Tập huấn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung

(Mặt trận) - Trong 2 ngày (4-5/5/2023), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn

Tham dự Hội nghị tập huấn có hơn 100 đại biểu là đại diện Ban Thường trực, cán bộ phụ trách công tác dân tộc, công tác dân chủ - pháp luật, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS đến từ Ủy ban MTTQ Việt Nam 8 tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quang Nam, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng.

Tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã được các Báo cáo viên triển khai, hướng dẫn 04 chuyên đề: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Công tác Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng quan về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; Giám sát Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh hướng dẫn chuyên đề tại Hội nghị.

Một số nội dung trọng tâm về công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phổ biến, hướng dẫn một số nội dung trọng tâm của công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của Ủy ban MTTQ Việt Nam hiện nay, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hệ thống các hoạt động của Mặt trận trong việc đề ra và thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần to lớn vào thực hiện thành công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức đồng bào các dân tộc tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước; nắm và phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc; ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

MTTQ Việt Nam thực hiện trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần của Chương trình

Phổ biến, án triệt về tổng quan Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Vũ Đăng Minh, Trưởng Ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Chương trình bao gồm 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ (tích hợp 118 chính sách về DTTS và công tác dân tộc trước đây) với tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 104.954,011 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 10.016,721 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727,020 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967,207 tỷ đồng.

Mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch… Chính phủ đề nghị MTTQ Việt Nam thực hiện trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Giám sát các công trình, dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS & miền núi đảm bảo đúng quy định của pháp luật

Hướng dẫn chuyên đề về Giám sát Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030,  ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung làm rõ khái niệm, tính chất, mục đích và nguyên tắc giám sát của MTTQ Việt Nam; quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát. Các công trình, dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền  núi giai đoạn I (2021 – 2025) đều được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, do vậy  giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án thành phần của Chương trình được thực hiện đối với các công trình, dự án đầu tư công và được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/NĐ – CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Tại Hội nghị, các học viên cũng đã được nghe, trao đổi, nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Qua các chuyên đề được trình bày, các học viên nắm rõ những nội dung cần thiết, cơ bản, những phương pháp thực hiện trong công tác dân tộc, quy trình giám sát các công trình, dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của MTTQ Việt Nam. Gắn với từng nội dung là hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức, hành động của đồng bào DTTS trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, chủ trương của MTTQ Việt Nam. Với những nội dung được truyền tải trong Hội nghị tập huấn, cùng với những ý kiến trao đổi của các đại biểu là cơ sở để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp và hoàn thiện để việc tổ chức các Hội nghị tập huấn tiếp theo ngày càng hiệu quả, thiết thực, nội dung sát với yêu cầu thực tế địa phương; áp dụng linh hoạt các phương pháp truyền tải phù hợp với các đối tượng học viên.

Bảo Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều