Về nơi in dấu chân Người

Xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954.

Đã 66 năm trôi qua, nhưng hình ảnh của Bác vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người dân nơi đây. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân ở Kim Quan đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương, giúp xã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

 

Lán nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Kim Quan từ cuối năm 1953 đến tháng 8 năm 1954. 

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Kim Quan. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, quyết định những vấn đề quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao; lãnh đạo Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. 

Đã 66 năm trôi qua, với những người dân ở Kim Quan, hình ảnh của Bác trong những ngày Người sống và làm việc tại đây luôn in đậm trong tâm trí. Những kỷ niệm về Bác được người dân nơi đây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Ông Lương Văn Tính (73 tuổi), thôn Làng Hản, xã Kim Quan cho biết: Thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại Kim Quan, lúc đó, ông còn nhỏ. Sau này, ông được nghe bố mẹ kể lại rằng: Khi ấy, người dân trong xã không ai biết Bác là Bác Hồ đâu, chỉ biết rằng có ông cụ mặc áo nâu giản dị, gần gũi hay nói chuyện, vận động người dân trong xã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Các buổi chiều rảnh rỗi, Bác hay ngồi trên tảng đá bên bờ sông để câu cá… 

Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở Kim Quan đã đoàn kết xây dựng quê hương, đưa Kim Quan trở thành xã 135 đầu tiên của huyện Yên Sơn “về đích” nông thôn mới. 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng thôn Làng Hản - thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới ở xã Kim Quan cho biết: Điểm nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới tại thôn là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thôn có 112 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, với việc tuyên truyền, vận động nhân đẩy mạnh phát triển phát triển sản xuất, chăn nuôi như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò… thu nhập của người dân trong thôn đã được nâng lên. Năm 2018, thôn còn 18 hộ nghèo, đến nay giảm còn 7 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn chiếm khoảng 70%. 

Là hộ dân mới thoát nghèo ở thôn Làng Hản, ông Lương Xuân Túc, dân tộc Tày, chia sẻ: "Nguồn thu nhập của gia đình tôi chủ yếu là từ trồng ngô, trồng lúa và chăn nuôi trâu. Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên năng suất lúa, ngô không cao, thu nhập của gia đình thấp. Vài năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi… năng suất lúa, ngô cũng cao hơn, gia đình tôi có thêm vốn để mua thêm trâu, bò về nuôi".

Hiện gia đình ông đang trồng, cấy gần 1 mẫu ngô, lúa và nuôi 5 con trâu. Mỗi năm, từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông thu về khoảng 60 triệu đồng. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (30 triệu đồng) và số tiền tiết kiệm, gia đình ông đã xây được nhà mới khang trang và vươn lên thoát nghèo.   

 

Nhờ đẩy mạnh chăn nuôi trâu vỗ béo, gia đình ông Lương Xuân Túc, thôn Làng Hản, xã Kim Quan đã vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ở Kim Quan đã được nâng lên rõ rệt. Về Kim Quan những ngày này, sự thay đổi đã hiện rõ: Hệ thống cơ sở, hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; 100% đường ngõ xóm, trên 95% đường nội đồng đã được bê tông hóa… 

Ông Long Đình Lương, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết: Kim Quan là xã có truyền thống lịch sử, được Ban Tổ chức Trung ương bảo trợ về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Do đó, xã quyết tâm phát huy “nội, ngoại lực” hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Xã có 838 hộ dân, trong đó 89% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, trách nhiệm của bản thân, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với thế mạnh của địa phương: trồng ngô, lúa, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, gà..., qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, tạo nguồn lực thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới...

Nhờ đó, đến nay, Kim Quan đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới: 100% người dân được sử dụng điện an toàn theo yêu cầu của ngành điện; 100% thôn bản có nhà văn hóa gắn với sân thể thao; 100% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; trên 77% hộ dân có nhà ở kiên cố. Đời sống kinh tế của người dân đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,04%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm… 

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Lương cho biết: Xây dựng nông thôn mới là chương trình đòi hỏi tính đồng bộ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, do đó phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của các cấp các ngành và nhân dân.

Quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng với từng tổ chức, cá nhân, việc lãnh đạo chỉ đạo phải có nhiều giải pháp và có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Ngoài ra, địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”; làm tốt công tác kiểm tra giám sát nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương... 

 

Trụ sở làm việc xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang trong quá trình hoàn thiện.

Thời gian tới, xã Kim Quan sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các cơ quan chức năng tiếp tục vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập; phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với việc thực hiện Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”.

Cùng với đó, xã sẽ đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp, bố trí nơi ở gọn gàng, ngăn nắp, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, hộ mẫu, thôn mẫu đường mẫu; xây dựng ba công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp... 

Xã Kim Quan phấn đấu đến hết năm 2020, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Vũ Quang Đán (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều