Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Văn hóa truyền thống là vốn quý từng địa phương nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Nước ta với hơn 54 dân tộc sinh sống trải dài từ Bắc tới Nam, mỗi dân tộc lại có những truyền thống văn hóa riêng biệt, độc đáo mang màu sắc đặc trưng cần được bảo tồn và phát huy.
Cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trong giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đặt ra mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

54 dân tộc anh em với bản sắc, phong tục, trang phục riêng đóng góp vào kho tàng đồ sộ của văn hóa Việt Nam. Nhiều di sản được UNESCO vinh danh như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật xòe Thái của đồng bào Tây Bắc.

Ngoài ra, còn có văn hóa trang phục như thêu thùa, dệt vải, làm đồ trang sức; văn hóa ẩm thực được thể hiện qua những món ăn cụ thể, cách chế biến và dư vị của nó; vốn văn học dân gian được hình thành và lưu truyền vô cùng phong phú trong đời sống văn hóa của các dân tộc như hệ thống những câu tục ngữ, hát ru, câu đố, hát yếu, truyện cổ... điển hình như những di sản vô cùng quý giá như hát then của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ như lễ cúng rừng của người Mông...

Khu vực Tây Nguyên cũng được biết đến với các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, được biểu hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua các biểu hiện đặc sắc này, chúng ta sẽ hiểu được những đặc điểm, bản sắc độc đáo, đặc thù của vùng văn hoá Tây Nguyên - một vùng văn hoá hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở của nền “văn minh nương rẫy”, khác cơ bản so với “văn minh lúa nước” ở vùng đồng bằng.

Khu vực Tây Nam Bộ có dân tộc Khmer là một trong những DTTS có số dân đông trên 1,3 triệu người, chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Dân tộc Khmer có lịch sử lâu đời, với đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đặc sắc. Dân tộc Khơmer có nhiều phong tục, lễ nghi và có nền văn hóa - nghệ thuật rất đa dạng và độc đáo. Các chùa lớn thường có dàn nhạc Pun Peesat (ngũ âm), đội trống Chhay Dăm, đội nhạc dây, đội ghe Ngo... Hàng năm, người Khơmer có nhiều ngày lễ, ngày hội khác nhau. Đặc biệt là 3 dịp lễ hội lớn trong năm như lễ Sen Đôn Ta (Vu lan), lễ hội Óc Om Bốc (Cúng trăng) và tết Chôi Chnăm Thmây (Nguyên đán), trong đó, vui nhất là lễ hội Óc Om Bốc - cúng trăng, đua ghe Ngo đã trở thành ngày lễ hội lớn vui chung cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Văn hóa của các DTTS mang giá trị lâu đời. 
Văn hóa của các DTTS là sự sáng tạo của người dân từ nhiều đời và được trao truyền từ đời này sang đời khác. Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng thực tiễn, những giá trị này đang bị mai một, chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức ở một số địa phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS, các ngành chức năng đã xác định thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa DTTS, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết; các lễ hội truyền thống tốt đẹp, xây dựng và nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của đồng bào; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS…

Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa các DTTS và miền núi, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội họp, các hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội của các dân tộc, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để người dân hiểu rõ và nhận thức tốt hơn về công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng trước nguy cơ mai một. Bên cạnh đó cần có chính sách khen thưởng, động viên xứng đáng đối với những nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu, những người “giữ hồn dân tộc”, nơi lưu giữ một lượng lớn những tri thức dân gian của cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các DTTS.

Hồng Nhung - Hữu Phương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều