi ở mới bảo đảm đúng kế hoạch.

Tại tỉnh Quảng Nam, theo thống kê, giai đoạn 2017-2025 có khoảng 17.769 hộ có nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; trong đó, phân theo nguyên nhân có 2.808 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 13.869 hộ đặc biệt khó khăn, 1.006 hộ sống phân tán có điều kiện khó khăn, 28 hộ sống cần ra khỏi khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,.... Nếu tính từ năm 2017 – 2020, có khoảng 11.970 hộ có nhu cầu; trong đó phân theo hình thức bố trí thì có khoảng 6.235 hộ bố trí xen ghép, 5.093 hộ bố trí tập trung và ổn định tại chỗ 642 hộ. Với số lượng hộ như trên, cần khoảng 883 tỷ đồng để hỗ trợ di chuyển nhà, san lấp nền cải tạo đất ở, đất sản xuất, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt theo định mức do HĐND tỉnh quy định.

Người dân yên tâm sinh sống, lao động 

Đến cuối tháng 3/2018, tại 9 huyện miền núi đã thực hiện di dời, sắp xếp được 945/1.496 hộ với kinh phí giải ngân 31,136  tỷ đồng, trong đó cao nhất là Nam Trà My (332 hộ), ít nhất là Tiên Phước (3 hộ), Hiệp Đức (15 hộ). Lý giải về vấn đề này, nhiều địa phương cho rằng việc bố trí, sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 12 còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ chế lẫn khâu tổ chức thực hiện.

Việc quy định diện tích đất ở tối thiểu 200 m2/hộ khiến nhiều địa phương không đủ quỹ đất để thực hiện do ở miền núi, nhất là 06 huyện miền núi cao địa hình phức tạp, thường bị chia cắt và có độ dốc lớn, quỹ đất ở hạn chế. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất đa phần là manh mún, hầu hết chưa được xác lập quyền sử dụng đất nên cũng khó xác định hộ thiếu đất sản xuất để hỗ trợ. Các hộ dân tự nguyện hiến đất để các hộ từ nơi khác đến ổn định chỗ ở chưa được hỗ trợ là chưa phù hợp thực tế và khó tuyên truyền vận động người dân hiến đất, tạo sự so bì trong thực hiện chính sách.

Tuy kết quả thực hiện chính sách còn khiêm tốn so với mục tiêu, song việc tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện thực hiện của người dân đã cho thấy chủ trương đúng đắn của chính sách, đồng thời tạo điều kiện để bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và giảm nghèo bền vững ở miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Thu Giang - Hữu Phương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều