Phật giáo Việt Nam với công tác đảm bảo an sinh xã hội trong sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước

(Mặt trận) - Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Đối với Phật giáo, một tôn giáo lâu đời và quan trọng ở nước ta, không những là một tôn giáo có truyền thống đồng hành với dân tộc mà còn có những tiềm năng to lớn của một nguồn lực kinh tế - xã hội, trong đó sớm thể hiện vai trò tích cực trong công tác an sinh xã hội. Bài viết này một mặt sẽ làm rõ vai trò to lớn đó của Phật giáo và hơn thế nữa, gợi mở những khả năng vượt lên trên các hoạt động từ thiện nhân đạo truyền thống, thể hiện thực sự vai trò nguồn lực xã hội của tôn giáo này.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi sức khỏe Pháp chủ Thích Phổ Tuệ.

“Nguồn lực tôn giáo”: Động lực mới trong việc “tôn giáo hiện diện xã hội”

Vai trò của tôn giáo với xã hội đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, đã có 3 giai đoạn của sự tham gia của các tôn giáo và sự phát triển toàn cầu: Thời kỳ thuộc địa khi tôn giáo và các nỗ lực phát triển bị cuốn vào vấn đề ý thức hệ trong sứ mệnh văn minh Kitô giáo. Kỷ nguyên của ngành công nghiệp phát triển toàn cầu hậu Thế chiến II, tôn giáo tiếp tục đóng vai trò trong phát triển cấp địa phương, chủ nghĩa nhân đạo bị gạt ra ngoài lề trong các nghiên cứu phát triển và quá trình chính trị. Sự “chuyển hướng sang tôn giáo” được thể hiện trong chính sách và thực tiễn phát triển toàn cầu từ đầu những năm 2000.

Từ năm 2018, nhiều nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu nội dung của “nguồn lực tôn giáo”, dù rằng trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị cũng đã nói đến việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Phần lớn ý kiến đều quan tâm đến nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó chú trọng các yếu tố nguồn nhân lực, nguồn vốn; đặc biệt vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Trong Hội thảo của Hội đồng lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với chủ đề “Nguồn lực tôn giáo: Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam” thấy rằng, nguồn lực tôn giáo bắt nguồn từ 4 loại: nguồn lực về kinh tế vì trước đây tôn giáo ở miền Nam giàu hơn miền Bắc, nhưng giờ vị trí đã đảo lộn; nguồn lực tiếp theo là về cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, an sinh; nguồn lực về văn hóa, đạo đức và nguồn lực các tôn giáo có vị trí trong an ninh, sinh tồn và sức khỏe - đây vừa là đời sống xã hội, vừa là đời sống tâm linh và vừa là đời sống kinh tế. Hiện các tôn giáo khác nhau về nguồn lực, nếu thuần túy về nguồn lực kinh tế thì có Tin lành, Phật giáo và Hồi giáo, cùng với đó vấn đề đời sống tâm linh không chỉ phát triển ở cộng đồng mà còn trở thành nguồn lực kinh tế, chính vì vậy, khi nhắc đến sự phát triển của tôn giáo thì không nên “cào bằng”, “phân biệt” mà phải kích thích sự phát triển của tôn giáo từ 4 nguồn lực trên”1.

Nhận xét về nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam có tác giả đã đưa ra thống kê: “Tính đến tháng 8/2019, Việt Nam có hơn 20 triệu tín đồ với gần 56.000 chức sắc, gần 146.000 chức việc, hơn 29.000 cơ sở thờ tự tôn giáo, khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện có 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa đang hoạt động hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí, hàng chục nghìn bệnh nhân. Giáo hội cũng luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công với đất nước... Tổng kinh phí huy động cho công tác từ thiện, xã hội trong 35 năm qua của Giáo hội ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng”2.

Phật giáo và truyền thống phúc lợi xã hội, nhập thế giúp đời

Các tôn giáo đều chú trọng các hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo có những nét khác biệt so với nhiều tôn giáo khác. Sự khác biệt này xuất phát từ một số đặc thù trong giáo lý của Phật giáo. Nhà Phật luôn coi trọng “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Nghĩa là, Phật giáo lấy con người làm trọng tâm, từ bi và nhập thế3.

Đi sâu vào triết lý phúc lợi của Phật giáo có tác giả đã cho rằng, từ khái niệm Tứ diệu đế và học thuyết Karma (Nghiệp), Phật giáo đã đề cao hành động từ thiện và chủ nghĩa cộng đồng; đồng thời phúc lợi còn được xem như một khía cạnh của khái niệm bình đẳng. Từ đó, Phật giáo luôn coi khái niệm phúc lợi xã hội rộng hơn cách hiểu nhu cầu vật chất thông thường, hạnh phúc của con người chỉ có thể đạt được bằng cách thoát khỏi sự tha hóa đau khổ của tâm trí hay còn gọi là sự giải thoát4. Điều này có liên quan đến “nguồn lực an ninh sinh tồn” của Phật giáo.

Từ hoạt động an sinh xã hội đến các lĩnh vực rộng lớn khác của một nguồn lực tôn giáo

Là một trong những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Chí Quảng cho rằng việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập trung vào bốn hoạt động sau đây:

Thứ nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào hoạt động “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân, đặc biệt những tín đồ yếu thế trong xã hội.

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, Phật giáo luôn đồng hành cùng với những thăng trầm của dân tộc, mặc dù nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo, người già không nơi nương tựa, người có công với cách mạng... Tinh thần nhập thể “ích đạo, lợi đời” của Phật giáo đã phần nào giúp những người nghèo đói vươn lên trong cuộc sống.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ với 5 tỉnh, thành phố có số lượng hộ nghèo nhất cả nước từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2019 (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Sóc Trăng), Ban từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyên góp được 28 tỷ đồng dành cho 5 tỉnh nói trên. Các chương trình xóa đói giảm nghèo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, tính đến 2018 trên các địa bàn cư trú, cả thành thị và nông thôn, bao gồm nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho hộ gia đình, trẻ em đi học, điều trị bệnh tật rất hiệu quả.

Thứ hai, về công tác khám, chữa bệnh, nhiều Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị y học dân tộc, phòng khám đa khoa tây y đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí, giúp chất lượng điều trị được nâng cao, không chỉ chữa trị được những bệnh thông thường mà còn các bệnh cấp tính, nguy hiểm.

Qua các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, các cơ sở ngày càng tạo nên sự gắn bó giữa người thầy thuốc với cộng đồng, giữa đạo lý với đạo đời, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang tính xã hội hóa cao về công tác y tế thông qua sự huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn. Có thể nói trong thời gian qua, Phật giáo với những ưu thế của mình đã tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa y tế.

Theo số liệu của Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Nổi bật nhất là lớp học y học cổ truyền của Thành hội Phật giáo Hà Nội, các Tuệ Tĩnh đường chùa Pháp Hoa, tịnh xá Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Diệu Đế, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 1/5 phòng thuốc chẩn trị y học đã khám, chữa bệnh và phát thuốc với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng.

Thứ ba, về cơ sở dưỡng lão và trung tâm nuôi dạy trẻ em, hiện nay, công tác dưỡng lão của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức dựa trên nguồn lực tài chính do những phật tử quyên góp, một số phật tử có điều kiện kinh tế đã tự thành lập những viện dưỡng lão đón nhận những người già neo đơn không nơi nương tựa chăm sóc, nuôi dưỡng. Một số trung tâm dưỡng lão do Giáo hội thành lập được nguồn tài trợ thường xuyên từ các phật tử nên chất lượng hoạt động được đảm bảo. Hiện nay, toàn quốc có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm, Quận 8; Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp; Diệu Pháp, quận Bình Thạnh; chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn... nuôi dưỡng trên 500 cụ. Ở Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên... Bên cạnh hệ thống nhà dưỡng lão Phật giáo, còn có các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn tỉnh Bình Dương vừa thành lập và đang đi vào hoạt động, một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân của Phật như Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi của chùa Pháp Võ Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Khánh Quang (Khánh Hòa), Trung tâm Phật Quang (Kiên Giang)...

Thứ tư, về các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, phật tử của các chùa đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS như gắn các buổi thuyết pháp với việc tuyên truyền hiểu biết về HIV/AIDS và cách phòng, tránh cho người nhiễm và người dân trong cộng đồng. Ngoài ra, một số hoạt động truyền thông được triển khai ở những thời điểm phù hợp: tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS luôn được phật tử, nhất là những phật tử là sinh viên, thanh niên, có kế hoạch hành động hiệu quả. Các phật tử tích cực tham gia chương trình đã cấp phát bơm kim tiêm miễn phí cho người nghiện chích ma túy; phát hàng triệu chiếc bao cao su miễn phí dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với nhóm người có nguy cơ cao... Vì thế, góp phần làm cho số lượng nhiễm mới của những đối tượng có nguy cơ cao dần ổn định và nhận thức của đối tượng này về HIV/AIDS tăng.

Phật tử ở các chùa như Pháp Vân (Hà Nội) và Kỳ Quang 2, Diệu Giác, Linh Sơn, Quang Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã huy động và hình thành mạng lưới tình nguyện viên ở cộng đồng để hỗ trợ người nhiễm HIV và ảnh hưởng HIV/AIDS, với thành phần chủ yếu là những tăng, ni, sinh viên tình nguyện ở các trường đại học, học viện, người dân ở cộng đồng và người có HIV; hình thành các nhóm “Tự lực” hay “Bạn giúp bạn” dành cho người nhiễm HIV; giới thiệu việc làm, tạo thu nhập cho người nhiễm HIV...5

Có tác giả còn đi sâu vào các lĩnh vực bảo trợ xã hội, dạy nghề, y tế và giáo dục mầm non cũng được coi như những đóng góp tiêu biểu khác của Phật giáo trong xã hội hiện nay6.

Như vậy, với những đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, một lần nữa có thể khẳng định rằng Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay cũng như sức sống của nó đối với sự phát triển bền vững của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.

Hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng rộng lớn, phong phú và có chiều sâu. Tuy thế, lôgic phát triển của vấn đề còn ở chỗ cao hơn cả các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội như xương sống của công tác này, trong lịch sử cũng như hiện tại, cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo đang vươn lên để trở thành một ngành kinh tế, một nguồn cung ứng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nguồn lực văn hóa đạo đức cũng như chức năng mới mẻ “an ninh sinh tồn”... Điều đó cũng là sự vận dụng cơ hội phục vụ xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vai trò nguồn lực xã hội của các tôn giáo.

Chú thích:

1. Lê Na (2019), bài “Phát triển tôn giáo từ 4 nguồn lực”, http://daidoanket.vn.

2. TS. Vũ Trường Giang, Nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay trong cuốn Nguồn lực tôn giáo - Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H. 2020 tr.453-454.

3. Lê Tâm Đắc, Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, Nguồn lực tôn giáo, Sđd, tr.381.

4. Thích Lệ Di, Triết lý phúc lợi trong Phật giáo trong cuốn Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, Hòa thượng Thích Thanh Điện (chủ biên), Nxb. Tôn giáo, H. 2020, tr.187-1889.

5. Hòa thượng Thích Chí Quảng, Giải pháp tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, trong cuốn Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, sđd, tr. 41-49.

6. ThS. Ngô Sách Thực, Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, sđd, tr.113-125.

Đỗ Quang Hưng

GS.TS, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều