Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên

(Mặt trận) - Tỉnh Điện Biên hiện có 1.246 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người có uy tín có vai trò rất quan trọng đối với các dân tộc. Tiếng nói và hành động của người có uy tín có tác dụng định hướng, dẫn dắt văn hóa ứng xử của cả cộng đồng, góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống sinh hoạt đồng bào các dân tộc; vận động đồng bào thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển
Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc với tổng dân số trên 62,5 vạn người. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 8.355 lượt người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Riêng năm 2022, có 1.246 người có uy tín bao gồm 366 già làng, 111 trưởng dòng họ, 126 trưởng thôn, bản và 643 người thuộc các thành phần khác trong xã hội. Số nhân sĩ, trí thức người dân tộc thiểu số trên địa bàn là 6.781 người, trong đó có 1 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 1 nhà giáo ưu tú, 8 thầy thuốc ưu tú và 24 nghệ nhân ưu tú.

Người có uy tín không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện tuyên tuyền, vận động đồng bào ở khu dân cư tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường. Người có uy tín luôn phát huy được vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của địa phương, cụ thể trong quy ước, hương ước thôn, bản, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu…

Đặc biệt trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào tham gia các hoạt động bảo vệ đường biên mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự; nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; vận động nhân dân thực hiện tốt các cam kết không tái trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, sử dụng, buôn bán các chất ma túy…

Nhận thức được vai trò quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận luôn chăm lo, quan tâm, động viên người có uy tín. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã đến thăm hỏi 8.345 lượt người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết của các dân tộc thiểu số, 604 lượt người có uy tín ốm đau, 275 gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai và tổ chức thăm viếng 130 lượt người có uy tín qua đời hoặc có thân nhân qua đời, với tổng kinh phí thực hiện là 4.138,9 triệu đồng. Tổ chức cho cán bộ làm công tác dân tộc và 37 người có uy tín tham quan học tập tại các tỉnh miền Trung, với tổng kinh phí thực hiện là 300 triệu đồng…

Mặc dù việc thực hiện chính sách với đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, song quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí tổ chức hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm; chưa có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp hàng tháng cho người có uy tín….

Để công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kết quả tốt hơn, từ những kinh nghiệm trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể như sau:

Mặt trận Tổ quốc là lực lượng nòng cốt trong việc phối hợp với các ngành tập hợp lực lượng người có uy tín, tiêu biểu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận, phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương.

Tập trung triển khai các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho miền núi, vùng cao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số, nhất là việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ; tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Chủ động phát hiện, hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng, nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định. Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm tin cậy để làm công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hạnh Nguyễn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều