Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm vụ đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất nước nhà

(Mặt trận) - Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà Đảng ta đề ra là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Mặt trận đã phát huy vai trò trong đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tổ chức hiệp thương chính trị hai miền Nam - Bắc tiến tới Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Mặt trận Dân tộc thống nhất trở thành lực lượng chính trị không thể thiếu trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới: đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối, nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chưa có Quốc hội chung cho cả nước. Mặt trận, các đoàn thể quần chúng chưa thống nhất. Lúc này, vấn đề cấp bách trước mắt mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra là phải thực hiện thống nhất về mặt Nhà nước. “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”1. Thống nhất nước nhà sẽ tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để hoàn thành nghĩa vụ cao cả đó, Mặt trận Dân tộc thống nhất2 trong điều kiện mới đã phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất nước nhà.

Mặt trận phát huy vai trò trong việc tổ chức hiệp thương chính trị hai miền Nam - Bắc tiến tới Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước

Đáp ứng yêu cầu cấp bách khi cách mạng chuyển sang thời kỳ mới, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 9/1975) ra Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Nhận thức rõ về nhiệm vụ chính trị của tổ chức, từ cuối năm 1975, Mặt trận đã có nhiều quyết sách, tích cực tham gia các hoạt động cùng các cơ quan Nhà nước khẩn trương hoàn thành thống nhất nước nhà.

Ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp phiên đặc biệt để nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày chủ trương hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh trình bày những biện pháp cụ thể về thực hiện thống nhất nước nhà; thảo luận và thông qua đề án về thực hiện thống nhất và quyết định thành lập Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 thành viên đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh làm Trưởng đoàn đi dự Hội nghị Hiệp hương chính trị nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu cử Quốc hội và các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam thống nhất3.

Tại Sài Gòn, trong hai ngày 5 và 6/11/1975, Hội nghị liên tịch mở rộng gồm đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ trí thức được tiến hành để nghe Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trình bày chủ trương và các biện pháp thực hiện thống nhất; thảo luận các chủ trương, biện pháp và cử Đoàn đại biểu của miền Nam gồm 25 thành viên do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng đoàn để hiệp thương với Đoàn đại biểu miền Bắc4.

Hội nghị Hiệp thương chính trị của hai Đoàn đại biểu Nam - Bắc họp tại Sài Gòn từ ngày 15 đến 21/11/1975. Sáng ngày 21/11/1975, hai Trưởng đoàn Trường Chinh và Phạm Hùng đã ký bản Thông cáo chung của Hội nghị và văn bản về những vấn đề cụ thể mà Hội nghị nhất trí thông qua. Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc thành công, đem lại niềm phấn khởi cho Nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới.

Mặt trận phát huy vai trò trong vận động các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị, đảng phái, dân tộc, tôn giáo tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất

Để cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội giành được thắng lợi và thực sự là một cuộc vận động có ý nghĩa chính trị rộng lớn, ngày 3/1/1976, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 228-CT/TW về việc lãnh đạo Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước. Các tổ chức Mặt trận ở hai miền từ tỉnh, thành đến cơ sở nhanh chóng quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, đáp ứng mong muốn của đồng bào cả nước nhanh chóng thống nhất nước nhà.

Căn cứ vào Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã quyết định lấy ngày 25/4/1976 là ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước Việt Nam thống nhất và thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 người (miền Bắc 11 người, miền Nam 11 người) do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch5.

Đây thực sự là ngày hội lớn, ngày đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam. Trong không khí phấn khởi, cuộc bầu cử đã diễn ra sôi nổi, dân chủ và đúng pháp luật. Cả nước đã đi bỏ phiếu với số lượng 98,77% tổng số cử tri (cả nước có 23 triệu cử tri, miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%, Hà Nội 99,82%, Sài Gòn 98,14%). Nhiều huyện, xã và khu dân cư đã đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. 492 đại biểu được bầu vào Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, đại biểu các lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, các dân tộc ít người và các tôn giáo6.

Từ ngày 24/6/1976 đến ngày 2/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã họp Kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội với sự tham gia của toàn thể đại biểu. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày trước Quốc hội Báo cáo Chính trị về đường lối và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và đề nghị của Đảng Lao động Việt Nam về đường lối đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Trong khi chờ đợi Hiến pháp mới, Nhà nước tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng thời, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quốc phòng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm soát nhân dân tối cao7.

Với sự nhất trí cao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được bầu làm Chủ tịch nước; các đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ làm Phó Chủ tịch nước; đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước (khoá VI) đánh dấu quá trình thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đã hoàn thành về cơ bản.

Mặt trận phát huy vai trò trong vận động đồng bào cả nước hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương, thống nhất các tổ chức đoàn thể, Mặt trận, thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong toàn quốc

Cùng với việc tham gia thực hiện thống nhất đất nước về mặt nhà nước, với tinh thần hòa hợp dân tộc, trong năm 1975-1976, Mặt trận các cấp tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, ổn định đời sống, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước; tăng cường sự nhất trí về tư tưởng, củng cố khối đại đoàn kết.

Ngày 22/10/1976, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra Tuyên bố kêu gọi các thành viên trong Mặt trận Dân tộc thống nhất tiếp tục động viên các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ trong nước ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đề ra đường lối chung và đường lối phát triển kinh tế. Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu một số vấn đề cơ bản trong đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là xây dựng chế độ làm chủ và phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động. Đó là mục tiêu chính của công tác Mặt trận và dân vận trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội xác định: Các đoàn thể quần chúng là tổ chức đại diện quyền làm chủ của Nhân dân.

Về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Ngày nay, Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cả nước bao gồm nhiều chính đảng, đoàn thể, giai cấp, tầng lớp khác nhau, lấy liên minh công nông làm cơ sở, do Đảng ta lãnh đạo, mang tính chất yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; mục tiêu chung của mọi thành viên trong Mặt trận là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Mặt trận có nhiệm vụ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc anh em, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, động viên toàn dân thi đua xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta”8.

Về hình thức, nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận trong thời kỳ mới, Đại hội chỉ rõ: Mặt trận là hình thức tổ chức nhằm thực hiện sự thống nhất hành động giữa các đoàn thể thành viên, làm việc theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, hợp tác, tương trợ.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng mới, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền thành một Mặt trận chung, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam9. Đại hội thông qua Chương trình hành động gồm 8 nội dung cơ bản như: Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; chăm sóc đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền và tôn trọng tự do tín ngưỡng; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội10.

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước là một sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của Mặt trận Dân tộc thống nhất về tổ chức, phương thức hoạt động, mà còn chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước. Thành công của Đại hội mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần tích cực vào cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là trong phát huy vai trò đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất nước nhà (1975-1976), có thể thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành lực lượng chính trị không thể thiếu trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chứng tỏ, Mặt trận là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh của mỗi người dân và của cả dân tộc; là đại biểu giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Cách mạng càng tiến lên, Mặt trận Dân tộc thống nhất càng mở rộng để tập hợp mọi lực lượng xã hội hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Đảng đề ra. Hơn 90 năm (1930-2021), nhìn lại hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, càng thêm tin tưởng vào nhận định trên.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 36, tr.395.

2. Thời điểm 1975-1976, Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng tồn tại ba hình thức tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (thành lập tháng 9/1955) ở miền Bắc; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập tháng 12/1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (thành lập tháng 4/1968) ở miền Nam. Đến năm 1977, thống nhất ba tổ chức thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3,4. Báo Nhân dân, ngày 10 tháng 11 năm 1975, tr.1-2.

5,6,7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập III (1976-1992), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.17, 21-22, 30-36.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.76.

9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những chặng đường lịch sử 1930-2010, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009, tr.349.

10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh: Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (1930-2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.174.

Trần Thị Vui

PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều