Sức mạnh của giá trị truyền thống trong cuộc chiến chống Covid-19

(Mặt trận) - Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống quý báu, đó là lòng yêu nước, tính cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái. Những điều làm nên “cốt cách Việt” ấy đã được xây dựng, vun đắp trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, được phát huy thành sức mạnh nội sinh giúp dân tộc vượt qua mọi thách thức và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong công cuộc đổi mới 35 năm qua, sức mạnh của những giá trị truyền thống đã cùng dân tộc viết nên câu chuyện kỳ tích của Việt Nam như một điểm sáng đối với quốc tế trong công cuộc giảm nghèo, gia tăng tuổi thọ và thu nhập của người dân. Sức mạnh này lại sẽ được tỏa sáng và phát huy cao độ, mỗi khi khó khăn ập tới, nhất là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay.
Phóng viên báo chí tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải phóng

Tháng 12/2019, khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), dịch Covid -19 đã tràn tới nước ta và nhanh chóng lan tới 123 quốc gia trên toàn cầu. Ngày 20/3/2020, WHO đã công bố Covid - 19 là đại dịch toàn cầu bởi tính lây nhiễm thần tốc và khả năng gây tử vong nghiêm trọng đến tính mạng con người của virus SARS - CoV-2. Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã xem xét và thống nhất nhận định, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng kép, đặc biệt nguy hiểm và không xác định đường biên giới lây lan. Từ khủng hoảng y tế leo thang đã kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế bởi các đợt phong tỏa quy mô lớn được áp dụng tại nhiều quốc gia, dẫn đến sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Đáng buồn nhất là thông tin về số lượng người bị lây nhiễm và tử vong tăng lên hàng ngày. Trang thống kê worldometers.info cho biết, tính đến 30/10/2021, toàn cầu đã ghi nhận hơn 246.743.400 ca nhiễm Covid-19 đưa số ca tử vong do virus SARS - CoV-2 đã vượt quá mốc 5 triệu người1. Việt Nam cũng là một trong 123 quốc gia nằm trong bóng đen của đại dịch Covid-19 này.

Đại dịch Covid -19 ở Việt Nam và những tổn thất được tổng hợp bước đầu

Đã hơn 700 ngày đêm vừa qua, toàn Đảng, toàn dân ta lại bước vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đại dịch Covid -19. Cho dù cuộc chiến hôm nay không có tiếng súng, nhưng nó cũng thực sự nguy hiểm và cam go, bởi đó là kẻ thù giấu mặt. Nó phá hoại cuộc sống lao động bình yên của Nhân dân ta, làm thâm hụt nặng nề các thành quả kinh tế của đất nước, của các tổ chức doanh nghiệp và các gia đình, nhưng nguy hiểm nhất là đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của người dân nước ta...

Cho dù có một nền kinh tế khá ổn định và có sức chống chịu trước những khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19 thông qua 4 đợt sóng dữ dội trong 2 năm qua, Việt Nam đã bị thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng tính theo định giá năm 2010. Còn tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương với 37 tỷ USD2. Đó là con số đáng kể so với trên 200 tỷ USD tổng thu nhập quốc nội GDP hàng năm của nước ta kể từ năm 2016 đến nay3.

Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Gắn liền với các hoạt động du lịch, vận chuyển hành khách và hàng hóa, nhưng do tình hình dịch bệnh kéo dài hơn so với dự đoán, 2 năm qua số lượng khách bay đã giảm tới hơn 70%, các hãng hàng không đều phải gồng mình chịu tác động không mong muốn của đại dịch, thậm chí đang trở nên vượt quá khả năng chịu đựng khi cứ một ngày dừng bay, ngành hàng không Việt Nam bị “bốc hơi” khoảng 500 tỷ đồng.

Nhưng thiệt hại nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trung bình tổn thất từ 80 - 90% doanh thu. Thậm chí đối với các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể thì mức tổn thất trung bình tới 95 - 97%. Như vậy là thành quả lao động, tích lũy của hầu hết các tổ chức cá nhân kinh doanh - sản xuất đều bị đại dịch cuốn trôi và con số đó đang còn tiếp diễn cụ thể hơn về tổn thất là con số chưa thể đong đếm được.

Hiểm họa lớn nhất mà đại dịch Covid-19 mang tới đó là những thiệt hại về con người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.778.008 ca nhiễm virut SARS - Covi-2, mặc dù đã có 1.397.157 người đã khỏi bệnh, nhưng vẫn còn khoảng 347.886 bệnh nhân đang điều trị và 33.021 ca tử vong4. So với số lượng gần 300 triệu người trên thế giới bị nhiễm Covid (tính đến 3/1/2022 là 292.940.915 người) và gần 5,5 triệu người (5.465.935) đã tử vong trên toàn cầu, thì tỷ lệ thiệt hại ở Việt Nam chưa thể nói là cao. Tuy nhiên, sự thiệt hại về con người, về nguồn nhân lực chính là tổn thất to lớn nhất, bởi muốn xây dựng lại nguồn lực này chúng ta phải chờ đợi thêm ít nhất một thế hệ có thể tới 20 - 30 năm. Thêm nữa, vẫn còn đó thật xót xa cho gần 2.000 em bé sơ sinh đã chào đời nhưng không còn mẹ và cũng hàng ngàn trẻ em lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Đây cũng là một gánh nặng của tương lai mà không chỉ là trách nhiệm của đất nước, mà là trách nhiệm của mỗi thành viên xã hội, cũng như mỗi gia đình cũng cần sự chia sẻ, gánh vác.

Với những con số tổng hợp sơ bộ nêu trên cho thấy, rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid - 19 ở nước ta trong 2 năm qua là chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, không chỉ có một nền kinh tế khá ổn định, dân tộc ta còn có một sức mạnh vô song của những giá trị truyền thống quý báu, trong khó khăn đã trở thành hành trang để dân tộc ta hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống xã hội và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Sức mạnh của các giá trị truyền thống Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19, lòng yêu nước của dân tộc ta là nét đẹp nổi lên tiêu biểu nhất. Đứng trước những gian nguy thì đất nước cả trăm triệu người như một, cả dân tộc đồng lòng tuân thủ theo hiệu lệnh chiến đấu của “Bộ Tổng tư lệnh” đó là chỉ đạo sáng suốt, kịp thời và quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta. Trong cuộc chiến này, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, chiến trường ác liệt đang diễn ra trong từng ngôi nhà, ngõ xóm, và “mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ” và “mỗi xã, phường, mỗi ngôi nhà là một pháo đài” bảo vệ cuộc sống của người dân. Trong 2 năm qua, toàn Đảng, toàn dân nước ta đã chung sức, đồng lòng, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi từng bước dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân. Với nhiều đêm thức trắng cùng dân tộc, “Bộ Tổng tư lệnh” đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt về việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội với thực hiện thông điệp 5K và sau đó là Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 quyết liệt hơn với nội dung cách ly toàn xã hội và thực hiện triệt để không di chuyển với khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”. Theo tinh thần đó, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, học tập và cung ứng dịch vụ đều chuyển sang chế độ “thời chiến” với việc vận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin. Trong cuộc chiến này, lòng yêu nước thể hiện ở chỗ, mỗi người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, “đồng thuận, đồng loạt và đồng thời” thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Nhờ sự nhất trí đồng lòng giữa ý Đảng lòng dân, chúng ta bước đầu đã khống chế được dịch bệnh suốt 2 làn sóng Covid - 19 thứ nhất và thứ hai hạn chế thấp nhất thiệt hại, đưa cuộc sống sớm đạt được trạng thái bình thường mới. Đó là hệ quả của lòng yêu nước cao quý mà Nhân dân ta đã biết phát huy tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, từng bước đẩy lùi bóng đen Covid - 19 để làm nên những chiến thắng mới trong cuộc chiến đầy hiểm nguy này.

Bên cạnh lòng yêu nước, thì tình yêu thương Nhân dân, sẵn sàng sẻ chia khó khăn cùng cả dân tộc cũng là một giá trị nhân văn cao cả nhất đã vượt lên những cơn cuồng phong của dịch bệnh Covid - 19 để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Mặc dù, nền kinh tế không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhưng để đảm bảo cho việc tồn tại để chống chọi với dịch bệnh, Chính phủ và các tổ chức tài chính đã không ngừng rót nhiều gói hỗ trợ cho người dân, trước hết là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội là người nghèo, người mất việc và mất các nguồn thu nhập khác. Thật cảm động khi trong tất cả các chuyến công du nước ngoài, cùng với việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch, thì câu chuyện vaccine vẫn luôn được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đặt ra đầu tiên để có thêm nguồn vaccine phòng dịch kịp thời và hiệu quả nhất cho đồng bào.

Trong lúc dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban quản lý Quỹ Vaccine phát động chương trình ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng Covid -19 trong 19 Tập đoàn của Nhà nước và các Tổng công ty trực thuộc nhằm tập trung sự đóng góp của họ vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid -19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Chúng tôi không thể kể hết sự đóng góp của các đơn vị chủ chốt là các tập đoàn Nhà nước đã đồng hành cùng Nhà nước giải quyết vấn đề vaccine, sau đây là những con số tiêu biểu ấn tượng: Ba đơn vị có mức đóng góp cao nhất là 400 tỷ đồng, là Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông, Tập Đoàn Dầu khí, Một số đơn vị khác Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Cảng Hàng không đóng góp ở mức 200 tỷ đồng còn hàu hết các đơn vị khác đóng góp ở mức từ 50 tỷ - 100 tỷ đồng… Nhiều doanh nghiệp trong cả nước đã tích cực ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và đầu tư trang thiết bị điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, Công ty TNHH Olam Việt Nam ủng hộ 1,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hwaseung Vina ủng hộ 4,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Changshin Việt Nam và tập thể lao động ủng hộ 3 tỷ đồng, Tập đoàn Pouchen ủng hộ 5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Taekwang Vina ủng hộ 300 ngàn USD5.

Hàng không Việt Nam cũng đang kiệt sức vì thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, nhưng các hãng hàng không Vietnam Airline, Bamboo airline hay Vietjet-air đều nối dài những chuyến bay tình nghĩa đón bà con đồng bào từ các tâm dịch hồi hương an toàn. Dù rất khó khăn vì bị ngừng bay, Vietnam Airlines vẫn thực hiện gần 20 chuyến bay chở hơn 2 triệu liều vaccine từ các nước đến Việt Nam và phân phối tới các điểm nội địa. Trong đó, số vaccine theo cơ chế COVAX bằng nguồn ngân sách Nhà nước được vận chuyển hoàn toàn miễn phí. Hãng cũng bố trí các chuyến bay chuyên chở kịp thời hơn 16 tấn hàng gồm 800 máy trợ thở cùng nhiều trang thiết bị y tế đến Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp sức cho Thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tâm dịch nổi lên ở nhiều địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang… thì đó cũng là những đợt xuất quân chưa từng có với hàng chục ngàn bác sĩ và nhân viên y tế từ các bệnh viên trong cả nước dồn về, thì các hãng hàng không Bamboo, VietJet… cũng lại tự nguyện chuyên chở những chiến sĩ áo trắng ra trận tới các vùng tâm dịch để kịp thời chăm sóc người bệnh và hỗ trợ phòng bệnh. Tình yêu nước, thương dân còn thể hiện ở sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng và các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch, khi hàng ngày phải vượt lên sự vất vả và sức ép của công việc cứu người, chứng kiến hiểm nguy và chết chóc… Giờ đây bóng đen của đại dịch đã phải lùi dần, dịch bệnh từng bước được kiểm soát tại các tâm dịch, chúng ta mới thấy hết sự hy sinh của các chiến sĩ áo trắng và những tình nguyện viên thật đáng trân trọng nhường nào.

Tại các tâm dịch này, nhiều công ty cổ phần đã vượt khó để hỗ trợ trang thiết bị y tế và cả bệnh viện dã chiến: Công ty Cổ phần Đầu tư - kinh doanh Golf Long Thành tặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hệ thống xét nghiệm Covid-19 trị giá 5,2 tỷ đồng; Công ty CP Bao bì Biên Hòa (Sovi) trao tặng 200 giường carton… Công ty TNHH Hyosung Việt Nam còn mua 2 dàn máy xét nghiệm Realtime PCR của Roche giá trị 10,5 tỷ đồng để phục vụ cho công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và tài trợ 32 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19…6

Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện hiến đất, nhà xưởng để xây dựng bệnh viện dã chiến, đóng góp bằng sức người, sức của, bằng chính những sản phẩm của mình làm ra, từ xe cứu thương, thuốc men, đến thực phẩm, sữa, nước uống… với tinh thần hết lòng vì tuyến đầu chống dịch, hết lòng vì sức khoẻ của cộng đồng: Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cùng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chủ động chuyển đổi công năng toàn bộ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn tại Đà Nẵng do Tập đoàn Sun Group thi công nhanh chóng được hoàn thành và hàng loạt các thiết chế chống dịch được triển khai ở các địa phương như: Bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, Trung tâm hồi sức tích cực tại Bắc Giang, Trung tâm hồi sức tích cực tại Bắc Ninh đều có sự hỗ trợ của Sun Group. Vincom Retail - VinGroup dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho đối tác trong thời gian khó khăn. Trong danh sách top 30 doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất trong đại dịch mà Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố, theo số liệu tính tới 24/6/2021, kinh tế tư nhân đang dần đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch. Trong đó, đứng đầu là Vingroup với 2.287 tỷ đồng, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát (2.000 tỷ đồng) và Sun Group (510 tỷ đồng).

Cũng đang còn hết sức khó khăn trong thời dịch bệnh, các ngân hàng vẫn luôn dành hàng ngàn gói hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp để họ từng bước phục hồi và trở lại hoạt động trong những điều kiện làm việc mới. Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương thức “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. Tại Bình Dương, hơn 1.800 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, 65 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và khoảng 2.000 doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp vẫn duy trì sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến".

Đáng lưu ý là cả những hộ kinh doanh cá thể trên đường phố, dù một thời gian dài không có thu nhập do thực hiện giãn cách toàn xã hội không được hoạt động, nhưng khi có phát động sẻ chia cho những người khó khăn, thì “những chiếc áo còn vá vai chia sẻ với những chiếc áo chưa lành, những bát cơm đang còn bị vơi vì chưa có thu nhập sẵn sàng chia sẻ với những người chưa có”…. Nhờ đó hàng ngàn “ATM phát gạo không đồng, hàng ngàn “cửa hàng thực phẩm không đồng”, “những bữa ăn không đồng” ngày một nhiều lên ở khắp nơi như một biểu tượng sinh động nhất của lòng yêu thương và sự sẻ chia của Nhân dân ta.

Không thể kể hết những đóng góp và sự sẻ chia của các tập thể, cá nhân trong cộng đồng chúng ta trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19. Những điều viết trên đây không thể phản ánh hết được. Những phương châm sống, những hành động quyết liệt và khẩn trương của toàn Đảng, toàn dân ta được chúng tôi chia sẻ trong các hội nghị quốc tế mà chúng tôi tham gia gần đây, được bạn bè năm châu đều vô cùng ngưỡng mộ và họ gọi đó là “sự thần kỳ Việt Nam trong đại dịch” và điều đó trả lời cho họ câu hỏi “Vì sao Việt Nam khống chế được dịch bệnh? Vì sao Việt Nam đang từng bước chiến thắng đại dịch?”.

Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid - 19 hiện nay ở nước ta dù còn chưa hết khó khăn và có thể còn những diễn biến khó lường. Nhưng, chúng ta đã có trang thiết bị y tế, có vaccine để phòng, có nguồn lực đã được tôi luyện với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Đặc biệt, trong cuộc chiến này, chúng ta biết trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông, tạo nên sức mạnh nội sinh để chiến thắng. Như vậy, chiến thắng đó thuộc về Nhân dân, mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các đơn vị đã nỗ lực kết nối cộng đồng, góp phần làm cho các giá trị truyền thống của cha ông luôn tỏa sáng và phát huy giá trị.

Chú thích:

1. Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/so-ca-tu-vong-do-covid-19-tren-the-gioi-vuot-moc-5-trieu-675902

2. Tham khảo Báo cáo của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, được tổ chức ngày 5/12 vừa qua. Theo https://tuoitre.vn/dich-covid-19-gay-thiet-hai-cho-kinh-te-viet-nam-khoang-37-ti-usd-20211205125107947.htm

3. Theo tổng quan kinh tế Việt Nam kể từ 205 tỷ của năm 2016 đến 268,4 tỷ của năm 2020.

4. Theo Cập nhật Covid - 19 tại Việt Nam ngày 3/1/2022 https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-viet-nam

5. Báo cáo từ Quỹ vaccine https://quyvacxincovid19.gov.vn/report

6. Đóng góp của doanh nghiệp doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch.

https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dong-gop-cua-doanh-nghiep-doanh-nhan-tphcm-trong-cong-tac-phong-chong-dich-1491885634

Trịnh Thị Kim Ngọc

PGS.TSKH, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều