Vai trò của người Công giáo tham gia vào công tác xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo

(Mặt trận) - Thư chung năm 1980 cùng các thư chung tiếp theo của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định đường hướng dấn thân đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách cụ thể, thiết thực. Tinh thần đó đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của phong trào hoạt động hướng đích xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo và đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

 Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Phát Diệm, ngày 24/12/2020. Ảnh: Quang Vinh

Thư chung 1980 đặt cơ sở nền tảng cho việc quyết định đường hướng mục vụ theo tinh thần “Công giáo đồng hành cùng dân tộc”. Trong điều kiện đất nước thống nhất, độc lập bước vào thời kỳ lịch sử mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thư chung chỉ rõ: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước… Vậy, chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”1. Từ đó, Thư chung xác định hai nhiệm vụ chính yếu để người Công giáo đồng hành cùng dân tộc, đó là “Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” và “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.

Với tinh thần chung tay phát triển nền giáo dục nước nhà, các dòng tu đều mở các trường mầm non tư thục, đội ngũ giáo viên đầy tinh thần nhiệt huyết, chuyên sâu, được phụ huynh tin tưởng, yên tâm. Theo ghi nhận, đến nay có 1.548 cơ sở giáo dục tư thục (nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương) của Công giáo, chủ yếu do các dòng tu đảm nhận. Các cơ sở này đều hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: người nghèo, người lớn khuyết tật và tâm thần; trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi; người cao tuổi không nơi nương tựa; người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong; nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác không phân biệt lương, giáo với tinh thần “mến Chúa yêu người”, “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, quan tâm việc giáo dục hướng nghiệp và tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên tham gia học tập nâng cao kiến thức để hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Nhiều dòng tu, giáo xứ như dòng Don Bosco, dòng Lasan, cộng đoàn Mai Anh tích cực mở các lớp học tình thương, chăm sóc kết hợp dạy chữ, dạy nghề cho trẻ mồ côi, trẻ đường phố, trẻ dân tộc thiểu số. Nhiều giáo xứ hình thành tổ chức khuyến học, trao học bổng cho con em có thành tích cao trong học tập; hàng năm hầu hết các giáo phận đều tổ chức “chương trình tiếp sức mùa thi”. Trường phổ cập của giáo xứ Xuân Hiệp do dòng Don Bosco tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận ở khu vực có đông dân, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Từ năm 2009, giáo xứ mở lớp phụ đạo, phổ cập, đến nay đã có trên 600 em theo học từ lớp 1 đến lớp 9, đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ, nghèo khó; 60 em (chiếm 10%) thuộc trung tâm xã hội HIV/AIDS. Giáo xứ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức để giáo dục thanh thiếu niên, như phổ cập văn hóa theo chương trình chính quy, giáo dục nhân bản; giáo dục văn thể mỹ, kỹ năng sống, giáo dục đạo đức. Học sinh lớp 9 được giáo dục hướng nghiệp, giáo xứ mời giáo viên về dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công tác giáo dục cho trẻ em tự kỷ cũng được các dòng tu quan tâm. Năm 2009, dòng Phaolô Thành phố Hồ Chí Minh lập trung tâm Trúc Linh dạy trẻ em tự kỷ và huấn luyện giáo viên dạy trẻ em tự kỷ. Cho đến nay đã có 534 trẻ tự kỷ ở Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành trong cả nước đến thăm khám, trong đó 437 em nhập học, 305 em ra trường lúc 6 tuổi. Việc dạy trẻ tự kỷ của trung tâm đạt hiệu quả rõ rệt, 80% trẻ em nói được, 296 phụ huynh tham gia tập huấn và 40 giáo viên được đào tạo kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ2.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội được các dòng tu tích cực tham gia đào tạo nghề, kết hợp với giáo dục phổ thông. Hiện nay có 52 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trên tổng số 12 trường dạy nghề của các tôn giáo, do Công giáo đảm nhận (chiếm 91,67%), gồm 1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề và 8 trung tâm dạy nghề3. Don Bosco là dòng tham gia tích cực trong lĩnh vực giáo dục kết hợp với dạy nghề. Với tôn chỉ giáo dục trẻ có ích cho xã hội, dòng ưu tiên quan tâm giáo dục và đào tạo những em nghèo, kém may mắn, vô gia cư. Dòng Don Bosco hiện có 5 cơ sở giáo dục kết hợp với đào tạo nghề ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019 có 1.925 học viên. Đối tượng đào tạo của các cơ sở này là tất cả thanh niên, không phân biệt tôn giáo, ưu tiên cho những em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, mồ côi, người dân tộc. Những học viên chưa hoàn thành chương trình phổ thông, nhà trường tạo điều kiện để họ có thể học và thi tốt nghiệp phổ thông song song với đào tạo nghề. Có thể nói, sáng kiến mô hình “hai trong một” của các dòng tu tỏ ra có nhiều ưu điểm, đã và đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội áp dụng cho chương trình đào tạo nghề hiện nay.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe những người có hoàn cảnh khó khăn được giới Công giáo rất quan tâm. Hiện nay, cả nước có 144 trạm xá, phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, tu sĩ phụ trách; 56 cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp đăng ký hoạt động trên tổng số 113 cơ sở của các tổ chức tôn giáo (chiếm 49,55%) tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 5.000 người cao tuổi, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác, trong đó chủ yếu là trẻ em mồ côi và người khuyết tật. Nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu tổ chức các hoạt động thiện nguyện trên lĩnh vực y tế, xây dựng tủ thuốc từ thiện, tủ thuốc cơ sở bác ái, mua bảo hiểm y tế, khám bệnh phát thuốc cho những bệnh nhân nghèo không phân biệt tôn giáo; liên kết với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Người Công giáo thể hiện trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa tình thương khi các linh mục, nữ tu đang trực tiếp phục vụ tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV, nhà hưu dưỡng với “Nồi cháo tinh thương”; “Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo”; “Tủ thuốc miễn phí”, sữa uống cho người già, giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, người khuyết tật, trẻ em đường phố… góp phần vào gìn giữ và phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn phục vụ tại trại phong Di Linh, Lâm Đồng từ những năm 1950, đặc biệt phải kể đến tấm gương nữ tu Mai Thị Mậu, người đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã gắn bó cả cuộc đời phục vụ bệnh nhân bệnh phong. Bên cạnh đó còn phải kể đến bệnh viện phong Chí Linh (Hải Dương) cho các nữ tu thuộc tu hội Thánh tâm Chúa Giêsu phụ trách, tận tình giúp đỡ cho 110 bệnh nhân bệnh phong nội trú, 100 bệnh nhân ngoại trú và 10 bệnh nhân tại bệnh viện phong Quảng Yên (Quảng Ninh). Ngoài ra còn phải kể đến các nữ tu dòng Phan Sinh thừa sai phục vụ, thăm viếng, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện phong Da liễu Quy Hòa (Bình Định).

Công tác phòng, chống, chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được các giáo phận, các dòng tu đặc biệt quan tâm. Năm 2005, Mái ấm Mai Tâm tại quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) do các tu sĩ dòng Tá viên mục vụ bệnh viện và Trung tâm Mai Hoa, do các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn; Mái ấm Mai Tâm (Phú Nhuận) của Ban Mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập để chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa tại tỉnh Đồng Nai là hội dòng thánh hiến chuyên về lĩnh vực y tế, phục vụ chăm sóc bệnh nhân người nghèo không phân biệt tôn giáo. Hiện nay, Hội dòng này đang hoạt động phục vụ tại 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam với các phòng chẩn trị y học cổ truyền vật lý trị liệu. Ngoài ra, Hội dòng tham gia điều hành phòng khám nhân đạo Xuân Hòa, tham gia huấn luyện kỹ năng chăm sóc bệnh nhân cơ bản...

Hiện nay, cả nước có 635 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội do Công giáo đảm nhận. Các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục của Công giáo. Ủy ban Bác ái xã hội (Caritas) Việt Nam và Caritas ở các giáo phận, giáo xứ, các dòng tu tham gia tích cực trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội.

Theo thống kê của Caritas Việt Nam, trong năm 2018, Caritas các giáo phận đã hỗ trợ gạo và các phần ăn cho hơn 10.400 người nghèo, người dân tộc thiểu số; tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo nhân dịp lễ tết; xây dựng hơn 260 nhà tình thương; xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm học đường hỗ trợ các gia đình người dân tộc thiểu số có con em đi học.

Thực hiện dự án hỗ trợ người có HIV/AIDS, năm 2018, Caritas 26 giáo phận đã tổ chức 263 lớp tập huấn cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tổ chức chăm sóc cho người bị nhiễm HIV, đặc biệt là trẻ em, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động nhân dịp lễ tết và được đến trường đầy đủ.

Dự án hỗ trợ người khuyết tật, người bệnh phong dựa vào cộng đồng, năm 2018, Caritas các giáo phận đã tổ chức truyền thông về chương trình hỗ trợ người khuyết tật; tặng xe lăn, gậy chống cho người khuyết tật...

Các giáo phận tích cực tham gia hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Một số giáo phận tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền kêu gọi tuần dọn dẹp vệ sinh môi trường hàng năm và phát động phong trào trồng cây xanh.

Trong thời gian tới, để phát huy nguồn lực, thế mạnh vốn có của Công giáo trong hoạt động hướng đích xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, trước hết nhà nước cần tiến hành rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là luật đất đai, luật giáo dục, dạy nghề, từ thiện xã hội, nhân đạo. Mặt khác, rất cần có sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền các địa phương. Về phía Giáo hội, ngoài sự cần thiết Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục có những đường hướng chỉ đạo định hướng trong các hoạt động này, các đấng bậc chủ chăn, nhất là các vị giám mục, các linh mục, tu sĩ, dòng tu và các giáo sứ, giáo dân cần quan tâm hơn nữa trong hoạt động này. Về lâu dài, cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người tham gia trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện nhân đạo. Ngoài ra cũng cần chú trọng và chủ động tìm nguồn kinh phí đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của các lĩnh vực nêu trên. Có như vậy, chắc chắn công tác hoạt động hướng đích xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện nhân đạo của người Công giáo Việt Nam thời gian tới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Nguyễn Phú Lợi

PGS.TS, Viện Tôn giáo  và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam-Niên giám 2004, sđd, tr.243.

2. Đào Thị Đượm: Vài nét về hiện trạng, nguồn lực của Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 8/2019, tr.26.

3. Gồm các trường như: Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình thuộc Tòa giám mục Xuân Lộc; Trung tâm Dạy nghề tư thục Đà Lạt của dòng Lasan; Trung tâm Dạy nghề tư thục Đà Lạt của dòng Vinh Sơn và 4 trung tâm dạy nghề của dòng Don Bosco.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều