Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia bình đẳng vào thị trường lao động

(Mặt trận) - Trên thị trường lao động, lực lượng lao động nữ DTTS là một trong những nhóm “yếu thế” và đang gặp nhiều bất lợi. Do đó, cần phải tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động, nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” hỗ trợ phụ nữ tham gia bình đẳng vào thị trường lao động 

Những rào cản đối với lực lượng lao động nữ DTTS

Để góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, nhiều nguồn vốn ưu đãi đã được dành cho người dân vùng DTTS&MN hỗ trợ đồng bào sản xuất và giảm nghèo. Tuy vậy, phụ nữ DTTS thường gặp bất lợi hơn nam giới trong tiếp cận chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển sinh kế và mở rộng sản xuất. Tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn tỷ lệ được vay vốn của hộ gia đình DTTS có nam giới là chủ hộ (20,7%). Giá trị khoản vay của hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ cũng thấp hơn so với hộ có nam giới làm chủ hộ, đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức cho vay tối đa của Ngân hàng chính sách xã hội.

Nước ta hiện có trên 4,7 triệu lao động nữ là DTTS, chiếm khoảng 50,4% quy mô lực lượng lao động DTTS. Dù chiếm hơn một nửa lực lượng lao động, nhưng phụ nữ DTTS chủ yếu tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp và sản xuất – kinh doanh – dịch vụ các sản phẩm truyền thống của địa phương. Đây đều là những ngành nghề đòi hỏi nhu cầu nhân lực lao động lớn. Mặt khác, tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao, gánh nặng lo kinh tế gia đình cũng sớm đặt lên vai các cô gái vẫn ở tuổi vị thành niên. Do vậy, nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động từ rất sớm, nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi; đồng thời có xu hướng tiếp tục làm việc ngay cả khi đã qua độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, gánh nặng việc nhà và chăm sóc gia đình, cho rằng việc nhà là công việc phù hợp với khả năng của phụ nữ khiến một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số không tham gia thị trường lao động có lương. Thậm chí, chính bản thân phụ nữ có suy nghĩ này lại nhiều hơn so với nam giới. Tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc “lao động gia đình không hưởng lương” là 52%, cao gần gấp 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước. Đây là nhóm công việc không ổn định, điều kiện làm việc kém hơn so với việc làm ở các khu vực khác và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.

Cùng với định kiến về vai trò giới hiện tại của phụ nữ DTTS, định kiến xã hội về phụ nữ đi làm xa quê hương vẫn nặng nề ở một số dân tộc; tình trạng mù chữ, tái mù chữ cao, không giao tiếp được bằng ngôn ngữ phổ thông, trình độ học vấn thấp chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; thiếu kỹ năng cơ bản để di cư lao động an toàn và hiệu quả như thiếu hiểu biết về luật pháp, chính sách lao động việc làm… là những rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông – lâm nghiệp và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài.

Do đó, nhiều phụ nữ DTTS đã phải tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới. Tình trạng này ngày càng càng phổ biến. Mặc dù công việc này có thể mang lại nguồn thu nhập trước mắt cho họ nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là mua bán người.

Có thể thấy, giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc phân bổ lại trách nhiệm giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ DTTS

Mô hình nhóm “Tiết kiệm vốn vay thôn bản” vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị 

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 đều có chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, còn có một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của các chính sách này là bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, các chính sách liên quan tới bình đẳng giới vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số các văn bản pháp luật đã ban hành. Vì vậy, phụ nữ dân tộc thiểu số dường như vẫn nằm ở “điểm khuất của góc khuất”, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung. Các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phụ nữ dân tộc thiểu số cũng ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.

Nắm bắt được những khó khăn trên, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt khoanh vùng xác định 3 khuôn mẫu chính cần thay đổi gồm: “Việc nhà là việc của phụ nữ”, “phụ nữ không nên thực hiện các hoạt động kinh tế chính của gia đình”, “phụ nữ không nên đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng trong gia đình”…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới DTTS về quyền bình đẳng trong sở hữu đất đai và tài sản sẽ gia tăng sự tham gia vào các quyết định về kinh tế trong hộ gia đình cà cộng đồng của phụ nữ. Đồng thời phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tăng cường quyền kinh tế của phụ nữ DTTS.

Đối với các nội dung khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới khi triển khai thực hiện các dự án, như: bảo đảm tỷ lệ nhóm phụ nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất; tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động…

Ngoài ra, cần tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền và dịch vụ hỗ trợ di cư lao động an toàn và phòng chống mua bán người cho lao động nữ DTTS, bao gồm các hoạt động: tư vấn định hướng nghề nghiệp, học nghề; giới thiệu việc làm, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ pháp lý… Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ DTTS và các tổ chức đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý, điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và chuyển đổi việc làm ở vùng DTTS.

Hải Yến - HQ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều