Phát huy những giá trị văn hóa dân tộc với tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên

(Mặt trận) - Là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung của cả nước. Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp với điều kiện của vùng, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường… trong đó cần quan tâm công tác bảo tồn, phát triển văn hóa trong mối quan hệ với vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Trong 8 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, mưa lũ, hỏa hoạn gây ra thiệt hại về người và tài sản. Từ đầu tháng 4 đến ngày 5/8/2017, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tục có mưa rải rác, mưa vừa, mưa to đến rất to, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm 21 người chết, 22 căn nhà bị sập và bị tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 165 tỷ đồng.

Đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên

Địa bàn Tây Nguyên hiện nay bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54,477 km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước), dân số gần 5 triệu người. Toàn vùng hiện có 60 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 3 thành phố, 6 thị xã và 51 huyện; có 75 phường, 48 thị trấn và 592 xã, 7.186 thôn buôn (có 2.525 buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số).

Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên có đến 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số có 375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48%; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân số. Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế - xã hội. Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định.

Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo đã được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số 1.753.761 tín đồ (chiếm 34,7% dân số), gần 3.500 nhà tu hành, khoảng 840 cơ sở thờ tự. Những năm qua, số lượng tín đồ các tôn giáo ở Tây Nguyên tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số. Đáng lưu ý là tín đồ người dân tộc thiểu số tăng lên rất nhanh, chủ yếu theo Công giáo và Tin Lành. Hiện nay, tín đồ Tin Lành người dân tộc thiểu số là 324.135, chiếm 89,3% tổng số người theo Tin Lành của toàn vùng; tín đồ Công giáo người dân tộc thiểu số là 248.039, chiếm 30,9% tổng số người theo Công giáo của toàn vùng. Bên cạnh đó, một số hiện tượng tôn giáo mới cũng đang phát triển ở Tây Nguyên thời gian gần đây. Tây Nguyên là địa bàn có số lượng hệ phái Tin Lành nhiều nhất nước. Theo số liệu, các tỉnh Tây Nguyên có tới 47 hệ phái Tin Lành, trong số đó nhiều hệ phái chưa được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo.

Biến đổi tôn giáo là hiện tượng mang tính khách quan, đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế xã hội. Mỗi thời kỳ, tôn giáo có sự thay đổi để phù hợp thực tiễn xã hội. Ở cấp độ tổng thể các tôn giáo, biến đổi tôn giáo Tây Nguyên hiện nay thể hiện ở sự xuất hiện nhiều tôn giáo. Nếu trước đây, người dân Tây Nguyên chỉ có tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số, thì ngày nay, hầu hết tôn giáo lớn ở Việt Nam đã có mặt tại Tây Nguyên. Sự đa dạng tôn giáo ở Tây Nguyên do 2 nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, việc truyền giáo của các tôn giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong những năm gần đây.

Tây Nguyên là một địa bàn đặc thù về điều kiện địa lý, ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán, nhất là tín ngưỡng đa thần. Các tôn giáo nhất thần thời kỳ đầu không dễ dàng du nhập vào đây, sau khi tìm ra phương pháp truyền đạo có tính đặc thù của mình nên cuối cùng đã thu hút được nhiều cộng đồng các dân tộc theo các tôn giáo. Đó là Công giáo Tin Lành và Phật giáo với số tín đồ đông đảo.

Đi cùng với sự truyền đạo của các tôn giáo là sự biến đổi cơ cấu tín đồ. Những năm gần đây, số lượng tín đồ Công giáo và đặc biệt là Tin Lành có sự phát triển đáng kể. Hiện nay, ở Tây Nguyên, Công giáo có số lượng tín đồ đông nhất với 844.192 người (trong đó người dân tộc thiểu số là 329.791); Phật giáo đứng thứ hai với 576.288 tín đồ; Tin Lành đứng thứ ba với 410.578 tín đồ (trong đó người dân tộc thiểu số là 378.140), Cao Đài có 20.555 tín đồ.

Thứ hai, sự di cư mạnh mẽ trong nhiều thời kỳ lịch sử trước đây và cũng như trong giai đoạn hiện tại. Tây Nguyên hiện là địa bàn có tỷ lệ dân di cư đông đảo và đa dạng.

Bức tranh dân số các tỉnh khu vực Tây Nguyên thể hiện rõ tính đa tộc người. Tỷ lệ tăng dân số cơ học do di dân ở khu vực Tây Nguyên luôn chiếm tỷ lệ cao. Cho đến nay, tại hầu hết các tỉnh khu vực Tây Nguyên, dân tộc thiểu số bản địa chiếm tỷ lệ thấp so với các dân tộc di cư từ nơi khác đến. Ngoài sự di cư đông đảo của người Kinh do chính sách xây dựng vùng kinh tế mới và một số nguyên nhân di dân tự phát khác, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào Tây Nguyên vì lý do kinh tế. Điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sự thay đổi cơ cấu dân số kéo theo sự thay đổi văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Những người di cư mang theo văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống của mình đến vùng đất mới tạo nên tính đa dạng cho văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo nơi này.

Ảnh hưởng của tôn giáo với văn hóa và xã hội Tây Nguyên

Góp phần làm đa dạng hóa, phong phú về đời sống và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Có sự đan xen, tiếp biến những mặt tích cực, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong cộng đồng. Các tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của khoảng 1,7 triệu tín đồ, chiếm 36% dân số toàn vùng Tây Nguyên. Riêng đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo có hơn 460.000 tín đồ. Đến nay, niềm tin tôn giáo của đồng bào các dân tộc đối với Công giáo và Tin Lành đã trở nên sâu sắc.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về mặt tín ngưỡng, đạo Công giáo và Tin Lành cần có một đấng tối cao để tôn thờ thì về mặt giáo lý, những điều răn được gắn với thực tiễn cuộc sống, như: thực hiện chế độ một vợ một chồng, sống chung thủy, tôn trọng nhau, biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, không gian dối… đã góp phần làm cho đời sống đồng bào hướng đến những giá trị luân lý tốt đẹp. Cùng với đó là những lời khuyên bảo của các giáo sĩ đối với những người theo đạo về thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ như không chây lười, không uống rượu, cờ bạc, bỏ những hủ tục... Chính từ việc tuyên truyền, hướng dẫn của các giáo sĩ mà từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những làng theo đạo đã biết làm ruộng nước, biết ngăn sông đắp đập, sử dụng trâu kéo cày, tổ chức các hình thức sản xuất tập trung, tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ; nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch sẽ, những tập tục nặng nề về ma chay, cưới xin, những hủ tục như chết chôn chung, những kiêng cữ vô lý, nạn ma lai và cả những cách hành xử theo luật tục đều được xóa bỏ, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân có đạo được nâng lên.

Khi tôn giáo truyền vào đã góp phần biến đổi tâm lý con người Tây Nguyên (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) từ tự ti, khép kín trở nên hòa nhập hơn, cởi mở hơn, tự tin hơn. Ngay cả những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng dần dần thay đổi theo hướng khoa học hơn, vệ sinh hơn, tiến bộ hơn. Một điều khác nữa, những người theo Đạo Công giáo, Tin Lành được giáo dục, dạy bảo về những tri thức khoa học cơ bản, giúp cho người dân tộc thiểu số nâng cao trình độ nhận thức.

Biến đổi về niềm tin tôn giáo cũng là một chỉ báo quan trọng đối với tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay. Tôn giáo hiện có chiều hướng khoan dung hơn, ở nhiều nơi tín đồ Công giáo tham gia khá thường xuyên lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số hay các lễ hội Phật giáo trên địa bàn và ngược lại. Công giáo ở Tây Nguyên, cùng xu thế với nhiều vùng miền trong cả nước, chấp nhận tôn kính tổ tiên tại nhà. Hầu hết các gia đình Công giáo có ban thờ tổ tiên bên cạnh ban thờ Chúa. Vào ngày giỗ tổ tiên, ngoài rước lễ tại nhà thờ, một vài gia đình Công giáo còn làm lễ giỗ tại nhà. Trở về với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện rõ ràng tính khoan dung tôn giáo của người Công giáo Việt Nam.

Về phương diện văn hóa: Văn hóa các dân tộc thiểu số đã có ảnh hưởng trở lại đối với các tôn giáo. Trong quá trình truyền giáo, qua việc thâm nhập vùng đồng bào các tộc người thiểu số, các giáo sĩ Tin Lành đã để lại một số công trình nghiên cứu về dân tộc học, văn hóa học có giá trị. Những công trình nghiên cứu, dựng chữ viết cho một số tộc người thiểu số có giá trị về ngôn ngữ và văn hóa rất cao, là công cụ hữu ích không chỉ cho việc truyền giáo, mà còn cho sự tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người.

Một số tôn giáo đã sử dụng hình thức sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo, như cồng chiêng, điệu múa, dân ca. Cồng chiêng được sử dụng hầu hết trong lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, từ lễ hội chung của cộng đồng đến từng gia đình và cá nhân, chuyện vui hay chuyện buồn đều có cồng chiêng chia sẻ. Trong lễ nghi Công giáo, cồng chiêng được sử dụng trong các đám rước, trong và ngoài thánh lễ, khi chôn cất người chết tại nghĩa địa. Khi giám mục kinh lý hoặc thực hiện thánh lễ ở giáo xứ, giáo họ, đội cồng chiêng cùng với giáo dân đánh cồng chiêng tiếp đón long trọng. Đi liền với cồng chiêng là các điệu múa được cách điệu và sử dụng cho dâng lễ, dâng hoa. Các giáo sĩ sử dụng một số làn điệu dân ca Ba Na như hát Xoi, hát Thri vào thánh lễ. Những bài thánh ca mang âm hưởng dân ca Ba Na dễ hát, dễ thuộc, phù hợp với tâm thức tộc người này.

Trong các công trình kiến trúc tôn giáo có sự địa phương hóa như Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, Chủng viện Kon Tum, vừa kết hợp kiểu kiến trúc châu Âu, vừa mô phỏng kiến trúc nhà rông, nhà dài của các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng. Các nhà thờ, nhà nguyện xây dựng những năm gần đây cũng mô phỏng theo mô típ kiến trúc nhà rông, như Nhà thờ xứ Đắk Mốt (xã Đắk Mốt, huyện Ngọc Hồi), Nhà thờ xứ Kon Xăm Lũ (xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy)... Cung thánh một số nhà thờ được trang trí theo phong cách dân tộc, nhà tạm là mô hình nhà rông thu nhỏ; tượng nhà mồ được cách điệu trang trí trong và ngoài nhà thờ làm bớt đi những nét phương Tây, đậm nét bản địa, khiến nó trở thành ngôi nhà chung thân thương của cộng đồng.

Về phương diện xã hội: Theo đạo Tin Lành, do được giảng dạy về nếp sống, quy phạm của mỗi tín đồ, nên nhiều đồng bào các tộc người thiểu số đã bỏ đi những tập tục lạc hậu, thực hiện đường hướng mới trong tổ chức đời sống, gia đình và xã hội. Đây là đóng góp đáng ghi nhận của Tin Lành đối với một bộ phận người thiểu số theo đạo. Người tin nhận đạo đã bỏ hút thuốc, uống rượu, cúng bái tốn kém, ăn chơi phung phí, dần hình thành những tập quán mới tốt đẹp như giữ vệ sinh làng buôn sạch sẽ hơn, cư xử với nhau thân ái hơn, tổ chức tang ma ít tốn kém hơn.

 Hình thành nên cộng đồng dân tộc - tôn giáo, tộc người - tôn giáo: Tôn giáo truyền vào Tây Nguyên đã tạo nên cộng đồng dân tộc - tôn giáo, tộc người - tôn giáo. Nghĩa là, xuất hiện những cộng đồng cùng theo một tôn giáo, bên cạnh mối quan hệ về dân tộc và huyết thống như trước đây thì bây giờ có thêm mối quan hệ tôn giáo. Điều đó, một mặt mở rộng kết cấu xã hội truyền thống, tăng cường các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các nhóm cộng đồng với nhau.

Thúc đẩy việc nâng cao dân trí, khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe: Tôn giáo đặc biệt là Công giáo và Tin Lành đã có vai trò nhất định trong việc tuyên truyền phổ biến tri thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phổ biến những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe… Điều này cũng có nghĩa tôn giáo góp phần phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường xã hội vốn lạc hậu, trì trệ của khu vực Tây Nguyên.

Những mâu thuẫn, xung đột xã hội: Giai đoạn đầu, đạo Công giáo và Tin Lành truyền vào Tây Nguyên phá vỡ kết cấu xã hội truyền thống nhất định, cũng đã gây nên những mâu thuẫn, xung đột xã hội. Trong quá trình phát triển đạo đến những vùng đất ngoại nên về mặt tín ngưỡng, Công giáo và về sau là Tin Lành đã thực hiện “phá thần” đối với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Sự biến đổi văn hóa, tín ngưỡng dân tộc thiểu số: Một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang từng bước bị đổi thay. Tôn giáo làm thay đổi, biến dạng nhiều lễ hội, tập tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số địa phương. Nhiều tín ngưỡng truyền thống các dân tộc thiểu số đang dần bị xóa bỏ. Lễ hội truyền thống không còn được tổ chức theo tập tục từ xưa, mà có sự pha chế giữa yếu tố cũ và yếu tố mới, hoặc được pha trộn với các lễ nghi tôn giáo.

 Về mặt xã hội, trong cộng đồng dân cư đã có sự phân hóa sâu sắc. Những mâu thuẫn xung đột xuất hiện dưới dạng mâu thuẫn về giá trị, về văn hóa... nhưng sau đó sẽ biến thành những mâu thuẫn nhất định giữa cộng đồng mới với cộng đồng cũ, tức là cộng đồng truyền thống với cộng đồng theo các tôn giáo. Vai trò của Già làng bị suy giảm, thay vào đó xuất hiện những người tiêu biểu mới trong tôn giáo.

Sự biến đổi cơ cấu tín đồ trong sự phát triển tôn giáo còn do bộ phận người dân không tôn giáo cố gắng thuyết phục tín đồ của các tôn giáo khác cải đạo. Hiện tượng tranh giành tín đồ giữa các tôn giáo hay giữa các hệ phái trong cùng tôn giáo ngày càng trở nên phổ biến hoặc tín đồ Phật giáo cải sang theo Công giáo và Tin Lành nhiều hơn số tín đồ Công giáo và Tin Lành cải sang theo Phật giáo.

Một số giải pháp để ổn định và phát triển khu vực Tây Nguyên

Để phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là giữ được sự ổn định chính trị - xã hội, không thể có phát triển bền vững nếu như không có sự ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân các dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, dân tộc, tôn giáo; cần đổi mới, mở rộng cả về nội dung và đối tượng tuyên truyền, tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này. Đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư, phát triển về văn hóa giáo dục, y tế, an sinh xã hội và cung ứng dịch vụ công để đồng bào các dân tộc được hưởng lợi từ các chương trình, dự án từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Ba là, bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác văn hóa, dân tộc, tôn giáo ở các cấp, các ngành, thực hiện phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tăng cường công tác dân vận chính quyền làm sao thực hiện theo tinh thần: Gần dân, trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Tuyên truyền và vận động các tín đồ nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy những nét đẹp truyền thống, những yếu tố tích cực, những điểm tương đồng trong các tôn giáo.

Nguyễn Thị Ngân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều