Nỗ lực chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số nước ta tuy đã giảm nhưng còn thấp xa mục tiêu đề ra. Thực trạng này đòi hỏi cần thêm nhiều nỗ lực để đảm bảo đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số (DTTS) tuy đã giảm nhưng vẫn đang còn ở mức cao. Tỷ lệ tảo hôn chung là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014; bình quân mỗi năm giảm 0,94%.

 Nhóm trẻ em gái dân tộc thiểu số trong độ tuổi 13-18 cần được đặt vào vị trí trung tâm trong công tác tuyên truyền, vận động để phòng ngừa, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 0,56%, giảm 1% so với năm 2014, tức là giảm bình quân mỗi năm 0,2%; phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Một số DTTS có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao vào thời điểm điều tra năm 2014 nhưng đến nay đã không còn tình trạng này như: Mạ, Mảng, Khơ Mú, Cơ Ho, Kháng, Chứt, Khmer.

 Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, tuy nhiên riêng năm 2019, toàn quốc vẫn có trên 1 triệu cặp tảo hôn. Đáng lưu ý nữa là so với mục tiêu trong Quyết định 498/QĐ-TTg là giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao… thì kết quả đã đạt được của 5 năm qua còn chậm và chưa đạt yêu cầu.

 Hội thảo chia sẻ kết quả rà soát 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức (tháng 10/2020).
Bước đầu, nhiều địa phương đã có các giải pháp tương đối đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, từ năm 2017, Tỉnh ủy Lào Cai đã có Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành tập trung phòng chống tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều sáng kiến như: tổ chức cho các ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng ký cam kết không mai mối, làm lễ cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông; các gia đình có con từ 12 tuổi trở lên cũng phải ký cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đưa vào hương ước, quy ước của thôn bản quy định người dân không giúp việc, không dự, không tặng quà cho những đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chuyển nội dung giao ban về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội sang lĩnh vực Nội chính chỉ đạo… Đáng lưu ý, huyện Bát Xát còn phối hợp với Viễn thông nhắn tin tuyên truyền không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới các bé gái trong độ tuổi 13 đến dưới 18, nhờ vậy mà trong 9 tháng đầu năm nay, huyện Bát Xát đã ngăn chặn kịp thời 72 trường hợp tảo hôn. 

 Đánh giá cao cách làm hiệu quả này của tỉnh Lào Cai, đồng chí Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm kinh nghiệm của địa phương này là đã tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động tín đồ không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

 Trong khi đó, theo đồng chí Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ cách làm của tỉnh là phải xuống tận xã tuyên truyền cũng như mở rộng thành phần tham dự tới Bí thư, Chủ tịch xã, trưởng thôn bản, người có uy tín và nhân dân… Do tăng cường công tác tuyên truyền nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, một giải pháp chung được các địa phương quan tâm chỉ đạo là xây dựng các mô hình điểm. Hiện đã có 27 tỉnh xây dựng được 2.892 mô hình điểm, tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn với các tên gọi như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. 5 năm qua, các địa phương đã tổ chức gần 212 nghìn cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông cho gần 495 nghìn lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm.

Để đảm bảo đạt mục tiêu chung tại Quyết định số 498/QĐ-TTg là phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, theo đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ngành Công tác dân tộc phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới…

 Hiện nay, do bộ máy cơ quan công tác dân tộc chưa được tổ chức đến cấp xã. Vì vậy, cần đề cao trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng tham gia vào công tác tuyên truyền vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình ở cơ sở.  Đặc biệt cần chú trọng nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cho đối tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhất là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đây là nhóm đối tượng đang chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính… nên thuộc nhóm nguy cơ cao mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

 Cùng với đó, lắng nghe và tiếp thu khuyến nghị của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cần đặt nhóm trẻ em gái DTTS trong độ tuổi 13-18 vào vị trí trung tâm. Tạo điều kiện cho các em tăng cường tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản và hôn nhân gia đình. “Bình thường hóa” việc sử dụng các biện pháp tránh thai và bảo đảm cho thanh, thiếu niên DTTS gồm cả nam và nữ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ tư vấn tâm lý, tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.

 Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, để có điều kiện thực hiện quyết liệt, bài bản công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thiết kế Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”. Trong Dự án này có nhiệm vụ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tổng kinh phí chi cho nhiệm vụ dự kiến khoảng 720 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần kinh phí ngân sách trung ương đã bố trí để triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg giai đoạn 2016 - 2020 (giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách chỉ bố trí gần 9 tỷ đồng cho công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống qua Ủy ban Dân tộc).

 Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tăng tốc, đẩy mạnh công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo đạt mục tiêu đã đề ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2025./.

Theo Phương Liên/Báo điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều