Từ phong trào xóa đói, giảm nghèo đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Xóa đói và giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm và xác định là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài viết làm rõ quá trình thực hiện chính sách xóa đói và giảm nghèo, từ đó góp phần khẳng định niềm tin vào một Nhà nước của dân và vì dân.
Ảnh minh họa: nhanquyenvn.org

Do phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài và tàn khốc, cùng với việc chậm đổi mới cơ chế, chính sách cho phù hợp trong thời kỳ đầu thống nhất đất nước, nên tình trạng nghèo đói là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng của Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, số lượng hộ nghèo chiếm hơn nửa dân số. Là một nước sản xuất nông nghiệp nhưng hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu lương thực để cứu đói.

Bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội là vấn đề phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ ràng hơn từ khi Việt Nam thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường một mặt tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác lại tạo ra sự phân hóa giàu nghèo. Bên cạnh một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng do có những lợi thế về đất đai, tiền vốn, sức khỏe, trí tuệ... thì một bộ phận dân cư khác lại nghèo đói do gặp phải những bất lợi trong cuộc sống.

Từ thực tiễn đó, đã xuất hiện phong trào “tự giúp nhau” xóa đói, giảm nghèo do các tổ chức chính trị - xã hội phát động ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Phong trào tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống được các thành viên trong các tổ chức chính trị - xã hội chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đến cuối năm 1992, từ phong trào xóa đói giảm nghèo, Chương trình xóa đói giảm nghèo (tên gọi ban đầu là “Chương trình phấn đấu thu hẹp và từng bước xóa hộ nghèo đói”) của Thành phố Hồ Chí Minh ra đời; và sau đó nhanh chóng trở thành Chương trình quốc gia được duy trì liên tục và phát triển cho đến ngày nay. Xóa đói, giảm nghèo là chương trình quốc gia có quy mô rộng lớn và kéo dài trong nhiều năm.

Xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã tiếp tục ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho các giai đoạn 2012-2015, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025. Những chương trình này được tổ chức với mục đích giảm bớt tình trạng nghèo ở các vùng, các khu vực khó khăn.

Chương trình xóa đói, giảm nghèo ở giai đoạn đầu, hay chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của các giai đoạn sau năm 2012 thường được tổ chức dưới dạng cho vay vốn ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ tiêu dùng, hỗ trợ thu nhập, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, v.v.. Hoặc các dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng hải đảo, vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo (giai đoạn trước năm 2012) và giảm nghèo bền vững (giai đoạn từ 2012 đến nay), Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực thi hàng loạt chủ trương, chính sách hỗ trợ khác nhau. Một trong những chương trình trụ cột của công cuộc xóa đói, giảm nghèo là Chương trình 135. Ngày 31-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Chương trình này hướng đến các mục tiêu tổng quát: “Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng”.

Giai đoạn I (năm 1999-2005), Chương trình 135 được triển khai trên 1.000 xã nghèo nhất cả nước và sau đó mở rộng ra 2.362 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu với 5 nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng kết cấu hạ tầng; trung tâm cụm xã; đào tạo cán bộ; quy hoạch dân cư; phát triển sản xuất. Tổng nguồn lực Chính phủ đầu tư cho Chương trình giai đoạn này là 6.795,7 tỷ đồng. Kết quả đã xây dựng được 20.026 công trình hạ tầng; hoàn thành, đưa vào sử dụng 300 trung tâm cụm xã; hoàn thành trên 50.000km đường các loại; 96% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Cả nước có 671 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình đề ra(1).

Giai đoạn II (năm 2006-2010), Chương trình 135 tiếp tục triển khai thực hiện tại 1.946 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi với 4 nhiệm vụ chính là: hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Kết quả chương trình đã hỗ trợ 14.000 tỷ đồng cho các địa phương; xây dựng 4.125 mô hình phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; xây dựng trên 12.000 dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở(2).

Giai đoạn III, Chương trình 135 được chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2011-2015 và từ năm 2016 - 2020. Giai đoạn 2011-2015, Chương trình tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn 2.331 xã và 2.932 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tính cả viện trợ của các tổ chức nước ngoài, tổng nguồn kinh phí bố trí cho giai đoạn này lên tới 16.721 tỷ đồng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, 98% trung tâm xã và 70% thôn đã có điện lưới quốc gia; 58,94% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.

Từ năm 2016-2020, Chương trình 135 triển khai trên địa bàn 2.139 xã và 3.973 thôn, bản khó khăn, với 3 nội dung: hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đã có gần 20.000 tỷ đồng được phân bổ cho các địa phương triển khai phát triển KT-XH(3).

Việc đẩy mạnh Chương trình 135 cùng với lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như Chương trình 134(4) về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; Nghị quyết 30a(5), Quyết định 167(6) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; các chương trình vay vốn ưu đãi, trợ cước trợ giá; các chương trình hỗ trợ về y tế, giáo dục v.v.. Các chương trình và chính sách này được bổ sung, mở rộng đối tượng và độ bao phủ, được triển khai thực hiện có tính kế thừa và liên tục, bổ sung các chính sách đặc thù qua từng giai đoạn đã tạo ra diện mạo mới cho các địa phương.

Ngoài ra, các cấp còn chú trọng xây dựng và phát triển các chương trình “Nối vòng tay lớn”, “Một thế giới trái tim”, “Quỹ tình thương”, “Quỹ vì người nghèo”, “Nhà đại đoàn kết”, “Xóa nhà tranh, tre dột nát, ngói hóa”, “Giúp hội nghèo có địa chỉ”..., đã thu hút đông đảo các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế tham gia hỗ trợ người nghèo. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã giúp cho rất nhiều hộnghèo sửa chữa hoặc xây mới nhà ở. Các mô hình tín dụng - tiết kiệm, nông dân sản xuất giỏi, thanh niên làm kinh tế, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế v.v. đã góp phần cải thiện điều kiện sống cho nhiều thành viên của các tổ chức, các đoàn thể xã hội.

Hiệu quả rõ nét nhất là đã tạo điều kiện cho các địa phương phát triển bền vững, nhất là trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội, đã giúp các hộ nghèo từng bước thoát nghèo. Nhờ vậy, đã gia tăng các cơ hội cho các hộ nghèo hưởng lợi từ thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và giúp họ cải thiện điều kiện sống cũng như tăng cơ hội thoát nghèo, góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội như việc làm, y tế, giáo dục, điện, nước sạch, thông tin...

Với việc đề ra và tổ chức thực thi hệ thống chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững đồng bộ, hợp lý, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nên đã đạt được kết quả rất đáng tự hào.

Trong thời gian qua, mặc dù chuẩn nghèo không ngừng được nâng cao (mỗi chu trình 5 năm, Chính phủ lại xây dựng chuẩn nghèo mới theo những tiêu chí cao hơn) nhưng mức độ giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo từng giai đoạn vẫn diễn ra rất nhanh. Theo Ngân hàng thế giới, năm 1993, tỷ lệ hộ đói nghèo của Việt Nam chiếm hơn 58%, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành của toàn xã hội, kết quả từ phong trào xóa đói, giảm nghèo đến các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được những thành tựu to lớn. Đến cuối năm 1997, cả nước còn khoảng 2,7 triệu hộ đói nghèo, chiếm 17,4% tổng số hộ. Trong đó, số hộ đói kinh niên khoảng 300.000 hộ chiếm 2,0%, số hộ nghèo chiếm 14,4%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, từ 2,8 triệu hộ (17,2%) năm 2001, xuống còn 1,44 triệu hộ (8,3%) năm 2004, bình quân mỗi năm giảm 34 vạn hộ, đến cuối năm 2005 còn khoảng 1,1 triệu hộ (dưới 7%)(7). Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010); từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo(8)...

Đến năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs)” về xóa đói, giảm nghèo, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015), được quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Tại Hội nghị cấp cao thế giới xem xét tiến trình thực hiện các Mục tiêu MDGs năm 2015, Việt Nam và Ghana được Liên hợp quốc đánh giá là những “ngôi sao sáng” trong số các nước đạt tiến bộ lớn trên lộ trình thực hiện các MDGs(9). Việt Nam xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển xét về năng lực xóa đói, giảm nghèo(10).

Hiệu quả của các chương trình xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững không chỉ xóa bỏ tình trạng đói, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giúp những hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, mà còn góp phần sớm đưa đất nước ra khỏi nhóm nước chậm phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển năm 2009.

Từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm(11).

Giai đoạn năm 2015-2020, kết quả giảm nghèo tiếp tục đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015, xuống còn 2,75% năm 2020, trong 05 năm giảm bình quân 1,43%/năm (chỉ tiêu giảm 1-1,5%/năm); hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm (chỉ tiêu giảm 3-4%/năm); hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,4%/năm (chỉ tiêu giảm 4%/năm)(12).

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025, ước tính tại thời điểm tháng 01-2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu; trong đó, hộ nghèo là 10,83%, hộ cận nghèo là 5,77%. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025 tiếp tục đặt ra nhiệm vụ phải giảm tỷ lệ hộ nghèo với mức giảm từ 1,0-1,5%/năm(13). Chương trình cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2025 phải giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Kết quả xóa đói và giảm nghèo bền vững trong những giai đoạn vừa qua gắn liền với thành tựu chung về đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người(14).

Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế tăng trưởng liên tục, trung bình khoảng 7%/năm; mức sống và điều kiện sống của người dân không ngừng nâng lên. Đến nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,6 tuổi năm 2019. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng internet, thuộc nhóm nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới; chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 đạt mức 0,704 (so với các nước có cùng trình độ phát triển thì nước ta thuộc nhóm nước có HDI cao), lần đầu tiên vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Báo cáo Phát triển bền vững năm 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 05 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; các mặt chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm(15)... Chăm sóc y tế cho người nghèo ngày càng thiết thực. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi đều được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Năm 2002, khi Việt Nam còn thuộc nhóm nước chậm phát triển, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã ra Quyết định 139/2002/QĐ-TTg cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo. Nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho người nghèo, 70% cho người cận nghèo. Từ năm 2012, 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Điều này vừa thể hiện quyết tâm chính trị, vừa thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội vì người dân. Người dân là mục tiêu, là động lực của phát triển. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn lấy “Việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”(16).

Như vậy, thực tiễn đã và đang diễn ra ở Việt Nam là minh chứng rõ nét về một Nhà nước của dân và vì dân. Sự gặp gỡ giữa “ý Đảng, lòng Dân” ngay trong từng chủ trương, chính sách. Cho dù các thế lực thù địch, phản động đã dùng trăm phương, nghìn kế nhưng vẫn không thể làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; càng không thể phủ nhận được kết quả giảm nghèo của Việt Nam - kết quả đã được Ngân hàng thế giới và Tổ chức Liên hợp quốc ví như câu chuyện thần kỳ. Hơn hết, kết quả giảm nghèo của Việt Nam còn là sự kiểm chứng cho những chủ trương, chính sách giàu tính nhân văn, nhân quyền nhất.

Về mặt chủ trương, chính sách đã tỏ rõ tính hợp lý, tính ưu việt. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực thi chính sách giảm nghèo bền vững thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng tự hào cũng còn một số hạn chế sau đây:

Một là, kết quả giảm nghèo của nước ta chưa thật sự bền vững. Ranh giới giữa nhóm đủ ăn, cận nghèo và nghèo còn quá mong manh. Điều này có nhiều lý do, song lý do chủ yếu nhất là có đến 54,9% hộ nông nghiệp chỉ có diện tích đất canh tác dưới 0,5 ha(17) - do diện tích quá nhỏ bé nên họ khó có điều kiện để thoát nghèo một cách bền vững. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ hướng tới việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất để chuyển lên quy mô sản xuất lớn. Ngoài ra, có nơi còn bị chi phối bởi bệnh thành tích nên triển khai các biện pháp giảm nghèo mang tính hình thức, đối phó.

Hai là, khâu tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo còn kém hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn lực. Lâu nay nguồn lực dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Đơn cử như giai đoạn năm 2011-2020, triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo với nguồn kinh phí đầu tư bình quân cho 1 huyện rất lớn (80% kinh phí từ Trung ương và 20% kinh phí của địa phương). Tuy nhiên đến năm 2019, chỉ có 08 huyện thoát nghèo, các huyện còn lại tiếp tục nằm lại trong danh sách 74 huyện nghèo nhất nước trong giai đoạn 2021-2025.

Ba là, việc xác định diện hộ nghèo cũng như việc cấp phát nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo ở một số nơi không bảo đảm tính khách quan, dân chủ, dẫn đến tình trạng đối tượng không thuộc diện nghèo lại được thụ hưởng, còn đối tượng thực sự nghèo lại không có tên trong danh sách nghèo. Điều này đã và đang tạo ra sự bất công, khiến người nghèo mất niềm tin vào cán bộ.

Bốn là, cách thức thực hiện các biện pháp trợ giúp hộ nghèo ở một số địa phương vô hình trung tạo ra cho họ tâm lý ỷ lại Nhà nước, trông chờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của xã hội. Lâu dần, họ tự đánh mất ý thức, khát vọng vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phải “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản... thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”(18). Vấn đề đặt ra cho từng địa phương, đơn vị là cần tiếp tục phát huy tính ưu việt của chủ trương, chính sách và những kết quả đã đạt được; đặc biệt chú trọng tìm kiếm, lựa chọn những biện pháp giảm nghèo thích hợp nhất để khắc phục những hạn chế đang tồn tại.

Thực hiện chính sách xã hội nói chung, trong đó có chính sách xóa đói, giảm nghèo nằm trong mạch nguồn truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “chia ngọt sẻ bùi”, “nhường cơm sẻ áo” của người Việt Nam. Giảm nghèo bền vững cũng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm và xác định là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Với chủ trương nhất quán là khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi liền với những chính sách xã hội hỗ trợ, giúp đỡ các tầng lớp yếu thế, đặc biệt là tầng lớp nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống. Điều này thể hiện quan điểm phát triển đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Rõ ràng, chính sách xã hội phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc chế những tác động tiêu cực do cơ chế thị trường tạo ra như tình trạng phân hóa giàu nghèo gay gắt, bất bình đẳng xã hội trên các phương diện,... để hướng đến phát triển xã hội hài hòa, bền vững. Đại hội XIII đã khẳng định “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”(19). Trong đó, chính sách giảm nghèo bền vững phải luôn đóng vai trò chính yếu.

_________________

(1), (2), (3) Ngọc Ánh: Chương trình 135 Nhìn lại một chặng đường, https://baodantoc.vn, ngày 02-5-2021.

(4) Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

(5) Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

(6) Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

(7) Phạm Gia Khiêm: Xóa đói, giảm nghèo ở nước ta - thành tựu, thách thức và giải pháp, Tạp chí Cộng sản số 2, 3/2006.

(8) Giảm nghèo - Thành tích nổi bật của Việt Nam: http://ubdt.gov.vn/2014/06/09/....

(9), (12) Nguyễn Phú Hưng: Xóa đói giảm nghèo - điểm sáng trong bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam, http://tapchiqptd.vn, ngày 08-12-2021.

(10) Trần Thu Hương: Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, https://truongchinhtri.kontum...., ngày 21-10-2019.

(11), (14) Hồng Kiều: Xóa đói giảm nghèo: Thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới, https://hcmcpv.org.vn, 2019.

(13) Vũ Phương Nhi: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025, https://baochinhphu.vn, ngày 19-01-2022.

(15) Trần Văn Thạch: Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội ở nước ta hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo số 4-2021.

(16) Ngô Tuấn Nghĩa: Con người là mục tiêu và động lực trong đường lối phát triển kinh tế, https://tuyengiao.vn, ngày 09-7-2021.

(17) Tổng cục Thống kê: Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2018.

(18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.150, 147.

TS TRẦN VĂN THẠCH
Học viện Chính trị khu vực III

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều