Quảng Ninh: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) - Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 162.531 người bao gồm 22 dân tộc cùng chung sống, trong đó, nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa… tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên.
Người dân tộc Sán Chỉ (huyện Bình Liêu) thu hoạch quế  

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi , vì vậy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công, hộ nghèo với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách; đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 48/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19/98 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; có 9/13 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 61 triệu đồng/người/năm. Theo quy định của Trung ương về chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022 - 2025), hiện nay Quảng Ninh còn 1526 hộ nghèo (0,11%), 5.553 hộ cận nghèo (1,48%); (riêng số hộ DTTS nghèo là 963 hộ, chiếm 63,1% số hộ nghèo toàn tỉnh).

Với những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên tỉnh Quảng Ninh thì tỉnh hiện không thuộc đối tượng ưu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

 Tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hộivùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 06 - NQ/TU Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn.

Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu hết năm 2021, xóa "vùng lõm" sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi Đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Định hướng đến năm 2030, các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm…

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo….

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều