Tây Ninh tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới

Là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, tỉnh Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số sinh sống bao gồm hơn 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu (1,7% dân số toàn tỉnh), sống tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới (Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành), một số ít trong nội địa (thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh). Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khơ-me khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu (chiếm 0,77%).
Đồng chí Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng quà đại diện các chùa Khmer tại Tây Ninh

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tây Ninh về tầm quan trọng của công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me đã được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; triển khai tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý của chính quyền; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, nêu cao cảnh giác trước âm mưu của thế lực thù địch lợi dụng tự do, dân chủ, dân tộc, tôn giáo... để tuyên truyền, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHƠ-ME

Tập trung phát triển kinh tế

Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện, đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, không có sự phân biệt, đối xử trong đầu tư, triển khai các chủ trương, chính sách, đề án, dự án của tỉnh, nhất là các chương trình trình mục tiêu quốc gia của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào bào dân tộc Khơ-me. Đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo nghề hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; triển khai chính sách ưu đãi vay vốn sản xuất, xoá đói giảm nghèo; giải quyết tranh chấp đất đai ở vùng dân tộc và vấn đề cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu ở xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khơ-me sinh sống; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn. Tiếp tục đầu tư, phát triển Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, đưa 72 hộ dân tộc ít người (có 35 hộ dân tộc Khơ-me)/291 hộ dân lên sinh sống, cấp 1 ngôi nhà trị giá 70 triệu đồng trên phần đất 1.000 m2 và 1 ha đất sản xuất để phát triển kinh tế. Xây tặng đồng bào 2 căn nhà “Tình nghĩa Quân - Dân” với tổng trị giá 160 triệu đồng. Triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với 07 dự án thành phần, trị giá gần 3,5 tỷ đồng (giai đoạn I 2021 - 2025, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên được thụ hưởng), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo giảm hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn là người dân tộc Khơ-me trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhất là trong các năm 2020, 2021, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ người dân; tập trung chăm lo, hỗ trợ kịp thời số lượng lớn hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế trị giá hơn 46 tỷ đồng để đồng bào dân tộc Khơ-me ổn định cuộc sống, bảo đảm không ai bị thiếu đói trong đại dịch.  

Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Công tác phát triển, giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Khơ-me được quan tâm thực hiện. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng, tạo sự thay đổi đời sống văn hóa cơ sở; các cấp, ngành vận động xây dựng 5 khu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao trong các cơ sở tôn giáo và nhà văn hóa dân tộc số tiền trên 2,2 tỷ đồng, các di sản được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người dân tộc. 

Toàn tỉnh có 7 nhà văn hoá dân tộc Khmer, 3 nhà lễ Sala và chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khơ-me với 25 vị sư sãi và hơn 8.000 tín đồ; thường xuyên phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn nghệ, thể thao phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào. Ảnh : Ngày Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khơ me Tây Ninh (Nguồn Vietnamnet) 

Các cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư, xây dựng một số công trình và trao tặng dụng cụ, thiết bị âm thanh cho đồng bào dân tộc biểu diễn trong các lễ hội; cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho đồng bào dân tộc; duy trì phát sóng, phát thanh trên Đài Phát thanh - Truyền hình bằng tiếng dân tộc 3 ngày/tuần, với thời lượng 15 phút, góp phần chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc. Thường xuyên tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khơ-me duy trì tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, dạy học tiếng Khơ-me, đàn Ngũ âm, múa trống (thị xã Hoà Thành)...; tổ chức tết cổ truyền và các lễ hội, như tết Chol Chnăm Thmây, lễ Sen Dolta, lễ Dâng y; đồng bào dân tộc Khơ-me duy trì mặc trang phục truyền thống như váy (Xăm pot), xà rông; múa trống Chhay-dăm, nhạc Ngũ âm trong các ngày hội chính, lễ tết. 

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài

Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở các xã có đông đồng bào dân tộc đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trong đồng bào dân tộc Khơ-me; đã thực hiện hoàn thành phổ cập xong giáo dục trung học cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên người dân tộc Khơ-me như Miễn học phí, trợ giúp sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; riêng các em học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú được bố trí chỗ ở nội trú. Hỗ trợ 50.100 kg gạo/495 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Hội LHPN tỉnh tặng 150 sim Vinaphone 4G và một số dụng cụ học tập cho học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn..., góp phần giúp đỡ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học.

Toàn tỉnh có 3 trường đưa tiếng dân tộc Khơ-me vào giảng dạy ở cấp tiểu học (35 tuần/năm học dành cho học sinh từ khối lớp 2 đến khối lớp 5) đúng chương trình dạy, sách giáo khoa và sách giáo viên tiếng Khơ-me theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được trang bị đầy đủ sách phục vụ công tác giảng dạy và tham khảo; 1 trường phổ thông Dân tộc nội trú, với 386 học sinh dân tộc Khơ-me đang theo học (THCS 226 em, THPT 160 em); trong 5 năm đã đào tạo hơn 1.000 học sinh theo học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (học sinh dân tộc Khơ-me chiếm hơn 50%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho giáo viên người dân tộc được quan tâm thực hiện; toàn tỉnh hiện có 144 giáo viên, nhân viên là người dân tộc (dân tộc Khơ-me 16 người). 

Đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Mạng lưới y tế công lập các cấp tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp; toàn tỉnh có 94/94 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia, cơ bản bảo đảm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân ở cơ sở; đội ngũ nhân viên y tế tại các trạm y tế có 24 người dân tộc thiểu số (Khơ-me 4 người) được quan tâm tạo điều kiện trong công tác, thường xuyên được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ nhiệm vụ. Công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được tăng cường, hệ thống cơ quan y tế dự phòng phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ. Công tác truyền thông kế hoạch hoá gia đình được đẩy mạnh; tỷ lệ sinh con thứ 3, tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên trong đồng bào Khơ-me được kéo giảm hàng năm.

Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Khmer ở xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Tây Ninh). Ảnh: Đức Hoảnh

Các cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo triển khai tốt việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định; 100% hộ gia đình nghèo người dân tộc ở các xã vùng sâu, biên giới, nhất là các xã khó khăn và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được ưu tiên miễn, giảm viện phí khi gặp khó khăn trong khám, chữa bệnh, được tiêm vắc xin phòng bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị, tổ chức từ thiện tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần chăm sóc sức khoẻ trong nhân dân. 

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ TRONG ĐỒNG BẢO DÂN TỘC KHƠ-ME

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng... cán bộ là người dân tộc.

Toàn tỉnh có 275 công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách là người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (người dân tộc Khơ-me 34); trong đó, 100% được đào tạo về chuyên môn; 25 người dân tộc thiểu số là đại biểu Hội đồng nhân dân (người dân tộc Khơ-me có 6 đại biểu cấp xã; 36 người dân tộc là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (tỉnh 1, huyện 7, xã 28); 2.038 đoàn viên, hội viên là người dân tộc Khơ-me (Hội Phụ nữ 876; Hội Nông dân 626; Đoàn Thanh niên 505; Hội Cựu chiến binh 31...) tham gia sinh hoạt, trong đó có 8 hội viên là Ủy viên Ban Chấp hành, 130 người là hội viên nòng cốt.

Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống cơ quan dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đạt được một số kết quả quan trọng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng từng bước phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội; tổ chức các buổi tiếp xúc, sinh hoạt đề cung cấp thông tin thời sự về tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quan tâm tiếp nhận, giải quyết các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những vấn đề nóng, bức xúc không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự. Phát động mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở nhằm thu hút đồng bào dân tộc tham gia, hưởng ứng như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hỗ trợ đồng bào khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ấp, xóm khu vực biên giới”, “Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào xoá đói giảm nghèo... . 

Bộ đội Biên phòng Tây Ninh nhận các cháu học sinh Khmer làm con nuôi

Công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên và xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khơ-me được đẩy mạnh thực hiện; toàn tỉnh đã kết nạp 23 đảng viên là người dân tộc Khơ-me vào Đảng, nâng tổng số đảng viên người dân tộc lên 281 đảng viên (Khơ-me 78), chiếm 0,2%/tổng số đảng viên toàn tỉnh. 

Các cấp, ngành quan tâm thực hiện công tác xây dựng, phá huy vai trò của người có uy tín, cốt cán tôn giáo trong đồng bào dân tộc Khơ-me củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh theo tinh thần Chương trình hành động số 100-CTr/TU, ngày 29/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Toàn tỉnh có 34 người uy tín trong dân tộc thiểu số (dân tộc Khơ-me 19 người) được xét, công nhận hằng năm và được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc theo đúng quy định. Các cấp, ngành quan tâm tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm lao động, sản xuất cho người uy tín trong đồng bào các dân tộc; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ về vật chất nhân dịp lễ trọng, khi ốm đau, gặp khó khăn, với số tiền gần 2 tỷ đồng. Tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời trên 33 lượt người uy tín đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, cơ sở.

Các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Khơ-me được cấp, ngành chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ giáo hội; thường xuyên tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự (5/6 chùa Phật giáo Nam tông); hỗ trợ, xây dựng 1 nhà văn hóa mang đặc trưng kiến trúc đồng bào Khơ-me, giúp cho đồng bào Khơ-me sinh hoạt tôn giáo. Đa số đồng bào thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo; tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông kết hợp với xây dựng nền văn hóa Khơ-me đậm đà bản sắc dân tộc.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới, nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra. 

Trước hết, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc nói chung và công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me nói riêng cần am hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào thì công tác vận động mới hiệu quả hơn.

Thực hiện tốt công tác quản lý, tập hợp, phát triển đoàn viên hội viên là người dân tộc Khơ-me. Thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khơ-me tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương để họ ngày càng gắn bó hơn với quê hương, đất nước.

Xây dựng, quản lý và phát huy tốt vai trò người có uy tín, cốt cán trong đồng bào dân tộc Khơ-me sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của đồng bào để tuyên truyền, định hướng dư luận; vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở Tây Ninh cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động số 100-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong dân tộc, chức sắc tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khơ-me thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, tiếp tục duy trì và phát triển các lễ hội, tết cổ truyền dân tộc theo quy định của pháp luật. 

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh ở vùng đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Khơ-me nói riêng, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm giải quyết tốt vấn đề nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề; tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ye tế, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc Khơ-me.

Ba là, tăng cường công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong đồng bào dân tộc; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Duy trì tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào Khơ-me nói riêng; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào để giải quyết ổn định, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự.

Điệu múa truyền thống, đồng bào Khmer xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên

Bốn là, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 20/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nâng cao hiệu quả tập hợp đoàn viên, hội viên là người dân tộc Khơ-me vào tổ chức. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các văn bản chỉ đạo về công tác ở vùng đồng bào Khơ-me. Tập trung giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong xây dựng cấp uỷ, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm sai phạm; quan tâm biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi trội, xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc tại địa phương.

Sáu là, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếng dân tộc cho cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; quan tâm quy hoạch, luân chuyển, cơ cấu, bố trí hợp lý cán bộ là người dân tộc Khơ-me trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị.

Chú trọng công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khơ-me gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, người có uy tín, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bảy là, các đơn vị, lực lượng vũ trang tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao cảnh giác trong đồng bào dân tộc đấu tranh, chống lại âm mưu lợi dụng dân tộc, tôn giáo của thế lực thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị trong nội địa và tuyến biên giới. 

Tám là, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong đồng bào dân tộc Khơ-me, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đồng bào, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Theo Giao Tuyến/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều