Vai trò của đồng bào Công giáo Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19

(Mặt trận) - Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19, lòng yêu nước của dân tộc ta là nét đẹp nổi lên tiêu biểu nhất. Trong đó, việc các tổ chức tôn giáo huy động mọi nguồn lực, chung tay cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch bệnh không chỉ khẳng định mục tiêu của tinh thần phụng sự, đồng hành cùng dân tộc trong các tôn giáo, mà còn thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trò chuyện với đại biểu tham dự Hội nghị thi đua toàn quốc Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ 5, giai đoạn 2015 - 2020, tháng 9/2020. 
Người Công giáo Việt Nam chung sức, chung lòng với đồng bào cả nước trong phòng, chống dịch

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, bộ, ngành chức năng, ngay từ đầu năm 2020, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã có thư gửi linh mục, nam, nữ tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân Tổng giáo phận, có đoạn viết: “… Trong những ngày qua, anh chị em đã cầu nguyện và tuân theo những hướng dẫn cụ thể của ngành y tế cũng như của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam… tôi mời gọi toàn thể giáo phận chúng ta sẽ làm tuần chín ngày, từ ngày 9/2 đến 17/2, để cầu xin Chúa ban cho các nhà khoa học sớm tìm được thuốc ngăn chặn dịch bệnh, chữa lành những người đã bị nhiễm bệnh và cho mọi người khỏi bị lây nhiễm dịch bệnh.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng Công giáo trong Tổng giáo phận tích cực, năng động, dấn thân, nhiệt tình giúp đỡ những người đang khó khăn trong dịch bệnh; đề nghị các giáo xứ thông báo, phối hợp với bộ phận làm công tác thiện nguyện (Ban Caritas) của Tổng giáo phận để được cung cấp những nhu cầu thiết yếu cần thiết hỗ trợ người dân. Tổ chức thăm hỏi, khích lệ những người đang gặp khó khăn, căng thẳng tâm lý do dịch bệnh...”.

Cùng với Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều Tòa Giám mục như: Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bùi Chu, Hải Phòng, Phát Diệm, Thái Bình, Vinh, Hà Tĩnh Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Hưng Hóa, Nha Trang, Phú Cường, Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết, Cần Thơ, Long Xuyên,… đồng loạt ra văn thư yêu cầu linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước và hợp tác với chính quyền trong phòng, chống dịch; thông báo tạm ngừng việc cử hành thánh lễ, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, thực hiện nghiêm biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế (5K).

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam từ ngày 27/4/2021 đến nay, được đánh giá là phức tạp hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ, thất nghiệp và bệnh tật. Trước tình cảnh này, các Đấng bản quyền Tổng giáo phận, giáo phận, bề trên dòng tu kịp thời phổ biến các chủ trương phòng, chống dịch “hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sĩ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa”1.

Trong tâm thư với tựa đề: “Thương quá Sài Gòn ơi” gửi đồng bào Công giáo Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các tín hữu Công giáo chung tay phòng chống dịch, ca ngợi, khích lệ nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân vượt qua những sợ hãi, xung phong đến phục vụ tại những tuyến đầu chống dịch, đã thực sự là nguồn mạch tinh thần kết nối đồng bào Công giáo hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà đồng bào đang vật lộn với đại dịch Covid-19”2.

Từ Lời mời gọi này, Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam kêu gọi Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục vận động các thành viên trong tổ chức và đồng bào Công giáo tại địa phương tiếp tục ủng hộ đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua các chương trình phát động quyên góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các địa phương.

Tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, đoàn kết giúp đỡ nhau trong đại dịch của người Công giáo Việt Nam

Ngày nay, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, tín hữu Công giáo cùng tín đồ các tôn giáo bạn thể hiện tinh thần “nhập thế” bằng cách tích cực vận động, quyên góp tiền và vật chất với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giúp đỡ người dân nghèo hoặc bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Trong công tác phòng, chống dịch xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến hay, như: “Cây ATM gạo” của Phật giáo; “Siêu thị 0 đồng”, “Bếp yêu thương” của người Công giáo,… cùng hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí cho người dân gặp khó khăn. Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo cũng đăng ký nhận tro cốt và tổ chức các nghi thức tôn giáo cho những người tử vong do đại dịch Covid-19.

Tại Hà Nội, kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhiều đợt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những anh chị em lao động tự do, những sinh viên đang bị kẹt lại trong các khu nhà trọ, những người già neo đơn và những người khuyết tật… Với tinh thần bác ái Kitô giáo, thấu hiểu những nỗi khó khăn mà anh chị em lao động đang gặp phải, Caritas Hà Nội đẩy mạnh chương trình “Hạt gạo tình thương” được chuyển đến từng gia đình khó khăn tại các giáo xứ, khu dân cư.

Xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, nhiều linh mục, tu sĩ, anh chị em giáo dân đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19. Trong buổi gặp gỡ với đại diện Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Nếu không có lực lượng tình nguyện viên, cụ thể là các tu sĩ thì ngay cả đại giáo sư hay máy móc hiện đại thể nào cũng không thể hoạt động được. Hay một bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng thiếu lực lượng tình nguyện viên này là thua, bệnh viện không hoạt động được”.

Giáo hội Công giáo cũng đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Siêu thị mini 0 đồng”. Sự ra đời của Siêu thị mini 0 đồng như cánh tay nối dài của Giáo hội đến với người nghèo khó; những người đang khó khăn hãy liên hệ nơi các nhà thờ Công giáo hoặc qua chính quyền địa phương, các phường đang phát phiếu mua hàng Siêu thị mini 0 đồng, để nhận sự giúp đỡ. Mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần giảm tải những khó khăn cho đồng bào trong mùa dịch. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện phát quà, nhu yếu phẩm phục vụ người nghèo; thăm hỏi bệnh nhân, tu sĩ phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19...

Còn các nữ tu Hội dòng Mến Thánh giá Gò Vấp - Cộng đoàn Thuận Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức bếp nấu từ thiện, góp hàng nghìn suất cơm chung tay cùng với chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hàng loạt tình nguyện viện khác từ các phòng bệnh, phòng cấp cứu người nhiễm Covid-19 ngày càng gắn bó với các “chiến sĩ áo trắng”, các bệnh nhân giống như tình thân. Hơn thế, đó còn là lòng trân trọng, bác ái với con người.

Bằng nhiều hoạt động thiện nguyện sáng tạo, hiệu quả đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 lên tới gần 20 tỷ đồng, trong đó Giáo hội Công giáo hỗ trợ 8 tỷ đồng từ quỹ cứu trợ của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; đã trao tặng 2.000 phần quà hỗ trợ những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch ở các phường của quận Bình Tân (Bình Trị Đông, Bình Trị Đông B và An Lạc A). Hiệp sĩ Đại Thánh giá Phu nhân Nguyễn Thị Kim Yến đã ủng hộ Quỹ Điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn 200 triệu đồng.

Đáp lời mời gọi của tỉnh, Tòa Giám mục Bà Rịa đã cử các tu sĩ tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Ngày 13/8/2021, 15 nữ tu sĩ Hội dòng Mến Thánh giá Bà Rịa tình nguyện lên đường hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế do Bệnh viện Bà Rịa phụ trách.

Với tinh thần bác ái Kitô giáo chia sẻ những khó khăn vất vả nơi tuyến đầu là các bác sĩ, y tá nơi các bệnh viện, Nhóm thiện nguyện giáo phận Xuân Lộc lên đường phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, góp phần chia sẻ với các bệnh viện cứu chữa cho các bệnh nhân.

Bắc - Nam dù xa cách cả nghìn cây số về địa lý nhưng trong tình liên đới, nhiều doanh nhân Công giáo giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Vinh, Đà Lạt đã cùng giáo dân chung tay ủng hộ hàng chục tấn nhu yếu phẩm tiếp nối những chuyến xe nghĩa tình vào với đồng bào Sài Gòn thân thương. Những hoạt động bác ái của giới doanh nhân Công giáo cũng như các nhà hảo tâm và giáo dân được thúc bách bởi tình yêu Đức Kitô và truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc Việt Nam. Những việc làm thiện lành của các doanh nhân, nhà hảo tâm Công giáo giữa lúc chính họ cũng đang rất khó khăn là những chứng từ sống động cho tình yêu thương, cũng là nghĩa cử của tình đoàn kết dân tộc của người Công giáo Việt Nam hôm nay.

Trong phòng, chống dịch Covid-19 giáo dân nước nhà còn ghi nhớ và thực hiện lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô với việc phát động toàn thế giới cầu nguyện tại gia vào lúc 21 giờ mỗi ngày cho các bác sĩ, y tá tình nguyện, những người phục vụ và toàn thể mọi gia đình được bình an trước đại dịch Covid-19. Với đại dịch, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ: “Vius Covid-19 không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị”… “mọi người không tạo nên sự phân biệt nào, mà chỉ nên hành động vì công ích để giải quyết đại dịch”. Ngày 24/8/2021, Tòa Thánh gửi tặng 100.000 Euro cho các chương trình từ thiện của Giáo hội Việt Nam - một nghĩa cử thể hiện sự gần gũi chia sẻ của Đức Giáo hoàng với người Công giáo và Nhân dân Việt Nam trong phòng, chống đại dịch.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, việc các tổ chức tôn giáo huy động mọi nguồn lực, chung tay cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch bệnh khẳng định mục tiêu của tinh thần phụng sự, đồng hành cùng dân tộc trong các tôn giáo. Người Công giáo Việt Nam không chỉ hoạt động trong những lĩnh vực thuần túy tôn giáo mà hướng đích xã hội bằng nhiều hoạt động thiết thực như: ủng hộ về vật phẩm, trang thiết bị y tế, hàng hóa; thăm hỏi, động viên tinh thần đối với y, bác sĩ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch; biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có nhiều đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, tôn giáo luôn đồng hành với dân tộc.

Người Công giáo Việt Nam cũng như đồng bào các tôn giáo khác đã trở thành một nguồn lực xã hội quan trọng, với tinh thần đại đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí hành động, phát huy tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Chú thích:

1. Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, đề ngày 2/6/2021.

2. Thư kêu gọi của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đồng bào Công giáo Việt Nam, ngày 9/7/2021.

Nguyễn Văn Thuyên

Thư ký Tòa soạn, Báo Người Công giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều