Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vào thực hiện đoàn kết, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam

(Mặt trận) - Trong hệ thống di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau, tư tưởng về đoàn kết, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược quan trọng trong hoạch định đường lối, chính sách đoàn kết, hợp tác quốc tế trong các thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách về tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế và vận dụng trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
 Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19. (Ảnh: giadinh.net.vn) 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết quốc tế. Những lời căn dặn của Người về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên tính thời sự, tính khoa học và thực tiễn; là cơ sở để Đảng, Nhà nước vận dụng vào thực hiện đoàn kết, ủng hộ quốc tế.

Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung rộng lớn, sâu sắc, cao đẹp, trong đó bao gồm những nội dung cơ bản là quan điểm về sự cần thiết đoàn kết quốc tế, lực lượng và hình thức tổ chức đoàn kết quốc tế, các nguyên tắc đoàn kết quốc tế. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của Việt Nam muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc và nhân loại cần lao khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, Người đã bày tỏ mong muốn đến ngày thắng lợi “Sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”1. Đó là biểu hiện truyền thống đoàn kết, thủy chung của dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước, việc phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải nhất quán coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với khu vực và thế giới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương nêu cao nguyên tắc độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ trương phát huy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc - sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh của người làm chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở sức mạnh bên trong mà tranh thủ và tận dụng sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của lực lượng bên ngoài.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Ở trong nước, từ khi xuất hiện biến chủng Delta vào cuối tháng 4/2021, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã phải căng mình chống dịch. Dịch bệnh đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân. Bối cảnh mới, đặt ra những đòi hỏi phải rút ra những bài học trong chiến lược đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào thực hiện đoàn kết, ủng hộ quốc tế cho phù hợp.

Một là, cần làm rõ mục tiêu của đoàn kết, hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay là cùng Nhân dân thế giới chiến thắng đại dịch.

Đảng, Nhà nước ta nhiều lần chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế để cùng với Nhân dân thế giới chiến thắng đại dịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong “Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đã chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này2. Tại Phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp quốc”, đã nêu rõ: để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia. Tự cường đòi hỏi chúng ta phải phát huy nội lực để có đủ năng lực ứng phó với khủng hoảng, bảo vệ người dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta giới hạn trong khuôn khổ các nỗ lực, chính sách, biện pháp cho riêng từng quốc gia. Tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia trong một thế giới toàn cầu khi các thách thức an ninh phi truyền thống vượt khỏi biên giới mọi quốc gia, trở thành vấn đề không của riêng ai. Chúng tôi đánh giá cao và mong mỏi hệ thống phát triển Liên Hợp quốc tiếp tục đồng hành, hợp tác với các quốc gia thành viên trong nỗ lực này, đáp ứng hài hòa các quan tâm, lợi ích phát triển của tất cả các quốc gia3.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm kép là phòng, chống dịch tốt ngay tại nước mình; đồng thời tích cực, chủ động hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh. Trong đó, Việt Nam đã phối hợp với các nước, vừa chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đồng thời khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Hai là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cần xác định và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách về tăng cường hợp tác đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu, Việt Nam xác định không thể đi một mình mà cần phải có sự đoàn kết, chia sẻ, phối hợp, cập nhật thông tin, kinh nghiệm chống dịch, kết quả nghiên cứu vaccine với các nước trên thế giới. Thực tế cho thấy, ngay từ những ngày đầu tiên cũng như giai đoạn căng thẳng nhất khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam đã chủ động hối thúc cộng đồng quốc tế, khu vực cùng chung tay chống lại kẻ thù chung. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đã gửi thư tới các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện Asean (AIPA) kêu gọi chung tay chống dịch Covid-19; ra Tuyên bố Chủ tịch Asean, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của Asean để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; chủ trì Hội đồng điều phối Asean để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong Asean cũng như với các đối tác để ứng phó dịch bệnh; tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao Asean - Hoa Kỳ với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch Covid-19; khởi động cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực Asean và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (Asean+3); tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao trực tuyến phong trào không liên kết về phòng, chống dịch bệnh.

Ngay từ khi dịch mới bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã sớm dự báo và có những chỉ đạo tổng thể công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược “ngoại giao vaccine”. Đó là, tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân. Với chủ trương trên, Việt Nam đã tham gia COVAX (cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine toàn cầu, được đồng sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tham gia với tư cách đối tác phân phối) từ sớm, tháng 12/2020, Việt Nam đã gửi hồ sơ cho cơ chế này đề xuất hỗ trợ vaccine. Trên cơ sở đó, COVAX đã phân bổ vắc xin và cam kết cung cấp cho Việt Nam số lượng vaccine bảo đảm tiêm chủng cho 20% dân số, tương đương với gần 39 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã có sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia hết sức quyết liệt, từ ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, kể cả thông qua các hình thức điện đàm, viết thư cho các lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận các nguồn vaccine.

Ba là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế cần nhất quán thực hiện phương châm "giúp bạn là tự giúp mình" và tinh thần chia sẻ quốc tế.

Khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, bất chấp những khó khăn trong nước, Việt Nam đã dành sự quan tâm, chia sẻ của mình hỗ trợ những bạn bè truyền thống, những nước láng giềng, các quốc gia đối tác đang căng mình chống dịch. Với sự trân trọng tình hữu nghị anh em truyền thống, Việt Nam đã tặng các nước Lào, Campuchia, Cu Ba các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus Sars-Cov-2, gạo. Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Lào, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt gắn bó keo sơn cũng như hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, Việt Nam đã cử 35 cán bộ, chuyên gia y tế như: chuyên gia về bệnh truyền nhiễm; chuyên gia chăm sóc tích cực; chuyên gia về vệ sinh khử khuẩn; chuyên gia quản lý chất thải y tế; điều dưỡng... sang hỗ trợ nước bạn.

Trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan… trong phòng, chống dịch Covid-19. Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất, giúp các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân. Giá trị các lô hàng hỗ trợ có thể không lớn nhưng đến từ sự chân thành, chia sẻ hoạn nạn rất kịp thời và được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh những viện trợ cho các nước, thì Việt Nam nhận được viện trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế. Ngay từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và xuất hiện trong nước, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của Nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Những chuyến hàng tình nghĩa đó đã giúp Nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều làn sóng dịch, góp phần vào thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, khi làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố của nước ta, cộng đồng quốc tế lại hỗ trợ hàng triệu liều vaccine, cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam. Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine phòng dịch Covid-19, Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng số 170 triệu liều vaccine đã cam kết thông qua đàm phán mua và viện trợ trong năm 2021. Về thiết bị, vật tư y tế và nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, nước ta cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Campuchia, Saudi Arabia, Mỹ, Trung Quốc...

Những sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 nêu trên là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế; thể hiện sự chia sẻ trong lúc khó khăn, quyết tâm cùng chung sức đồng lòng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động sâu sắc đến các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng và thực thi đường lối, chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Quán triệt quan điểm của Người, chúng ta tin rằng, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.618.

2. Https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/loi-keu-goi-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-gui-dong-bao-dong-chi-chien-si-ca-nuoc-va-dong-bao-ta-o-nuoc-ngoai-453738/

3. Https://dangcongsan.vn/tieu-diem/hop-tac-de-cung-nhau-som-chien-thang-dai-dich-591867.html

 Https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/viet-nam-doan-ket-voi-quoc-te-ung-pho-voi-dai-dich-covid-19/2b524662-979d-48e4-8245-96f6598f8046.

Võ Thị Hoa

TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều