Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Tứ ân Hiếu nghĩa trong công tác chăm sóc người bệnh

(Mặt trận) - Nghiên cứu các tôn giáo nội sinh chúng ta biết rằng, các tôn giáo như: Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Tứ ân Hiếu nghĩa đều có nguồn gốc từ Phật giáo và đều cùng đề cao lòng từ bi, cứu khổ, cứu nạn, hướng thiện và tránh những điều ác. Từ những nghiên cứu bước đầu về ba tôn giáo nội sinh nói trên ở vùng Tây Nam Bộ trong công tác chăm sóc cho người bệnh thời gian qua, bài viết nêu một số giải pháp phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, sự dấn thân của các tôn giáo để đưa đạo vào đời bằng các nghĩa cử tốt đẹp trong công tác chăm sóc người bệnh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, tháng 3/2020

Triết lý của Phật giáo nói chung từ hàng ngàn năm nay đã thẩm thấu sâu vào triết lý sống của con người Việt Nam. Những triết lý sống đó đã hòa quyện nhau, hình thành nên đạo đức, nhân cách, những giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt như “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”, “lá lành đùm lá rách”, “tắt lửa tối đèn có nhau” và khuyến khích con người làm việc thiện, hướng thiện để sau này được hưởng ơn phước. Các tôn giáo nội sinh có vai trò rất lớn trong các hoạt động an sinh xã hội nói chung, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Tứ ân Hiếu nghĩa có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc người bệnh ở vùng Tây Nam Bộ thời gian gần đây.

Trong các tôn giáo nội sinh nói trên, việc truyền bá giáo thuyết và thực hành “Lục độ” - 6 hạnh của Bồ tát (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ), thì điều đầu tiên mà các tín đồ, chức sắc hướng tới đó là “Bố thí” giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, ốm đau hoạn nạn; tức là đề cao những người có lòng thương và những hành động về tình thương rộng lớn, trong đó có công tác chăm sóc người ốm đau, bệnh tật, rủi ro. Đây chính là những hoạt động dấn thân, nhập thế đáng trân trọng của các tôn giáo này. Trong công tác chăm sóc người bệnh, ba tôn giáo nội sinh nói trên đã xây dựng, sáng tạo khá nhiều mô hình điểm trong thời gian qua và được xã hội thừa nhận. Trong các mô hình tiêu biểu ấy, trước hết là mô hình phòng thuốc nam phước thiện. Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam là tôn giáo nội sinh đề cao “Phước Huệ song tu” và với tôn chỉ đường hướng hành đạo ấy, tín đồ của tôn giáo này rất chuyên tâm “tu phước”, dùng y đạo (nam dược, phòng thuốc nam phước thiện) để chữa bệnh cứu người, làm điều lành, làm nhiều việc hữu ích giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, cô đơn, ốm đau bệnh tật không tiền thuốc thang để chữa bệnh. Hoạt động của mô hình này hiện là một hoạt động mà Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam đã và đang triển khai với quy mô rộng khắp và rất có hiệu quả. Một điều đặc biệt cần phải ghi nhận là, hầu hết các tôn giáo nội sinh trong đó có Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo và Tứ ân Hiếu nghĩa chưa đứng ra tổ chức các phòng thuốc nam phước thiện hoạt động độc lập, mà từng tôn giáo chỉ phối hợp với Trung tâm y tế huyện hoặc phòng khám đa khoa để hoạt động. Mặc dù vậy trong thực tiễn, nơi nào có cơ sở thờ tự là ở đó có phòng thuốc nam phước thiện và là điểm thăm khám và bốc thuốc cho bệnh nhân. Riêng ở Tây Nam Bộ, hiện nay Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam có 175/211 phòng thuốc nam phước thiện trong toàn đạo phục vụ chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Còn riêng Phật giáo Hòa Hảo hiện nay có trên 150 điểm tổ chức khám, điều trị bệnh bằng thuốc nam miễn phí cho các bệnh nhân trong vùng, đây là một con số không nhỏ nói lên vai trò to lớn và hữu dụng trong việc chăm sóc, chữa bệnh, điều trị cho người bệnh. Sự hiện diện phòng khám từ thiện tại đây đã giúp cho nhiều người nghèo được khám, điều trị và phục hồi chức năng. Một nghĩa cử cao quý đáng trân trọng đó là sự đóng góp của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tín đồ của tôn giáo này đã dành hơn 3 ha đất để trồng thuốc nam, đồng thời còn đầu tư trên 150 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn thuốc nam. Hoạt động này đã tạo hiệu ứng, lan tỏa không chỉ trong nội bộ tôn giáo mà còn lan tỏa ra cả những người không phải là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và các tôn giáo khác.

Những hoạt động phước thiện nói trên không chỉ là biểu hiện sinh động của tình thương, sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn mà còn cho thấy một nguồn lực không nhỏ trong bản thân từng tôn giáo cho ngành y tế và chia sẻ gánh nặng cho Nhà nước. Như vậy, có thể khẳng định rằng các mô hình tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế của ba tôn giáo nội sinh nói trên góp phần không nhỏ và có hiệu quả trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân để vượt qua bệnh tật và cả những khó khăn về chi phí không chỉ cho chữa bệnh mà còn để duy trì sự sống. Thông qua hoạt động thăm khám trị bệnh và miễn phí, các mô hình bệnh viện từ thiện, ba tôn giáo nội sinh nói trên đã dấn thân vào các hoạt động an sinh xã hội và góp phần không nhỏ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, xây dựng tình người, bồi đắp các nghĩa cử yêu thương, chia sẻ, cưu mang nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, hiểm nghèo. Đây là những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn mà các tôn giáo nội sinh này không chỉ đem lại sự sống, mà còn đem lại niềm vui, và hạnh phúc cho người bệnh vùng Tây Nam Bộ.

Ngoài các hoạt động trên các tôn giáo nội sinh còn tổ chức nhiều loại mô hình khác, nhiều hoạt động cụ thể, có hiệu quả và có sức lan tỏa trong những người có tôn giáo, cộng đồng, xã hội, như: Mô hình bếp ăn từ thiện, bếp ăn tình thương, xe chuyển bệnh nhân miễn phí; hỗ trợ kinh phí cho các trại nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già ốm đau không nơi nương tựa; tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo và tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm và tặng quà cho người nghèo nhân các ngày lễ lớn; hỗ trợ xuồng cho bà con vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long… Trong các hoạt động đó, nổi bật nhất là mô hình bếp ăn tình thương và mô hình xe chuyển bệnh nhân miễn phí (xe cứu thương) được xã hội đánh giá cao và hiện nay đang nhân rộng.

Mô hình bếp ăn tình thương được hình thành và đi vào hoạt động từ những năm 1980, nhưng hoạt động ban đầu nhỏ lẻ, chưa phổ biến, số thành viên tham gia không nhiều và việc phục vụ suất ăn hạn chế bởi kinh phí huy động gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau đó, mô hình này ngày càng phát triển và có sức lan tỏa, nhất là từ khi Phật giáo Hòa Hảo được công nhận tư cách pháp nhân năm 1999. Từ năm 1993 - 2005, các bếp ăn theo mô hình này của Phật giáo Hòa Hảo đã cung cấp trên 3.895.223 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người lao động nghèo, học sinh sinh viên, tương ứng với số tiền trên 11.500 triệu đồng. Sau này, bếp ăn tình thương còn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân và người nuôi bệnh tại các bệnh viện, bếp ăn phục vụ người lao động nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Riêng đối với các bếp ăn tình thương tại các bệnh viện ở Tây Nam Bộ, Ban Trị sự cơ sở của Phật giáo Hòa Hảo đã phối hợp khá tốt với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tại các địa phương để duy trì hoạt động của tổ cơm cháo và nước uống từ thiện trong bệnh viện. Tính đến tháng 8/2015 đã có 27 tổ cơm cháo từ thiện đang hoạt động, phục vụ cho 19.120 lượt bệnh nhân và người nuôi bệnh mỗi ngày1. Hoạt động của loại hình bếp ăn tình thương này lúc đầu khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và nhất là kinh phí, nhưng đến nay từng bước đi vào nền nếp nên đã dần được nhiều cá nhân, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và một số tổ chức tôn giáo và xã hội ủng hộ.

Mô hình xe cứu thương miễn phí là mô hình do Phật giáo Hòa Hảo khởi xướng xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XX. Mô hình được hình thành đi vào hoạt động tương đối ổn định và trở thành phong trào lan tỏa rộng ở nhiều tôn giáo nội sinh vùng Tây Nam Bộ từ những năm 2000. Gần đây khi mà các phương tiện đi lại bằng đường sông nước, kênh rạch theo truyền thống, tập quán vùng Tây Nam Bộ được thay dần bằng đường bộ, thì mô hình này ngày càng phát huy tác dụng. Lúc đầu mô hình mới đi vào hoạt động chỉ có chưa đầy 10 xe, hầu hết là xe cũ, nhưng đến nay có gần 300 xe. Các xe cũ trước đây nay đã được thay thế bằng xe mới với trị giá bình quân trên 700 triệu đồng/xe và với tổng kinh phí mua xe cứu thương trên 2.100 tỷ đồng. Ở mô hình này, từ một số ít các Ban điều hành, nay đã tăng lên nhanh chóng thành trên 150 Ban điều hành trải đều ở các tỉnh Tây Nam Bộ có đông tín đồ và phục vụ cả những người trong đạo và ngoài đạo… Còn đối với Tứ ân Hiếu Nghĩa, ngoài việc tổ chức nhiều đợt tặng quà cho hộ nghèo, đã tổ chức các đợt cứu tế xã hội cho đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, những người có hoàn cảnh neo đơn; tổ chức, phối hợp nhiều hoạt động và có nhiều mô hình tham gia hoạt động an sinh xã hội có hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Bằng những hoạt động cụ thể thiết thực, Tứ ân Hiếu nghĩa đã tổ chức thăm và tặng quà cho người nghèo nhân các ngày lễ lớn; tặng xuồng cho bà con vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ kinh phí cho các trại nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người già không nơi nương tựa; tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh… Trong đó, mô hình bếp ăn tình thương và mô hình xe chuyển bệnh miễn phí cũng được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.

Cùng với các mô hình nói trên, các tôn giáo nội sinh còn có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho nhiều gia đình người bệnh ở Tây Nam Bộ. Qua những nghiên cứu bước đầu và các con số thống kê của ba tôn giáo nội sinh nói trên ở vùng Tây Nam Bộ trong công tác chăm sóc cho người bệnh thời gian qua, có thể rút ra một số dự báo và kiến nghị sau:

Thứ nhất, trong những năm tới công tác chăm sóc người bệnh của 3 tôn giáo nội sinh trên không chỉ đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả và ngày càng được xã hội thừa nhận mà sẽ còn phát triển hơn nữa, mở rộng hơn nữa.

Thứ hai, những kết quả đạt được trong thời gian qua chủ yếu do các nỗ lực, cố gắng riêng lẻ của từng tôn giáo, từng mô hình và còn bị động. Sự phối kết hợp và phát huy vai trò chủ động của hai chủ thể chính là các tổ chức tôn giáo ở cơ sở và các Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương còn chưa đồng bộ nên hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, các hoạt động chăm sóc người bệnh nói trên của 3 tôn giáo nội sinh cho thấy sự đa dạng về các chương trình, mô hình tham gia của các tôn giáo này vào các hoạt động an sinh xã hội và với một tiềm năng lớn về cả nhân lực, vật lực và kinh phí. Hay nói cách khác đây là một nguồn lực cần được khai thác, phát huy và nhân ra trên diện rộng của các tôn giáo nội sinh mà chúng ta vẫn chưa khai thác hết theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta là phải “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”2.

Thứ tư, chăm sóc bệnh nhân với các mô hình và nghĩa cử nói trên vừa là những đóng góp thiết thực cho người bệnh và cho xã hội. Những hoạt động ấy, vừa là nhu cầu tự thân của các tôn giáo này, phù hợp với đường hướng và phương châm hành đạo, lại vừa là chức năng xã hội mà các tôn giáo đã và đang dấn thân tham gia. Các tôn giáo đã góp phần không nhỏ làm “tốt Đời - đẹp Đạo” và chung tay cùng các cấp chính quyền vùng Tây Nam Bộ xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Thứ năm, hoạt động chăm sóc bệnh nhân không chỉ là tấm gương sáng động viên, khích lệ các thành viên khác của xã hội tham gia và không chỉ là những đóng góp về mặt vật chất, kinh phí, sức người, sức của mà qua các việc làm, nghĩa cử cao đẹp nói trên, các tôn giáo nội sinh còn góp phần to lớn trong giáo dục đạo đức, tình người, giáo dục nhân cách và tinh thần cố kết dân tộc. Những hoạt động từ thiện, những ngôi nhà tình nghĩa, những mô hình thuốc phước thiện, xe chở người bệnh miễn phí, những chiếc cầu nối đôi bờ vui, những bếp ăn tình thương và nắm gạo tình thương... đã góp phần làm đẹp thêm đời sống tinh thần, nhân văn của xã hội ta. Đó là điều đặc biệt thôi thúc Đảng, Nhà nước ta, cũng như các tôn giáo quan tâm hơn nữa đến các mảnh đời bất hạnh, những người thuộc nhóm yếu thế, những vùng khó khăn, hoạn nạn.

Thứ sáu, cần khen thưởng, động viên khuyến khích kịp thời những tấm gương sáng, những mô hình điểm tiêu biểu, có hiệu quả ở từng địa phương cơ sở và ở từng tôn giáo trong công tác chăm sóc người bệnh. Một trong những đặc trưng chung của các tôn giáo là rất ít nói về mình trong các nghĩa cử cao đẹp giúp người, giúp đời. Vì vậy, xã hội và Nhân dân, các cấp chính quyền biết về các hoạt động an sinh xã hội nói chung, chăm sóc người bệnh nói riêng của họ còn rất ít.

Việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, sự dấn thân của các tôn giáo để đưa đạo vào đời bằng các nghĩa cử tốt đẹp trong công tác chăm sóc người bệnh đã, đang và sẽ còn được cả xã hội quan tâm. Điều đó không chỉ xuất phát từ bản chất nhân văn của chế độ mới, bản chất nhân sinh tốt đẹp của các tôn giáo mà còn là việc phát huy có hiệu quả vai trò của các tôn giáo nói chung, các tôn giáo nội sinh nói riêng trong công tác an sinh xã hội, phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Chú thích:

1. Ban Từ thiện xã hội - Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (2015), Báo cáo Hoạt động tổ cơm cháo từ thiện của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Trị sự Trung ương.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội. 2021, tr. 171.

Hoàng Minh Đô*, Nguyễn Thị Phương**

* PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** ThS, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều