Những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn

(Mặt trận) - Những năm gần đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tỉnh cũng đã thực hiện có hiệu quả các chính sách về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thăm hỏi động viên bà con người Dao Lù Gang (thôn Trà Ký, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), tháng 11/2022. Ảnh Đại đoàn kết
Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương; tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc với các hình thức đa dạng; tổ chức các lớp tập huấn về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép được trên 35.120 cuộc cho trên 2,5 triệu lượt người nghe; đã phát được 500 số chuyên mục Đại đoàn kết và trên 5.000 tin, bài trên sóng truyền hình tỉnh Lạng Sơn, Báo Lạng Sơn và Trang Thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động ở khu dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp đồng bào dân tộc vươn lên, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai có hiệu quả, nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, vận động đồng bào các dân tộc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, văn nghệ, khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, những điệu hát then, múa sư tử... thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11). Ngày hội Biên phòng toàn dân (3/3), góp phần phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an ninh thôn, bản. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động đã có nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai trong cộng đồng như: mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại huyện Chi Lăng; mô hình chung tay xây dựng khu dân cư “Sáng-xanh-sạch-đẹp” tại huyện Tràng Định, huyện Chi Lăng; mô hình phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc tại xã Thanh Lòa, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định; mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm ma túy”, “Khu dân cư không bạo lực gia đình”... Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ làm.

Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Lạng Sơn đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 41 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.003 ngôi nhà cho hộ nghèo trị giá trên 23,7 tỷ đồng, tặng quà tết, hỗ trợ thăm hỏi 12.308 suất trị giá trên 6,5 tỷ đồng... Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức phát động các tập thể, cá nhân ủng hộ được trên 27,3 tỷ đồng tiền mặt và trên 12,7 tỷ đồng hiện vật. Từ nguồn quỹ thu được, đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho các đơn vị tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã giám sát bằng hình thức xem xét văn bản được 1.380 văn bản; thành lập đoàn giám sát được 1.060 cuộc; tham gia giám sát được 5.135 cuộc, cụ thể một số đơn vị điển hình như: Tỉnh đoàn Lạng Sơn giám sát được 49 cuộc, đoàn cấp huyện giám sát được 87 cuộc; Hội Cựu chiến binh giám sát được 15 cuộc; Hội Nông dân tổ chức giám sát được 20 đoàn; các cấp công đoàn đã giám sát được 285 cuộc; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 35 cuộc. Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn trong 5 năm qua, các Ban Thanh tra nhân dân đã tiến hành giám sát 2.125 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 2.230 cuộc, qua giám sát đã kiến nghị xử lý nhiều vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư của cộng đồng... tạo lòng tin trong Nhân dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định địa phương.

Cũng từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 13 cuộc khảo sát nắm tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc, tôn giáo tại các huyện; đã tổ chức giám sát về kết quả thực hiện một số chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đại An, huyện Văn Quan; tổ chức 22 cuộc giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 10 cuộc giám sát việc thực hiện Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức 5 cuộc khảo sát nắm bắt tình hình về một số nội dung công tác dân tộc và giám sát kết quả thực hiện đầu tư các dự án như: dự án ổn định dân cư, di dân thành lập thôn bản mới giáp biên giới Việt - Trung; tổ chức 17 cuộc về việc phối hợp giám sát đối với Ủy ban nhân dân các huyện và sở, ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Qua công tác khảo sát, giám sát tại các huyện, cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã có các ý kiến, kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và cơ sở về những vấn đề liên quan thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Công tác phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền quan tâm chỉ đạo đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hàng năm phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tổ chức thẩm định danh sách người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đề xuất, giới thiệu từ cơ sở cộng đồng dân cư theo Quyết định 56 và Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Tổng số người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2015 đến này là: 13.702 lượt người được công nhận.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thường xuyên quan tâm động viên, phát huy vai trò người uy tín trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, thực hiện nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, tích cực sản xuất, kinh doanh... Đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động; động viên con cháu, cộng đồng dân cư thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự thôn bản, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đoàn kết, vững mạnh. Tỉnh Lạng Sơn có 75/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 82 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn giảm từ 7,88% năm 2020 xuống còn 5,76% năm 2021 (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là 12,20%).

Dù vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn chậm phát triển, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; việc nhân rộng các mô hình sản xuất mới gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như góp phần cùng các địa phương khác trong cả nước thực hiện hoàn thành các mục tiêu của các chương trình.

Một số bài học kinh nghiệm qua gần 7 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch và hướng dẫn số 25/HD-MTTW-BTT ngày 6/10/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Lạng Sơn quán triệt triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, đồng bộ, đó là:

Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới trong phương thức tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, công tác dân tộc; tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hai là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền, các, sở, ban, ngành, tổ chức thành viên triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đạt các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Ba là, thông qua việc thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có nhiều chuyển biến tích cực về công tác dân tộc của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cơ sở. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền và các tổ chức thành viên tiếp tục được tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và phong trào đoàn kết sáng tạo, chú trọng nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách ở vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Các mô hình phát triển kinh tế Hợp tác xã và hộ gia đình gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bốn là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tốt vai trò của người uy tín và người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt công tác tập hợp các tầng lớp nhân dân, thu hút, động viên Nhân dân các dân tộc, huy động được nhiều nguồn lực trong Nhân dân và các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Cao Thị Ngọc Thủy

 Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều