Sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam trong đổi mới - phát triển và hiện đại hóa đất nước

Văn hóa với vai trò là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, xuyên thấm vào nhau giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội... nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của sự phát triển dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chúng ta cần chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc từ sức mạnh nội sinh của văn hóa, vận dụng văn hóa Hồ Chí Minh, sức tỏa sáng văn hóa Việt Nam mang sức mạnh nội sinh văn hóa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.
Để chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc, cần vận dụng văn hóa Hồ Chí Minh, sức tỏa sáng văn hóa Việt Nam mang sức mạnh nội sinh văn hóa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập hiện nay (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho cá ăn tại Ao cá Bác Hồ trong khuôn viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh) _Ảnh: TTXVN 
Văn hóa và sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam

Nghiên cứu về văn hóa, chúng ta đã biết đến sự bùng nổ các định nghĩa khác nhau về văn hóa để tìm câu trả lời “Văn hóa là gì?”. Vậy mà hàng trăm, hàng ngàn định nghĩa về văn hóa đã có vẫn không đủ sức thỏa mãn và có đầy đủ sức thuyết phục tư duy về văn hóa trong giới nghiên cứu. Phạm trù văn hóa cần được định nghĩa về khoa học và cũng cần quan điểm về mặt triết lý nhân sinh để xác định lẽ sống (lý tưởng), lối sống và nếp sống (giá trị và hành vi)? Đã từng có một cảm quan về văn hóa từ những trải nghiệm thực tế là, văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần dường như là một cái gì đó đã định hình sâu sắc và bền vững, “đã làm tổ” trong tâm hồn con người, thành một nhu cầu, một khát vọng thúc đẩy, rằng, văn hóa là cái gì còn lại, đọng lại, dù có quên đi cũng không quên được. Nhận xét này có hạt nhân hợp lý, phản ánh chiều sâu của đời sống nội tâm thuộc về thế giới tinh thần của con người, dẫn dắt sự tinh tế trong ứng xử, nhưng nó không thỏa mãn lý tính của tư duy khoa học. Nó nghiêng về cảm nhận một triết lý sống hơn là sự “giải phẫu” cơ cấu nội tại của văn hóa để hình thành một định nghĩa khoa học.

Văn hóa phải là kết quả của hoạt động sản xuất mà sản xuất (sáng tác, sáng tạo, chế tạo) là tạo ra sản phẩm văn hóa, hoặc vật chất hoặc tinh thần. Văn hóa được coi là hoạt động thuộc bản chất của con người, vượt lên trên bản năng và chỉ có trong môi trường các quan hệ xã hội chứ không phải bầy đàn. Thông qua hoạt động mới sản sinh ra văn hóa nhưng không phải bất kỳ hoạt động nào cũng tương dung với văn hóa. Chỉ những hoạt động nào của chủ thể người hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ mới được xem là văn hóa, bởi thế hoạt động văn hóa là hoạt động sáng tạo ra các giá trị, biểu đạt một cách phổ quát là chân - thiện - mỹ.

Văn hóa bộc lộ nhân tính, tức là những sức mạnh bản chất của con người và nhân loại. Con người và loài người sáng tạo ra văn hóa, đến lượt nó, văn hóa góp phần “sáng tạo ra con người” với nghĩa là làm phong phú tính người, làm phát triển và hoàn thiện nhân cách. Văn hóa định hướng cho phát triển đồng thời là động lực và mục tiêu của phát triển mà mọi sự phát triển của xã hội đều phải dẫn tới phát triển con người, giá trị cao nhất của văn hóa, giá trị của mọi giá trị. Vậy nên, văn hóa là thước đo về trình độ người trong phát triển. Đó là mặt cá thể nhưng có tính phổ biến. Mỗi dân tộc, quốc gia - dân tộc, sáng tạo ra một nền văn hóa, với sự đa dạng văn hóa, nhất là ở những nước có kết cấu đa dân tộc, liên quan đến những sự khác biệt độc đáo, đặc sắc của bản sắc văn hóa dân tộc - tộc người. Văn hóa, trong đặc trưng bản chất của nó là thống nhất trong đa dạng, thống nhất từ vô số những khác biệt. Đồng nhất văn hóa vào một cái duy nhất, làm nghèo nàn tính tư tưởng, tính biểu cảm của văn hóa sẽ dẫn tới sự đơn điệu, nó xa lạ với phát triển, dẫn tới “cái chết” của văn hóa. Văn hóa dân tộc được ví như tấm căn cước, diện mạo tinh thần của dân tộc, để dân tộc đó đến với thế giới thông qua hội nhập, để tiếp biến và phát triển. Mỗi dân tộc đều có thể và cần phải đem những tinh túy nhất, những tư tưởng, những giá trị văn hóa của dân tộc mình vào di sản văn hóa chung của toàn nhân loại, cùng chia sẻ, cùng hợp tác để cùng phát triển trên tinh thần khoan dung văn hóa.

Văn hóa khoan dung hướng tới dân chủ - đoàn kết - đồng thuận, làm nên sức mạnh của hòa bình và tình hữu nghị. Bản chất, đặc trưng ấy của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại làm cho nội sinh văn hóa kết hợp được với ngoại sinh thông qua hội nhập để hợp tác, học hỏi lẫn nhau, phát huy lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển trong hòa đồng, đạt tới sự hài hòa.

Để có cơ sở cho nhận thức và vận dụng sức mạnh nội sinh của văn hóa vào công cuộc chấn hưng dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước, cần quán triệt quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Người đã từng viết trong Nhật ký trong tù rằng, “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với mọi biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1).

Từ quan niệm về văn hóa theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp đó, Người trù tính xây dựng nền văn hóa dân tộc với năm điểm lớn:

1. Xây dựng tâm lý: với tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế(2).

Trù tính này là rất toàn diện, bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó hàm ý xây dựng văn hóa phải đặc biệt chú trọng tới đạo đức, lấy nhân dân là chủ thể phục vụ lợi ích và quyền lực nhân dân, do đó phải chú trọng đến dân chủ, dân quyền trong nhà nước pháp quyền mà nhân dân làm chủ. Xây dựng văn hóa phải chú trọng giáo dục cho mọi người lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự cường. Xây dựng kinh tế cũng nhằm vào phát triển, phục vụ cuộc sống của người dân.

Vậy cần nhận thức như thế nào về sức mạnh nội sinh của văn hóa để chủ động xây dựng và phát triển, vận dụng và phát huy nó trong đời sống hằng ngày, làm cho văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc, đặc biệt là chấn hưng đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay.

Nói tới văn hóa là nói tới sự hiểu biết (nhận thức và tự nhận thức) và hành động của con người hướng tới những gì tích cực, tiến bộ, tốt đẹp để phát triển nhân tính. “Tri để hành”, “tiến hành hậu thuyết” là vì vậy. Ở đây, trong hoạt động của con người, C. Mác đề cập tới một loạt các khái niệm: “tự biểu hiện”, “tự thể hiện”, “tự phát triển”, “tự khẳng định” trong “tồn tại người”. Nó khác căn bản với tồn tại vật, bởi chỉ có chủ thể người mới có hoạt động sống mang đặc trưng cơ bản là sự sáng tạo và đổi mới, luôn luôn đổi mới.

Trong những năm mở đầu công cuộc đổi mới của đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng - nhà văn hóa lớn, đã viết một tác phẩm bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và đổi mới, nhấn mạnh rằng, văn hóa là đổi mới và đổi mới là một sự nghiệp kiến tạo, phát triển văn hóa.

Văn hóa luôn biểu đạt một quan niệm có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, đó là sự trau dồi, rèn luyện những đức tính, phẩm cách, phẩm giá của con người để sống đúng, sống tốt và sống đẹp. Đó là sự tu dưỡng và tự tu dưỡng cho nên người, thành người, để sống hữu ích cho mình và cho đời. “Làm người” và “ở đời” sao cho “thân dân” và “chính tâm” như ông cha ta từ xưa vẫn thường tâm niệm và đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã nâng tư tưởng “thân dân” tới dân chủ và “chính tâm” là cần kiệm liêm chính - bốn đức của người cách mạng để suốt đời thực hành đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Văn hóa dựa trên nền tảng của học vấn, học thức nên bắt đầu từ “chân”, tiếp thu tri thức (kinh nghiệm và lý luận) để nhận biết chân lý, vươn tới khoa học. Song cốt yếu của văn hóa là ở đạo đức, đạo lý, đạo nghĩa nên đức là cái gốc của nhân cách làm người và đạo đức hướng vào cái “thiện”, đạo đức là nòng cốt, chủ đạo của văn hóa. Nói tới văn hóa, trước hết và nổi bật là đạo đức, là văn hóa đạo đức. Chânthiện dẫn tới mỹ, đó là cái đẹp, là thẩm mỹ, là thẩm mỹ hóa đời sống và nâng con người cả trí tuệ lẫn tâm hồn lên tầm của cái đẹp. Bi-ê-lin-xky, nhà mỹ học nổi tiếng của nước Nga, từ mấy thế kỷ trước đã từng nói “cái đẹp chính là cuộc sống”. Trong cấu trúc của văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần, có sự kết hợp hài hòa chân - thiện - mỹ, đó là những giá trị đặc trưng, chuẩn mực của khoa học - đạo đức và nghệ thuật tạo nên văn hóa. Con người sáng tạo ra văn hóa như C. Mác nói, sáng tạo ra lịch sử, ra “một tự nhiên thứ hai” của mình theo quy luật của cái đẹp như một tác phẩm nghệ thuật của mình. Gương mặt tinh thần của mỗi dân tộc phản ánh văn hóa của dân tộc ấy. Sức mạnh nội sinh của văn hóa nằm ở chiều sâu văn hóa của dân tộc, trong bề dày truyền thống của nó trong lịch sử, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi dưỡng nhân cách, phẩm giá con người.

Sức mạnh nội sinh của văn hóa nằm ở chiều sâu văn hóa của dân tộc... (Trong ảnh: Hoàng hôn bên chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ, linh thiêng, có lịch sử khoảng 1.500 năm) _Ảnh: Tư liệu 
Khái niệm “nội sinh” của văn hóa nói lên sức mạnh bên trong, được sản sinh ra từ bên trong, từ con người, đất nước, dân tộc và xã hội mà chính trên mảnh đất ấy, văn hóa sinh thành và phát triển. Sức mạnh nội sinh của văn hóa được nhận biết từ các giá trị văn hóa, các sản phẩm văn hóa, khả năng tác động, ảnh hưởng, sự hướng dẫn của văn hóa đối với con người và xã hội, với cá nhân và cộng đồng, theo hệ giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ. Mỗi dân tộc, tùy vào đặc điểm, hoàn cảnh sống, phong tục, tập quán của mình, trải qua lịch sử sáng tạo văn hóa mà định hình bền vững thành truyền thống của chính dân tộc mình. Truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống lao động, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống đạo đức... Trong truyền thống, các sản phẩm, thành quả văn hóa vật chất và tinh thần kết tinh lại thành giá trị và hệ giá trị. Trong những giá trị đó, chân - thiện - mỹ có tính khái quát sâu sắc nhất, lại có sự biểu hiện phong phú, đa dạng nhất với rất nhiều tính riêng, đặc thù của từng dân tộc được gọi là bản sắc văn hóa dân tộc hay dân tộc - tộc người (đối với những quốc gia đa tộc người, đa văn hóa, đa tôn giáo).

Tổng hợp tất cả những tính riêng, đặc thù đó, cũng là vô số những khác biệt ta vẫn thấy nổi lên tính chung phổ biến, thống nhất phổ quát, chỉnh thể ở trong chuỗi phạm trù chân - thiện - mỹ đã nêu và nó luôn tạo ra cấu trúc nội dung cũng như loại hình của văn hóa của mỗi người, mỗi quốc gia - dân tộc, đó là khoa học - đạo đức và nghệ thuật. Bởi thế, văn hóa, như đã nói, vừa là trình độ người trong phát triển, vừa là tấm căn cước (thông hành) của mỗi dân tộc hội nhập vào thế giới.

Thống nhất trong đa dạng, đa dạng từ những cái khác biệt, đặc thù biểu hiện phổ biến và phổ biến sống động qua những đặc thù - làm nên sự phong phú, đặc sắc của mỗi nền văn hóa dân tộc, tạo ra một cách tất yếu - tự nhiên như một nhu cầu, dân tộc đến với thế giới nhân loại và thế giới nhân loại hiện hữu trong từng dân tộc. Mỗi một cá thể người không chỉ là mình, trong cái tôi - Bản ngã mà còn mang tính nhân loại, một đại diện vi mô cho cái thế giới vĩ mô mà ta tồn tại, sống và hoạt động. Con người mang hình ảnh, sự phản ánh thế giới. Đây là chỗ cho thấy rõ rằng, văn hóa không chỉ có tính giai cấp, tính dân tộc mà còn có tính nhân loại, nhất là văn hóa tinh thần, thế giới tinh thần của con người và loài người. Sức mạnh nội sinh của văn hóa hình thành bền bỉ và phát triển liên tục trong suốt quá trình con người và loài người sản xuất - cảm thụ và tiêu dùng văn hóa, giao lưu - tiếp xúc - đối thoại giữa các nền văn hóa để tiếp biến và phát triển.

Từ đây, cần rút ra một vài kết luận chủ yếu:

Thứ nhất, nói tới văn hóa là nói đến những cái gì đúng, tốt và đẹp, những gì biểu hiện chân - thiện - mỹ mới được gọi là văn hóa. Những gì đối lập với những cái đó, thì không phải là văn hóa, cần bị lọc bỏ, loại trừ ra khỏi văn hóa. Đó là những cái xa lạ với văn hóa, đối lập với văn hóa. Trong nhận thức và trong hành động phải xem đó là những phản văn hóa. Không làm rõ điều ấy, không thể nhận biết được cái đích thực, chân giá trị của văn hóa, là sức mạnh nội sinh văn hóa mà ta cần giữ gìn, phát huy và vận dụng sáng tạo trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Thứ hai, từ lăng kính văn hóa, lấy hệ quy chiếu giá trị nhân bản, nhân đạo và nhân văn, ứng với chân - thiện - mỹ (giá trị), ứng với khoa học - đạo đức và nghệ thuật (cấu trúc loại hình) mà phân biệt truyền thống với các giá trị truyền thống. Dân tộc nào cũng từ lịch sử mà tạo nên truyền thống. Trong truyền thống cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Những giá trị truyền thống sẽ định hình, được lưu giữ, khẳng định và phát huy trong thực tại. Giá trị truyền thống chứa đựng sức mạnh nội sinh của văn hóa phải được nuôi dưỡng, phát huy trong thời hiện đại. Kết hợp truyền thống với hiện đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương thức, con đường để các giá trị văn hóa mang sức mạnh nội sinh vào trong phát triển, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là một trong những mối quan hệ lớn của đổi mới để phát triển ở nước ta(3).

Thứ ba, hội nhập quốc tế về văn hóa đòi hỏi một bản lĩnh văn hóa mạnh. Nếu thiếu sức mạnh sẽ dễ rơi vào tình trạng tự đánh mất truyền thống, giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của dân tộc mìnhMà mất văn hóa là mất tất cả. Đó là lời cảnh báo về thách thức và nguy cơ phải luôn vượt qua trong đổi mới, hội nhập, phát triển.

Nội sinh có mạnh và bền vững thì trong hội nhập mới tiếp nhận được ngoại sinh một cách có chọn lọc, để ngoại sinh thâm nhập vào nội sinh theo chiều hướng tích cực, phát triển chứ không phải lấn át, làm suy yếu nội sinh. Ở đây, xét trên quan điểm và phương pháp, cần phải xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa ổn định và đổi mới, giữa dân tộc với quốc tế, với thế giới. Xử lý mối quan hệ này, nhất là trong thời đại đầy những biến động và đảo lộn như hiện nay để tìm lời giải đúng về phát triển và phát triển bền vững. Trên tinh thần khoan dung văn hóa chủ động hội nhập, khai thác có hiệu quả các sức mạnh ngoại sinh làm cho nội sinh của dân tộc mình thêm mới, thêm mạnh, ngày một sâu sắc, phong phú, tốt đẹp hơn.

Mặt khác, đem nội sinh của dân tộc mình góp vào sự phát triển nội sinh của các dân tộc khác. Sự quảng bá và truyền dẫn văn hóa dân tộc vào đời sống văn hóa thế giới là cả một nỗ lực đầy sáng tạo và bản lĩnh của dân tộc trong hội nhập quốc tế vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Do đó, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ nhưng không bảo thủ, trì trệ, không giáo điều, nhạy bén với cái mới, sẵn sàng đổi mới, tự đổi mới để phát triển nhưng không đánh mất mình bởi những yếu kém, những khuyết tật do chính mình tạo ra, bỏ lỡ thời cơ, vận hội và bị động, thụ động trước những thách thức nguy cơ trong phát triển. Có tầm nhìn “vòng quanh chân trời” để hành động sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, thời cuộc, để phát triển hợp lý, lành mạnh trong hiện tại, phát triển bền vững và hiện đại trong tương lai. Đòi hỏi đó đặt ra đối với cả dân tộc, với mỗi người lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Phát triển xã hội càng đòi hỏi bộ phận tinh hoa dẫn dắt phát triển phải đáp ứng kịp thời từ trí tuệ, tài năng, đạo đức, nhân cách đến phương pháp và phong cách trong cả nội trị lẫn ngoại giao.

Nhìn từ yêu cầu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quý báu cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách, nhất là bản sắc và bản lĩnh Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến” để chúng ta học tập và làm theo, để vận dụng và phát triển Đất nước - Con người - Dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão, khát vọng của Người.

Đó thực sự là những định hướng ở tầm chiến lược, ở triết lý nhân sinh, ở chủ thuyết phát triển của Người. Tất cả hội tụ lại trong minh triết Hồ Chí Minh về con người và văn hóa. Thấm nhuần và thực hành sao cho có hiệu quả nhất tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đó là cách thiết thực nhất vào lúc này để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đi tới “một xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam văn hóa cao”, “dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”, “đủ sức sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Muốn vậy, phải luôn luôn ghi nhớ và hành động khôn ngoan, sáng suốt, tận tụy hết mình theo những chỉ dẫn của Người trong học và hành, tập trung vào năm điểm lớn sau đây:

- “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thực hiện một nền giáo dục dân chủ, khoa học, nhân văn làm cho mọi năng lực sẵn có trong mỗi học sinh đều được phát triển tốt nhất.

- Xây dựng một xã hội lao động và học tập, dân chủ - đoàn kết và đồng thuận, hướng tới mục tiêu giá trị độc lập - tự do - hạnh phúc, một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa và con người, đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị, mấu chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

- Giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cho toàn dân, dựng nước gắn liền với giữ nước.

- Là bạn của tất cả các nước, hữu nghị, hợp tác, thêm bạn, bớt thù, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cho Việt Nam.

Đó cũng là nội dung và phương pháp làm tăng sức mạnh nội lực dân tộc bằng các sức mạnh nội sinh của văn hóa, kết hợp với sức mạnh do ngoại sinh bổ trợ qua hội nhập quốc tế.

Văn hóa dân tộc được ví như tấm căn cước, diện mạo tinh thần của dân tộc, để dân tộc đó đến với thế giới thông qua hội nhập, để tiếp biến và phát triển _Ảnh: Tư liệu 
Chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc từ sức mạnh nội sinh của văn hóa

- Trước hết và cần phải nhận rõ, sự suy đồi đạo đức xã hội, kể cả sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã làm suy giảm sức mạnh của dân tộc. Thực trạng này trong quá trình phát triển kinh tế thị trường với những tác động mặt trái của nó, cộng thêm những yếu kém, bất cập của quản lý xã hội, những hệ lụy trong hội nhập... đã làm xuất hiện những phản phát triển, cũng là phản văn hóa phải nỗ lực vượt qua.

Chấn hưng đạo đức để chấn hưng dân tộc phải bằng sức mạnh tổng hợp để tạo ra sức mạnh nội sinh của văn hóa và dùng sức mạnh nội sinh của văn hóa để khắc phục suy đồi, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của con người và xã hội, từ đó mới có thể chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc.

- Chấn hưng không chỉ là nỗ lực giải quyết những yếu kém, suy đồi mà còn là thúc đẩy những mặt tích cực, tốt đẹp và phát triển vốn là căn bản, chủ đạo trong đời sống xã hội, trong chính con người và cộng đồng dân tộc Việt Nam như một nguồn trữ năng to lớn cần phải nuôi dưỡng và phát huy.

Trên quan điểm thực tiễn, đó là kết hợp xây và chống mà tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đã nói tới, trong dịp Đảng ta 39 tuổi, ngày 3-2-1969, năm cuối cùng Người ở với chúng ta. Bản Di chúc gần 1.000 từ Người để lại cho toàn dân, toàn Đảng cùng với toàn bộ tư tưởng và di sản của Người, kết tinh cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá Người để lại cho mọi thế hệ người Việt Nam, giờ đây chúng ta phải ra sức thực hành và phát huy.

Chúng ta tìm thấy trong những chỉ dẫn của Người cả những định hướng lớn, ở tầm chiến lược, cả những cách làm cụ thể như những giải pháp, những kế hoạch, chương trình hành động để dùng sức mạnh nội sinh của văn hóa mà chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc Việt Nam thời hiện đại.

- Để thực hiện được những chỉ dẫn của Người, không gì tốt hơn là thực hành theo năm thực hành lớn mà Người đã nêu gương trong suốt cuộc đời. Đó là: 1- Thực hành lý luận trong thực tiễn, thống nhất lý luận với thực tiễn 2- Thực hành dân chủ, 3- Thực hành dân vận, 4- Thực hành đoàn kết và đại đoàn kết, 5- Thực hành đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Năm thực hành tiêu biểu đó, thể hiện trong năm Quốc bảo đồng thời là Pháp bảo của Người là những điểm tựa rất căn bản, vững chãi giúp chúng ta xây dựng văn hóa, con người để tạo ra và phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa, cũng chính là những nguồn lực để chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc ta hiện nay cũng như trong tương lai lâu dài trên con đường phát triển: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, rường cột của tương lai để thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có đạo đức, có nghị lực, có bản lĩnh đưa đất nước tới phát triển, văn minh, hiện đại _Ảnh: Tư liệu 
- Sức mạnh nội sinh của văn hóa sản sinh ra trong từng loại hình văn hóa và tổng hợp lại trong hệ giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc, của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Người trù tính chương trình, kế hoạch hành động này từ khi viết cuốn Ngục trung nhật ký - Thơ trong tù mà tinh thần, ý chí, nghị lực vượt ra khỏi song sắt nhà tù, thể hiện một tầm nhìn, một bản lĩnh, một sự phi thường về trí tuệ, đạo đức, kết tinh thành văn hóa Hồ Chí Minh. Để chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc, chúng ta sẽ vận dụng văn hóa Hồ Chí Minh, sức tỏa sáng văn hóa Việt Nam mang sức mạnh nội sinh văn hóa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập hiện nay. Đáng lưu ý ở mấy điểm:

+ Đó là tập trung trước hết vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng bởi Đảng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo công cuộc xây dựng văn hóa và con người. Ngày nay, khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - văn hóa thì sức mạnh nội sinh văn hóa dân tộc như thế nào, điều đó tùy thuộc một phần lớn vào sức mạnh nội sinh của văn hóa Đảng, “Đảng là đạo đức, là văn minh”.

+ Chăm lo không ngừng tới đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của cộng đồng và dân tộc, bởi cần phải làm cho mỗi người dân được sống đầy đủ hơn, chất lượng sống tốt hơn, có động lực và niềm tin trong xây dựng đất nước, phát triển văn hóa. Đó là chăm lo cho chính chủ thể sáng tạo văn hóa. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ, trước hết nói về Đảng và đầu tiên là công việc với con người.

+ Đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, rường cột của tương lai để họ khởi nghiệp sáng tạo, sống có lý tưởng, có đạo đức, có nghị lực, có bản lĩnh đưa đất nước tới phát triển, văn minh, hiện đại.

+ Tạo dựng đời sống xã hội, môi trường xã hội lành mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi những tha hóa và phản văn hóa trên các trụ cột: Dân chủ, công bằng, bình đẳng, tự do, sáng tạo. Giáo dục tình thương - kỷ cương - trách nhiệm - tự trọng, tự tin, vị tha, nhân ái, bao dung cho con người Việt Nam từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

+ Đặc biệt coi trọng đức và tài, thực đức, thực tài của những người lãnh đạo, cầm quyền. Nêu gương, noi gương và làm gương sáng cho cả cộng đồng xã hội. Đó là những điều cần thiết phải làm lúc này để chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc ta theo tầm nhìn văn hóa và văn hóa Hồ Chí Minh./.

----------------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458
(3) Xem: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) ở nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

Theo GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều