Quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu ở Thừa Thiên - Huế: Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội được gọi là hiện tượng văn hóa nguyên sinh, nguyên hợp của nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa khác nhau. Trong đó, lễ hội tín ngưỡng là một sinh hoạt văn hóa nổi bật của cư dân Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, việc quản lý tổ chức lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu hiện nay còn nhiều hạn chế, làm giảm đi nhiều giá trị tích cực của lễ hội. Vì vậy, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này là cần thiết trong điều kiện hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thừa Thiên - Huế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, với Quần thể di tích Cố đô được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Là Cố đô nên Thừa Thiên - Huế lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc. Cho đến hiện nay, theo ước tính, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 65 lễ hội lớn, trong đó chủ yếu là lễ hội thuộc về tín ngưỡng dân gian.

Đánh giá quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Kết quả quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thứ nhất, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lễ hội tín ngưỡng.

Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về lễ hội tín ngưỡng đã được chính quyền các cấp  tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả thông qua ban hành các văn bản qui phạm pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản QLNN của cấp trên về lĩnh vực này. Kế hoạch, nội dung, phương hướng và nhiệm vụ của công tác QLNN về lễ hội tín ngưỡng phù hợp với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán tồn tại sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của họ, được người dân chấp nhận, ủng hộ và tạo điều kiện hợp tác để đem lại hiệu quả quản lý ngày càng cao.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành trên 30 văn bản QLNN và nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp liên quan đến công tác QLNN về lễ hội tín ngưỡng. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định về tổ chức lễ hội tín ngưỡng liên quan được chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của lễ hội tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tinh thần, hình thành ý thức đối với việc bảo vệ di sản. Giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và quảng bá lễ hội, tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phục vụ du lịch hiệu quả.

Hai là, bộ máy QLNN từ cấp tỉnh đến cấp xã - phường được kiện toàn, đội ngũ cán bộ quản lý tổ chức lễ hội bước đầu được chuẩn hóa. Hệ thống cơ quan QLNN về lễ hội tín ngưỡng được cơ cấu chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cấp, mỗi cơ quan quan, ban ngành. Công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức tham gia QLNN về văn hóa, lễ hội tín ngưỡng được chú trọng. Bình quân mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được 6 đợt tập huấn dành cho cán bộ văn hóa xã phường QLNN về văn hóa, quản lý tổ chức lễ hội tín ngưỡng. 100% công chức QLNN về lĩnh vực này ở cấp tỉnh đạt trình độ cử nhân trở lên về chuyên ngành quản lý văn hóa, văn học, Việt Nam học và các ngành khoa học - xã hội khác. Trên 90% tổng số cán bộ phường - xã đạt trình độ cao đẳng trở lên là lực lượng nòng cốt để thực hiện công tác QLNN về lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, công tác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tín ngưỡng đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan QLNN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời chấn chỉnh những hoạt động lễ hội tự phát, không phù hợp với yêu cầu phát triển chung của nền văn hóa. Đảm bảo nội dung của lễ hội tín ngưỡng diễn ra trên địa bàn, giữ được tính thiêng của các nghi lễ cổ truyền, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp, tính nghiêm cẩn của lễ hội, đồng thời tránh được những biểu hiện của mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”...

Trong hoạt động lễ hội tín ngưỡng, các địa phương gắn liền nội dung lễ hội với các hình thức trò chơi dân gian, diễn xướng và đã giới thiệu được các sản phẩm truyền thống. Một số lễ hội tín ngưỡng truyền thống, như: lễ hội vật làng Sình, Thủ Lễ đã có những hình thức hoạt động “bổ trợ” như giới thiệu ẩm thực, đồ thủ công, mỹ nghệ sản xuất theo kỹ thuật truyền thống của địa phương,… tạo phong phú và hấp dẫn cho người đi hội.

Thứ tư, lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo tồn được truyền thống, nề nếp theo hướng lành mạnh hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nên các lễ hội tín ngưỡng ở đây tránh được nguy cơ thất truyền, biến hóa tiêu cực; phát huy giá trị đặc sắc của lễ hội tín ngưỡng trong hội nhập văn hóa. Các giá trị, bản sắc văn hóa Huế được tiếp tục duy trì và phát huy. Lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trở thành cầu nối quan trọng tạo sự liên kết cộng đồng, thúc đẩy văn hóa phát triển song hành với du lịch, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những hạn chế của quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng còn còn gặp nhiều khó khăn.

Việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến QLNN về lĩnh vực lễ hội tín ngưỡng còn chậm, phân tán, chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn phát triển hiện nay. Việc chỉ đạo, giám sát thực thi các qui định QLNN về lĩnh vực này còn lúng túng, thiếu cụ thể và liên tục.

Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực này chưa đạt hiệu quả tối ưu. Công tác tuyên truyền, phổ biến còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại trong giới hạn các cơ quan QLNN, cán bộ, công chức, trong khi phần lớn người dân còn chưa có cơ hội tiếp cận các chủ trương, chính sách; chưa có hình thức biểu đạt hấp dẫn để người dân, du khách hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, về thần phả, thần tích công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội. Vì vậy, nhân dân, du khách chưa thực sự tham gia bảo tồn, quản lý các loại hình lễ hội tín ngưỡng.

Hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ QLNN và tổ chức lễ hội tín ngưỡng còn có những vấn đề bất cập.

Công tác quản lý lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu hiện nay ở các địa phương cơ bản do UBND cấp huyện, xã, phường thực hiện; vai trò QLNN của ngành văn hóa chưa thực sự được đề cao. Việc quản lý di tích gắn với lễ hội còn thiếu sự thống nhất, cùng một lúc có nhiều chủ thể cùng tham gia như thôn, phường, xã, ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ… Một số lễ hội đã tổ chức kéo dài quá thời gian quy định, tổ chức trùng lặp, không thể hiện được đặc trưng của từng lễ hội. Ý thức thực hiện trách nhiệm QLNN về lĩnh vực này của một bộ phận lãnh đạo chính quyền các cấp chưa cao, có sự đùn đẩy, giao phó trách nhiệm cho các Ban Quản lý Di tích cơ sở mà thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tín ngưỡng còn nhiều bất cập.

Ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ, hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với lễ hội. Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa sôi nổi, mang tính truyền thống, một số lễ hội tín ngưỡng tổ chức thiếu tính tôn nghiêm, xuất hiện hiện tượng thiếu lành mạnh, như: dịch vụ khấn thuê, bói toán, tử vi, bán hàng rong… Gần đây, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức cố gắng sắm sửa những lễ vật mang tính thời thượng, lễ vật, vàng mã có cả mô hình xe hơi, nhà lầu... gây lãng phí và làm sai lệch ý nghĩa tâm linh của lễ hội tín ngưỡng.

Hiện tượng ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn trong lễ hội tín ngưỡng còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng đốt vàng mã đã và đang được thực hiện một cách rộng rãi, công khai làm cho cảnh quan, môi trường ở các lễ hội tín ngưỡng bị ô nhiễm nặng nề.

Một số nội dung trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội tín ngưỡng chưa được chú trọng.

Ngoài một số lễ hội đặc thù thu hút đông số lượng khách du lịch, như: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu ngư Thuận An, hội vật làng Sình... các lễ hội khác mang nặng tính địa phương, nhỏ lẻ, chủ yếu thu hút và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân tại chỗ, thiếu sức lan tỏa. Nhiều lễ hội chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hoá của nhân dân và truyền thống văn hoá dân gian vốn có ở địa phương. Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng thiếu tính chọn lọc, chủ đề của mỗi lễ hội tín ngưỡng khác nhau nhưng nội dung các lễ hội chồng chéo, nét độc đáo, đặc trưng riêng chưa rõ ràng; chạy theo hình thức với những chương trình nghệ thuật sân khấu hoá hiện đại, nặng về trình diễn, gây tốn kém cả về nhân lực, kinh phí và thời gian.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức trong bộ máy chính quyền các cấp và nhân dân về tính chất, đặc điểm, vai trò, vị trí của lễ hội tín ngưỡng đầy đủ, thấu đáo, với tư cách lễ hội tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa phi vật thể, để có quan điểm và thái độ ứng xử đúng đắn với lễ hội. Mặt khác từng bước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực thi các qui định của Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội. Tăng cường, củng cố bộ máy QLNN và xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tạo nên sự thống nhất trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia QLNN về văn hóa, lễ hội tín ngưỡng.

Hai là, trước những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đến việc phục hồi, tổ chức các lễ hội, chính quyền các cấp cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong lễ hội, nhất là các tệ nạn mê tín dị đoan, đầu cơ trục lợi, “buôn thần bán thánh”… Mạnh dạn xã hội hóa tổ chức, quản lý lễ hội; gắn việc tổ chức lễ hội với phát triển dịch vụ, du lịch. Cần có giải pháp chọn lọc tinh hoa văn hóa các nước trong quá trình hội nhập văn hóa khu vực và quốc tế để làm phong phú các hoạt động lễ hội tín ngưỡng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và bảo tồn các giá trị truyền thống.

Ba là, cần đề cao ý thức tham gia lễ hội của một bộ phận du khách, dân cư địa phương thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích, trong tổ chức lễ hội. Bài trừ các hiện tượng thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, thần linh, mê tín dị đoan… làm biến dạng ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, dẫn đến tình trạng tổ chức cúng tế tràn lan, lãng phí,nặng tính sự kiện, phô trương hình thức. Cần có chiến lược đầu tư dài hạn các công trình vệ sinh, thu gom rác, nước thải… đảm bảo cho phát triển bền vững.

Bốn là, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều loại hình lễ hội bao gồm hệ thống các lễ hội truyền thống dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch; hệ thống loại hình lễ hội Cung đình… làm cho phạm vi và nội dung quản lý của các cơ quan QLNN bị dàn trải, thiếu sự tập trung - cần có giải pháp phân công, phân cấp quản lý trong bộ máy nhà nước để quản lý hiệu quả, tránh chồng chéo.

Ngô Hà Trung

NCS, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế

Tài liệu tham khảo:

1.        Lê Ngọc Dũng: Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb. Văn hóa Thông tin, H.2005.

2.        Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học tổ chức biên soạn, Nxb. Đà Nẵng, 2003.

3.        Quốc hội: Luật Di sản văn hóa 32/2009/QH12 sửa đổi bổ sung Luật DSVH số 28/2001/QH10.

4.        Quốc Hội: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Sự Thật, H.2016.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều